Hãy chờ và hãy tin…

 

Hãy chờ và hãy tin…Đợi chờ, hay có thể nói chờ đợi, đó là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nói không thể thiếu là bởi, chờ đợi dẫn con người đến với hy vọng. Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống, đôi khi sự chờ đợi… đợi và đợi… lại dẫn con người đến thất vọng và có thể là tuyệt vọng.

Hy vọng, thất vọng và tuyệt vọng… Ấy thế mà, người ta vẫn cứ đợi chờ… Người ta vẫn cứ đợi chờ và đó là lý do để người nhạc sĩ phổ lên những lời ca thâm trầm, buồn bã. Lời ca rằng: “Nơi đây tôi chờ. Nơi kia anh chờ. Trong căn nhà nhỏ… Mẹ cũng ngồi chờ. Chờ đã bao năm. Chờ đã bao năm. Chờ đã bao năm”.

 

Ngày xưa, hơn hai ngàn năm xa trước đó, trong-căn-nhà-nhỏ… ở Palestin, cũng  có hai người ngồi chờ. Hai người đó tên là Phê-rô và Gio-an.  Họ là môn đệ của Đức Giê-su. Họ “chờ đã hai ngày”.

Vâng, bốn mươi tám tiếng đồng hồ đã trôi qua. Nhóm Mười Hai chỉ còn mười một. Nhóm mười một chạy tán loạn. Giờ đây, chỉ còn hai người ngồi bên nhau. Họ nhớ lại những gì đã xảy ra hôm thứ sáu, tại vườn Ghết-sê-ma-ni.

Với Phêrô, có quá nhiều điều khiến cho con tim ông nhức nhối. Nghĩ về Giu-đa Iscariot, ông không thể quên được nụ hôn đầy nham hiểm của y. Nụ hôn… một cử chỉ biểu lộ tình yêu và tha thứ. Buồn thay! Y lại dùng làm tín hiệu để nhận diện kẻ bị bắt bớ. Kẻ bị bắt bớ lại chính là Thầy mình.

Nghĩ lại cú “hồi mã thương” của mình đã làm đứt tai phải của Mankhô, tên đầy tớ của vị thượng phẩm. Thế mà, không hiểu tại sao Thầy Giêsu lại “sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành”…

Rồi khi nghĩ đến bản thân, Phê-rô không khỏi bối rối và hối hận về việc ông đã “thề độc” trước một người tớ gái rằng, “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó”.

Còn Gio-an, ông đang để cho hồn mình chìm vào khung cảnh của Gôn-gô-tha, nơi Thầy Giê-su bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Người. Làm sao ông quên được hình ảnh kẻ qua người lại nhục mạ Thầy Giêsu. Làm sao Gioan quên được trọng trách Thầy Giêsu đã giao phó Mẹ Maria cho mình “Đây là mẹ của anh”. Và cuối cùng, làm sao ông quên được tiếng nói nghẹn ngào của Thầy Giêsu “Thế là đã hoàn tất”.

Đêm nay, đã là hai đêm… hai đêm đợi chờ…  Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giê-su, rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) là lời phán hứa hão huyền sao đây!

Khi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần sắp đến… Khi Phê-rô và Gio-an gần như tuyệt vọng trong sự đợi chờ, thì, các ông nghe thấy  những tiếng chân chạy.  Tiếng chân mỗi lúc một gần hơn.

Thì ra, đó là một người phụ nữ. Người phụ nữ đó, với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, bà ta lắp bắp nói với Si-mon Phê-rô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20,1-2).

Người phụ nữ này chính là bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà ta là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm đó, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Gôn-gô-tha.

Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài. Bà không thể lầm nơi Đức Giê-su được chôn cất. Đó là gần nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Hôm ông Giô-sếp, người A-ri-ma-thê, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” thấy rõ ràng ông ta đã “lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá”. Sau đó “ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về” (x.Mt 27, …60)

Vậy mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Mặc dù thực hư thế nào, hai ông chưa biết. Nhưng nguồn tin của Maria Macdala như một cài đòn bẩy, “bẩy” các ông ra khỏi căn nhà đang bị phủ trùm đầy những khắc khoải sầu thương.

