Chúng ta là người phát quang lộ trình…

 

Chúng ta là người phát quang lộ trình…Tin và theo Chúa, đó là sự tự nguyện. Gọi là tự nguyện, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những điều kiện nhất định.  Thì đây, như chúng ta được biết, đi tu là sự tự nguyện, nhưng điều kiện tiên quyết  người tu sĩ phải thực hiện, đó là  sống đời sống độc thân.

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, có rất nhiều người tin và đi theo Ngài. Họ đã đi theo Ngài và chấp nhận những điều kiện Ngài đưa ra. Cũng có người tin nhưng không đi theo Đức Giê-su. Không đi theo Đức Giê-su, vì điều kiện Ngài đưa ra khó “nuốt” đối với họ.

Điều kiện theo Đức Giê-su là gì? Thưa, Đức Giê-su có lời truyền rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…” (x.Lc 9, 23)

Phải-từ-bỏ-chính-mình, và đã có người từ bỏ. Những người đầu tiên thực hiện điều kiện này chính là bốn chàng ngư phủ: An-rê, Si-mon cũng gọi là Phê-rô, Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Bốn vị này, khi nghe Đức Giê-su bảo: “các anh hãy theo tôi”, lập tức các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. (x.Lc 5, 11)

Phải-từ-bỏ-chính-mình. Nói thì dễ nghe, nhưng thực hiện không dễ dàng chút nào. Mà, đúng là vậy. Vào thời Đức Giê-su, có một chàng thanh niên  đã tìm đến với Ngài và ngỏ lời rằng, “tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời”. Thế nhưng, thật đáng tiếc, khi vừa nghe Đức Giêsu nói lên điều kiện, điều kiện rằng: “hãy đi bán tài sản của  anh mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Thiệt tình, khi anh ta nghe điều kiện đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”

Bỏ đi… rất nhiều người ngày xưa cũng như ngày nay, đã bỏ đi. Bỏ đi vì họ không hiểu rằng, những điều kiện Đức Giê-su yêu cầu không ngoài mục đích là để con người không còn vấn vương bụi trần và nhờ đó sẽ theo Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.”

Điều kiện từ-bỏ-mọi-sự còn đem lại cho người theo Chúa một cuộc sống “an nhiên tự tại”, một cuộc sống thư thái, vui vẻ, không âu lo buồn phiền trước nghịch cảnh, bất chấp tình trạng xấu tốt xảy ra trong cuộc sống của mình.

Vâng, đó là sự thật. Và, Đức Giê-su đã không ngần ngại nói lên sự thật này, sự thật về một cuộc sống mà người đi theo Ngài sẽ phải đối diện, sẽ phải thể hiện trong chính cuộc sống của mình. Thánh Luca đã ghi lại sự thật mà Đức Giê-su đã nói.

**

Theo lời thánh Luca kể, thì hôm ấy “Đang khi (Đức Giê-su cùng với các môn đệ) đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.

Vâng, một lời nói thật tự tin. Thế nhưng, Đức Giê-su không vì thế mà nói lên lời hoan nghênh. Người trả lời rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Là vậy đó. Những ai đi theo Chúa sẽ phải đối diện với một cuộc sống khắc nghiệt như thế đó. Thánh Luca không nói gì về phản ứng của “kẻ thưa Người” như thế nào. Nhưng, ngài thánh sử cho chúng ta thấy sự trì hoãn của việc theo Chúa là chuyện “thường xảy ra ở huyện”.

Theo ngài Luca kể: Hôm ấy, Đức Giê-su (có) nói với một người khác rằng: “Anh hãy theo tôi”. Người ấy phản ứng làm sao nhỉ! Có giống như bốn chàng ngư phủ (nêu trên) đã “bỏ  chài lưới… bỏ thuyền… bỏ cha lại mà đi theo Người”, không? Thưa không. Người này đã trả lời rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”

Trả lời như thế là hỏng rồi. Hỏng là bởi, anh ta vi phạm điều luật thứ nhất: Thứ nhất “Thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, đúng không, thưa quý vị!

Đức Giê-su rút “thẻ vàng” ngay lập tức. Hôm ấy, Ngài bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”

“Còn anh, anh hãy đi…” không có chuyện “trốn việc quan đi ở chùa”. Đây, chúng ta hãy xem Đức Giê-su phản ứng ra sao khi có “Một người khác nữa lại nói:  Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Trời”

Đúng… Đúng quá đi chứ! Anh đã tự nguyện đi tu, tự nguyện khấn hứa sống đời sống độc thân, ấy thế mà anh cứ “ngoái lại đàng sau” muốn rằng linh mục (Công Giáo) ở thế kỷ 21 này, phải được phép lấy vợ cơ! Thế thì còn ý nghĩa gì về việc “tự là hoạn nhân vì Nước Trời”!

***

Điều kiện theo Chúa khắc nghiệt quá chăng! Thưa, Lm. Charles E . Miller có lời giải thích:  “Chúa đòi hỏi phải từ bỏ mọi sự trong đời sống thường nhật, (từ bỏ) bất cứ gì ngăn trở chúng ta trên con đường trở thành môn đệ của Người. ‘Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ’, những lời bí ẩn này không hàm ý (Đức Giê-su) phản đối việc chôn cất các thân nhân đã chết, mà Người muốn nói rằng, ai bác bỏ Người, thì, về mặt nào đó, cũng giống như những người chết bởi lẽ họ đã bác bỏ Chúa-sự-sống. Đồng thời, đây cũng là cách nói của Chúa Giêsu, rằng, chúng ta phải xác định không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”.

Tin và theo Chúa là tự nguyện. Những nhà chiêm niệm gọi đó là “ơn tự do.” Và, nói tới ơn tự do, tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa.

Chuyện kể rằng: hồi ấy, Ê-li-sa được ơn gọi làm ngôn sứ. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Tấm áo choàng của ông Ê-li-a tượng trưng cho chức vụ ngôn sứ, và ông Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa lên thay chức vụ của mình.

Với một thoáng ngập ngừng, ưu tư đến cha mẹ, ông Ê-li-sa “xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông”. Với “ơn tự do”, ông Ê-li-a cho phép. Thế rồi, Ê-li-sa trở về “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông”.

“Giết bò,  lấy cày làm củi, nấu thịt đãi người nhà” phải chăng ông Ê-li-sa còn tiếc nuối cuộc sống đời thường? Thưa không, đó là một hình thức “từ bỏ phương tiện sinh sống”, cũng là một hình thức “từ bỏ mọi sự”.

Thánh Phao-lô cũng cho chúng ta thấy ngài đã sử dụng ơn tự do như thế nào. Là một công dân Roma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy” .Thế nhưng, với ơn tự do, ngài dám “từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa Ki-tô Giê-su.

Với ơn tự do, thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Anh  em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (x.Gl 5, 13)

Hãy lấy đức mến mà phục vụ nhau, nha! Thế nên, chớ lợi dụng tự do để sống ích kỷ, sống theo ý riêng của mình. Phải dè chừng! Lợi dụng quyền tự do, “để sống theo xác thịt”, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ sống trong sự nô lệ.

Hãy thử nhìn xem, một người lợi dụng quyền tự do sống theo xác thịt, nghiện ngập ma túy, họ có tự do không? Thưa không, họ mất tự do và sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn vật vả đói thuốc, nhất là trong sự sai khiến của sự phạm tội.

Với người lợi dụng quyền tự do sống theo xác thịt, nghiện sex, cũng vậy, họ sẽ mất tự do. Họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn đói sắc dục, kết quả là bịnh hoạn và chết chóc, cả xác lẫn hồn.

Nói ra những vấn đề này để làm gì? Thưa, không ngoài mục đích, là để chúng ta sử dụng “ơn tự do” mà Thiên Chúa đã ban cho, đúng mục đích. Mà mục đích tiên quyết của việc theo Chúa là gì? Thưa, Đức Giê-su đã có lời khuyên dạy, đó là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Theo Chúa, phải từ bỏ mọi sự và Chúa sẽ thêm cho, thưa quý vị. Chính Đức Giê-su đã nói với tông đồ Phê-rô, rằng: ““Thầy bảo thật anh  em; chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Đức Giê-su đã hứa như vậy, và Ngài không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên”. Thế nên, ngay hôm nay, bây giờ, hãy để một phút trong thinh lặng và tự hỏi lòng mình, rằng: Tôi đã bỏ hết mọi sự (thuộc về thế gian) và đi theo Chúa!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Và, nếu chúng ta đã bỏ hết mọi sự và theo Chúa, ngài linh mục Charles E . Miller nói,  đó là chúng ta đã: “Phát quang một lộ trình lên Thiên Đàng.”

Vâng, Thiên Chúa đã ban ơn tự do cho chúng ta. Việc còn lại là chính chúng ta…  “chúng ta là người phát quang lộ trình.”

Petrus.tran