“Khoảng 8g30 sáng 28/6/2022, tại đường 16/4 (TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm làm em Hồ Hoàng Anh 18 tuổi, nữ sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tử vong sau đó ít phút.
Em Hồ Hoàng Anh đi xe gắn máy hiệu Dream (đi đúng làn đường dành cho xe gắn máy), còn xe ô tô 7 chỗ do một cán bộ (thuộc Trung đoàn không quân 937 cầm lái), cả hai xe đi song song cùng chiều.
Tài xế xe ô tô 7 chỗ quẹo phải vào ngân hàng nhưng không quan sát kỹ, không thấy mở đèn xi nhan trước khi rẽ phải đã làm em Hồ Hoàng Anh đâm vào bên phải của xe ô tô. Cú tông này đã làm em Hồ Hoàng Anh bay về phía trước, đập đầu xuống lề đường, va vào cây trụ đèn gần đó, nằm bất động tại chỗ.”
Được biết. em vừa đạt IELTS 7,5 trúng tuyển vào HVNG và một Trường ĐH… Ngoài ra, em cũng được học bổng của một trường nước ngoài và gia đình đã lên kế hoạch cho em đi du học.” (nguồn: internet)
Sự kiện nêu trên, quả là một câu chuyện buồn. Câu chuyện buồn này gợi cho chúng ta nhớ tới lời người xưa: “thế gian ai học được chữ ngờ”. Vâng, có ai ngờ rằng, cái ngày 28/06 vừa qua, lại là ngày định mệnh của em. Có ai ngờ rằng, cái ngày hôm ấy, lại là ngày tang tóc cho gia đình của em.
Khi nói tới chữ “ngờ’, trong dân gian cũng có lời thơ, rằng: “Ai ơi nhớ lấy vài điều; Dù hay, dù giỏi… không qua chữ NGỜ. Chữ NGỜ luôn nhớ trong lòng; Trước sau cẩn trọng, đục trong khó lường.” Chữ NGỜ… Vâng, đó cũng là đề tài được Đức Giê-su nói đến rất nhiều trong những ngày Ngài còn tại thế.
Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ biết vai trò và sứ mạng của Ngài “đến thế gian… là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”, nhưng Ngài còn cho các ông biết đến một sự kiện sẽ xảy ra, sự kiện sẽ có một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (Mt 24, 30-31).
Ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” sẽ là một ngày “anh em không ngờ.” Đức Giê-su đã cảnh báo như thế. Một lời cảnh báo không khỏi làm “thót tim” các môn đệ. Thế nhưng, như một người Mục Tử nhân lành, Đức Giê-su đã có những lời trấn an rất chân tình với các môn đệ. Ngài trấn an rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (x.Lc 12, 32)
“Sợ” luôn là một phần trong cuộc sống. Và, hồi ấy, Đức Giê-su đã hóa giải nỗi sợ “không” được Thiên Chúa tuyển chọn (như lời Ngài đã tuyên phán) qua lời truyền dạy, rằng: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.” Cuối cùng, Ngài lý giải với các môn đệ rằng: “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”
Đức Giê-su không chỉ lý giải điều hệ trọng (được Thiên Chúa tuyển chọn) qua lời nói, nhưng Ngài còn hướng dẫn các môn đệ việc phải làm. Việc phải làm, đó là phải-sẵn-sàng, sẵn sàng như một người đầy tớ chờ chủ về.
Vâng, hôm ấy, người Mục Tử Giê-su đã truyền dạy rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12, 35-36)
Lời truyền dạy này, đối với chúng ta hôm nay, có vẻ như khó hiểu. Thế nhưng, với người Do Thái nói chung, và các môn đệ nói riêng, thì đây lại là một lời truyền dạy đầy ý nghĩa.
Rất ý nghĩa và chúng ta hãy nghe lời giải thích. Nói tới hãy-thắt-lưng-cho-gọn, là nói tới hình ảnh của một người chiến binh, một người chiến binh nai nịt vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Đây là một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hình dung ra được. Cha ông họ đã trải qua biết bao cuộc chiến đấu để bảo vệ giống nòi. Thế nên, nói đến hãy thắt lưng cho gọn, các môn đệ chẳng có lý do gì không hiểu.