Ra khỏi nhà, “Cả hai người cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giê-su đã được mai táng, đúng y như lời kể của Maria, một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại…” (Ga 20,..7).

Không thể giải thích được tại sao những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…  Đức Giê-su đâu? Các ông không thấy, tuy nhiên, trước những hiện tượng khác thường đó, Tin Mừng chép rằng: “ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, ông đã thấy và đã tin”.

Sau đó, chuyện kể tiếp rằng: “Các môn đệ lại trở về nhà”. (x.Ga 20, 10)

Các môn đệ đã trở về nhà. Các ông “đã tin” dù không thấy Thầy Giê-su Phục Sinh. Các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống. Chính những hiện tượng này đã đem đến niềm tin cho các ông. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh của các ông không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

“Chúa đã sống lại thật rồi, Ha-lê-lui-a. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền. Đến muôn đời muôn thuở. Ha-lê-lui-a”. Vâng, đây là ca nhập lễ của ngày lễ Phục Sinh.

Cộng đồng dân Chúa cũng đã tuyên xưng điều này, qua những lời tung hô Thánh Thể, rằng: “Con tuyên xưng Chúa đã chết đi. Con tuyên xưng Ngài đã sống lại. Trong vinh quang mai Ngài lại đến. Đón chúng con lên trời về với Chúa Cha”.

Và, thánh Phao-lô đã tuyên bố với cộng đoàn Cô-rin-tô rằng: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trỗng rỗng” (x.1Cr 15, 14)

Lm Charles E.Miller thì cho rằng: “Chúa Nhật Phục Sinh là ngày lễ hàng đầu trong các ngày lễ của chúng ta. Không có sự sống lại (của Đức Giê-su) thì niềm tin vào các biến cố trong quá khứ sẽ sụp đổ, sự hân hoan mong đợi tương lai sẽ nhường bước cho nỗi buồn, và cuộc cử hành trong hiện tại sẽ vô nghĩa”.

Mà, thật vậy. Chính nhờ tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu hôm nay vẫn luôn “hồi tưởng về quá khứ trong đức tin”. Việc cử hành tuần Tam Nhật Thánh trên khắp thế giới trong tuần qua, long trọng và đầy xúc động, như một xác tin cho niềm tin, tin rằng: “ngày thứ ba Người  sống lại như lời Thánh Kinh”.

Chính nhờ tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu hôm nay, vẫn luôn “hướng nhìn tương lai trong đức cậy”, với lời nguyện, rằng: “Lạy Chúa , con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy chẳng có lẽ nào sai được.  Amen”.

Chính nhờ tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu hôm nay, vẫn luôn “sống một đời sống đức mến trong hiện tại”. Những trại cùi, những làng phong, những nơi nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, người tàn tật, người già neo đơn, do các nữ tu Công Giáo điều hành, như những điển hình.

“Cơ sở bảo trợ xã hội – Trọng Đức – Lâm Đồng”  được đài thọ và điều hành bởi những người Công Giáo, chẳng phải là họ đã nêu gương “sống một đời sống đức mến trong hiện tại”, sao!

 

Vâng, tin Đức Giê-su Phục Sinh, Lm. Charles E.Miller có lời truyền dạy, rằng:  “chúng ta phải sống với Người theo cách Người đã sống trên trần thế”.

Sống với Người theo cách Người đã sống, là sống làm sao nhỉ! Thưa, đó là chúng ta hãy: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp”. Đó là chúng ta hãy:  “Tìm an ủi người hơn được người ủi an… Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Sống với Người theo cách Người đã sống, rồi sao nữa nhỉ! Thưa, rồi chúng ta cũng chờ đợi như hai tông đồ Phê-rô và Gio-an đã đợi chờ. Xưa, hai ngài đã đợi chờ và đã gặp Đức Giê-su Phục Sinh.

Còn chúng ta hôm nay, vâng, chúng ta cũng sẽ gặp Ngài. Gặp Ngài “trong vinh quang mai Ngài sẽ đến. Đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha”.

Hãy chờ và hãy tin.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận