Thánh Thần khấn xin ngự đến…

 

Thánh Thần khấn xin ngự đến…“Tôi tin Chúa Thánh Thần”. Vâng, đó là niềm tin không thể thiếu trong đời sống đức tin của một Ki-tô hữu. Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, sách giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.”

Chúa Nhật hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Giáo Hội có bốn ngày lễ quan trọng, đó là: Lễ Giáng Sinh – Lễ Phục Sinh – Lễ Thăng Thiên và Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Bốn ngày lễ này liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta. Đức Giê-su giáng sinh làm người để “chết thay cho chúng ta”. Đức Giê-su phục sinh chứng tỏ Ngài “có quyền năng để cứu chúng ta”. Đức Giê-su lên trời để “chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta, cầu thay cho chúng ta, và để ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta”. Và, Chúa Thánh Thần hiện xuống là để “ở với chúng ta”.

Chúa Thánh Thần giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống đức tin mà đôi khi chúng ta quên hoặc có thể là chưa biết đến. Các môn đệ xưa chính là những người đã trải nghiệm được sự quan trọng này.

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta trở về với ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống “đầu tiên”, để tìm biết Ngài thực sự quan trọng như thế nào đối với niềm tin của các môn đệ xưa. Sự kiện này đã được ghi lại trong sách Công Vụ tông đồ.

Mở đầu câu chuyện, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại rằng: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần…”.

Lễ Ngũ Tuần là lễ gì? Thưa, đó là một trong ba ngày lễ lớn của người Do Thái. Hai ngày lễ kia là lễ Vượt Qua và lễ Lều Tạm. Ngũ Tuần có nghĩa là năm mươi ngày. Không phải năm tuần, nhưng là bảy tuần, mỗi tuần có bảy ngày, bảy nhân bảy là bốn chín ngày, ngày thứ năm mươi là ngày lễ Ngũ Tuần.

Vâng, bảy tuần sau lễ Vượt Qua. Hôm ấy, khi “mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả sân nhà, nơi họ đang tụ họp”. (x.Cv 2, 2)

Chuyện gì thế nhỉ! Với cái nhìn của con người, phải chăng đó là dấu hiệu sẽ có một trận bão lớn! Đúng vậy, đó là dấu hiệu sẽ có một trận bão nhưng không phải là một trận mưa bão, mà là một trận “bão lửa”.

Hôm ấy, một trận bão lửa đã tràn vào ngôi nhà các môn đệ đang tụ họp. Chuyện kể rằng: “Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”.

Kỳ lạ thật! Là “lửa” nhưng chẳng ai bị cháy gì cả… Không cháy gì, nhưng tâm hồn của các ông như bị thiêu đốt bởi sức nóng, một sức nóng vô hình, một sự “vô hình” đã có lần được Đức Giê-su nói đến, rằng: “không biết… từ đâu đến và… đi đâu”.

Sức nóng… sức nóng ấy chính là “Thần Khí Chúa”, Đấng mà Đức Giê-su đã nói đến, rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Lời hứa đó, nay đã trở thành hiện thực trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Hôm đó, tác giả sách Công Vụ cho biết: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”.  (x.Cv 2, 4).

Vâng, các môn đệ xưa, đã nhận được rất nhiều “ơn Thánh Thần”. Một trong các ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ, đó là: Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, chuyển kể rằng: “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Dù là: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Thánh Thần Chúa còn ban cho các môn đệ “ơn can đảm”. Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô, không còn nhát đảm như trước đây đã nhát đảm chối Thầy, thay vào đó là sự can đảm nói lên sự thật, sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36).

Chưa hết, hôm đó, nhờ ơn Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã can đảm cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”. Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người theo đạo”, cũng như sau này “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được ơn cứu độ” (Cv 2,…47).

Tin Mừng thánh Gio-an có ghi lại rằng: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần”. Đức Giê-su đã hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho anh  em”.

Hôm ấy, Đức Giê-su không chỉ ban bình an cho các ông, nhưng còn ban cho các ông Thánh Thần. Hôm ấy, Ngài nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, khi đã là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng rất cần nhận-lấy-Thánh-Thần. Khẳng định như thế vì, tông đồ Phao-lô đã có lời rằng: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (x.Rm 8, 9)

Thế nên, đã là một Kitô hữu, là người “thuộc về Đức Ki-tô”, chúng ta phải xem lại bản thân mình và tự hỏi, tôi đã thật sự có Chúa Thánh Thần!

Làm sao để biết chúng ta thật sự có Chúa Thánh Thần? Thưa, rất giản dị, đó là: xem quả biết cây. Xưa, Đức Giê-su đã có lời dạy: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt” (x.Mt 7, 15-18).

Thế nên, hãy nhìn xem cây-Ki-tô-hữu của tôi đã sinh ra hoa trái gì!

Hãy nhìn xem cây Ki-tô hữu của tôi, có sinh ra hoa trái: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Nếu có… nếu có, chúng ta thật sự có Chúa Thánh Thần, bởi nhưng hoa trái nêu trên, thánh Phao-lô gọi đó là: “Hoa quả của Thần Khí”.

Làm sao để chúng ta có thể sinh hoa-quả-của-Thần-Khí? Thưa, hãy kêu xin và khao khát. Nếu chúng ta kêu xin, đừng quên lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được….” Và, nếu chúng ta khao khát, chẳng lẽ “Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”.

Được “Cha trên trời ban Thánh Thần” chẳng phải đó là nguồn ơn để cây-Ki-tô hữu của chúng ta sinh “hoa quả của Thần Khí”, sao!

Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần còn được gọi là lễ Mùa Gặt hay còn gọi là lễ Mùa Màng. Vì thế, nó đã đem đến cho chúng ta một ý nghĩa đặc biệt.

Đây là ngày Sinh Nhật Hội Thánh, một kỷ nguyện mới được bắt đầu, bắt đầu bằng một “Mùa Gặt Mới” với những tay lưới cá, nay “thành những kẻ lưới người”.

Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta không quên cầu nguyện cho những vị mục tử được “tràn đầy ơn Thánh Thần”, bởi vì nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì làm sao Hội Thánh Chúa có được những vị mục tử sẵn sàng ra đi “đem chân lý vào chốn lỗi lầm… đem tin kính vào nơi nghi nan… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng… dọi ánh sáng vào nơi tối tăm… đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Cũng đừng quên cầu nguyện cho chính chúng ta. Cầu nguyện cho chúng ta biết “sống nhờ Thần Khí” và “nhờ Thần Khí mà tiến bước”, tiến bước cùng với một Giáo Hội “Duy Nhất – Thánh Thiện – Công Giáo – Tông Truyền”. Đó… đó chính là cách chúng ta thể hiện mình tràn đầy Thần Khí, Thần Khí của lẽ thật, của chân lý và của sự hiệp một.

Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy nguyện xin, nguyện xin với tất cả lòng khát khao, rằng: “Thánh Thần khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài”.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận