Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 13/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự tham dự của hơn 100 ngàn người để tôn phong 5 vị hiển thánh mới của Giáo Hội.
Năm vị thánh mới
Đứng đầu 5 vị là Đức Hồng y John Henry Newman (1801-1890) người Anh, vốn là một nhà thần học nổi tiếng của Anh giáo, đã trở lại Công Giáo, thụ phong linh mục, tiếp tục con đường phục vụ chân lý cứu độ và vào cuối đời được phong Hồng y như một dấu chỉ sự xác nhận của Giáo Hội đối với công trình phục vụ của Ngài. Đức Hồng y Newman vẫn luôn là người quyết liệt hỗ trợ sự khiết tịnh và sự độc thân linh mục, đến độ ngài định nghĩa sự độc thân này là “một bậc sống cao hơn mà đại đa số người nam không thể mong ước”.
3 thánh nữ kế tiếp là Mẹ Giuseppina Vannini (1859-1911), người Italia, sáng lập dòng Nữ tử thánh Camillo, chuyên săn sóc các bệnh nhân. Mẹ thường nhắc nhở các nữ tu trong dòng: “Chị em hãy nhìn nơi các bệnh nhân hình ảnh của đức Kitô đau khổ”.
Thứ hai là Mẹ Maria Teresa Chiramel Mankidiyan (1876-1926), người Ấn độ, sáng lập dòng nữ tu Thánh Gia, chuyên giáo dục các thiếu nữ và những người túng thiếu, cũng như thăng tiến gia đình. Mẹ có nhiều nét giống như Mẹ Têrêxa Calcutta, tận tụy săn sóc những người cùng khổ, tàn tật, phong cùi. Mẹ cũng là một nhà thần bí, được mang các dấu thánh giống như Cha Piô ở Italia. Trong đời, Mẹ Chiramel Teresa nhiều lần bị ma quỷ quấy phá và hành hạ, cũng như bị giáo quyền thử thách nhiều cách, nhưng chị cũng được rất nhiều ơn lạ khác.
Thứ ba là Nữ tu Dulce Lopes Pontes (1914-1992), thuộc dòng Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, quen được gọi là “Mẹ Têrêsa của Giáo Hội tại Brazil”, vì những hoạt động của chị trong việc chăm sóc những người nghèo khổ. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã chứng tỏ lòng bác ái đặc biệt và đã mở cửa căn nhà khiêm hạ của gia đình cho những người đang cần lương thực và nơi trú ngụ. Như một nữ tu, chị Dulce đã có những sáng kiến và vượt thắng bao nhiêu chướng ngại để săn sóc giúp đỡ những người kém may mắn nhất trong xã hội.
Sau cùng là thánh nữ Marguerite Bays (1815-1879), giáo dân người Thụy Sĩ, dòng Ba thánh Phanxicô Assisi, nên thánh trong cuộc sống đơn sơ, thường nhật. Chị chỉ được học 3, 4 năm bậc tiểu học, rồi sau đó học nghề may vá, nhưng đã nổi bật trong đời sống thánh thiện, âm thầm phục vụ trong công tác giảng dạy giáo lý cho các trẻ em, vượt thắng những khó khăn trong đời sống gia đình chị. Chị được ơn lạ mang 5 dấu thánh, phải đeo găng tay suốt năm để che các dấu thánh của Chúa Giêsu xuất hiện trên bàn tay và thân thể của chị, nhưng dân chúng vẫn hay biết. Thánh nữ Marguerite chịu đau khổ đều đặn như vậy suốt 25 năm trời, trong niềm kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cho đến khi qua đời vào ngày 27/06/1879, đúng ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như ước nguyện của chị, hưởng thọ 64 tuổi.
Cộng đoàn tín hữu hiện diện
Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô có hơn 100 ngàn tín hữu, nhiều người đứng tràn ra đường Hòa Giải vì trong Quảng trường không còn chỗ. Họ đến từ 5 châu, đặc biệt từ các quốc gia nguyên quán của vị thánh mới: trong đó đông nhất là từ Italia, tiếp đến có 20 ngàn người từ Anh quốc và Ai Len.
Phía bên tay phải bàn thờ từ dưới nhìn lên là nơi dành cho các phái đoàn chính phủ đến dự lễ: đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, Ông Sergio Mattarella, thứ hai là Thái Tử Charles của Anh quốc, thứ ba là Ông Hamilton Martins Mourão, Phó Tổng thống Brazil, thứ tư là Phó Tổng Thống Trần Kiến Nhân của Đài Loan. Ba phái đoàn còn lại do ông Joe McHugh, Bộ trưởng giáo dục của Cộng hòa Ai Len, Bà Karin Keller-Sutter, Cố Vấn Liên Bang Thụy Sĩ, cũng là một bộ trưởng. Sau cùng từ Ấn độ có phái đoàn do Thứ trưởng ngoại giao V Muraleedharan, hướng dẫn. Cùng với các vị trưởng đoàn có đoàn tùy tùng.
Các phái đoàn này được Đức Thánh Cha chào thăm trước thánh lễ, lúc 9 giờ 45 tại khu vực ở bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, trước nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi.
Các vị đồng tế
Lễ phong thánh diễn ra trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia nên cũng có số hồng y, giám mục và linh mục đồng tế đông đảo nhất trong số các thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành năm nay. Theo Ban phụng vụ của Đức Thánh Cha, có hơn 300 hồng y và giám mục, và 2.400 linh mục đồng tế. Đứng cạnh Đức Thánh Cha tại bàn thờ là 4 vị giám mục bản quyền các giáo phận nguyên quán của 4 tân hiển thánh, cùng với cha Ignatius Harrison, Bề trên cộng đoàn dòng giảng thuyết thánh Philiphê Neri do Đức Hồng y Newman thiết lập ở Birmingham, Anh quốc.
Nghi thức phong thánh
Nghi thức tôn phong hiển thánh diễn ra vào đầu thánh lễ: sau khi cộng đoàn hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, cùng với 5 vị thỉnh nguyện viên, tiến lên trước mặt Đức Thánh Cha xin ngài ghi tên 5 vị chân phước vào sổ bộ các vị hiển thánh của Giáo Hội, rồi Đức Hồng y lược thuật tiểu sử 5 vị.
Sau khi cộng đoàn hát kinh cầu các thánh, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức: do quyền của Chúa Giêsu Kitô, của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cũng như quyền của ngài, sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và tham khảo ý kiến của nhiều anh em trong hàng giám mục, ngài truyền ghi tên 5 vị chân phước vào sổ bộ các hiển thánh của Giáo Hội và truyền phải tôn kính các vị trong Giáo Hội hoàn vũ theo các qui luật của Hội Thánh.
Bài giảng thánh lễ
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại sự tích Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi và ngài phân tích hành trình đức tin của họ qua 3 giai đoạn, họ cầu khẩn, rồi tiến bước, và sau cùng là cảm ơn.
Trước tiên, những người phong cùi ấy ở trong một tình trạng kinh khủng, không những vì thứ bệnh ngày nay vẫn còn lan tràn, cần phải được bài trừ bằng mọi nỗ lực, nhưng còn vì họ bị loại khỏi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu, những người phong cùi bị coi là ô uế, vì thế họ phải ở một nơi cách biệt (Lv 13,46). Thực vậy, chúng ta thấy khi họ đến gặp Chúa Giêsu, “họ dừng lại ở đàng xa” (Xc 17,12). Nhưng dù thân phận bị cách biệt như thế, họ vẫn lớn tiếng cầu khẩn Chúa Giêsu (v.13). Họ không để mình bị tê liệt vì sự loại trừ của loài người và đã kêu lên cùng Chúa là Đấng không loại trừ ai. Và thế là sự cách biệt được thu ngắn, như thể họ trỗi dậy từ tình trạng cô lập: không khép kín vào mình và không co cụm trong tình trạng than thân trách phận, không nghĩ đến những xét đoán của người khác, nhưng kêu cầu Chúa, vì Chúa lắng nghe tiếng kêu của người cô độc.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Giống như những người phong cùi ấy, cả chúng ta cũng cần được chữa lành, tất cả chúng ta. Chúng ta cần được chữa trị khỏi thái độ thiếu tự tín trong cuộc sống, thiếu tin tưởng nơi tương lai; chúng ta cần được chữa lành khỏi nhiều thứ sợ hãi, những tật xấu biến chúng ta thành nô lệ cho chúng; chúng ta cần được chữa lành khỏi bao nhiêu thứ khép kín, nghiện ngập và quyến luyến: như nghiện cờ bạc, quyến luyến tiền bạc, truyền hình, điện thoại di động, sự phán đoán của người khác. Chúa giải thoát và chữa lành con tim, nếu chúng ta cầu khẩn Chúa, nếu chúng ta thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa có thể chữa lành con; xin chữa lành con khỏi những thái độ khép kín, xin giải thoát con khỏi sự ác và sợ hãi […]
Giai đoạn thứ hai là tiến bước. Trong bài Tin Mừng ngắn hôm nay, có khoảng 10 động từ về sự di chuyển. Mừng điều đáng để ý hơn cả là những người phong cùi không được chữa lãnh khi họ đứng im trước Chúa Giêsu, nhưng là sau đó, khi họ bước đi. Tin Mừng kể: “Trong khi họ đi đàng, họ được lành sạch” (v.14). Họ được lành khi tiến bước về Jerusalem, nghĩa là trong khi họ thực hiện cuộc hành trình lên dốc. Chính trên con đường của cuộc sống mà họ được lành lặn, đó là con đường thường là lên dốc vì dẫn đến nơi cao hơn. Đức tin đòi một hành trình, một cuộc đi ra ngoài, đức tin làm phép lạ nếu chúng ta ra khỏi những chắc chắn thoải mái của mình, nếu chúng ta rời bỏ những cửa khẩu trấn an chúng ta, những cái ổ thoải mái. Đức tin gia tăng với sự cho đi và tăng trưởng với rủi ro. Đức tin tiến triển khi chúng ta bước đi trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa […]
Đức Thánh Cha nêu nhận xét:
“Có một khía cạnh đáng chú ý trong hành trình của những người phong cùi: họ cùng nhau bước đi và họ đã được thanh tẩy, như câu 14 trong bài Tin Mừng đã nói, luôn luôn ở số nhiều. Đức tin là đồng hành, không bao giờ đơn độc… Nhưng sau khi được lành sạch, 9 người ra đi theo hướng riêng của họ và chỉ có một người trở lại cám ơn. Bấy giờ Chúa Giêsu biểu lộ tất cả sự cay đắng của ngài: “Vậy 9 người kia đâu?” (v.17), như thể ngài “hỏi tội” người duy nhất trở lại về hành động của 9 người kia. Quả thực, nghĩa vụ của chúng ta, giống như ở đây là “thực hiện Thánh Lễ”, nghĩa là cảm tạ: bổn phận của chúng ta là chăm sóc những người ngưng tiến bước, những người lạc đường: chúng ta là những người gìn giữ những anh chị em xa cách. Chúng ta là những người chuyển cầu cho họ, có trách nhiệm đối với họ, nghĩa là chúng ta được kêu gọi trả lời về họ, quan tâm đến họ. Bạn có muốn tăng trưởng trong đức tin không? Bạn hãy chăm sóc một người anh chị em xa cách.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Cầu khẩn, tiến bước và sau cùng giai đoạn chót là cảm tạ. Chúa Giêsu chỉ nói với người cảm tạ: “Đức tin của con đã cứu con” (v.19). Người ấy không những được lành bệnh, nhưng còn được cứu rỗi. Điều này nói với chúng ta rằng đích điểm không phải là sức khỏe, là lành lặn, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ơn cứu độ không phải là uống một ly nước để được khỏe mạnh, nhưng là đi tới tận nguồn là Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa mới giải thoát khỏi sự ác và chữa lành tâm hồn, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa mới làm cho đời sống sung mãn và đẹp đẽ…
Từ tâm tình biết ơn ấy, Đức Thánh Cha áp dụng vào bối cảnh ngày lễ phong thánh và nói:
“Hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa vì các vị Thánh mới, đã bước đi trong đức tin và giờ đây chúng ta cầu khẩn các ngài như những vị chuyển cầu. Trong số các vị có 3 nữ tu, chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng đời sống tu trì là một hành trình yêu thương nơi những khu vực ngoại ô của cuộc sống. Trái lại thánh nữ Marguerite Bays là một thợ may và chị tỏ cho chúng ta thấy sức mạnh dường nào của kinh nguyện đơn sơ, kiên nhẫn chịu đựng và dâng hiến trong âm thầm: qua những điều ấy, Chúa đã hồi sinh nơi chị sự huy hoàng của Lễ Phục Sinh. Đó là sự nên thánh hằng ngày mà Thánh Hồng y Newman đã nói: “Kitô hữu có một niềm an bình sâu xa, thầm lặng, kín đáo mà thế gian không thấy […]. Tín hữu Kitô vui mừng, yên hàn, tốt lành, dễ mến, lịch sự, chân thành, khiêm tốn; không tự phụ, […] thái độ của họ không hề có vẻ khoa trương và kiểu cách, và khi nhìn họ, người ta dễ dàng thấy họ là một người bình thường” (Parochial and Plain Sermons, V,5).
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin được như vậy, được trở thành “những ngọn đèn dịu dàng giữa tăm tối của trần thế. Lạy Chúa Giêsu, “xin ở lại với chúng con và chúng con sẽ bắt đầu chiếu sáng như Chúa chiếu sáng, chiếu sáng để trở thành một ngọn đèn cho tha nhân” (Meditations on Christian Doctrine, VII, 3). Amen.
Lời cám ơn và kêu gọi cuối lễ
Cuối thánh lễ, lúc 12 giờ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào thăm và cám ơn tất cả mọi người hiện diện: các hồng y, giám mục, linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ từ các nơi về dự lễ, đặc biệt những người thuộc các gia đình thiêng liêng của các vị thánh mới.
Đức Thánh Cha cũng chào thăm các phái đoàn chính thức của các nước, đặc biệt là Tổng Thống Italia và Thái Tử xứ Wales của Anh quốc.
Đức Thánh Cha không quên nhắc đến tất cả các tín hữu hành hương cũng như những người tham dự thánh lễ qua các đài phát thanh và truyền hình, đặc biệt là các tín hữu Ba Lan, hôm nay cử hành Ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Ngài cũng nói rằng: “Hôm nay một lần nữa tôi nghĩ đến Trung Đông, nhất là nước Siria yêu quý và đau thương, từ đây lại mới có những tin thê thảm về số phận của dân chúng ở miền đông bắc nước này, đang phải bỏ gia cư vì các hoạt động quân sự: trong số những người dân ấy cũng có nhiều gia đình Kitô. Tôi tái kêu gọi các tác nhân liên hệ và Cộng đồng quốc tế hãy chân thành dấn thân trên con đường đối thoại để tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu”.
Cùng với tất cả các thành viên Thượng Hội đồng Giám mục về miền liên Amazzonia, đặc biệt những vị đến từ Ecuador, tôi lo lắng theo dõi những gì đang xảy ra tại nước này trong những tuần lễ gần đây. Tôi phó thác đất nước này cho kinh nguyện chung và sự chuyển cầu của các thánh mới, và hiệp với sau khổ vì những người chết và bị thương. Tôi khuyến khích tìm kiếm hòa bình trong xã hội, đặc biệt quan tâm đến những người dân dễ bị tổn thương và tới các quyền con người”.
Tại Ecuador xảy ra những vụ đình công, biểu tình phản đối, và bạo động, phản đối chính phủ tăng giá xăng dầu. Chính phủ ra lệnh thiết quân và di chuyển các trụ sở chính quyền từ thủ đô Quito đến thành phố Guayaquil ven bờ biển. Hàng trăm thổ dân bị trục xuất khỏi quốc hội…”
G. Trần Đức Anh, O.P.