Trong cuộc gặp gỡ Hội đồng Giám mục Nhật Bản chiều Thứ Bảy, 23/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Giám mục tiếp tục dấn thân đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng dù Giáo Hội tại nước này chỉ là một cộng đoàn thiểu số bé nhỏ.
Cuộc gặp gỡ các Giám mục thuộc 16 giáo phận Nhật Bản diễn ra lúc quá 6 giờ rưỡi chiều tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Tokyo và là hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha sau khi đến nước này.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Lên tiếng sau lời chào mừng của vị Chủ tịch, là Đức Hồng y Thomas Aquino Manyo Maeda, Tổng giám mục giáo phận Osaka, Đức Thánh Cha kể lại rằng:
“Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã cảm thấy thiện cảm và quí mến đối với đất nước này. Nhiều năm đã trôi qua từ động lực thừa sai ấy mà tôi chưa thực hiện được. Ngày hôm nay, Chúa cho tôi cơ hội được ở giữa anh em, như người lữ hành thừa sai theo vết các đại chứng nhân đức tin…”
Và nhận định về tình hình địa phương, Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta biết rằng tại Nhật Bản, Giáo Hội nhỏ bé và các tín hữu Công Giáo là một thiểu số, nhưng điều này không giảm bớt sự dấn thân của anh em cho việc loan báo Tin Mừng. Trong hoàn cảnh đặc biệt của anh em, lời nói mạnh mẽ và rõ ràng nhất có thể cống hiến, chính là làm chứng tá khiêm tốn, thường nhật và đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác. Sự đón tiếp trong tinh thần hiếu khách và chăm sóc dành cho nhiều công nhân nước ngoài, – họ chiếm hơn một nửa số tín hữu Công Giáo tại Nhật, – không những là chứng tá tin Mừng giữa lòng xã hội Nhật, nhưng còn chứng tỏ đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội, cho thấy rằng sự kết hiệp của chúng ta với Chúa Kitô mạnh mẽ hơn bất kỳ mối liên hệ hoặc căn tính nào khác và có thể đạt tới mọi thực tại”.
Sức mạnh của Giáo Hội tử đạo
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Một Giáo Hội tử đạo có thể nói một cách tự do hơn, nhất là khi đương đầu với những vấn đề cấp thiết là hòa bình và công lý trong thế giới ngày nay. Tôi sắp viếng thăm Nagasaki và Hiroshima, nơi tôi sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân vụ dội bom khủng khiếp tại hai thành phố này, và tôi sẽ làm vang vọng những lời kêu gọi của anh em về việc giải trừ võ khí hạt nhân. Tôi muốn gặp gỡ những người còn chịu đau khổ vì những vết thương vì thảm họa đó trong lịch sử loài người; cũng như các nạn nhân của 3 tai họa ở Nhật. Đau khổ kéo dài của họ là một lời cảnh giác hùng hồn về nghĩa vụ chúng ta, trong tư cách là con người và là Kitô hữu, phải giúp đỡ những người đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần, đồng thời cống hiến một sứ điệp Tin Mừng hy vọng, chữa lành và hòa giải… Chúng ta phó thác cho lòng thương xót của Chúa những người đã chết, và gia đình họ cũng như tất cả những người đã mất nhà cửa và tài sản vật chất.”
Cổ võ làm chứng tá rõ ràng về Tin Mừng
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Vì thế, tôi khích lệ anh em trong những nỗ lực bảo đảm cho cộng đoàn Công Giáo tại Nhật làm chứng tá rõ ràng về Tin Mừng giữa lòng toàn thể xã hội. Công tác tông đồ bằng giáo dục của Giáo Hội Nhật được nhiều người quý chuộng, đó là một nguồn tài nguyên lớn cho việc loan báo Tin Mừng và chứng tỏ sự dấn thân với những trào lưu trí thức và văn hóa rộng rãi nhất; dĩ nhiên chất lượng đóng góp này tùy thuộc sự thăng tiến căn tính và sứ mạng của Giáo Hội”.
Chống lại những đe dọa sự sống của người trẻ
Đức Thánh Cha cũng nói với các Giám mục Nhật rằng: “Chúng ta ý thức sự kiện có những tai ương khác đang đe dọa sự sống của một số người trong các cộng đoàn của anh em, vì nhiều lý do khác nhau, được biểu lộ qua sự cô đơn, tuyệt vọng và cô lập. Sự gia tăng số người tự tử trong các thành thị của anh em, cũng như nạn bắt nạt (ijime), áp bức, và những hình thức khác của sự tự đòi hỏi, đang tạo nên những thứ tha hóa và gây ngỡ ngàng, mất định hướng về tinh thần. Những hiện tượng đó gây hại nhất là cho người trẻ!
“Tôi mời gọi anh em đặc biệt quan tâm đến người trẻ và các nhu cầu của họ, tìm cách tạo ra những môi trường trong đó nền văn hóa hiệu năng, duy thành tích và thành công có thể cởi mở đối với nền văn hóa yêu thương vị tha, có khả năng cống hiến cho tất cả mọi người, – chứ không phải chỉ cho những người thành đạt,- khả năng sống hạnh phúc và thành công. Với lòng nhiệt thành, với những ý tưởng và năng lực mà anh em có thể cống hiến, cũng như nhờ một sự huấn luyện và đồng hành tốt đẹp, những người trẻ của anh em có thể là một nguồn hy vọng quan trọng cho những người trẻ đồng lứa của họ và làm chứng tá sinh động về đức bác ái Kitô. Một nghiên cứu trong tinh thần sáng tạo, hội nhập vào văn hóa và khéo léo về việc loan báo ơn cứu độ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với rất nhiều người đang khao khát sự cảm thông.”
Sau cùng, Đức Thánh Cha khích lệ các Giám mục Nhật tìm cách đối phó với tình trạng thiếu nhân sự mục vụ. Ngài nói: “Tôi biết rằng mùa gặt thì nhiều mà thợ gặt thì ít, vì thế tôi khuyến khích anh em tìm kiếm, phát triển và làm tăng trưởng một công cuộc truyền giáo có khả năng làm cho các gia đình can dự và thăng tiến một nền huấn luyện có thể đi tới những người ở trong hoàn cảnh của họ, luôn để ý đến thực tại: điểm khởi hành cho mỗi hoạt động tông đồ phát xuất từ nơi con người đang sinh sống, với những thói quen và công việc của họ. Tại đó, chúng ta phải đi tới tâm hồn của các thành thị, các nơi làm việc, các đại học để đồng hành với các tín hữu được ủy thác cho chúng ta bằng Tin Mừng về sự cảm thông và thương xót.”
G. Trần Đức Anh, O.P.