Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân

 

Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhânThánh lễ đặc biệt do một Giám mục người Anh, phụ tá Đức Tổng Giám mục, thuộc giáo phận Westminter, được cử hành ở một nhà thờ của cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam ở trung tâm London, hôm 03/11/2019.

Chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này, Linh mục Tuyên úy Simon Nguyễn Đức Thắng, nói với BBC News Tiếng Việt từ Văn phòng Tuyên úy Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại London:

“Về biến cố đau thương của 39 người Việt Nam đã tử nạn trên đường đi tìm tới nước Anh, đây là một điều vô cùng đau buồn và chúng ta còn đau buồn hơn nữa, bởi vì ngày thứ Sáu vừa rồi, cảnh sát ở Essex đã xác nhận 39 người này hoàn toàn là người Việt Nam hết.

“Và đây là một biến cố vô cùng đau thương không riêng gì cho cộng đoàn Việt Nam mà cho tất cả người Việt Nam trên toàn thế giới, cả trong nước và nước ngoài. Đây là một cái tang quá lớn bởi vì nó đau thương, bởi vì những người đã chết mà chết trong một hoàn cảnh thật không thể nào mà ngờ ra có thể chết như thế được.

“Và tất cả cộng đồng người tây phương ở đây họ không thể nào hiểu nổi là tại sao lại phải chết một cách đau đớn đến như thế và đây là, nếu nói theo danh từ của một người MP, tức là một dân biểu của hạt Thurrock, thì bà cho đây là một sự ‘ác, quỷ dữ’, thì quả thật là kinh khủng…”

‘Chia buồn rất sâu nặng’

Linh mục Thắng cho hay sau khi vụ việc gây chấn động to lớn, cộng đoàn Công giáo Việt Nam đã nhận được ngay sự chia sẻ đặc biệt từ Đức Tổng giám mục Westminster từ thủ đô của Anh quốc:

Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân

“Nỗi đau quá lớn đó đã chia sẻ bởi Đức Hồng y Vincent Nichols, Tổng Giám mục của địa phận Westminster tại London, Ngài đã gọi điện thoại chia buồn rất sâu nặng đến tất cả các nạn nhân và qua cộng đồng Việt Nam để nói với các gia đình tại Việt Nam.

“Rồi Ngài cũng đã cử Đức Giám mục phụ tá là Nicholas Hudson đến đây ngày hôm nay để dâng Thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân, cầu nguyện cho họ, dù họ là Công giáo hay không Công giáo, cũng cầu nguyện cho họ để chia sẻ nỗi đau đó đến với các nạn nhân, mặc dù họ đã ra đi rồi, thế nhưng nỗi đau đó còn đó, chia sẻ và qua đó chia sẻ với các gia đình đang ở Việt Nam là thân nhân của những người này.

“Và đây là một ý nghĩa rất là lớn và điều đặc biệt là cộng đồng Việt Nam ở đây rất đông và hoàn cảnh của rất nhiều người cũng không khác gì so với tất cả những người đã khuất là cũng có rất nhiều người đã tìm đến nước Anh này theo những phương cách như vậy.

“Thì đây cũng là một cách để họ biểu lộ tấm lòng của họ yêu mến đến với tất cả những người đã mất đi số phận của mình, mất đi mạng sống của mình, vì một mục đích đó, chính là tìm tới một đất nước là nơi mà họ hy vọng tìm thấy một cuộc sống mới hạnh phúc và bình an hơn, đó là điều mà chúng tôi sẽ làm ở đây vào lúc 12 giờ trưa tại Giáo sứ này để tưởng nhớ những nạn nhân, cầu nguyện cho họ và trên tất cả, nói lên tất cả nỗi đau của toàn thể cộng đoàn.

“Và nói lên cho mọi người ý thức ra được thân phận của những con người Việt Nam đau đớn đến nhường nào và qua đó cầu mong nói lên một thông điệp cho tất cả người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài là chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với tất cả những nạn nhân và gia đình của họ.”

‘Thương cho số phận người Việt mình’

Trong dịp này, một số giáo dân tham dự buổi lễ cầu nguyện đặc biệt trên tại Nhà thờ Công giáo Việt Nam tại London đã chia sẻ cảm tưởng của mình về buổi lễ, sau khi biến cố bi thảm xảy ra.

Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân

Ông Nguyễn Đức Hào (thứ ba, phải sang, ảnh dưới), sang Anh quốc định cư từ năm 1986 sau năm năm sống ở Hong Kong, nói với BBC:

“Nói chung ngày Chủ nhật chúng tôi vẫn đến đây để đi lễ, vì chúng tôi là người Công giáo, còn mấy ngày hôm nay nghe tin 39 người Việt Nam mình bị nạn trong chiếc containter, nên mấy ngày cuối tuần này, hầu như bà con đều đến đây để đi lễ và cầu xin cho họ cả.

“Khi nghe tin này, cả gia đình, con cái và tất cả những người Việt Nam và nhất là cá nhân tôi, các cháu nhà tôi biết ngay thì thông báo, và chúng tôi thấy rất là buồn và cũng thương cho những số phận và con người Việt Nam mình, mà nhất là Nghệ An và Hà Tĩnh là những nơi trước đây tôi đã về và đã thăm nhiều rồi.

“Nhìn thấy cảnh các con, các cháu ra đi để kiếm ăn, rồi nơi miền Trung gọi là bão lụt, rồi những hoàn cảnh như thế.

