Sáng Chúa nhật 23/02/2020, sau khi đến Bari, nam Italia, nhân cuộc gặp gỡ của các Thượng phụ và giám mục các nước ven Địa Trung Hải, do Hội đồng Giám mục Italia tổ chức, và sau bài diễn văn tại đây, Đức Thánh cha Phanxicô đã cùng với các giám mục xuống tầng hầm Đền thánh để kính viếng hài cốt thánh Nicola tại đây, rồi ngài giã từ cộng đoàn các cha Đa Minh coi sóc Đền thánh.
Khi ra bên ngoài, Đức Thánh cha còn chào thăm hàng ngàn tín hữu chờ đợi ngài, trước khi ra khu vực Đại lộ Vittorio Emmanuelle II, hướng nhìn ra biển để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ 45, trước sự hiện diện của khoảng 40.000 tín hữu, trong đó có tổng thống Italia, ông Sergio Mattarella, và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giuseppe Conte. Nhiều màn hình khổng lồ được bố trí tại khu vực hành lễ, để các tín hữu có thể tham dự thánh lễ. Đồng tế với Đức Thánh cha có hơn 18 hồng y, 4 thượng phụ và khoảng 100 giám mục Italia và các nước, cùng hàng trăm linh mục.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin Mừng trong đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ vượt lên trên luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38) để tiến lên cao hơn nữa: “Thầy bảo các con đừng chống lại kẻ gian ác” (Mt 5,39), và “Các con hãy yêu thương kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con” (Mt 5,44).
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Đây là một sự mới mẻ của Kitô giáo. Đó chính là sự khác biệt của Kitô giáo… Chúa yêu cầu chúng ta can đảm yêu thương mà không tính toán, vì mức độ Chúa Giêsu yêu thương là tình yêu không có mức độ. Bao nhiêu lần chúng ta đã lơ là đối với yêu cầu của Chúa, và hành động như tất cả mọi người khác! Giới răn yêu thương không phải chỉ là một sự khiêu khích, nhưng ở chính trọng tâm của Tin Mừng. Chúa yêu cầu chúng ta yêu thương tới mức tột cùng.”
Yêu thương kẻ thù
“Các con hãy yêu thương kẻ thù của các con”. Chúng ta nên lập lại cho chính mình những lời này và áp dụng cho những người mà xử tệ với chúng ta, gây phiền toái cho chúng ta, những người chúng ta khó đón nhận, khiến chúng ta mất sự thanh thản… Bao nhiêu lần chúng ta than phiền vì những gì chúng ta không nhận được, vì những gì không ổn! Chúa Giêsu biết bao nhiêu điều không ổn, và sẽ luôn luôn có người muốn sự ác cho chúng ta, và có cả những người bách hại chúng ta. Nhưng Chúa chỉ yêu cầu chúng ta cầu nguyện và yêu thương. Đó chính là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử: từ kẻ thù phải oán ghét đến kẻ thù cần phải yêu thương.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, ngày hôm nay, Chúa Giêsu với tình thương vô biên của Ngài, nâng cao mức độ tình người của chúng ta. Sau cùng chúng ta có thể tự hỏi: “Chúng ta có thành công hay không?” Nếu mục tiêu là không thể đạt được, thì Chúa có lẽ đã không yêu cầu chúng ta đạt tới. Nhưng tự mình thật là khó khăn, có ơn thánh cần phải cầu xin. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương. Hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương, xin dạy con tha thứ. Tự mình, con không thể, con cần Chúa giúp”… Rất nhiều khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ và ân phúc cho chúng ta, nhưng rất ít khi chúng ta cầu xin để được biết yêu thương. Chúng ta không cầu xin cho đủ để được biết sống cốt yếu của Tin Mừng, trở thành những Kitô hữu đích thực. “Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình thương” (S. Gioan Thánh Giá, Parole di luce e di amore, 57). Ngày hôm nay, chúng ta hãy chọn tình thương, dù chúng ta có phải trả giá, dù phải đi ngược dòng. Chúng ta đừng để mình bị ảnh hưởng vì tư tưởng chung, đừng hài lòng với những mức độ nửa chừng. Chúng ta hãy đón nhận thách đố của Chúa Giêsu, thách đố của đức bác ái. Chúng ta sẽ là những Kitô hữu đích thực và thế giới sẽ nhân bản hơn”.
G. Trần Đức Anh, O.P.