Thánh lễ Tạ ơn ba năm TLO và Nghi thức thánh hóa Phòng Truyền Thông

 

THÁNH LỄ TẠ ƠN KỶ NIỆM BA NĂM THÁNH LỄ ONLINE (TLO)

VÀ THÁNH HÓA PHÒNG TRUYỀN THÔNG

(Ngày 31 tháng 10 năm 2020)

“Đừng sợ trở thành công dân của thế giới số quanh ta”

(ĐGH Phanxi cô)

 

Có thể nói truyền thông ngày càng có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống con người và ngay cả trong đời sống của Giáo Hội, truyền thông quả là phương tiện đắc dụng nhất của thời đại để người giáo dân thông tin cho nhau những điều cần thiết hầu xây dựng chính bản thân, gia đình, cộng đồng, giáo xứ và môi trường xã hội mình sống… “Với truyền thông điện tử, con người có thể đi xa hàng trăm vạn dặm trong một tiếng đồng hồ, chẳng những nhanh trong tốc độ mà còn nhanh về cường độ cạnh tranh.” (Bob Steel). Và chính vị Cha chung của chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng: ”Việc cách mạng các phương tiện truyền thông đòi hỏi các năng lực tươi mát và một óc tưởng tượng mới”.

Các năng lực tươi mát và bộ óc tưởng tượng ấy đã được nảy nở ngay chính trong nhóm kỹ thuật của Ban Truyền Thông cùng với sự động viên khích lệ của quý Cha, bằng những khả năng Chúa ban cùng với những cố gắng nỗ lực tìm tòi, hy sinh phục vụ và tinh thần đoàn kết nên một cũng như sự giúp đỡ không ngừng lại của quý vị ân nhân nên ngay trong ngày Lễ Vọng Các Thánh Nam Nữ cách đây ba năm ngày 31 tháng 10 năm 2018 video Thánh lễ Online (TLO) đầu tiên được Ban Truyền Thông giáo xứ Thánh Đa Minh Ba chuông phát sóng trực tuyến trên Website và facebook của giáo xứ.

Thánh lễ Tạ ơn ba năm TLO và Nghi thức thánh hóa Phòng Truyền Thông

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân quý ân nhân, hôm nay lúc 15 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2020 tại Nguyện Đường Thánh Thể, Ban Truyền Thông giáo xứ Thánh Đa Minh Ba chuông cử hành thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm ba năm ngày Thánh lễ Online được phát sóng.

Thánh lễ Tạ ơn hôm nay do Cha bề trên Chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh. OP chủ tế, cùng đồng tế với ngài có quý cha trong tu viện Alberto là những người cha thân yêu cùng đồng hành với Thánh lễ Online vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.

