Như chúng ta được biết, sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su chính là trung tâm điểm đức tin Ki-tô giáo. Tuy nhiên, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng: Đức Giê-su – “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”. Đức Giê-su lên trời là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, các tông đồ, hồi ấy thường được gọi là “Nhóm Mười Một”, chính là những chứng nhân của biến cố này. Và, đó là lý do để chúng ta nói rằng: niềm tin vào Đức Giê-su lên trời là một niềm tin có có căn cứ rõ ràng.
Thật vậy, trở về Palestin hơn hai ngàn trước, Kinh Thánh cho biết rằng, sau khi từ cõi chết trỗi dậy, Đức Giê-su đã tỏ mình ra, cách này cách khác, cho rất nhiều người. Có lần Ngài tỏ mình ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Có lần “Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm…khi họ về quê”. Ngoài những lần tỏ mình ra như được nói ở trên. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.”
Vâng, với lần tỏ mình ra hôm nay, thật “tội nghiệp”cho các ngài môn đệ, Đức Giê-su đã “khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.” Khiển trách xong, Đức Giê-su công bố đến các ông một huấn lệnh, huấn lệnh rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án”. Sau khi nói xong, Tin Mừng thánh Mác-cô có ghi rằng: “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.
Thánh sử Mác-cô đã ghi vắn tắt như thế. Thế nhưng, với sách Công Vụ tông đồ, chúng ta được nhìn thấy một bức tranh hùng vĩ về sự “lên trời” của Đức Giê-su.
Sách Công Vụ ghi lại như sau: “Người được cất ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Và, “đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh, và nói: Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).
Đức Giê-su thật sự “đã được rước lên trời”. Các môn đệ đã không còn nghĩ đến việc khi nào “là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel”. Các ông đã “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (x.Cv 1, 12-14).
Vâng, các môn đệ đã không còn đăm đăm nhìn lên trời, trái lại qua việc chuyên cần cầu nguyện, các ông chỉ còn đăm đăm hướng đến ngày “sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần”. Và rồi, khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các môn đệ, đại diện là tông đồ Phê-rô đã không ngần ngại khẳng định trước người Do Thái, rằng: “Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời”. (x.Cv 3, 21)
Nhắc lại những sự kiện này để làm gì? Thưa, để chúng ta xem đây là những minh chứng, những minh chứng giúp chúng ta vững tin vào những lời chúng ta đã tuyên xưng rằng: Đức Giê-su – “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”.
Vâng, để vững tin, chúng ta cũng nên biết thêm rằng, trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang.
Một câu chuyện tuy đã xưa cũ, nhưng thiết nghĩ nó vẫn có thể đem đến cho chúng ta một bài học, bài học về niềm tin “có Chúa trên trời”. Chuyện là thế này: vào ngày 21/12/1968, chiếc phi thuyền Apolo 8 đã được phóng lên quỹ đạo mặt trăng, mang theo phi hành đoàn gồm ba phi hành gia là: Frank Borman, Jim Lowell và William Andress.
Ba vị phi hành gia này đã được “lên trời”. Ở trên trời, họ không thấy Chúa đâu hết. Nhưng trước kỳ công của tạo hóa, từ trên quỹ đạo mặt trăng, họ đã gửi về trái đất những lời Kinh Thánh đầy xúc động: “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất”.
Vâng, có thể nói, qua câu Kinh Thánh mà phi hành đoàn đó gửi về trái đất, đã chứng tỏ nơi các vị phi hành gia đó một sự trưởng thành trong đức tin. Với những người được ơn như thế, tông đồ Phao-lô nói, rằng, họ đã được “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho Thần Khí khôn ngoan để mạc khải cho (họ) nhận biết Người”? (Ep 1, 17)
Việc Đức Giêsu “được rước lên trời”, thánh Phao-lô nói, đó chính là “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (x.Ep 1, 2).
