Công bố Tuyên ngôn chung kết và kết thúc Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo

 

Công bố Tuyên ngôn chung kết và kết thúc Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáoLúc quá 4 giờ chiều, ngày 15 tháng Chín năm 2022, Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới đã kết thúc, với phần công bố Tuyên ngôn chung kết tại Tòa nhà Độc Lập, với sự hiện diện của Tổng thống, Đức Thánh cha Phanxicô và gần 100 phái đoàn đến từ 50 quốc gia.

Tuyên ngôn chung kết dài đã được đại đa số các đoàn đại biểu tôn giáo thông qua trước đó và được nữ Giám mục Anh giáo Jo Balley Wells (1965), thuộc giáo phận Dorking, thuộc phái đoàn Đức Tổng giám mục Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo tham dự hội nghị này, tuyên đọc bằng tiếng Anh.

Nội dung Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, gồm 35 điểm, các vị lãnh đạo nhấn mạnh ý chí của các tôn giáo đề ra những sáng kiến chung để xây dựng hòa bình và đối thoại, loại bỏ những thái độ cực đoan, duy căn và khủng bố. Tuyên ngôn lên án mọi loại xung đột võ trang: các xung đột này dẫn tới đổ máu vô ích, những phản ứng dây chuyền không thể lường trước được và hủy hoại những quan hệ quốc tế. Văn bản không nêu ví dụ cụ thể và không nói tới chiến tranh tại Ucraina hiện nay.

Trong ý hướng đó, Hội nghị tại Kazakhstan sẽ được mở rộng để trở thành diễn đàn đối thoại liên tôn. Để được vậy, các vị lãnh đạo tôn giáo muốn cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trên toàn thế giới. Căn bản cho công việc tương lai sẽ là Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại, đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Rabbi Ahmed al-Tayyeb ở Cairo ký kết hồi tháng Hai năm 2019.

Sau Tuyên ngôn, đến lượt Đức Thánh cha, Tổng thống và đại diện các phái đoàn tôn giáo lên tiếng nhận xét.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Trong diễn văn nhân dịp này, Đức Thánh cha nhìn nhận rằng Hội nghị này là những ngày chia sẻ khẩn trương, làm việc và dấn thân trong dấu chỉ đối thoại. Đây là điều càng quý giá trong một thời kỳ rất khó khăn, sau đại dịch, nhân loại còn phải chịu sự điên rồ của chiến tranh. Có quá nhiều oán ghét và chia rẽ, quá nhiều tình trạng thiếu đối thoại và cảm thông tha nhân. Trong một thế giới hoàn cầu hóa, điều này càng nguy hiểm và là một gương mù gương xấu… Chúng ta không thể tiến bước, vừa liên kết vừa chia rẽ, vừa nối kết và vừa xâu xé vì vì nhiều chênh lệch.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha nhận xét rằng Tuyên ngôn chung kết của hội nghị này xác quyết chủ nghĩa thái quá, cực đoan, nạn khủng bố và những thứ xách động khác xúi giục oán ghét, đố kỵ, bạo lực và chiến tranh, bất kỳ vì động lực hoặc mục tiêu nào, chẳng có gì liên hệ với tinh thần tôn giáo chân chính và cần loại bỏ chúng một cách quyết liệt bao nhiêu có thể (n.5). Ngoài ra, vì Đấng Toàn Năng đã sáng tạo mọi người bình đẳng, bất luận họ thuộc tôn giáo, chủng tộc và xã hội nào, chúng ta đã đồng ý với nhau khẳng định rằng sự tôn trọng và cảm thông nhau phải được coi là điều thiết yếu và không thể tách rời khỏi giáo huấn tôn giáo (n.13).

Tự do tôn giáo

Đức Thánh cha ca ngợi Kazakhstan, qua quốc kỳ của mình, nhắc nhở sự cần thiết phải bảo tồn một tương quan lành mạnh giữa chính trị và tôn giáo. Con phượng hoàng màu vàng trên lá cờ, nhắc nhở quyền bính trần thế, gợi lại những đế quốc xưa kia, nền xanh dương gợi lại trời cao, sự siêu việt. Vì thế có một liên hệ lành mạnh giữa chính trị và siêu việt, sự sống chung lành mạnh, phân biệt lãnh vực khác nhau. Phân biệt chứ không lẫn lộn, và cũng chẳng phải là tách biệt xa cách.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha bênh vực tự do tôn giáo và chống lại chủ trương “đẩy lùi và đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư: cần luôn luôn bảo vệ tại mọi nơi những người muốn biểu lộ một cách hợp pháp tín ngưỡng của họ. Trong thực tế, ngày nay bao nhiêu người vẫn còn bị bách hại và kỳ thị vì tín ngưỡng của họ! Chúng ta đã mạnh mẽ kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trợ giúp các nhóm tôn giáo và các cộng đoàn sắc tộc bị vi phạm các nhân quyền và những tự do căn bản của họ. Họ phải chịu những bạo lực do những thành phần cực đoan và khủng bố, cũng như những hậu quả chiến tranh và xung đột võ trang (n.6). Nhất là cần dấn thân để tự do tôn giáo không phải là một ý niệm trừu tượng, trái lại đó là một quyền cụ thể. Chúng ta bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho mọi người, quyền hy vọng và vẻ đẹp…