Trong phần chia sẻ, khởi đi từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu về Tám Mối Phúc Thật nhân ngày Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ, cha chủ tế gợi lại cho cộng đoàn hình ảnh các Thánh là ai, các ngài đã sống như thế nào? Đó là những vị đã được hưởng hạnh phúc Quê Trời với Đức Kitô, Đấng mà cả cuộc đời tín hữu hướng về, ngày hôm nay Ngài đã quy tụ các tín hữu là những con người đã sống đức tin như chúng ta nơi trần gian mà giờ đây đã được hưởng hạnh phúc trên quê Trời! Các Thánh là những người kiên trì đi theo Đức Kitô giữa phong ba bão tố cuộc đời, họ đã tới đích; đó là một đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Chính sách Khải Huyền đã cho chúng ta thấy một số hình ảnh 144 ngàn người, dù chỉ là con số tượng trưng được diễn tả trong Kinh Thánh, con số ấy tượng trưng cho 12 Chi tộc, con số ấy nhiều hơn nữa khi nhân lên rồi nhân lên theo cách tính ngày xưa của người Do Thái… nói khác đi theo Thánh Kinh thì các Thánh đông vô kể. Họ được gọi là các Thánh vì họ đã trải qua nhiều thế hệ, từ những vùng tăm tối nhất của kiếp nhân sinh để tiến về miền ánh sáng, họ cũng là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao, họ giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên, họ đang quy tụ bên Con Chiên Tinh tuyền với nhành lá chiến thắng và họ đã sống như thế nào, bên cạnh những vị Thánh đã được tôn vinh còn biết bao nhiêu người đạo đức thánh thiện đã sống ơn gọi là con Chúa từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội dù trong âm thầm, tăm tối, khổ đau, trong yếu đuối sa ngã nhưng lại trỗi dậy tin tưởng vào tình thương Chúa mà tiến bước. Họ có thể là một ôsin của thời đại hôm nay, họ có thể là người vợ của một linh mục, linh mục là vì đây là một người chồng vô thần đã cố tình lung lạc đức tin và không cho người vợ được sống đức tin, người vợ ấy đã âm thầm dâng lên Chúa tất cả những đau khổ, phục vụ âm thầm trong hy sinh để Chúa soi sáng cho người chồng được ăn năn trở lại, sau khi người vợ đã qua đời, người chồng đã nhận ra sự sai lầm của mình và đã quay trở lại, để trở thành người con Chúa, người tín hữu và tình nguyện trở nên một linh mục, một linh mục nổi tiếng của Dòng Đa Minh. Lại cũng có một ôsin khác của thời đại hôm nay, một người giúp việc khi người chủ không cho mình được nói một lời nào với Chúa, nói về Chúa cho bầy con, người giúp việc ấy đã ngày đêm sống đức tin bằng hành động, không được nói thì làm và hệ quả là những đứa con của chủ ngày càng ngoan ngoãn hơn thế nhưng sức khỏe của người ôsin đó đã sa sút đến chết, chỉ một năm sau đó thôi, cả gia đình người chủ ấy đã đến nhà thờ xin dâng lễ giỗ một năm cho người ôsin đó bỡi lẽ họ đã khám phá ra rằng trong những trang nhật ký thẫm đẫm nước mắt là một chuỗi những hy sinh cho gia đình họ, chính vì người con của họ mà người ôsin này phải chết đó là lý do họ quay trở lại đạo Công Giáo. Các Thánh cũng có thể là một người vợ hy sinh cho chồng, con dù âm thầm như Thánh Monica ngày xưa để cho con được ơn trở lại, những bà mẹ Monica ngày nay vẫn còn nhiều lắm, ẩn khuất nơi các gia đình, sẵn sàng hy sinh cho người khác để sống niềm tin phục vụ của mình, họ là những chứng nhân, những thánh nhân ấy dù âm thầm hay kín đáo, công khai sống đức tin của mình đều đi trên một con đường duy nhất đó là con đường Tám Một Phúc Thật:  Phúc cho người nghèo, người hiền lành, người sầu khổ trong tâm hồn – Phúc cho người khao khát sự công chính – Phúc cho người biết xót thương người – Phúc cho người có tâm hồn trong sạch và Phúc cho người xây dựng hòa bình – Phúc cho người bị bách hại vì sự công chính.

Nói vắn tắt, có thể tóm gọn Tám Một Phúc Thật ấy vào mối phúc căn bản đầu tiên đó là Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì rằng con đường đi đến vinh quang của các Thánh chính là con đường Tám Một Phúc Thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời, đây là điều trái ngược với suy nghĩ và tìm kiếm hạnh phúc của người đời, nhưng hơn hai ngàn năm qua những ai đã nghe và sống được những mối phúc ấy đều tìm được lẽ sống và hạnh phúc đích thật, bởi vì tâm hồn nghèo khó chính là không cậy dựa vào tiền bạc, danh lợi, lạc thú của trần gian, tâm hồn nghèo khó chính là ước ao sống tốt lành trong địa vị làm con Chúa nơi trần gian này, tâm hồn nghèo khó chính là sẵn sàng chấp nhận những mất mát để được lấp đầy bằng chính Chúa, tâm hồn nghèo khó chính là một chọn lựa sáng suốt giữa trần gian và nước Trời. Vì vậy, có những thứ người đời mong tìm kiếm và cho là nguồn hạnh phúc nhưng thực chất là đau khổ và ngược lại, do vậy bất cứ con đường nào, phương tiện nào không giúp chúng ta trở nên con cái Chúa mỗi ngày một tốt lành hơn, đến gần Nước Trời hơn đều không phải là hạnh phúc đích thực. Các Thánh là những người đã sống đời tín hữu như chúng ta, có khi phải chịu những hoàn cảnh sống khắc nghiệt hơn chúng ta nhưng nhờ ơn khôn ngoan Chúa ban để chọn lựa, để quyết định đời mình để đi con đường Tám Một Phúc Thật của Chúa hay một trong tám con đường thánh thiện ấy…

