Tháng 8 hằng năm là mùa mưa ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ cho các môn sinh của Thánh Đaminh tại Việt Nam: Mừng lễ Thánh tổ phụ, các lễ khấn Dòng, lễ truyền chức linh mục, các lễ Tạ ơn. Đặc biệt năm nay 2022, lần đầu tiên tại nhà thờ thánh Đaminh – Ba Chuông, ngày 19.8, 2 sự kiện lớn của hai cha Phanxicô Xavie được cử hành trong 1 thánh lễ: Tạ ơn mừng kỷ niệm 25 năm linh mục của cha PX. Đào Trung Hiệu và 50 năm khấn Dòng của cha PX. Nguyễn Văn Nhứt.
Thánh lễ khởi sự lúc 10g00 : Đoàn đồng tế 27 linh mục sang trọng trong lễ phục vàng và thầy sáu tiến vào nhà thờ trong niềm hân hoan hiệp dâng lời tạ ơn của cộng đoàn đông đảo, là linh tông, huyết tộc của hai cha; là các thầy, các sơ từ các lớp trong các học viện, dòng tu; là lớp Giáo huấn xã hội công giáo, ca đoàn Thánh Linh, cựu học sinh trường Saint Thomas; là các cộng tác viên, thân hữu lâu năm của hai cha..
Khởi đầu Thánh lễ, cha chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh nói lời chào đón và cám ơn mọi người đã về đây tham dự ngày hồng phúc của hai cha Phanxicô. Đây là niềm vui lớn lao, hồng phúc của tu viện và giáo xứ được tổ chức ngày lễ. Cha giới thiệu cha PX. Đào Trung Hiệu, nguyên bề trên chánh xứ, là chủ tế Thánh lễ.
Phần giảng lễ được trao cho cha Giuse Phạm Quốc Văn, tu viện trưởng Mai Khôi. Với sự khiêm tốn, cha nhận mình rất vinh dự chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ Tạ ơn của hai người anh cũng là hai người thầy của mình trong đời sống tu trì. Có duyên ăn nói, nhà giảng thuyết cho cộng đoàn thấy những phát hiện thú vị là hai cha có nhiều điểm tương đồng.
Thứ nhất, đó là hai mái đầu bạc. Nói cho văn vẻ là tóc muối tiêu, nhưng xem ra muối nhiều hơn tiêu. Muối nhiều hơn tiêu vì mỏi mòn chờ đợi, chờ đợi “ như lính canh mong đợi hừng đông …”; muối nhiều hơn tiêu vì chấp nhận hao mòn để Lời Chúa vang xa.
Điểm tương đồng thứ hai: tu viện có nhiều cha mà chỉ hai cha cùng chọn thánh Phanxicô Xavie làm bổn mạng và hai cha chọn cùng ngày Tạ ơn hôm nay. Thánh Phanxicô là vị tông đồ vĩ đại, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng, đã làm cho biết bao người trong vùng Á Đông nầy trở thành môn đệ Chúa bằng lời giảng và phép Rửa.
Thứ ba, hai cha giống nhau trong việc chia sẻ ơn gọi của người giảng thuyết. Đặc biệt, trong vai trò là giáo sư giảng dạy nơi các học viện và chủng viện; đã nổi lửa lên trong lòng nhiều thế hệ học trò lửa yêu mến đời sống thánh hiến.
Điểm tương đồng thứ tư : hai cha là những nhạc sĩ, sáng tác nhiều bài hay hay. Cha PX. Nguyễn Văn Nhứt có bút danh Đan Trinh. Cha PX. Đào Trung hiệu với bút danh Đào Trung đã sáng tác nhiều bài thánh ca và bài ca sinh hoạt. Các thầy, các sơ biết nhiều bài hát của hai cha.
Ngoài những điểm tương đồng quan sát được bên ngoài. Dưới ánh sáng Lời Chúa, cha giảng thuyết còn cho thấy những điểm tương đồng khác nằm ở bên trong. Cà hai vị đàn anh nầy là những người được gọi để trở thành những ngôn sứ loan báo Tin Mừng. Bài đọc thứ 1 diễn tả sứ mạng của ngôn sứ Isaia là ra đi để công bố Tin Mừng cho muôn dân. Ngôn sứ chỉ loan tin buồn thì đáng buồn. Ngôn sứ của Chúa phải là tông đồ của niềm vui chứ không phải tin buồn. Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các tu si trong Năm đời sống Thánh hiến: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Người tu sĩ là ngôn sứ của Chúa sống với niềm vui. Vui vì gặp gỡ Lời Chúa trong cuộc sống, vui bất tận vì có Chúa ở với minh, vì có Chúa trời đất là gia nghiệp.
Hai cha được tuyển chọn để làm ngôn sứ, ngôn sứ trong linh đạo Đaminh, mỗi ngày chấp nhận hao mòn bản thân để cộng tác với ơn Chúa làm cho Lời Chúa vang xa. Gặp gỡ hai cha mới thấy nơi các ngài là ngôn sứ của niềm vui, lan tỏa niềm tin yêu và hy vọng.
Người kitô hữu bởi phép Thánh tẩy đã trở thành ngôn sứ, mang lấy sứ mạng ngôn sứ, trở thành môn đệ Đức Kitô . Tuy có khác biệt về bậc sống nhưng đều chung chia sứ mạng loan báo Tin Mừng; loan báo bằng lời nói, bằng những chọn lựa và đặt các giá trị của Tin Mừng trên tất cả các giá trị khác trong cuộc sống thường ngày.
