Đức Thánh cha Phanxicô cầu nguyện cho các dân tộc bị bách hại, trong đó người Uighurs, ở tỉnh Tân Cương bên Trung Quốc, và nhà nước Trung Quốc phản đối điều này.
Trong cuốn sách mới tựa đề “Chúng ta hãy mơ ước”, Let Us Dream, dầy 150 trang, sẽ được xuất bản vào đầu tháng Mười Hai tới đây, nhưng một số đoạn được phổ biến trước cho báo chí, Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Tôi thường nghĩ đến các dân tộc bị bách hại, những người Uighurs tội nghiệp, người Yazidi – những gì nhà nước Hồi giáo ISIS gây ra cho họ thật là tàn ác – hoặc tôi cũng nghĩ đến các Kitô hữu ở Ai cập và Pakistan bị giết vì bom nổ trong lúc họ cầu nguyện trong nhà thờ”.
Phản ứng ngay về tin này, phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng: “Những nhận định của Đức Giáo hoàng không có căn cứ nào cả. Tất cả mọi nhóm dân tộc tại Trung Quốc đều được hưởng trọn vẹn quyền sinh sống, phát triển và tự do tôn giáo tín ngưỡng”.
Theo các dữ kiện do các chuyên gia cung cấp và được Liên Hiệp Quốc xác nhận, có hơn một triệu người Uighurs, tiếng Hoa gọi là dân “Duy Ngô Nhĩ”, trên tổng số gần mười triệu dân này, cùng với các nhóm thiểu số khác nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, theo Hồi giáo, bị cầm tù bất công tại tỉnh Tân Cương. Tỉnh này được dân địa phương gọi là “Đông Turkestan”. Những người đấu tranh cho nhân quyền và 38 chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu, mô tả các trung tâm giam giữ ở Tân Cương thực là những trại tù. Sau khi phủ nhận sự hiện hữu của các trại ấy, nay nhà nước Bắc Kinh gọi các trại đó là những “trung tâm giáo dục để bài trừ khủng bố, chủ trương ly khai và Hồi giáo cực đoan.”
Các quan sát viên quốc tế ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc đến một nhóm tôn giáo thiểu số tại Trung Quốc.
(Asia News, CNA 24-11-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.