Thôi, giờ đây chúng ta đừng “đăm đăm nhìn chiếc Appolo 8” nữa làm gì. Hãy nhìn vào những gì Đức Giê-su đã truyền dạy. Mà, Đức Giê-su đã truyền dạy gì, chẳng phải Ngài đã dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, đó sao!
Vâng, chúng ta phải đi. Không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một nơi nào đó trên thế giới. Trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta. Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống, là nhà giáo dục đầu tiên, và tất nhiên cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội.
Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi có loan báo Tin Mừng về một Đức Ki-tô, ngay trong gia đình tôi?” Nói cách khác, tôi có là một chứng nhân cho Đức Ki-tô? Thế nào là chứng nhân cho Đức Ki-tô? Phải chăng là hãy nghĩ những gì Ngài đã nghĩ? Phải chăng là hãy nói những gì Ngài đã nói? Phải chăng là hãy làm những gì Ngài đã làm? Nói tắt một lời, phải chăng là hãy thực hiện những gì Ngài đã truyền dạy?
Vâng, thật đúng là vậy. Đừng quên, Đức Giê-su có lời phán truyền, rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.
Phải thực hiện những gì Đức Giê-su đã truyền dạy. Và, những gì Ngài đã truyền dạy có nằm xa tầm nhìn (tầm nghe) mỗi chúng ta, đâu! Vâng, nó nằm ngay chiếc “cell phone – smart phone” là những thứ mà mỗi chúng ta, có ai lại không đang thụ hưởng!
Chỉ cần một cú quét, chúng ta có thể đọc được vô số lời truyền dạy của Đức Giê-su. Chỉ một cú quét, “bài giảng trên núi” sẽ hiện ra trước mắt chúng ta.
Chỉ năm phút đọc chúng ta sẽ nhận được những lời truyền dạy rất đáng trân trọng, đó là: “Phúc thay ai hiền lành. Phúc thay ai khao khát nên người công chính. Phúc thay ai xót thương người. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch. Phúc thay ai xây dựng hòa bình” v.v…
Hãy thử tượng tượng, nếu chúng ta “thi hành” những lời truyền dạy này, điều gì sẽ xảy ra? Chẳng phải là sự “nóng giận” sẽ không còn chỗ đứng trong tâm hồn chúng ta? Chẳng phải là sự tranh chấp, chia rẽ, bè phái sẽ không thể xảy ra trong cộng đồng chúng ta, trong gia đình chúng ta?
Không nóng giận, không tranh chấp, không chia rẽ, không bè phái đó là lúc chúng ta đã vẽ lên khuôn mặt mình, khuôn mặt của một người “chứng nhân cho tình yêu”. Mà, một người là chứng nhân cho tình yêu, ai dám phủ nhận họ không là chứng nhân cho Đức Ki-tô!
Chúa Nhật hôm nay (16/05/2021) chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Hôm nay, sẽ chẳng có ai đăm đăm nhìn lên trời. Nhưng, có phần chắc, không ít người sẽ phải đăm đăm nhìn vào cell phone, nhìn vào smart phone, nhìn vào những chiếc máy truyền hình v.v… để tham dự thánh lễ trực tuyến (vì phải giãn cách xã hội do đại dịch corona virus đang hoành hành khủng khiếp). Đó là điều bất đắc dĩ. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng niềm tin của chúng ta, bởi vì, như lời thánh Phao-lô nói: “mọi sự hợp lại đều ích lợi cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (x.Rm 8, 28)
Rất… rất ích lợi vì những cell phone, smart phone rất hữu ích cho việc “ra đi loan báo Tin Mừng”. Hãy cứ đăm đăm nhìn vào cell phone, nhìn vào smart phone, nhìn vào nó như một công cụ để thực hiện lời truyền dạy của Đức Giê-su. Vâng, đây là lời Ngài truyền dạy: “Anh em hãy đi… Hãy đi loan báo Tin Mừng”.
Petrus.tran