Chúng ta tạ ơn Chúa cho hai cha vì biết bao ơn lành Chúa đã ban cho hai cha trong ơn gọi linh mục-tu sĩ . Chúa đã ban qua cha mẹ, nhà dòng để giáo dục, rèn luyện hai cha. Chúa đã ban qua các thân nhân, ân nhân và ngay cả qua những người không hài lòng, phê phán về hai cha vì nhờ đó giúp người môn đệ Đức Kitô ý thức được các hạn chế của bản thân và cậy trông vào ơn sủng của Chúa hơn là sức riêng của mình.
Và có một ngày những nốt nhạc của nhạc sĩ viết nhạc sẽ lạc điệu, những lời giảng trên bục giảng sẽ rời rạc, cung đàn sẽ lỗi nhịp. Thời gian giết dần mòn tâm trí và thể xác. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại lòng mến dành cho Thiên Chúa và tình yêu đọng lại trong con tim. Hành trang tiến về vương quốc mai hậu là cuộc hiến tế hằng ngày bằng những hy sinh, hao mòn vì Tin Mừng. Trong thân phận con người, không ai sinh ra đã là thánh, những khiếm khuyết bất toàn vẫn theo đuổi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, cho nên rất cần những lời cầu nguyện và cảm thông nhất là lúc tuổi già, nói trước quên sau, vụng về ứng xử.
Rồi có một ngày những cánh hạc sẽ bay về miền viễn xứ mang theo lời ca yêu thương bất tận.
Cộng đoàn vui thỏa với bài giảng lễ của Cha Giuse, bài giảng xứng tầm với ngày lễ lớn hôm nay. Cuối Thánh lễ, cha PX. Nguyễn Văn Nhứt nói lời cám ơn Tỉnh dòng, cha chánh xứ, cha giảng lễ, cha quản lý tu viện, quí ân nhân, hội đồng mục vụ, cộng đoàn, ca đoàn… Tưởng nhớ và tri ân các bậc sinh thành và các cha giáo giờ đây đã khuất bóng.
Ơn gọi của hai cha được ươm mầm trong gia đình đạo đức truyền thống, có nền giáo dục nhân bản tốt. Như lời của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận: “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không có vị giám đốc tài ba nào có thể thay thế cha mẹ được” (ĐHV 506).
Cha PX. Nguyễn Văn Nhứt 50 năm khấn dòng, mới 23 năm linh mục, bởi thế tâm tình ngài của ngài trong bao năm chờ đợi là “ Hồn tôi trông chờ Chúa hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130,6). Câu phương châm nầy được treo phía sau cung thánh. Cha không mệt mỏi mở các lớp Giáo huấn xã hội công giáo, giảng dạy các Thông điệp, Tông huấn; các tài liệu giáo lý Youcat, Docat của Giáo hội… Cha phụ trách lễ tiếng Anh và tập hát cho ca đoàn lễ tiếng Anh, dạy giáo lý cho người nước ngoài. Là người trông chờ Chúa đến, nên cha luôn sẵn sàng ra đi mỗi khi được mời đi giúp kẻ liệt, xức dầu bệnh nhân, dạy giáo lý… Là nhạc sĩ có nhiều bài hát, một trong các bài được yêu thích là “Đôi măt”. Đó là đôi mắt Chúa Giê-su dõi theo Phê-rô sau khi người môn đệ yêu quí đã hèn yếu chối thầy; đôi mắt yêu thương, trách móc đã cảnh tỉnh, lay động tâm hồn Phê-rô và người tông đồ trưởng đã khóc lóc, ăn năn.
Cha Đào Trung Hiệu với phương châm “Hạt giống phải gieo xuống mới sinh hoa kết quả” (Thánh Đaminh). Câu nầy được treo cao ở bên phải cung thánh.Như hạt giống phải tiêu hao ở trong lòng đất, cha sẵn sàng hao mòn sức lực đi khắp nơi để chia sẻ Lời Chúa, lời chân lý và vì tấm lòng mục tử cha dám quyết đoán những điều các vị khác chưa chắc dám làm. Là nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Giáo hội công giáo nhiều nơi, mỗi năm cha dành 3 tháng để đi “đánh bắt xa bờ”, ra dạy tại các giáo phận miền bắc. Bài “ Không ai là một hòn đảo” là một thể hiện về tính cách hòa đồng, cởi mở, dễ tính của cha, được một nhóm học trò của ngài đồng ca trong buổi liên hoan. Cha PX. Hiệu năm nay đã 47 năm khấn dòng, chúng ta chờ 3 năm nữa để mừng kim khánh. Cha PX. Nhứt đến năm 2024 mừng lễ ngân khánh linh mục.
Cộng đoàn Dân Chúa tham dự ngày lễ hôm nay với muôn tiếng chúc mừng hai cha và với tâm tình tạ ơn Chúa cùng với hai cha trong bài thánh ca kết lễ “ Xin dâng lời cám tạ hồng ân Thiên Chúa bao la, xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên. Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con xin dâng lời cảm tạ. Cho đời con vững một niểm tin..Con ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời..”
Gioan Lê Cần