Đức Thánh cha Phanxicô khuyến khích giới truyền thông Công giáo thế giới giúp quần chúng phân biệt chân-giả trong lãnh vực truyền thông kỹ thuật số ngày nay, đồng thời phục vụ sự đối thoại và cảm thông giữa các cá nhân và cộng đoàn để xây dựng sự sống chung hòa bình.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp công bố hôm 18 tháng Bảy vừa qua, gửi các tham dự viên Đại hội của Hiệp hội các giới truyền thông Công giáo thế giới, nhóm tại Hán Thành, thủ đô Hàn Quốc, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng Tám tới đây, về chủ đề: “Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số”.
Hiệp hội này mang tên là “SIGNIS”, được thành lập hồi tháng Mười Một năm 2001, qui tụ tất cả các ngành truyền thông Công giáo, từ báo chí, tới phát thanh, truyền hình, điện ảnh, Internet và các kỹ thuật truyền thông mới. Hiệp hội này được Tòa Thánh chính thực nhìn nhận.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận xét rằng đề tài được chọn cho Đại hội lần này, “Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số” rất thích hợp, “giữa lúc bạo lực và gây hấn bộc phát trong thời gian này trên thế giới. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong những thập niên gần đây đã chứng tỏ là những phương thế mạnh mẽ để thăng tiến hiệp thông và đối thoại trong gia đình nhân loại”, như thí dụ cụ thể trong thời kỳ bị cách ly vì đại dịch mới đây.
“Nhưng đồng thời việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, đặc biệt là các mạng xã hội cũng tạo nên những vấn đề luân lý đạo đức nghiêm trọng, đòi hỏi các nhà truyền thông cũng như tất cả những ai quan tâm đến những sự chân thực và chất lượng những quan hệ của con người, cần có những phán đoán khôn ngoan và phân định. Nhiều khi và tại một số nơi, các phương tiện truyền thống trở thành những nơi ô nhiễm độc hại, những nơi phổ biến những xách động oán ghét và tin giả.”
Đức Thánh cha viết: Trong bối cảnh đó, “với đại hội sắp tới, tổ chức SIGNIS có thể giữ một vai trò quan trọng qua việc giáo dục qua truyền thông, liên kết các phương tiện Công giáo và chống lại những dối trá và tin tức xuyên tạc. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong những nỗ lực ấy, đặc biệt quan tâm đến nhu cầu cần giúp đỡ dân chúng, đặc biệt những người trẻ, phát triển một cảm thức phê bình lành mạnh, học cách phân biệt chân giả, phải và trái, điều thiện và điều ác, cũng như đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động cho công bằng, hòa hợp xã hội và tôn trọng căn nhà chung của chúng ta. Tôi cũng khích lệ anh chị em để ý đến nhiều cộng đoàn trên thế giới còn bị gạt bỏ khỏi không gian kỹ thuật số, coi sự bao gồm kỹ thuật số mà một ưu tiên trong kế hoạch tổ chức của anh chị em. Làm như thế, anh chị em đóng góp nhiều vào việc phổ biến nền văn hóa hòa bình, dựa trên sự thật của Tin mừng”.
(Sala Stampa 18-7-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA