Thiên Chúa muốn tình yêu… 

Thiên Chúa muốn tình yêu... Phán xét hay xét đoán là một thói xấu. Là thói xấu, thế mà, trong cuộc sống thường nhật, có ai trong chúng ta lại không hơn một lần xét đoán một ai đó.

Xét đoán nhẹ thì bất quá chỉ để lại nơi người bị xét đoán một chút bực bội, khó chịu. Xét đoán nặng thì thật là kinh khủng. Người bị xét đoán có thể thân bại danh liệt, có thể mất đi cả một tiền đồ tương lai.

Đúng là vậy. Hồi trước 1975 tại Đà Nẵng, một gia đình có ba anh em xin đi tu. Bên cạnh nhà cũng có một cậu xin đi tu. Đi tu hồi đó, trước hết phải thi, thi văn hóa lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ), nếu đậu mới được vào tiểu chủng viện.

Ba anh em nhà kia, lần lượt mỗi năm anh em họ đều lần lượt thi đậu. Riêng cậu em hàng xóm, thi rớt. Thi rớt có nghĩa là không được “đi tu”. Thế là, cha của cậu em này, “quê độ” sao đó, đi rêu rao với mọi người rằng: “Ối giời! ba thằng đó cha chúng nó cho đi tu chẳng qua là để ăn bám Giáo Hội”

Ghét, ganh tỵ… ông ta mới đưa ra lời xét đoán ác ý, như thế. Chứ thực ra, gia đình ba anh em đó đâu có nghèo. Cha là trung sĩ, lãnh lương một vợ sáu con, giàu thì không giàu, nhưng đủ sức nuôi con ăn học thành tài.

Này nhé, học thì học trường Văn Hóa Quân Đội, miễn phí. Lương thực, thực phẩm thì có “quân tiếp vụ”, rẻ rề. Đó là chưa nói đến lãnh trợ  cấp phụ trội hàng tháng, gồm có: dầu ăn, đồ hộp v.v… Thế thì, xin đi tu là đi tu chứ liên quan gì đến việc ăn bám giáo hội! Thật ra, nếu có “bám” là bám vào một ngôi trường  mà linh mục và tu sĩ  chính là những “ông thầy” đầy kiến thức và học vấn, đấy thôi.

Quý phụ huynh thời đó cho con em mình đi tu, thường nói: “cho cháu đi tu, nếu không ‘đỗ cụ’, thì cũng lĩnh hội được một nền học vấn tốt”. Thiệt là vậy đó. Có anh nào “ta ru”, sống cuộc sống ngoài đời mà không học giỏi! Sinh ngữ Anh – Pháp khỏi chê. Dân seminary nha.

Trở lại ba chàng ngự lâm pháo thủ đi tu.  Khi những lời xét đoán đến tai ba chàng. Người anh cả (anh hai) cứ “suy đi nghĩ lại” lời xét đoán đó, mãi cho đến một hôm (hơn chục năm sau), anh ta vào gặp cha giám đốc chủng viện và nói: “con xin về”. Người thứ ba thì “nửa đường đứt gánh”. Con chàng thứ hai (anh ba) thì ai nói gì mặc kệ, “lạc đà ta cứ đi”. Anh ta đã đi tới đích. Cái đích hôm nay là linh mục chánh xứ mới ghê chứ.

Dạ, nhiều chuyện chút xíu. Vâng, chỉ chút xíu thôi, nếu chúng ta nghe Robert Southy nói: “Những người vội vã xét đoán dựa trên bề ngoài hiếm khi thấy được bản chất sự việc”, ta sẽ chẳng bao giờ xét đoán ai cả. Ngài Robert Southy nói rất đúng. Điển hình cho loại người này chính là quý cụ Pha-ri-sêu và kinh sư vào thời Chúa Giê-su còn tại thế.

Quý cụ này thuộc loại bậc thầy về khoa xét đoán. Nhân vật thời đó bị quý cụ “soi kèo” kỹ nhất chính là Đức Giê-su.

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Đức Giê-su, lập tức nơi đó có những khuôn mặt cú vọ của quý cụ Pha-ri-sêu và kinh sư, ngay lập tức.

Họ đến để nghe Ngài giảng dạy ư! Thưa không, họ đến để soi mói từng lời nói lẫn việc làm, không chỉ của Đức Giê-su, nhưng còn của cả các người môn đệ của Ngài.

Nhóm Pharisêu và kinh sư soi mói Ngài về đủ mọi phương diện. Khi thì về thân thế gia đình. Lúc thì về cách thức ăn chay. Lúc khác thì về cách thức giữ luật ngày sa-bát. Có lúc, thật đúng là một nhóm người chuyên soi xét, ngay cả tập tục “rửa tay” trước khi ăn, họ cũng không buông tha Ngài. Và chính sự việc này, Đức Giê-su đã dạy cho họ một bài học để đời. Câu chuyện được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Vâng, câu chuyện được kể rằng: một hôm, có một nhóm người Pharisêu và kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu.  Được biết, họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Đến với Đức Giêsu để “thọ giáo” những lời giảng dạy của Ngài ư?  Lầm to!  Họ đến là để soi xét Ngài.

Hôm đó,  khi vừa “soi” thấy vài môn đệ của Đức Giêsu “dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”, những người Pharisêu và kinh sư không bỏ lỡ cơ hội,  họ tấn công Đức Giê-su bằng một câu hỏi mỉa mai, rằng: “sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa”.

Dựa vào những gì “truyền thống của tiền nhân” đã dạy: “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn…” họ nghĩ rằng, Đức Giê-su sẽ không thể bào chữa trước việc các môn đệ của mình vi phạm tập tục “rửa tay”.

Vâng, theo cái nhìn bình thường, hiệp một, nếu được phép nói như thế, Thầy và trò Đức Giê-su thua một quả penalty.

Thật ra thì, những người Pha-ri-sêu và kinh sư đã lầm. Đức Giê-su, Ngài đã được biết đến như là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” cớ gì lại không biết “truyền thống của tiền nhân”!

Nói tới việc thực thi truyền-thống-của-tiền-nhân, thì đây, “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như người ta thường làm trong ngày lễ”, không là việc thực thi truyền thống của tiền nhân, sao?

Không phải Đức Giêsu không biết đến luật rửa tay. Đó chỉ là “tập tục” và  tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa.

Còn về lề luật ư! Vâng, Đức Giê-su đã có lời tuyên bố rằng “Ta đến không phải là để bãi bỏ (luật), nhưng là để kiện toàn”.

Tất nhiên, lề luật mà Đức Giêsu nói đến phải là những lề luật đã được Thiên Chúa đặt ra và đã được môi miệng ông Môsê công bố. Nói cách khác, đó chính là “Mười điều răn của Đức Chúa Trời”.

Vâng, có lẽ quý ông Pharisêu cũng như các kinh sư đã quên lời “tiền nhân” của họ là ông Môsê truyền dạy rằng “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).

Quên lời tiền nhân Môsê, những người Pharisêu và các kinh sư, hôm đó, đánh đồng “điều răn của Thiên Chúa” và  “truyền thống của người phàm”. Họ xem “truyền thống của tiền nhân” như là những việc bắt buộc, bắt buộc mọi con dân Thiên Chúa phải tuân giữ.

Trước mặt nhóm Pha-ri-siêu, Đức Giê-su lớn tiếng nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”. Ngài còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”.

Sau đó, Ngài đã gọi  nhóm người Pharisêu và các kinh sư như là “những kẻ đạo đức giả”… một thứ đạo đức đầu môi chót lưỡi, đúng như  lời của ngôn sứ Isaia, có nói: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý của chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.

Hôm đó,  Đức Giê-su đã dạy cho họ một bài học để đời,  không chỉ là một bài học về sự xét đoán mà còn về lòng đạo đức và tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật.

Đức Giê-su đã dạy gì? Thưa, trước hết Ngài nói: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Ai có tai nghe thì nghe”.

Và đây Đức Giê-su có lời dạy tiếp, rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ô uế”.(Mc 7, 21-23).

Nói về sự xét đoán,  đừng quên, Đức Giê-su đã phán dạy rằng: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”.

Còn nói tới việc tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật ư! Vâng, lời Chúa qua miệng lưỡi ngôn sứ Hô-sê, dạy rằng: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”(x.Hs 6, 6)

Thế nên, đối  với chúng ta hôm nay, là một tín hữu Công Giáo, sống đức tin, không chỉ là: tham dự thánh lễ,  tham dự bàn tiệc Thánh Thể, đọc kinh cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích hòa giải v.v… nhưng còn phải làm thế nào để làm cho “…đời ta là thánh lễ nối dài”. Làm thế nào để “đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là hãy “sống sao để thành chứng nhân”.

Làm thế nào để làm cho “…đời ta là thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, và sống sao để thành chứng nhân?”

Thưa, có rất nhiều cách, một trong những cách dễ thực hiện nhất, đó là: hãy thực hiện lời khuyên của tông đồ Giacôbê.  Ngài đã khuyên rằng “anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (x.Gc 1, 19-20).

Tại sao chúng ta lại chọn lời khuyên này? Thưa, là bởi, khi “mau nghe, chậm nói”, chúng ta sẽ biểu lộ được “sự hiền lành, tính nhịn nhục, lòng vị tha” của chính mình, một minh chứng “đời ta (đã) là thánh lễ nối dài”.

Khi chúng ta “khoan giận” có phần chắc một nguồn suối của lòng thương xót sẽ trào dâng trong tâm hồn ta. Và đó… đó chính là đòn bẩy để chúng ta  “đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”. Và cuối cùng, khó có thể phú nhận, qua việc “thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” chúng ta đã vẽ lên khuôn mặt mình, một khuôn mặt người chứng nhân của Đức Ki-tô.

Vâng, Thiên Chúa muốn “tình yêu hơn của lễ”. Nói theo cách nói của Lm Charles E.Miller, đó là: “Thước đo chính xác cho lòng đạo đức của chúng ta không phải là những gì ta làm trong thánh lễ, mà là cách ta xử sự ngoài đời”. Quả là phải như thế.

Trong thánh lễ chúng ta lớn tiếng ca nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Thì, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta phải là khí cụ bình an của Ngài: “Để đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp… Đem niềm vui đến chốn u sầu”…

Nói tắt một lời, của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, đó là “sống Lời Chúa”. Vâng, tông đồ Gia-cô-bê cũng có lời khuyên như thế, ngài nói: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (x.Gc 1, 22)

Sống đức tin như thế, đó là chúng ta đã tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật. Sống đức tin như thế, nếu ngay hôm nay, Đức Giê-su có trở  lại, hãy tin, sẽ chẳng bao giờ Ngài gọi chúng ta “là những kẻ đạo đức giả”, hoặc là những kẻ tôn thờ Chúa bằng “chót lưỡi đầu môi”.

Vâng, muốn được Chúa không gọi chúng ta như thế, hãy nhớ Lời Người đã truyền dạy: “Vì Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ”.

Petrus.tran