Cuộc sống, theo lẽ thường tình, không ai lại không muốn mình có danh vọng, có địa vị cao trong xã hội. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng có cái nhìn như thế, ông nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.
Muốn có danh vọng, muốn có địa vị trong xã hội, tưởng cũng là một khát khao bình thường, bình thường như một người lính muốn được lên lon, muốn được thăng cấp. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, niềm khát khao này không phải lúc nào cũng đem lại bình an, hạnh phúc cho con người. Anh là ai mà đòi hơn tôi chứ! Tôi như thế này sao lại thua anh! Vâng, cứ như thế… cứ như thế… sự ganh tỵ sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ nổ bùng, và cuối cùng đó là thù oán.
Nói đến danh vọng và địa vị, Victor L.Brown có lời nhận xét rằng: “Thước đo của một con người không nhất thiết nằm ở danh vọng hay địa vị, mà nằm ở việc anh ta đối xử với người khác như thế nào”. Jean Jacques Rousseau thì mạnh mẽ hơn. Ông nói: “Danh vọng chỉ là hơi thở, và nó thường độc hại”.
Nó thường độc hại thật ư! Đúng, nó độc hại. Sự độc hại, như đã nói ở trên, đó là: dẫn tới thù oán, dẫn tới ghen tỵ, dẫn tới hiềm khích. Mười hai môn đệ của Đức Giê-su xưa, cũng đã bị cám dỗ trước danh vọng và địa vị. Các ông đã hơn một lần “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Hai ông Gia-cô-bê và Gio-an đã công khai “ra mặt” muốn-chúng-mình phải có địa vị cao “khi Thầy được vinh quang”. Kết quả là giữa các ông “đâm ra tức tối”, với nhau.
Đức Giê-su không hoan nghênh điều này. Và, Ngài đã dạy các ông một bài học. Bài học này được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô.
Câu chuyện được thánh sử Mác-cô đi ngay vào chi tiết, rằng: “Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Đức Giê-su và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.
Vâng, đây không phải là lần đầu tiên môn đệ của Đức Giê-su đến xin Ngài. Nhớ, một lần nọ, cũng có “một người trong nhóm môn đệ” đến xin. Lần đó anh ta xin Ngài “dạy chúng con cầu nguyện”. Và, hôm ấy, Đức Giê-su đã dạy các ông “Kinh Lạy Cha”. (x.Lc 11, 1-4)
Còn hôm nay, có tới “hai ông”. Hai ông xin gì nhỉ! Xin quyền năng hóa bánh ra nhiều chăng! Thưa không. Hôm ấy, khi nghe hai ông xin điều “chúng con sắp xin”, Đức Giê-su liền hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”
Nghe Ngài hỏi như thế, quả đúng là “được lời như cởi tấm lòng”, hai vị môn đệ đồng thanh cất tiếng thưa: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (x.Mc 10, 37)
Lời thỉnh cầu của hai ông (cũng) hợp lý đấy chứ! Thì đây, chính hai ông, chứ không ngoài ai khác, đã được Đức Giê-su ưu ái cho nhìn thấy “vinh quang của Người và hai nhân vật đứng bên Người” trên núi Tabor. Hai nhân vật đó là Mô-sê và Ê-li-a. “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”.(x.Lc 9, 31)
Hôm nay, Thầy và trò đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, thế thì chẳng phải là sắp-hoàn-thành, đó sao! Thế nên, hai ông đến và xin (xin trước kẻo Thầy cho người khác) là điều dễ hiểu.
Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời truyền dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được”. Thế nhưng, hôm nay, ông Gia-cô-bê và Gio-an “xin lại không được”. Vì sao? Thưa, Đức Giê-su nói: “Các anh không biết các anh xin gì!”
Muốn được ngồi “chiếu nhất, chiếu nhì” khi-Thầy-được-vinh-quang ư! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với tất cả tâm tình của mình, rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống , hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Can đảm thật. Các ông đáp rằng: “Thưa được”. Tốt. Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su có nói: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.
Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Hôm ấy, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Thế thì, việc được “ngồi bên hữu (hay) ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” có còn là điều cần phải có?
Thưa, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên… đừng quên Đức Giê-su đã có lời truyền dạy: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…
Đấy, Đức Giê-su đâu có khuyến khích chúng ta khát khao danh vọng, địa vị. Ngài mời gọi chúng ta hãy “nên người công chính”. Và, phần thưởng dành cho người công chính là gì nhỉ! Thưa, “họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (x.Mt 5, 6). Được Thiên Chúa cho thỏa lòng thì muốn gì Người lại chẳng ban cho!
Đức Giê-su đã nói như thế, thế thì, nếu có xin, hãy xin Ngài cho chúng ta nên-người-công-chính. Điều này rất quan trọng cho đời sống đức tin của chúng ta. Tại sao? Thưa, quan trọng là bởi: “người công chính sống bởi đức tin” (Rm 1, 17). Sống bởi đức tin thì có cần phải “kèn cựa” nhau về địa vị, về danh vọng (là những thứ có đấy, rồi mất đấy), để rồi dẫn đến sự chia rẽ, bè phái!
Tấm gương của mười hai vị môn đệ vẫn còn đó. Hôm ấy, khi nghe hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin “được ngồi chiếu nhất, chiếu nhì” thánh sử Mác-cô cho biết: “mười môn đệ kia đâm ra tức tối”.
Đối với Đức Giê-su, Ngài rất “kỵ” chuyện tranh giành địa vị. Hôm trước, giữa các môn đệ đã xảy ra chuyện “các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Ngay lập tức, Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x.Mc 9, 35)
Còn hôm nay, thì sao? Hôm nay, lời truyền dạy của Đức Giê-su có phần mạnh mẽ hơn. Vâng, Ngài nói: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”.
“Nhưng giữa anh em…”, Đức Giê-su nói tiếp: “…thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (x.Mc 10, 43)
Làm người rốt hết, làm người phục vụ mọi người, làm đầy tớ mọi người, đó là lời giáo huấn của Thầy, nhớ chưa! Lm Charles E.Miller khi nói về lời giáo huấn này, ngài có lời chia sẻ, rằng: “Các gương lành của Chúa Giê-su còn có tác dụng mạnh mẽ hơn giáo huấn của Người. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống, đã từ bỏ ngai vị trên trời để trở thành một trong chúng ta. Người đã từ chối tất cả những gì xã hội thế tục này ham muốn. Khiêm nhường đến như vậy là vì Người đang nghĩ không phải tới chính mình, mà tới chúng ta.”
Đúng vậy, Đức Giê-su không-nghĩ-tới-chính-mình, mà nghĩ tới tha nhân. Chúng ta hãy nghe thông điệp Ngài đã nói với các môn đệ năm xưa, thông điệp rằng: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Một lần nọ, Đức Giê-su đã nói: “Ta ở giữa các ngươi như người hầu việc vậy.” Ngài đã nói và đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly. Chuyện kể rằng: Hôm ấy: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5)
Có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá.” Ngài đã chết ở đó… một cái chết đúng như Ngài đã nói: “làm giá chuộc muôn người”.
Giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su đã tác động rất mãnh liệt nơi các tông đồ. Một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã “nên giống Đức Giê-su”, giống ở chỗ đã dám “chết” như Ngài. Kinh Thánh ghi lại rằng, Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa. (Cv 12, 2)
Lịch sử Giáo Hội, sau này, cũng có rất nhiều tấm gương phục vụ, đúng như giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su. Mẹ Têrêsa Calcutta, như một minh chứng. Mẹ đã dám tự hạ mình xuống “làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường.”
Và, Đức cha Jean Cassaigne, vị cha hiền của người sắc tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy, Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh”, như điển hình.
Sức sống của Ki-tô giáo, theo lời Lm Jude Siciliano, OP. chia sẻ thì: “…không thể đo lường bằng những thành công bên ngoài: Nhà thờ to, tín hữu đông, rước sách rầm rộ, được vua quan và thiên hạ kính nể…”.
Đúng vậy, tại Châu Âu có biết bao nhà thờ rất đẹp, rất lớn được xếp vào hàng di tích lịch sử, thế nhưng, cộng đoàn tham dự tại đó lại tỷ lệ nghịch so với sự to lớn của ngôi thánh đường.
Một linh mục, có lời tâm sự rằng: Tôi làm chánh xứ mấy chục năm, chưa bao giờ thu phục được một người theo đạo. Vậy mà, khi nhà xứ thành lập một phòng khám bệnh từ thiện, cứ một vài tháng lại có “lai rai” vài người đến xin theo đạo.
Điều này nói lên điều gì? Thưa, nó củng cố thêm rằng: mỗi chúng ta phải thấm nhuần và thực thi giáo huấn và gương phục vụ của Đức Giê-su: “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
Đến… là để phục vụ. Đừng quên, vào ngày phán xét, Ngài thẩm phán Giê-su sẽ phán xét con người không ngoài công việc nào khác, mà chính là “tinh thần phục vụ”.
Ngài thẩm phán Giê-su sẽ hỏi: Xưa Ta đói, các ngươi (có) cho ăn? Ta khát, các ngươi (có) cho uống? Ta là khách lạ, các người (có) tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi (có) cho mặc? Ta đau yếu, các ngươi (có) thăm viếng? Ta ngồi tù, các ngươi (có) hỏi han?
Và đây! Hãy nghe thẩm phán Giê-su tuyên bố: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi (phục vụ) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã (phục vụ) cho chính Ta vậy”.
“Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống…?” Xưa, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ như thế. “Các anh có phục vụ như lời thẩm phán Giê-su truyền dạy?” Nay, Đức Giê-su sẽ hỏi chúng ta như thế.
Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta.Thế nhưng, nếu muốn được “ngồi bên hữu (hay) bên tả Đức Giê-su”, thì: Hãy phục vụ như Thầy Giê-su.
Petrus.tran