Sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha từ Hiroshima

 

Sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha từ HiroshimaTrong buổi cầu nguyện cho các nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima, chiều tối ngày 24/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi thế giới từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục tiêu chiến tranh, và vượt thắng mọi bất đồng bằng con đường đối thoại.

Sau thánh lễ chiều ngày 24/11 tại sân dã cầu ở thành phố Nagasaki, Đức Thánh Cha đã ra phi trường để đáp máy bay, lúc quá 4 giờ rưỡi chiều, đi Hiroshima, để tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử và gióng lên sứ điệp hòa bình.

Sau hơn 1 giờ bay, Đức Thánh Cha tới Hiroshima, thành phố có gần 1 triệu 200 ngàn dân cư, đông gần gấp 3 Nagasaki, là nơi quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử được ném xuống đây ngày 06/08/1945 làm cho 150 ngàn người chết tức khắc, hàng chục ngàn người chết trong những năm tháng sau đó vì phóng xạ.

Từ phi trường, Đức Thánh Cha đi bằng xe thêm 53 cây số để tới Công viên tưởng niệm hòa bình, tại nơi bom nguyên tử được ném xuống. Đài tưởng niệm hòa bình được thiết lập năm 1954 trên khu đất rộng hơn 120 ngàn mét vuông, xung quanh là những vườn cây và nhiều cơ cấu tưởng niệm khác.

Đài tưởng niệm có mái vòm bằng kiếng và trong khu vực này cũng có một thính đường và một bảo tàng viện hòa bình.

Khi đến đây lúc 8 giờ 40 phút giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã được ông Tỉnh Thưởng, thị trưởng và chủ tịch hội đồng thành phố chào đón. Ngài ký vào sổ vàng lưu niệm và chào thăm 20 vị lãnh đạo tôn giáo, và đại diện các nạn nhân, trước khi đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm.

Đức Thánh Cha và 1300 người hiện diện cầu nguyện trong thinh lặng theo nhịp tiếng chiêng nhẹ nhàng.

Rồi mọi người lắng nghe chứng từ của hai người sống sót: một phụ nữ 14 tuổi khi xảy ra vụ ném bom. Bà đã chứng kiến tình trạng bao nhiêu người thân yêu, bạn hữu và những người quen biết chết vì bệnh ung thư do phóng xạ nguyên tử. Bà làm việc không ngừng để cổ võ bài trừ hạt nhân.

Chứng từ thứ hai của một nạn nhân, ông không đến được, nên một người đã đọc thay chứng từ. Lúc ấy ông mới 17 tuổi. Tuy sống sót nhưng ông chịu đau khổ rất nhiều vì những hậu quả.

Sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha nói: “Tại nơi này, bao nhiêu người nam nữ, những mơ ước và hy vọng của họ chỉ còn lại bóng đen và thinh lặng sau khi luồng chớp và lửa lóe lên. Trong khoảnh khắc, tất cả bị thiêu hủy do một hố đen tối tàn phá và chết chóc. Từ vực thẳm thinh lặng ấy, ngày hôm nay người ta còn tiếp tục lắng nghe tiếng kêu mạnh mẽ của những người không còn nữa. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, có những tên khác nhau, một vài người trong số họ nói những tiếng khác. Nhưng tất cả cùng chung một số phận, trong một giờ thảm khốc mãi mãi đánh dấu không những lịch sử đất nước này, nhưng cả khuôn mặt của nhân loại.”

“Nơi đây, tôi nhớ đến tất cả các nạn nhân và cúi mình trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót sau những lúc đầu tiên ấy, nhưng trong nhiều năm trời, đã chịu trong thân thể họ những đau đớn cấp tính nhất, và trong tâm trí họ, những mầm mống của sự chết đã tiếp tục tiêu hao sinh lực của họ”.

Như người lữ hành hòa bình trước những đe dọa

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải đến nơi này như một người lữ hành hòa bình, để cầu nguyện, nhớ đến các nạn nhân vô tội của bao nhiêu bạo lực, mang trong tâm hồn những lời cầu khẩn và khát vọng của những người nam nữ thời nay, đặc biệt là những người trẻ, họ đang mong ước hòa bình, làm việc cho hòa bình, hy sinh cho hòa bình…”

“Với lòng khiêm hạ, tôi muốn là tiếng nói của những người, mà tiếng nói của họ không được lắng nghe. Họ lo âu bất an nhìn những căng thẳng đang gia tăng trong thời nay, những bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được, đang đe dọa sự sống chung của nhân loại, sự bất lực trầm trọng trong việc chăm sóc căn nhà chung của chúng ta, sự liên tục và nhất thời tìm tới các võ khí, như thể chúng bảo đảm một tương lai hòa bình.”

Lên án võ khí hạt nhân

“Với tất cả xác tín, tôi muốn lập lại rằng sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục tiêu chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác, không những chống lại con người và nhân phẩm, nhưng còn chống lại mọi khả thể tương lai trong căn nhà chung của chúng ta. Sự sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục tiêu chiến tranh là vô luân. Chúng ta sẽ bị phán xét về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ đứng lên làm người xét xử sự thất bại của chúng ta, nếu chúng ta nói về hòa bình mà không thi hành hòa bình bằng những hoạt động của chúng ta giữa các dân tộc trên trái đất. Làm sao chúng ta có thể nói về hòa bình trong khi chúng ta kiến tạo những võ khí mới mẻ và kinh khủng? Làm sao chúng ta có thể nói về hòa bình trong khi chúng ta biện minh cho một số hành động bất hợp pháp với những diễn văn kỳ thị và oán ghét? …”

Chấp nhận những khác biệt

Việc kiến tạo hòa bình trong sự thật và công lý có nghĩa là nhìn nhận rằng “rất nhiều khi có những khác biệt, cả những dị biệt lớn lao, trong kiến thức, trong nhân đức, các khả năng phát minh, trong việc sở hữu của cải vật chất” (Pacem in terris, 49), nhưng điều đó không bao giờ có thể biện minh cho chủ ý áp đặt cho người khác những sở thích đặc thù của mình. Trái lại tất cả những điều đó có thể là một lý do để lãnh trách nhiệm và tôn trọng nhiều hơn. Cũng vậy, các cộng đồng chính trị, có thể có những khác biệt hợp pháp với nhau về mức độ văn hóa hoặc phát triển kinh tế, đều được kêu gọi dấn thân làm việc “cho sự thăng tiến chung”, cho thiện ích của tất cả mọi người (ibid. 49-50).

“Thực vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an ninh hơn, chúng ta phải rời bỏ khí giới: “Không thể yêu thương mà tay cầm võ khí tấn công” (Paul VI, ngày 04/10/1965 tại Liên Hiệp Quốc, n.5) …

Ba mệnh lệnh luân lý

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Tưởng nhớ, đồng hành với nhau, bảo vệ. Đó là ba mệnh lệnh luân lý, càng có một ý nghĩa mạnh mẽ và phổ quát hơn tại Hiroshima này, và chúng có khả năng mở ra một con đường hòa bình thực sự. Vì thế, chúng ta không thể để cho các thế hệ hiện tại và tương lai mất ký ức về những gì đã xảy ra. Ký ức là một bảo đảm và khích lệ để xây dựng một tương lai công chính và huynh đệ hơn; ký ức lan truyền, để thức tỉnh lương tâm của tất cả mọi người nam nữ, nhất là những người ngày nay đang giữ một vai trò đặc biệt đối với vận mệnh của các dân nước; ký ức sinh động giúp nói từ thế hệ này sang thế hệ khác: không bao giờ xảy ra nữa!”

Hiệp nhất và hy vọng

“Chính vì thế, chúng ta được kêu gọi cùng hiệp nhất tiến bước với nhau, với cái nhìn cảm thông và tha thứ, mở ra chân trời hy vọng và mang những tia sáng vào giữa nhiều đám mây đang làm cho bầu trời đen tối. Chúng ta hãy mở cửa đón nhận hy vọng, trở thành những dụng cụ hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn có thể thực hiện được, nếu chúng ta có khả năng bảo vệ và nhìn nhận nhau như anh em trong cùng một vận mệnh chung. Thế giới chúng ta có liên hệ với nhau, không những vì sự hoàn cầu hóa, nhưng vẫn luôn vì trái đất chung, đang đòi hỏi hơn các thời khác, hãy ngưng những quyền lợi của những nhóm hoặc phe phái, để đạt tới sự cao cả của những người đang chiến đấu trong tinh thần đồng trách nhiệm, để bảo đảm một tương lai chung.”

Không bao giờ chiến tranh nữa!

“Trong một lời khẩn cầu duy nhất, cởi mở đối với Thiên Chúa và tất cả những người nam nữ thiện chí, nhân danh tất cả các nạn nhân các vụ dội bom, những vụ thí nghiệm hạt nhân và tất cả các cuộc xung đột, chúng ta cùng nhau gióng lên một tiếng kêu: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ còn những tiếng nổ của võ khí, không bao giờ nhiều đau khổ như vậy nữa! Ước gì hòa bình đến trong thế giới chúng ta ngày nay. Lạy Thiên Chúa, Chúa đã hứa với chúng con: Tình thương và chân lý gặp nhau. Công lý và hòa bình hôn nhau. Chân lý sẽ nảy mầm từ lòng đất và công lý sẽ xuất hiện từ trời” (Tv 8,11-12).

“Lạy Chúa xin hãy đến, vì trời đã tối, và nơi nào đầy tàn phá, ước gì ngày hôm nay được dồi dào hy vọng, có thể viết và thực hiện một lịch sử mới. Lạy Chúa là Vua hòa bình, xin làm cho chúng con trở thành những dụng cụ và phản ánh hòa bình của Chúa!”

Kết thúc buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã trở lại phi trường để đáp máy bay trở lại Tokyo và về đến Tòa Sứ Thần lúc 10 giờ rưỡi đêm.

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

Để lại một bình luận