Truyện thánh Martin de Porres: Chương IX

 

 

Truyện thánh Martin de Porres

Chương IX: Thầy Martinô và các bạn hữu

 

Truyện thánh Martin de Porres: Chương IXNgoài tu viện thầy Martinô đang ở còn có thêm một tu viện khác cũng tại Lima. Tu viện này cách tu viện thầy Martinô khoảng một dặm và được xây để dâng kính thánh nữ Maria Madalena. Mỗi tháng một lần, thầy Martinô tới đó để thăm một người bạn thân, đó là thầy John Masias, cũng là một thầy trợ sĩ như thầy Martinô. Thầy John lớn hơn thầy Martinô sáu tuổi. Thầy bỏ quê hương Tây Ban Nha để sang Nam Mỹ khi thầy mới là một thiếu niên. Giống như Martinô, thầy cảm thấy Chúa muốn thầy sống đời tu trì, nên thầy xin gia nhập Dòng Đaminh và trở thành trợ sĩ tại tu viện thánh Maria Madalena. Bề Trên rất cảm kích vì sự thánh thiện của thầy, Bề Trên trao cho thầy công tác phân phát thức ăn cho những người hành khất ở cổng tu viện, cũng như đón tiếp những người đến bấm chuông trước cửa tu viện.

Martinô miên man nghĩ đến thầy John trên con đường tới tu viện thánh Maria Madalena vào một buổi chiều nắng đẹp. Đó là một ngày nghỉ trong Tuần Thánh. Nếu thầy muốn, thầy có thể đi dạo mát ngoài trời với một số thầy khác tại Limatambo. Nhưng thầy đã chọn ngày này để đi tới thăm thầy John Masias hay đi thăm một người bạn thánh thiện khác nữa, đó là thầy John Gomez, đang sống cách đó vài dặm ở tu viện thánh Phanxicô.

Martinô tự hỏi : “Không biết có gì xảy đến cho thầy John Masias kể từ ngày tôi xa thầy ấy không nhỉ ? E rằng sức khoẻ thầy ấy đã xuống dốc vì làm việc đền tội và cầu nguyện.”

Thế là Martinô đi nhanh hơn, rẽ vào góc đường, rồi đi thẳng tới một cánh cửa gỗ nặng của một bức tường chạy dọc theo con đường. Ở đây có một dây chuông. Martinô kéo chuông và lập tức cánh cửa sổ nhỏ ở cửa ra vào mở ra, và thầy John Masias ngó ra ngoài.

Martinô chào : “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.” Thầy John đáp : “Đời đời chẳng cùng, Amen.” Rồi, với nụ cười, thầy nói : “Thầy Martinô yêu dấu, rất hân hạnh được gặp lại thầy.”

Martinô bước vào. Sau bức tường đá cao là vườn hoa của tu viện. Bức tường này che dấu nhiều thứ khác, trong đó có một đời sống bác ái như Chúa Kitô, đó là lòng bác ái của thầy John Masias.

Martinô vội nói : “Tôi cũng rất sung sướng được ở với anh thêm một buổi chiều nữa. Anh biết đó, tôi rất lo lắng về sức khoẻ của anh. Lại đây, tôi muốn xem tình trạng sức khoẻ anh thế nào rồi.”

John mỉm cười và bước ra xa một chút :

“Đừng lo lắng về tôi, Martinô. Tôi bình thường, tạ ơn Chúa. Có một người khác không khoẻ lắm. Thầy có thể đoán ra ai không ?”

Martinô đang cố đoán người đó là ai trong khi cả hai người cùng đi về phía sau vườn hoa. Thầy Martinô hỏi: “Có phải thầy Louis không ? Người đã cắt vào tay của mình.”

“Đúng đấy. Cậu ấy đã không quên được những gì lần trước thầy đã làm cho cậu ấy. Bàn tay của cậu ấy đã bị nhiễm độc nặng vì những vết cắt.

Chúng tôi đều nghĩ cậu ấy sẽ phải mất cánh tay vì nhiễm độc. Nhưng sau khi bạn chữa cho cậu¼

“Chỉ là đắp một chút bột thuốc thôi, thầy John. Bất cứ ai cũng có thể làm điều ấy mà.”

Thầy John mỉm cười. Thật là vô ích để tranh luận với thầy Martinô. Thầy không bao giờ nhận bất cứ hành vi tốt đẹp nào cho thầy cả. Và chắc chắn sau này khi được chịu chức Linh Mục, thầy Louis sẽ hết lòng tạ ơn thầy da đen Martinô, vì thầy Martinô mà thầy ấy vẫn còn đủ hai tay để dâng Thánh Lễ.

Thầy Martinô và thầy John gặp nhau trong góc vườn tu viện khi nắng chiều dần tàn. Trước hết họ cầu nguyện, rồi họ trò truyện về Chúa, về các nhu cầu cần thiết cho linh hồn, về sứ mệnh truyền giáo nơi những miền xa xôi, về người giàu, người nghèo ở thành phố Lima. Như Martinô, thầy John Masias cũng nuôi người nghèo khó tại cổng tu viện. Thầy dường như dành hết mọi thời giờ để làm cho cuộc sống của những người bị bỏ rơi, cô đơn và sầu buồn được hạnh phúc. Như thầy Martinô, thầy John đã làm tất cả vì lòng yêu mến Chúa.

Lúc hai người ngồi yên lặng dưới gốc cây dừa tươi tốt, Martinô nhìn bạn hỏi : “Có bao nhiêu người sống trong tu viện này ?”

“Bao nhiêu người ư ? Trên một trăm cha và thầy.”

“Không có ai khác nữa chứ ?”

“Khoảng mười hai người dòng ba ngoài đời, tôi đoán vậy. Họ là những đàn ông giúp vào việc trao đổi thực phẩm và chỗ ở. Trước khi trở thành một thầy trợ sĩ, tôi cũng là một trong số những người này.”

“Tôi biết. Nhưng ngoài các cha, các thầy và các người giúp việc còn có ai nữa không ?”

Thầy John lắc đầu : “Tất cả chỉ có thế. Ngoài ra còn có sáu trẻ trai mồ côi chúng tôi đón về từ ngoài phố năm ngoái. Chúng thực sự chẳng có nhà ở, vì thế Bề Trên giữ chúng ở với chúng tôi.”

Martinô gật đầu và chậm rãi nói : “Đó là điều tôi muốn được nghe. Sáu đứa trẻ đều là nam cả. Tôi hiểu. Nhưng còn những đứa trẻ gái mồ côi thì sao ?”

“Trẻ gái mồ côi ư ? Tại sao bạn lại hỏi về chúng ?”

Martinô đáp : “Tôi luôn thao thức về chúng. Thầy John này, trong thành phố Lima này, đã có vài nơi cho các trẻ em không nhà. Một số em trai em gái được săn sóc tại các tu viện của chúng ta, nhưng những nơi đó cũng không giải quyết được hết mọi vấn đề. Đối với con gái, vấn đề rắc rối hơn bởi vì chúng cần có của hồi môn trước khi chúng có thể ổn định đời sống. Ở đây, nhiều người giàu có nhiều nô lệ, nhưng làm sao nô lệ có thể kiếm ra của hồi môn ? Cái gì sẽ xảy đến cho các cô gái như thế ?”

John Masias lắc đầu : “Tôi biết. Một số chết vì làm việc quá cực khổ. Tôi biết, nhiều cô khác thì rơi vào đường tội lỗi.”

Rồi hai người chìm trong im lặng. Martinô vẫn suy nghĩ về điều đó. Những cô gái có của hồi môn thì thật có phúc. Món tiền đó có thể giúp các cô lập được gia đình, hoặc giúp các cô đáp ứng nhu cầu học hành để trở thành tu sĩ. Nhưng đàng này, thật bất hạnh cho các cô gái nghèo. Mặc dù trong các cộng đoàn tu trì ở Lima đã cung cấp của hồi môn cho một số cô, nhưng trái tim Martinô vẫn rướm máu vì thương cho các cô khác. Họ sẽ sống sao đây ?

Thầy Martinô quay lại nói với thầy John Masias : “Có lẽ Don Mateo có thể giúp. Ông ta rất độ lượng bất cứ khi nào tôi hỏi tới.”

John Masias gật đầu : “Don Mateo Pastor phải không ? Đúng vậy. Ông ta chính là người chúng ta cần. Chiều này trên đường trở về tu viện Thánh Đaminh bạn nên đến gặp ông ấy. Cả hai chúng ta đều nghe biết nhiều về sự giàu có của ông và ông có thể giúp nhiều người trong lúc túng quẫn.”

Khi Martinô chào tạm biệt thầy John, trời đã về chiều. Không có thời giờ ở lại lâu hơn nếu thầy muốn trình bày dự tính của mình với Don Mateo và kịp bữa cơm chiều.

Trên đường về, thầy Martinô suy nghĩ miên man : “Tôi biết Don Mateo sẽ giúp một số việc. Ông và vợ ông, cả hai đều có tấm lòng nhân hậu.

Tôi biết vợ ông khi bà còn là một cô gái, tôi đã sống với mẹ của bà là Dona Francisca Miquel một khoảng thời gian sau khi tôi trở về từ Guayaguil.

Từ đó đến nay có rất nhiều điều đã xảy ra.”

Thật vậy, khi Martinô còn là cậu bé 10 tuổi, cậu rời nhà ông cậu ở Ecuador để trở về Lima học nghề buôn bán, nhưng bây giờ thầy đã 33 tuổi. Nhiều người thân đã khuất bóng – cha mẹ thầy, rồi Don Diego, Ventura de Luna, một số linh mục và các thầy những người đã quá tốt và nhân từ với thầy khi thầy mới đến xin ở trong tu viện. Ngay cả người chồng trước của Jane cũng qua đời và nay cô cưới người chồng khác.

Martinô tự nhủ : “Những người đã chết thật sung sướng vì họ đã thực sự bắt đầu sống đời sống mới.”

Nhiều tư tưởng đến với thầy đến nỗi thầy không nghe thấy tiếng gọi của một cậu bé. Cho tới khi đôi bàn tay bé bỏng của cậu bé nắm chặt áo dòng của thầy, thầy mới biết mình đang đối diện với một cậu bé Ấn Độ, thầy đã không biết rằng cậu bé đã chạy theo thầy từ xa.”

“Cái gì đấy, Antony ? Có chuyện gì ? Con làm gì như đứt hơi vậy ?”

“Ôi thầy Martinô ! Con tưởng thầy không nghe thấy tiếng con nữa chứ.”

Cậu bé thật gầy guộc, đôi mắt quầng thâm vì lo lắng. “Thầy Martinô, xin thầy giúp con, “cô ấy” đang đến gặp thầy để nói về bệnh tình của mẹ con¼ Bác sĩ bảo rằng không có hy vọng¼ Mẹ con sẽ chết¼ và sẽ bỏ con một mình. Thầy Martinô ơi, thầy sẽ đến và cầu nguyện cho mẹ con chứ ?”

Martinô nhẹ nhàng choàng tay lên vai cậu bé. Dù cậu bé không nói rõ về cô khách lạ, nhưng thầy hiểu cậu nói về La Rosita, một người sau này được biết đó chính là thánh Rose de Lima, người đã đến tu viện Thánh Đaminh để xin thầy cầu nguyện cho một người tật nguyền. Như mọi người đã biết, La Rosita chính là vị thánh, và cô ấy thường đến tu viện Thánh Đaminh để xin cầu nguyện cho người đau ốm. Cô đã đưa những phụ nữ và những cô gái không có nhà cửa đến ở nhà cha của cô.

“Antony. Thầy sẽ đến ngay lập tức.” Thầy Martinô nói với cậu bé cách phấn khởi. “Nhưng đừng buồn như thế, không có gì xảy đến cho mẹ con đâu. Dù bây giờ bà ấy đang hấp hối và rất đau đớn, nhưng hôm nay sẽ khá hơn. Cứ đợi mà xem.”

Cậu bé Ấn Độ nhìn thầy Martinô trong bộ áo dòng trắng đen, và nói trong nước mắt : “Tại sao thầy biết ? Bác sĩ bảo rằng¼

Martinô trả lời : “Dĩ nhiên thầy biết. Nhưng bác sĩ nói một điều, Chúa muốn điều khác. Antony ! Đi nào. Chúng ta sẽ đến và nói với La Rostia về mẹ của con.”

Cả hai cùng dắt tay nhau đi xuống phố. Trước khi bóng họ mờ đi dưới ngọn tháp ở tu viện Thánh Đaminh, Martinô mỉm cười. Thầy nghĩ, trước giờ cơm tối thầy sẽ dành giờ này để truyện vãn với Don Mateo về nhu cầu xây cất một ngôi nhà cho các trẻ mồ côi ở Lima. Nhưng Chúa muốn cách khác. La Rosita đang chờ thầy và đây là đặc ân cho bất cứ ai.

Khi họ tới tu viện, Martinô dẫn cậu bé vào trong nhà thờ. Thầy đề nghị : “Con quỳ ở đây đọc vài kinh Kính Mừng cầu cho mẹ con. Thầy sẽ trở lại ngay.” Nói xong thầy Martinô đi vào hành lang nơi nhà khách.

Trong phòng có ánh sáng mờ nhạt, gần hai bức tượng chạm trổ. Thầy gặp La Rostia cách đây khá lâu. Họ có nhiều điểm giống nhau. Cả hai được lãnh Bí tích Rửa Tội trong cùng nhà thờ – nhà thờ Sanbastian. Giờ đây, La Rosita đã là một phần tử trong Dòng Đaminh, trong tu phục trắng, áo choàng đen của gia đình Đaminh. Tuy trẻ hơn Martinô bảy tuổi, cô đã nổi tiếng khắp cả Lima từ khi cô còn là một thiếu nữ.

Có rất nhiều câu chuyện nói về sự thánh thiện của cô, cô sống trong một ngôi nhà vách đất trong vườn của cha mẹ để ngày đêm cầu cho kẻ có tội. Một số người nói rằng cô đã được xem thấy thiên thần bản mệnh và nói chuyện với thiên thần cũng như với Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các thánh khác thường đến chơi với cô. Dù sao, người dòng ba Đaminh ở đời này là một trong những thiếu nữ đẹp nhất ở Lima, nên nếu cô muốn, cô có thể trở thành một phu nhân được trọng vọng trong xã hội. Nhưng Rosita đã chẳng muốn gì hơn là trở nên một vị thánh để cầu nguyện và chịu đau khổ cho kẻ có tội, đó chính là cuộc sống mà cô đã chọn.

Khi thấy La Rosita đang đứng đợi ở phòng khách, Martinô nói : “tôi đã gặp Antony. Chuyện gì đã xảy ra với mẹ cậu phải không ?”

Cô gái đứng trước mặt thầy gật đầu. Trong ánh sáng lờ mờ. Cô trông trẻ hơn rất nhiều. Cô đang cầm bó hoa xanh, trắng được kết rất đẹp. Martinô biết rằng cô sẽ đem dâng lên toà Đức Mẹ Mân Côi. Đôi mắt đen láy rực lên vẻ cảm thương.

Cô nhìn thầy Martinô và nói : “Thầy Martinô, người đàn bà rất tội nghiệp, bà ấy đau đớn lắm. Tôi và bác sĩ đã làm những gì chúng tôi có thể nhưng chưa có kết quả gì. Tôi nghĩ, thầy có thể¼

Cô ngừng nói và nhìn vào khu vườn của tu viện với những hàng ngói xanh vàng. Cha mẹ và các anh chị cô đã giúp đỡ nhiều phụ nữ hành khất, thỉnh thoảng họ còn cho những người vô gia cư đến tá túc tại nhà họ. Dường như họ đã mỏi mệt vì quá nhiều những tạo vật đáng thương như thế trong nhà họ. Nhưng đối với thầy Martinô, thầy không bao giờ thất vọng. Bao nhiêu người nghèo khổ Ấn Độ và người Tây Ban Nha chờ chết đến lãnh những Bí tích cuối cùng, nhưng rồi họ đã tỉnh lại và khoẻ mạnh nhờ lời cầu nguyện của thầy.

Cô nhỏ nhẹ nói : “Bác sĩ nói rằng bà ấy sẽ không qua khỏi đêm nay. Thầy Martinô, chúng ta có thể làm gì cho bà ấy ?”

Với nụ cười trìu mến, Martinô lần đôi tay trên tràng chuỗi lớn đeo ở thắt lưng. “Được, Rosita ơi. Cô biết đó là cái gì rồi chứ. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện. Chúng ta tiếp tục tin tưởng. Điều đó đã không diễn ra trong quá khứ sao ?”

 

Trả lời