Thánh lễ Tạ ơn ba năm TLO và Nghi thức thánh hóa Phòng Truyền Thông

Ba năm trôi qua, đủ để khẳng định rằng sự hiện hữu của Thánh lễ Online trên Website của giáo xứ, trên các trang mạng xã hội chứng tỏ niềm vui Tin Mừng đã và đang đến với mọi người và mọi nơi, đặc biệt với những người già yếu, đau bệnh, những người vì nhiều hoàn cảnh khác nhau không thể đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, chính vì thế từ ngày phát sóng trực tiếp đến nay TLO đã nhận được không ít sự ủng hộ, động viên và chia sẻ niềm vui từ mọi thành phần dân Chúa ở khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng ở hải ngoại. Bởi một lẽ truyền thông tốt đẹp giúp con người gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau hơn và trên hết là gia tăng sự hợp nhất. Chính nhờ vào Internet mà sứ điệp Kitô giáo có thể đến “tận cùng trái đất” (Cv 1,8), nghĩa là mở cửa trong môi trường số để con người dù ở trong tình trạng nào Tin Mừng cũng có thể chạm đến mọi người. Truyền thông chính là công cụ diễn tả ơn gọi truyền giáo của cả Giáo Hội mà ngày nay các trang mạng chính là cách trải nghiệm ơn gọi này để khám phá vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, vì rằng trong lĩnh vực truyền thông, phương tiện truyền thông cũng là cơ hội để chính mình được nên thánh khi mỗi tín hữu biết sử dụng phương tiện truyền thông theo gương Chúa Giêsu và các Thánh.

Thánh lễ Tạ ơn khép lại lúc  16g45, những tia nắng oi bức vẫn còn đọng lại nhưng tất cả mọi người lại cảm nhận được sự ấm áp tình cha con, huynh đệ, sự hy sinh gắn kết và đồng cảm, sự nhiệt thành không nản chí khi phục vụ… Hành trình dấn thân phục vụ của của các anh em trong Ban Kỹ thuật, quay phim và các thành viên cũng như cộng tác viên của Ban Truyền Thông giáo xứ dưới sự hướng dẫn nâng đỡ của Thầy Trưởng Ban sẽ không dừng lại, TLO không quên tri ân ông Giuse Cao Tiến Vị , một giáo dân của giáo xứ và cũng là một vị ân nhân đặc biệt hết sức nhiệt thành giúp đỡ không ngừng lại cho việc thăng tiến của TLO suốt ba năm qua, TLO ra đời cũng có thể là một gợi ý khơi lên ý muốn tìm hiểu vì yêu thích về niềm tin đạo Công giáo nơi những người chưa biết đến Tin mừng của Chúa và cách sống đức tin của Hội Thánh, vì rằng Giáo Hội Công Giáo qua mọi thời luôn tìm cách để thực hành lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi rao ging cho muôn dân… Thy cùng anh em mi ngày cho đến tn thế (Mt 28, 20).

Ngay sau Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm ba năm TLO, Cha Bề trên Chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh.OP và Cha Quản đốc thánh đường Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín.OP cùng Thầy Trưởng ban và Ban Truyền Thông, toàn thể anh chị em cộng tác trong TLO cũng như khách mời tham dự nghi thức thánh hóa và tham quan Phòng Truyền Thông của giáo xứ.

Hẳn trong chúng ta, không ai có thể quên được giữa cơn đại dịch COVID-19 vào tối ngày 27/3/2020,  Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi cầu nguyện đặc biệt với toàn thế giới và ban ơn lành toàn xá “ngoại thường” cho các tín hữu. Tối hôm đó, Vatican vắng lặng, bầu trời xám xịt thấm đẫm cơn mưa, như chính tình cảnh hiện tại của thế giới, đặc biệt là nước Ý. Đức Thánh Cha một mình trên lễ đài (với một linh mục phụ giúp) giữa quảng trường thánh Phêrô, Ngài vẫn ban huấn dụ cách điềm tĩnh, bình an. Với trái tim người mục tử, Đức Thánh Cha cố gắng mang đến cho các tín hữu trên thế giới niềm an ủi, cậy trông, qua việc giảng giải Lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ khi họ đang ở giữa cơn bão tố: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50)…

Giáo Hội hoàn vũ làm sao có thể tham dự và chứng kiến được hình ảnh vị Cha chung, một cụ già 84 tuổi chỉ một lá phổi khập khiễng bước vào Đền Thờ giữa một không gian vắng lặng, chăm sóc lo lắng cho nhân loại, là người được chọn để giữ gìn và phân phát kho tàng ơn thiêng, ngài luôn tìm mọi cơ hội và sáng kiến để thông chuyển ơn Chúa cho mọi người. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy” (Ga 5,17)… ắt là cả nhân loại nói chung và cách riêng là tín hữu trên toàn thế giới đều biết rằng tất cả là nhờ bởi truyền thông, bởi thế giới số.

Giáo hội Công giáo Việt Nam chiếm gần 8% dân số cả nước, hơn 4.500 giáo xứ, với 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội, thuộc 27 Giáo phận (theo thống kê năm 2019). Mạng xã hội thông dụng đến nỗi đa số mỗi Giáo phận, Dòng tu, Giáo xứ, hội đoàn đều có Website hay Fanpage (trang tạo ra từ tài khoản Fb) để phổ biến thông tin, sự kiện, bài, ảnh, video…và những sinh hoạt nơi Giáo Hội địa phương nhờ đó mà người giáo dân Việt Nam biết được mọi thông tin, từ Giáo Hội  địa phương cho đến Giáo Hội hoàn vũ. Khi cần kiểm chứng thông tin, người ta buộc phải dựa vào những trang chính thống của Giáo Hội, và nếu thắc mắc cũng được giải đáp trên những trang đó, người giáo dân Việt  Nam có quá đủ thông tin và việc truyền bá Tin Mừng thật dồi dào trên phương tiện truyền thông đại chúng, mà không phải Giáo hội địa phương nước nào cũng có được như vậy.

Quả thật, thời đại ngày nay “Truyền thông hiện đại bao giờ cũng thắng truyền thông truyền thống”“Ai nắm được truyền thông là chinh phục và làm chủ được thế giới” (Đức TGM Giuse Nguyễn Năng- ngày Lễ Chúa Thăng Thiên 23/5/2020), đặc biệt trong thời gian đại dịch COVID-19 gây ảnh  hưởng và tác động không nhỏ đến nhân loại, sự bùng nổ của kỹ thuật thông tin của thời đại mở ra những bước tiến không ngừng trong việc truyền thông tin tức, ý tưởng và các định hướng một cách nhanh chóng và dễ dàng. Cuộc sống của người Công giáo cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng và nền văn hoá bao trùm của Internet.

Nắm bắt được nhu cầu đó, từ cuối năm 2008 đến nay Ban Truyền Thông (BTT) của Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba chuông đã dần dần có những hoạt động căn bản nhưng vì sự phát triển không ngừng kỹ thuật thông tin nay BTT đã được Cha Bề Trên Chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh OP cùng Cha Quản Đốc Thánh Đường Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín OP quyết định nâng cấp toàn bộ các thiết bị chuyên môn cần thiết để BTT có điều kiện thực hiện được những sinh hoạt mới đa dạng, phong phú hơn.

Ròng rã hơn ba tháng nâng cấp, phòng Truyền Thông của giáo xứ đã hoàn chỉnh. Ngay nơi đây anh chị em trong BTT có thể làm việc một cách độc lập bằng những phương tiện khá hiện đại. Với những thiết bị chuyên môn hiện đại cần thiết BTT đã có những chương trình hoạt động rất mạnh: Trước hết phải kể đến thời gian giãn cách lần thứ hai vì đại dịch COVID-19, các Thánh lễ 17g30 chiều hàng ngày đều được trực tiếp, Thánh lễ dành cho những người không thể đến nhà thờ (Thánh lễ 15g thứ Bảy hàng tuần), trực tiếp các Thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng, đáp ứng nhu cầu của các Đoàn thể, Hội đoàn …(lễ Bổn mạng, lễ Tang). Không chỉ dừng lại đó, phòng Thu âm mới cũng được thiết kế đúng chuẩn hiện đại để phục vụ cho những Chương trình Suy niệm Lời Chúa hằng ngày, các bài Chia sẻ Lời Chúa, các bài hát Thánh Ca, và gần đây nhất một chương trình Sách Nói đã và đang được thực hiện.