Còn việc thắp-đèn-cho-sẵn thì sao nhỉ! Vâng, để hiểu lời truyền dạy này, chúng ta nghe tiếp lời Đức Giê-su nói. Hôm ấy, Ngài nói tiếp rằng: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ… Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”
Canh hai hoặc canh ba chẳng phải là trời còn tối, sao! Thế thì lời khuyên thắp-đèn-cho-sẵn có gì để chúng ta ngạc nhiên!
Khẳng định lúc đó trời còn tối, vì người Do Thái tính giờ cũng không khác Việt Nam của chúng ta là mấy. Việt Nam ngày xưa, tính “đêm năm canh ngày sáu khắc”. Còn người Do Thái ư! Vâng, họ tính hơi khác chúng ta, “bốn canh đêm và bốn canh ngày”. Vào ban đêm, canh thứ nhất bắt đầu từ lúc hoàng hôn đến 9 giờ khuya; canh thứ hai từ lúc 9 giờ khuya đến nửa đêm, canh thứ ba từ nửa đêm đến 3 giờ sáng; và canh thứ tư từ 3 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc” (nguồn: internet).
Hôm đó, sau những lời truyền dạy, Đức Giê-su kết thúc với lời khuyến cáo: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (x.Lc 12, 39-40)
Có thể kết luận rằng, qua câu chuyện này, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ, (và ngày nay là cho chúng ta), một bài học, bài học rằng, những gì gọi là bất ngờ (hay) không ngờ, sẽ không còn là bất ngờ (hay) không ngờ, nếu chúng ta “tỉnh thức và sẵn sàng”.
Những lời Đức Giê-su truyền dạy (nêu trên) đã được công bố hơn hai ngàn năm. Và có chậm hiểu cách mấy, thì cũng phải nhìn nhận, đó là lời Ngài truyền dạy cho các môn đệ ngày xưa và cũng là cho chúng ta, hôm nay.
Ấy thế mà, có một người, người đó là tông đồ Phê-rô, đã thắc mắc và hỏi Đức Giê-su rằng: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Thiệt-là-cái-tình! (Xin lỗi! A. Huy Đức cho mình mượn lời nói này của anh nha!)
Cứ sự thường, sau mỗi lần nói về một dụ ngôn nào đó, Đức Giê-su luôn có lời giải thích. Nhưng hôm nay, hôm nay Ngài đã không có lời giải thích đối với dụ ngôn này. Tại sao? Thưa, ý nghĩa quá rõ ràng. “Ông chủ” là ai nếu không là Đức Giê-su! Người đầy tớ là ai, nếu không là các môn đệ (và cũng là chúng ta hôm nay)! Thế thì, đâu cần có câu trả lời cho tông đồ Phê-rô!
Vâng, chúng ta không cần để ý đến câu trả lời. Nhưng chúng ta cần “để ý’ đến những câu hỏi sau đó của Đức Giê-su. Ngài hỏi rằng: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”
Câu hỏi này hay nha! Hay ở chỗ nào? Thưa, ở chỗ Đức Giê-su cho người đầy tớ này một “chức vụ”. Vâng, đó là chức vụ quản gia. Đức Giê-su đã đặt vào tay người đầy tớ một nhiệm vụ mới, anh ta bây giờ không chỉ là một anh gác cửa, nhưng còn được giao trọng trách là người quản gia. Anh ta không chỉ ngồi đó chờ chủ về để mở cửa, nhưng còn phải làm tròn trách nhiệm “coi sóc”.
Vâng, thật tuyệt vời cho câu chuyện hôm nay. Thật tuyệt vời về lời Đức Giê-su khuyến cáo, phải “sẵn sàng và tỉnh thức”. Và, càng tuyệt vời hơn khi Ngài nói đến “trách nhiệm” của một người quản gia, phải “coi sóc kẻ ăn người ở”, như thế nào.
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ mất đi sự tuyệt vời này, nếu chúng ta không tự đặt mình vào vai trò là người quản gia của Chúa. Nói dễ hiểu hơn, là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta cũng là người quản gia của Đức Giê-su.
Sao! Hả! Chúng ta không muốn làm quản gia của Đức Giê-su ư! Vậy thì ai sẽ là người “coi sóc” Giáo Hội của Ngài! Ai sẽ là người coi sóc đàn chiên của Ngài!
Đã là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta phải là người quản gia “coi sóc kẻ ăn người ở”. Kẻ ăn người ở, đó là giáo dân, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Kẻ ăn người ở, đó là gia đình, là con cái, nếu chúng ta là cha, là mẹ.
Mỗi chúng ta phải “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Phần thóc gạo mà chúng ta cấp, đó là những bài giảng trong thánh lễ, đó là việc ban các phép Bí Tích, đó là thóc-gạo-Lời-Chúa, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Phần thóc gạo mà chúng ta cấp, đó là giáo dục con cái, lo cho gia đình có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nếu chúng ta là cha, là mẹ.
Nếu mỗi chúng ta làm tròn những phần việc nêu trên, người đó mới có thể được nhìn nhận là người quản gia trung tín, và hơn thế nữa, như lời Đức Giê-su nói: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta”.
Chớ dại dột nghĩ rằng: “Chủ ta còn lâu mới về…” Vâng, về điều này, ngày nay không ít người vượt lên cả thẩm quyền của “Chủ”, vượt lên cả thẩm quyền của Chúa. Họ ngạo mạn ấn định ngày-giờ-Chủ-về. Nói rõ hơn, họ ấn định ngày Con-Người-sẽ-đến.
Có người còn dám ấn định luôn cả “Ngày tận thế”. Thật vậy, dựa vào một số nguồn tin trên cộng đồng mạng, chúng ta được biết, đã có một “ông thần” (không tiện nêu tên ở đây) là một Ki-tô hữu đàng hoàng nha, thế mà lại từng tuyên bố sẽ cho nước này, nước nọ nếm mùi ngày tận thế! Thật là hết biết.
Chớ có hành động như thế, với loại người này, Đức Giê-su cảnh báo rằng: “ông (chủ) sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín”. (Lc 12,…46)
Vâng, là phàm nhân đầy yếu đuối, có phần chắc chúng ta sẽ có đôi lúc không làm tròn trách nhiệm người quản gia mà Chúa giao phó. Sẽ có đôi lúc chúng ta “ngã lòng”, khi phải chờ đợi ngày “Con Người sẽ đến”, quá lâu. Sẽ có đôi lúc chúng ta nản chí, khi chung quanh chúng ta chỉ thấy “phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn, chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian” (Tv 12, 9)
Đừng ngã lòng và đừng nản chí. Hãy đến bên thánh giá Đức Ki-tô mà khẩn nguyện, van xin: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảng mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày?” (x.Tv 13, 1-2)
Hãy ghi khắc trong con tim mình lời khuyên của thánh Gia-cô-bê: “Thưa anh em, xin anh em hãy kiên nhẫn cho đến ngày Chúa quang lâm. Kìa, xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá, họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5, 7-8)
Hoàn cảnh chờ đợi của chúng ta không phải là hoàn cảnh của một tử tù chờ ngày hành quyết. Người tử tù đó bắt buộc phải “chờ đợi” ngày hành quyết, chờ đợi trong tuyệt vọng. Chúng ta khác hẳn. Chúng ta sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa sẽ đến vì biết rằng Người sẽ thực hiện lời hứa, hứa ban cho chúng ta sự sống vĩnh cữu vào đúng thời điểm tốt nhất.
Do vậy, không có gì ngăn cản chúng ta “chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng” (x.Cl 1, 11-12) Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều tấm gương kiên nhẫn, kiên nhẫn trong nghịch cảnh như: Áp-ra-ham, Giu-se, David v.v…
Thiên Chúa không đòi chúng ta kiên nhẫn nếu Người không sẵn sàng kiên nhẫn. Về điều này tông đồ Phê-rô khẳng định: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3, 9)
Thiên Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta hãy kiên nhẫn chờ ngày “Con Người sẽ đến”. Nhờ sự kiên nhẫn trong đức tin, chúng ta sẽ không sợ đến “thót tim” khi bất ngờ Con-Người-sẽ-đến. Điều chúng ta phải sợ, đó là sợ kém lòng tin. Vâng, hãy sợ mình kém lòng tin.
Petrus.tran