Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, coi như sắp kết thúc. Và, khi mùa chay kết thúc, một tuần lễ tiếp theo, được gọi là “tuần thánh”. Tuần thánh bắt đầu là Chúa Nhật Lễ Lá.
Lễ Lá là thánh lễ tưởng nhớ lại ngày Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem và đã được đông đảo dân chúng đón rước tung hô chúc tụng. Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại sự kiện này như sau: “Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” (x.Mc 11, 9)
Với thánh sử Luca, ngài đã tường thuật lại rằng: “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường”. Và “Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”
Trong ngày Lễ Lá, Phụng Vụ Lời Chúa còn nhắc đến biến cố Đức Giê-su bị bắt cùng với việc xử án Ngài. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
Theo thánh Luca ghi lại, thì nơi xảy ra thảm kịch là núi Oliu. Hôm ấy, như thường lệ, Đức Giê-su cùng với các môn đệ ra đó. Đến nơi, Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện. Rồi người đi xa các ông một quãng… và quỳ gối cầu nguyện, rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”.
Vâng, đây là một lời cầu nguyện đã khiến biết bao con tim phải rung động, phải rung động khi chính mình đối diện với đau buồn, đối diện với cô đơn, đối diện với phản bội.
Lm. Ân Đức khi nghe lời cầu nguyện này, ngài đã để cho con tim mình hòa theo con tim của Đức Giê-su, qua bài thánh ca “chén đắng”.
Chúng ta cùng nghe: “Cha ơi! Cha ơi! Bây giờ con buồn lắm, linh hồn con buồn lắm, nhưng sao Cha nỡ bỏ con. Cha ơi! Cha ơi! Bây giờ con sợ lắm, linh hồn con chìm đắm trong xao xuyến với cô đơn.
Chén đắng! Nếu được con khỏi uống, nếu được con khỏi uống hồn con xiết bao ưu phiền. Chén đắng! Lẽ nào con chẳng uống lẽ nào con chẳng uống xin vâng ý Cha mà thôi.”
Vâng, chén rất đắng… rất đắng. Đắng… vì có một người trong nhóm mười hai phản bội Ngài. Và tệ thật, bàn tay kẻ phản bội Ngài lại cùng đặt trên bàn với Ngài. Người đó chính là Giuđa Iscariot.
Đắng… vì một người môn đệ khác là Phê-rô “gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần chối là không biết Đức Giê-su”.
Đắng… đắng đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.”
Trở lại với Giu-đa.Vài hôm trước, tên phản bội đã âm thầm đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ. Gặp để thảo luận về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ và thương lượng về tiền thưởng cho y.
Cuộc thương lượng rất nhanh chóng. Các thượng tế đã viết một “bản hợp đồng” có điều khoản “cho hắn ba mươi đồng bạc”. Thế là “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.”
Và khi được Giuđa cho biết dịp thuận tiện đã đến, một toán người liền được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy bắt Đức Giêsu.
Tại núi Oliu, nơi Giu-đa biết chắc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang hiện diện, bỗng náo động bởi tiếng vó ngựa cùng với tiếng binh khí khua vang.
Sự thinh lặng và trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ bởi những tiếng hò hét. Và khi kẻ dẫn đầu là Giuđa Iscariot xuất hiện. Y lại gần Đức Giêsu để hôn Người.
Why kiss? Sao lại là hôn? Vâng, nhìn thấy tên phản bội xông đến, Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!” Thật đúng vậy. Đó là một ám hiệu mà y đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” Ôi! “nụ hôn của thần chết”.
Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).
Nhưng hôm nay, tại Oliu, Giêsu người Nazaret không lánh đi, Ngài vẫn đứng đó: “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. Trước những kẻ đến bắt mình, Đức Giê-su lớn tiếng chất vấn họ, rằng: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”.
Đúng, đã đến lúc “là giờ… là thời của quyền lực tối tăm”. Thế nhưng, các người môn đệ của Ngài không hiểu. Thế nên họ đã sử dụng vũ lực. Họ đã “chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải”. Họ quên lời Thầy Giê-su tuyên phán, rằng: “Ta đến là để cho chiên được sống”.
Vâng, hôm ấy, lời tuyên phán đó đã được Đức Giê-su hiện thực hóa. Tên đầy tớ của thượng tế đã được Ngài “sờ vào tai mà chữa lành”. Tưởng rằng, một phép lạ nhãn tiền như thế, lẽ ra nhóm thượng tế và lãnh binh phải chùn tay. Nhưng không, họ vẫn bắt Đức Giê-su.
Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài đã dám tuyên bố rằng “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại”. Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài nhìn nhận mình chính là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.
Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha. Tại đây, toàn thể những thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “phản thùng” Giuđa Iscariot.
Trong khi đó, những kẻ canh giữ Đức Giê-su thì ra sức nhạo báng và đánh đập Ngài. Rất dã man, họ “bịt mắt Ngài lại, rồi hỏi rằng: nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Ngài” (x.Lc 22, 63-65).
Rồi, khi trời tảng sáng, màn luận tội Đức Giêsu bắt đầu. Bắt đầu với những lời kết tội vô lý, bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, điều đó cũng chưa làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một đồng minh, đó là quan tổng trấn. Thế là, họ điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.
Khi đến dinh quan tổng trấn, ông Phi-la-tô chết lặng trước thân thể của Đức Giêsu, một thân thể đầy dấu tích của việc bị đánh đòn. Hình hài của Đức Giê-su, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã mô tả về Ngài: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).
Chỉ qua vài lời thẩm vấn, Phi-la-tô cho rằng, Đức Giê-su “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14). Thế nhưng, dù có thẩm quyền, ông ta vẫn không đủ can đảm trả tự do cho Ngài, vì ông ta sợ, sợ trước những tiếng gào thét đầy phẫn nộ của đám đông dân Do Thái đang ném về Đức Giê-su: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.
Sau một chút suy nghĩ, Philato vui mừng trước một phương án có thể Đức Giê-su sẽ được tha. Đó là, như một thông lệ, vào những ngày lễ lớn, quan Tổng Trấn đại diện cho Rôma, có thói quen ân xá cho một phạm nhân.
Năm đó, một người tù tên là Baraba, “tên này bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người”, đã được Philatô mang ra để dân chúng lựa chọn tha ai: Đức Giê-su hay Baraba.
Thật đáng tiếc, kế hoạch của quan tổng trấn đã không xảy ra như ông ta dự tính. Hôm đó, toàn dân đã la lớn: tha Baraba và đóng đinh Giêsu. Những tiếng hô vang đó đã làm Phi-la-tô bối rối. Qua việc “rửa tay”, Philatô phủi bỏ trách nhiệm của mình. Và rồi, mệt mỏi vì những tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông, quan tổng trấn ngượng ngùng “trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá”.
Via Dolorosa – Con đường đau khổ bắt đầu… bắt đầu với một Giê-su “ôm vết thương rỉ máu” từng bước tiến về Golgotha.
Có một nhóm phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, thế nhưng, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).
Các bà quên rằng, Đức Giêsu, nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài. Nhưng! “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?”.
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nghe lại sự kiện Đức Giê-su bị bắt và cuộc xử án của Ngài. Những bài đọc trong Phụng Vụ có vẻ khá dài, dài như mười bốn chặng đàng Thánh Giá mà chúng ta sẽ nguyện ngắm vào thứ sáu Tuần Thánh.
Chúng ta là ai… là ai trong số những người hiện diện trước Hội Đồng Công Tọa và trước dinh quan tổng trấn Philato?
Chúng ta là ai? Vâng, về câu hỏi này, ngài Ron Rolheiser, OMI, trong bài “Viết lại cuộc xử án của chúng ta”, đã nhận xét: “Thánh Kinh tập trung rất nhiều vào cuộc xử án Ngài, mô tả dài và chi tiết. Và mô tả đó thật vô cùng sâu cay. Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể, tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài”.
Vâng, không phải tự nhiên mà ngài Ron Rolheiser nhận định như thế. Tất cả mọi người (thời Đức Giê-su cũng như thời nay) đang bị xừ án vì sự “lựa chọn” của mình.
Chúng ta hãy tự hỏi, người Do Thái khi lựa chọn tha Baraba là một kẻ giết người, sự lựa chọn đó có chính đáng không? Có chính đáng không?
Vâng, có lẽ câu trả lời của chúng ta nên là một câu hỏi. Hỏi rằng làm thế nào để mình không nằm trong danh sách “những người đang bị xử án”? Thưa, thật dễ dàng, chúng ta cần xem lại những “lựa chọn” trong cuộc đời mình.
Chúng ta hãy tự hỏi, trước một lựa chọn công bằng và bất công, lòng khoan dung và thói hung bạo, v.v.. ta chọn điều gì? Chúng ta sẽ chọn “công bằng và khoan dung” hay chúng ta chọn “Baraba – biểu tượng của bất công và hung bạo”?
Chúng ta hãy tự hỏi, trước một lựa chọn “tổn thất kinh tế” và “tội ác chiến tranh” chúng ta chọn điều gì? Chúng ta sẽ chọn tổn thất kinh tế hay chúng ta chọn “Baraba – biểu tượng của tội ác chiến tranh”?
Rất buồn, khi ngày nay nhiều lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là một số lãnh đạo tại các nước Châu Âu, (một Châu Âu thờ phượng Chúa), họ lại “sợ tổn thất kinh tế hơn sợ tội ác chiến tranh”.
Vâng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu như thế với các người đồng cấp ở Liên Minh Châu Âu, khi nghị viện Châu Âu không đồng thuận việc cấm vận khí đốt (vì sợ tổn thất kinh tế) đối với Nga Sô, là nước đã gây ra tội ác chiến tranh ở Bucha, một thành phố thuộc nước Ukraine.
Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Vâng, chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Và, thật đau lòng khi ngài Ron Rolheiser, nhận xét: “nhưng chẳng có nhiều thay đổi đâu. Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng chính là những chọn lựa mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay. Và gần như mọi ngày, chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn họ, vì, với sự mù quáng và tư lợi, chúng ta vẫn và quá thường xuyên, nói rằng: Dẫn hắn đi. Đóng đinh hắn vào thập giá! Thế đó”. Ngài Ron Rolheiser có quyền nhận xét như thế. Nhưng ai cấm chúng ta thay đổi lời nhận xét này.
Chúng ta sẽ thay đổi, khi chúng ta chọn Thiên Chúa và không chọn tiền bạc, không chọn danh vọng, không chọn địa vị, không chọn quyền hành, không chọn quyền lực. Chúng ta sẽ thay đổi, khi chúng ta chọn sự thật và không chọn dối trá.
Nhớ! Đừng bao giờ “đu dây”. Đừng bao giờ “miệng nam mô bồ tát, bụng một bồ dao găm”.
Trong một xã hội ngày một tục hóa như hôm nay, để không bị “sa vào” những lựa chọn, những lựa chọn khiến chúng ta “bán Chúa… dẫn Chúa đi, đóng đinh Chúa vào thập giá”, không gì tốt hơn là chúng ta hãy ghi khắc trong con tim mình lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời truyền dạy rằng: “Anh em hãy cầu nguyện… Dậy mà cầu nguyện” (x.Lc 22, …46)
Vâng, đừng bị mê hoặc trước những quyến rũ của trần gian. Đừng mê ngủ… Hãy “dậy mà cầu nguyện”.
Petrus.tran