Thánh lễ Tạ ơn ba năm TLO và Nghi thức thánh hóa Phòng Truyền Thông

Song song cùng những hoạt động trên, với những điều kiện thuận lợi bởi một hệ thống thiết bị hiện đại, dự kiến tới đây BTT của giáo xứ với sự hợp tác của một số Chuyên viên, Đạo diễn… sẽ tổ chức những chương trình Talkshow với các buổi Tọa đàm Chuyên đề, , Học Giáo Lý trực tuyến, Giải đáp thắc mắc trực tuyến, Chương trình Học Tiếng Anh qua Tin Mừng Chúa Nhật (nhóm DoYoVi), ghi hình các chương trình Thánh Ca, Văn Hóa Nghệ Thuật…

Tuy nhiên, mục tiêu của BTT vẫn luôn mong muốn nơi đây (phòng Truyền Thông) sẽ trở thành một trong những nơi hoạt động truyền thông thật sự đa dạng phong phú mà mọi thành viên BTT đều phải ý thức rằng giá trị của sự thật muốn chia sẻ không phải do được nhiều người ưa thích hay chú ý mà phải làm cho sự thật ấy được biết đến một cách toàn vẹn, thay vì tìm cách làm cho người ta chấp nhận nó hay làm dịu nó đi. Nói khác đi, mọi chương trình hoạt động của BTT cũng là nhằm cho Đức Giêsu Kitô hiện diện trên Internet, để Ngài trở thành Ánh sáng xua tan dần những sức mạnh của bóng tối đang hoành hành trên Internet và nhờ có Ngài mà thế giới mạng Internet thực sự “có hồn”, có nhân vị, có phẩm giá cao cả. Đấy cũng là một trong những nghĩa vụ thiết thực và cấp bách của người Kitô hữu hôm nay.

Xin Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Nam Nữ ban cho quý Cha, quý Thầy đầy tràn ân sủng của Chúa và tất cả anh chị em phục vụ, cộng tác trong Thánh Lễ online của Ban Truyền Thông luôn hồn an xác mạnh, đầy nghị lực, nhiệt huyết… tất cả đều biết ý thức tiềm năng lớn lao của các phương tiện truyền thông và tận dụng chúng cách đúng đắn trong việc phát huy tài năng của chính mình để dấn thân phục vụ cho cộng đồng, Giáo Hội. Xin Chúa cũng chúc lành cho những ai hiện đang dấn thân cách chuyên biệt trong công tác truyền thông, để họ trở nên chứng tá cho chân lý và bác ái trong môi trường hoạt động của mình bởi lẽ người truyền thông Kitô giáo phải quan tâm tới đời sống và sự trưởng thành thiêng liêng cũng như phát triển nhân bản của chính mình thì mới có thể trở thành một người truyền thông thiêng liêng và quân bình, nhờ đó mới dễ dàng được nhận ra và sẽ có thể góp phần vào việc xây dựng các cộng đoàn bằng tình yêu, chia sẻ, hiệp thông, quan hệ và bình đẳng.

Thánh lễ Tạ ơn ba năm TLO và Nghi thức thánh hóa Phòng Truyền Thông

Sau cùng, BTT chúng con chân thành tri ân cảm tạ Cha Bề trên Chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh OP, Cha Quản đốc Thánh đường Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín OP và quý vị ân nhân xa gần bằng những đóng góp âm thầm với những lời cầu nguyện và tài chính luôn đồng hành, nâng đỡ và khích lệ chúng con để Ban Truyền Thông giáo xứ có điều kiện phát huy hết năng lực Chúa ban ngõ hầu phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng ngày một thăng tiến, gieo niềm hy vọng và tin tưởng vào tương lai bởi lẽ khi tương lai được đón nhận là một thực tế tích cực có thể xảy ra thì hiện tại cũng trở nên đáng sống, vì rằng: “Giáo Hội sẽ nhìn vào anh chị em, những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông với sự tin tưởng và kỳ vọng. Bởi vì anh chị em được kêu gọi để đọc và giải thích thời hiện tại và nhận ra cách thức truyền thông Tin Mừng theo các ngôn ngữ và cảm thức của con người ngày nay.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

Maria PTH – Ban Truyền Thông.

Để lại một bình luận