“Cho nên đợt 39 người này, đa số ở hai vùng này, từ những cái đau thương này của họ, thì gần như cũng giống như đau thương của gia đình chúng tôi ở bên này, nên cảm thấy cũng rất là buồn.

“Buồn và thương cho họ, mà qua đây xin gửi lời chia buồn cùng với tất cả các ông, bà, anh, chị em có những người thân mất mát.”

‘Hãy đừng nên đi nữa’

Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân

Ông Nguyễn Đức Thuyết, người sang Anh quốc từ năm 1987, với toàn gia đình ở London, nói:

“Vừa rồi biến cố xảy ra với 39 người này, thì tôi nói thật, chúng tôi sang đây cũng ba mươi mấy năm rồi, chúng tôi cũng khuyên mọi người là bây giờ đất nước mình cũng phát triển rồi, hãy nên dừng lại những cuộc đi đó đi, bởi vì ở đâu cũng phải kiếm ăn thôi, vì sang đây giấy tờ rất là khó khăn.

“Thực sự, tôi thành thật khuyên những người còn trẻ, mình ở đất nước mình giờ đang phát triển, hãy ở lại làm ăn ở quê nhà còn hơn, còn đi đổi cái giá như thế này rất là khổ sở, mà nhìn thấy hoàn cảnh các cháu còn trẻ, toàn mười tám, mười chín, hai mươi, hai mấy, đến ba mấy tuổi, tuổi đời vẫn còn quá trẻ.

“Việt Nam bây giờ đâu có phải khổ đâu, sung sướng lắm, rồi, còn sang đây không phải là nhặt được tiền đâu, đổi cái giá rất đắt, nhất là mọi người sang đây không có giấy tờ thì công ăn việc làm không xin được dễ dàng đâu.

“Nên tôi có lời khuyên chân thành với mọi người vẫn còn ở quê nhà có ý định đi thì đừng nên đi nữa, chấm dứt tình trạng này đi, ở nhà lo cuộc sống tương lai sau này thôi.”

Còn Như Lê, một nữ giáo dân đang làm việc và sinh sống tại thủ đô nước Anh, nói với BBC:

“Tôi cảm thấy tôi rất may mắn vì tôi có mặt ở đây ngày hôm nay và cảm thấy thật là đau thương và rất là buồn khi mà nghe tin 39 người đó đã mất trên đường đi vào một đất nước tự do như Anh quốc, như thế này.

“Theo tôi nghĩ họ ra đi không phải vì miếng cơm manh áo hay cái gì đó, đó cũng là một lý do thôi, nhưng mà lý do lớn nhất là họ được đến một đất nước tự do, họ có quyền con người, có tiếng nói và họ được hưởng tất cả mọi thứ ở đất nước này.

“Đó là lý do mà họ đánh đổi đến đây và như tôi cũng vậy, tôi đã từng suy nghĩ là đến đây chỉ vì đồng tiền manh áo, nhưng thực sự bây giờ tôi cảm thấy tôi may mắn hơn, vì tôi được hưởng rất nhiều quyền lợi khi tôi được ở đây.”

Trả một giá quá đắt?

Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân

Nữ giáo dân này chia sẻ tiếp:

“Và tôi thấy sự đánh đổi của họ rất là quý giá, nên hôm nay tôi đến đây là tôi muốn xin lễ cầu nguyện cho những linh hồn xấu số đó, đã không may và không đến được ước mơ của họ, thực sự là tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và muốn là mọi người hãy tiếp tục động viên những gia đình đó, bởi vì người ra đi (đã mất) không thể nào đau đớn bằng người ở lại được.

“Nên là tôi biết làm gì hơn là đến nhà thờ và xin lễ đọc kinh cầu nguyện, cầu mong họ được về với nhan Thánh Chúa thôi.”

Trước câu hỏi liệu cái giá mà những nạn nhân phải trả, mà có ý kiến cho là quá đắt, Phero Trần Mạnh Tuấn (thứ hai, trái sang, anh trên) đang sinh sống tại London, nói:

“Theo tôi, cái giá đắt mấy thì họ cũng phải đi bởi vì ở trong đất nước của Việt Nam, tự do và nhân quyền không có, việc làm không có, thì họ phải bươn chải, họ ra đi. Họ đi để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn và một tương lai tốt đẹp hơn…

“Bản thân tôi đây cũng ở trong những chuyến đi giống như chuyến đi của 39 người, cũng là xe đông lạnh, nhưng tôi may mắn hơn là tôi không nằm vào trong trường hợp là bị chết ở trên xe đó mà trường hợp của tôi cũng là đi xe, xe có làm mát, làm lạnh, nhưng mà không phải là đông lạnh.

“Trong cái chết của 39 người đó, có hai nguyên nhân: một là bị nghẹt thở và thứ hai khi họ bị nghẹt thở, họ lại bị tăng số (mức điều chỉnh) nhiệt độ đông lạnh ở trong đó, một thiệt hại mà qua buổi cầu nguyện hôm nay, tôi cũng hợp ý và cầu nguyện cho 39 nạn nhân.

“Và cũng xin chia sẻ lời chia buồn với các gia đình của các nạn nhân và mong các nạn nhân sớm được đưa về đất nước để an táng,” giáo dân đến từ miền Trung Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

(nguồn: BBC)

Để lại một bình luận