Như thời tiết được chia làm bốn mùa: Xuân- Hạ-Thu-Đông, phụng vụ Giáo Hội cũng được chia làm những mùa rõ rệt. Khởi đầu cho năm phụng vụ là Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Xen vào giữa là Mùa Thường Niên. Kế tiếp là Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Và khi mùa Chay và mùa Phục Sinh kết thúc, lịch Phụng Vụ lại quay về mùa Thường Niên cho đến khi kết thúc một năm Phụng Vụ.
Chúa Nhật hôm nay, toàn thể Giáo Hội, một lần nữa, bước vào mùa Vọng. Và, khi Mùa Vọng đến, đa số chúng ta đều hướng đến một suy nghĩ rằng: Ồ! Lễ Giáng Sinh sắp đến rồi.
Lễ Giáng Sinh sắp đến rồi. Thế nên, những ngày gần đây, nhiều xóm đạo đã bắt đầu giăng hoa kết đèn khắp xóm, với tất cả sự nhiệt tình cho việc Mừng Chúa Giáng Sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hướng về Mùa Vọng với tất cả sự nhiệt tình như thế thì chưa đủ.
Sẽ có người thắc mắc rằng: Chưa đủ! vậy thế nào thì mới được cho là đủ! Vâng, muốn nhận ra thế nào là đủ, trước hết chúng ta cần biết rằng: Mùa Vọng là gì?
Mùa Vọng là gì nhỉ? Xin thưa, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sẽ xảy đến.
Hôm nay, để hướng về Mùa Vọng một cách tốt nhất, điều trước tiên đó là chúng ta hãy tiếp tục đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, một Đức Giêsu đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” để cho “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (x.Ga 1, 12).
Và tiếp đến, hướng về Mùa Vọng, chúng ta hãy hướng đến những điều sẽ xảy đến, và đã được nhắc nhở qua kinh Tin Kính rằng: “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa… Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.
Đó… đó chính là những điều chúng ta phải “trông mong, mong đợi và hy vọng”.
Đây không phải là những điều chúng ta trông mong, mong đợi và hy vọng mơ hồ, bịa đặt, nhưng do chính Đức Giêsu đã công bố, năm xưa.
Vâng, chính Đức Giê-su, trước giờ chịu nộp mình, trong bữa tiệc ly, Ngài đã tâm tình cùng các môn đệ của mình, rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).
Bao giờ “Thầy sẽ gặp lại anh em?” Và bao giờ “Người sẽ lại đến trong vinh quang?”. Thưa, điều này Đức Giê-su nói rất rõ ràng và được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu (Mt 24, 37-44)
Câu chuyện đã được Thánh sử Mát-thêu ghi lại như sau: Hôm đó, “Khi Đức Giêsu từ trong Đền thờ đi ra… (và) lúc Người ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: Xin Thầy nói cho chúng con biết… cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (Mt 24, 3).
Điềm nào ư! Vâng, Đức Giê-su đã cho biết sẽ có rất nhiều điềm xảy ra, như: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” v.v… Tuy nhiên, điều Ngài muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết, đó là luôn phải “canh thức và sẵn sàng”.
Canh thức và sẵn sàng như thế nào? Thưa, Đức Giê-su đã đưa ra câu chuyện thời ông No-ê như một lời khuyên bảo. Vâng, hôm ấy Ngài đã nói rằng; “Thời ông No-ê, như thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”.
Thời ông No-ê như thế nào nhỉ? Thưa, Kinh Thánh có ghi lại rằng: trước “Sự gian ác của con người trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng’. Nhưng ông No-ê được đẹp lòng Chúa” (x.St 6, 5-9)
Ông No-ê, theo lời Kinh Thánh ghi lại, “là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa”. Chính vì thế, Đức Chúa không chỉ cho ông biết “giờ tận số của mọi xác phàm”, mà còn nói với ông: “Hãy làm cho mình một chiếc tàu… hãy vào tàu, ngươi cùng con trai ngươi.. ” Nhờ đó, ông No-ê và gia đình đã được an toàn khi Đức Chúa “đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày, bốn mươi đêm”.
Sau bốn mươi ngày, bốn mươi đêm: “Mọi loài trên mặt đất, từ con người đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, chúng bị xóa khỏi mặt đất, chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông.” (St 7, 23). Không bất ngờ, tất cả đều đã được cảnh báo và ông No-ê đã có sự “canh thức và sẵn sàng”.
Và sau đó, Đức Giê-su còn đưa ra một sự kiện rất đời thường như là một câu trả lời cho câu hỏi phải canh thức và sẵn sàng như thế nào?
Hôm ấy Ngài nói rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.”.
Cuối cùng, khép lại những lời cảnh báo, một thông điệp được Đức Giêsu long trọng tuyên bố: “Vậy, anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Cho nên, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Phải “Canh thức và sẵn sàng”. Vâng, đó là thông điệp không chỉ dành riêng cho các môn đệ (là những người đã hỏi Đức Giê-su) năm xưa, nhưng còn là thông điệp được gửi đến cho mỗi chúng ta, hôm nay.
Mọi sự đã quá rõ ràng, rõ ràng để chúng ta biết rằng, tất cả những lời tiên báo về ngày giờ Chúa Giê-su quang lâm (như có một số tín đồ của một vài giáo phái đã tuyên bố), chỉ là những lời của những “Ki-tô giả và ngôn sứ giả”, mà thôi. (x.Mt 24, 23)
Đừng quên, Đức Giê-su đã nói: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (x.Mt 24, 36).
Tông đồ Phaolô, cũng chung một niềm trông đợi như thế, đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”. Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ: “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6)
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, thông điệp của Đức Giê-su vẫn còn đó, còn đó và được Giáo Hội tiếp tục công bố, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật I – Mùa Vọng hôm nay(1/12/2019), rằng “phải canh thức và sẵn sàng”.
Tiếp tục công bố để làm gì nhỉ? Thưa, để chúng ta cùng đề cao cảnh giác, bởi vì, biết đâu, hôm nay, Ngài “trở lại trong vinh quang”, liệu tôi sẽ là người “được đem đi” hay tôi là người “bị bỏ lại”?
Nói lên điều này để làm gì? Thưa là để, nếu chúng ta muốn là người được đem đi, hãy “canh thức và sẵn sàng”.
Và sẽ là người bị bỏ lại nếu… nếu chúng ta cứ “lang thang theo ngày tháng, theo đời hoang” sống một đời sống như bản sao của “người con hoang đàng”, người con thứ trong “dụ ngôn người cha nhân hậu”, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh sử Luca.
Vâng, giữa sự kiện được-đem-đi hay bị-bỏ-lại, đây là một cuộc chiến đấu không khoan nhượng, là một cuộc chiến đấu một sống một chết. Và, có ai trong chúng ta lại không muốn chiến thắng, nhỉ!
Thưa quý vị, quý vị muốn chiến thắng không? Nếu muốn, hãy bước vào “Con tàu No-ê mới”, đó chính là con tàu mang tên “Hội Thánh”.
Quý vị có thấy gì không? Hơn hai ngàn năm qua, đã xảy ra biết bao nhiêu trận lụt “đại hồng thủy”, những trận đại hồng thủy không do bởi Thiên Chúa, nhưng do bởi Satan và con cái của nó gây ra.
Đó là những trận “Đại Hồng Thủy Chủ Thuyết” đại loại như: chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần. Đó là những chủ thuyết chủ trương tiêu diệt Hội Thánh, chối bỏ Thiên Chúa. Đó là những chủ thuyết cổ súy cho một lối sống phóng túng, tự do luyến ái, tự do phá thai, tự do đồng tính v.v…
Nó đã tàn phá biết bao nhiêu quốc gia. Nó đã chôn vùi biết bao nhiêu thế hệ con người. Việt Nam cũng không ngoài tầm ngắm của nó.
Là một Ki-tô hữu, để có thể tránh được những cơn đại hồng thủy đó, như đã nói ở trên, hãy bước vào “Con tàu No-ê mới”, đó chính là con tàu mang tên “Hội Thánh”.
Nơi con tàu này, chúng ta được an toàn bởi vị Thuyền Trưởng mang tên Giê-su, một vị thuyền trưởng đã phán hứa với chúng ta rằng: Ngài “sẽ ở lại với (chúng ta) mọi ngày cho đến tận thế”. Và, rằng Ngài đã cung cấp một thứ “lương thực thường tồn”, đó chính là “Mình và Máu Thánh Con Trời Giêsu”, một thứ lương thực đem đến cho chúng ta sự sống đời đời, một sự sống sung mãn hầu có thể “canh thức và sẵn sàng” cho ngày “Con Người sẽ đến”.
Như xưa kia, khi nạn hồng thủy xảy ra, “chỉ còn lại ông No-ê và những gì ở trong tàu với ông” sống sót. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, để không bị chết chìm bởi những trận đại hồng thủy của những chủ nghĩa thế tục do Satan tạo ra đầy quyến rũ, bước vào con tàu Hội Thánh chúng ta mới có thể sống sót. Trong con tàu Hội Thánh, chúng ta mới có niềm hy vọng rằng mình sẽ có tên trong danh sách “một người được đem đi” (Mt 24, …41)
Thế nên, đừng vì những quyến rũ của Satan, của thế gian mà rời con tàu mang tên Hội Thánh. Đừng quên, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì”.
Cuối cùng, hãy nhìn vào những điềm báo mà Đức Giê-su đã nói, như: chiến tranh, thiên tai, bão lụt, động đất v.v… phải chăng, hôm nay những điềm báo ấy ngày càng hiện thực! Thưa, đúng vậy, và có vẻ như ngày càng xảy ra nhiều hơn.
Đó… đó chính là “dấu chỉ”, những dấu-chỉ-thời-đại, cho chúng ta thấy, ngày Chúa Giêsu trở lại, đang gần kề, ngày “Thầy quang lâm và ngày tận thế” sắp đến.
Thưa quý vị, quý vị có tin như thế không? Câu trả lời, tất nhiên, dành riêng cho mỗi chúng ta. Tại sao lại dành riêng nhỉ? Thưa, là bởi, rất có thể chúng ta không thể cùng nhau chứng kiến ngày “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Nhưng chắc chắn từng người trong chúng ta sẽ đối diện ngày “Người sẽ lại đến” để phán xét mỗi chúng ta, vào ngày chết của mỗi người chúng ta.
Thế nên, để có được một Mùa Vọng hữu ích cho đời sống Ki-tô hữu của mỗi chúng ta, ngoài việc giăng hoa kết đèn cho hang Be-lem bằng gỗ đá, hãy dám vào hang Be-lem tâm hồn của mỗi chúng ta thông điệp của Thầy Giê-su, thông điệp rằng: “anh em hãy canh thức – anh em hãy sẵn sàng”.
Cuối cùng, thưa quý vị, quý vị có công nhận rằng: “Mỗi tối khép mắt vẫn thấy chỉ riêng mình ta!” Vâng, chỉ riêng mình ta với Thiên Chúa, mà thôi.
Đó… đó là lý do, lý do để mỗi tối, trước khi “khép mắt” chúng ta nên tự hỏi mình rằng: Tôi có canh thức và sẵn sàng?
Petrus.tran