Ba điều Đức Thánh cha lưu ý đặc biệt

Tiếp tục nhận định về bản Tuyên ngôn chung của Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo, Đức Thánh cha đặc biệt lưu ý về ba điều:

Trước tiên là hòa bình

Ngài nói:

“Tổng hợp thứ nhất là một tiếng kêu thống thiết, một giấc mơ và là mục đích hành trình của chúng ta, đó là hòa bình. Hòa bình là điều cấp thiết vì bất kỳ xung đột quân sự hoặc lò căng thẳng và đụng độ nào trên thế giới ngày nay chỉ có thể tạo nên một thứ hậu quả dây chuyền (domino), lôi kéo nhau và làm thương tổn trầm trọng hệ thống các liên hệ quốc tế (n.4). Hòa bình không phải là vắng bóng chiến tranh, và cũng không thể thu hẹp vào sự quân bình giữa các lực lượng đối nghịch, nhưng là một công trình của công lý (GS 78). Nó nảy sinh từ huynh đệ, tăng trưởng qua cuộc chiến đấu chống bất công và chênh lệch, tình huynh đệ này được xây dựng khi giơ tay cho người khác. Tất cả chúng ta xác tín rằng cần phải đi hàng đầu trong việc phổ biến sự sống chung hòa bình. Chúng ta phải làm chứng, rao giảng và khẩn cầu sự sống chung như thế. Chúng ta, nhân danh Thiên Chúa và vì thiện ích của nhân loại, chúng ta kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới hãy ngưng các cuộc xung đột và đổ máu ở mọi nơi, từ bỏ những luận điệu hung hăng, và phá hoại” (n.7).

Thứ hai là phụ nữ

Đức Thánh cha nêu nhận xét: Sở dĩ thiếu hòa bình là vì thiếu quan tâm, dịu dàng, khả năng sinh ra sự sống. Vì thế, hòa bình cần phải tìm kiếm với sự can dự nhiều hơn của nữ giới. Vì phụ nữ chăm sóc và mang lại sự sống cho thế giới: đó là con đường dẫn đến hòa bình. Vì thế, chúng ta đã xác quyết cần phải bảo vệ phẩm giá, cải tiến vị thế xã hội của phụ nữ trong tư cách là thành phần đồng quyền của gia đình và xã hội (n.24). Cần dành cho phụ nữ những vai trò và trách nhiệm lớn hơn. Bao nhiều chọn lựa chết chóc có thể tránh được nếu phụ nữ ở trung tâm những quyết định…

Sau cùng là người trẻ

Họ là những sứ giả hòa bình và hiệp nhất ngày nay cũng như ngày mai. Chính những người trẻ, nhiều hơn những người khác, đã kêu cầu hòa bình và tôn trọng căn nhà chung của thiên nhiên. Trái lại, những chủ trương thống trị và bóc lột, vơ vét tài nguyên, quốc gia chủ nghĩa, chiến tranh và những vùng ảnh hưởng gợi lại một thế giới cũ mà người trẻ phủ nhận, một thế giới khép kín đối với những giấc mơ và hy vọng của người trẻ. Vì thế, cả lòng đạo đức cứng nhắc và làm ngộp thở không thuộc về tương lai, nhưng thuộc về quá khứ.

Trong lãnh vực này, Đức Thánh cha khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục củng cố sự đón nhận nhau và sống chung trong sự tôn trọng giữa các tôn giáo và văn hóa (Xc n.11).

Sau diễn văn của Đức Thánh cha, Tổng thống Kazakhstan và các vị lãnh đạo tôn giáo khác: Hồi giáo, Chính thống, Do thái và các vị khác lần lượt lên tiếng trình bày những nhận định. Sau cùng, Tổng thống tuyên bố kết thúc hội nghị.

Bấy giờ là quá 5 giờ chiều, giờ địa phương. Các lễ nghi từ biệt được thu ngắn tối đa và Đức Thánh cha ra phi trường Nur-Sultan, cách đó gần 18 cây số để đáp máy bay về Roma.

Vẫn máy bay Ita Airways của Ý chở Đức Thánh cha, đoàn tùy tùng và 80 ký giả quốc tế trở về Roma. Chuyến bay dài 7 tiếng 30 phút và Đức Thánh cha về đến Roma vào khoảng 8 giờ 30 tối giờ địa phương, kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 38 của ngài ở nước ngoài.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA