Sáng Thứ Tư, ngày 04/09, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ tại 3 nước ở miền nam Phi châu: Mozambique, Madagascar và đảo Maurice trong vòng 1 tuần lễ, cho đến ngày 10/09 tới đây.
Đây là chuyến Tông Du thứ 31 của ngài tại nước ngoài và là chuyến thứ tai Phi châu. Lần đầu hồi tháng 11 năm 2015 tại 3 nước: Kenia, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Lần thứ 2 tại Ai Cập hồi tháng 4 năm 2017 và lần thứ 3 tại Maroc hồi cuối tháng 3 năm nay, 2019.
Nhận định của Đức Hồng y Parolin
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân vật thứ 2 tại Vatican, sau Đức Thánh Cha và cũng là vị cùng đi trong chuyến viếng thăm hiện nay, cho biết qua cuộc Tông du này, Đức Thánh Cha muốn “cổ võ một dấu chỉ hy vọng” tại Phi châu, và có thể tóm gọn trong 3 từ, nói lên 3 điều cần thăng tiến: hòa bình, trách nhiệm đối với thiên nhiên và nền văn hóa gặp gỡ. 3 từ đáp ứng 3 nhu cầu lớn tại 3 quốc gia Đức Thánh Cha đến thăm viếng.
Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican trước khi lên đường, Đức Hồng y Parolin nhận xét rằng: “Hình ảnh mà chúng ta thường có về Phi châu và được được phổ biến rộng rãi, là hình ảnh một đại lục đầy rẫy các vấn đề, các cuộc xung đột và dịch tễ. Nhưng tôi tin rằng trước tiên Phi châu là một đại lục giầu về tình người, về các giá trị, về đức tin, và tôi thấy Đức Giáo Hoàng đang đi đến Phi châu với cùng những cảm nhận như vậy. Ước muốn của ngài tại Phi châu là mọi người thấy được và thăng tiến dấu chỉ hy vọng, để giải quyết nhiều vấn đề tại đại lục này, để đạt tới một sự phát triển dài hạn, tôn trọng và săn sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa”.
Theo Đức Hồng y Quốc vụ khanh, tại nước Mozambique đã từng chịu nhiều năm nội chiến, vấn đề là làm sao tìm được một não trạng mới, một sự dấn thân mới. Đất nước này vừa đạt được một hiệp định hòa bình mới và tại đây, đang có những phát triển tốt đẹp, có sự nhìn nhận vai trò của Giáo Hội và tự do tôn giáo. Đức Thánh Cha sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại khi viếng thăm Mozambique, và cổ võ việc từ bỏ chủ trương dùng võ khí để giải quyết vấn đề, từ bỏ ước muốn dùng bạo lực để giải quyết các xung đột”.
Cần hy vọng
Quả thực, Phi châu đang cần hy vọng hơn bao giờ hết, như một đại lục bị nạn nghèo đói đè nặng, môi trường bị đe dọa nặng nề, nạn nước ngoài khai thác bóc lộ tài nguyên và tệ đoan tham nhũng làn tràn tại đại lục vốn có tỷ lệ tín hữu Công giáo gia tăng mau lẹ.
Về phương diện môi trường
– Về vấn đề môi trường, tại Mozambique và Madagascar, nạn phá rừng đốn cây lên tới mức độ đáng lo ngại. Rừng cây trở nên thưa thớt cùng với đất đai bị soi mòn khiến cho Mozambique dễ bị tổn thương hơn khi hai trận cuồng phong Idai và Kenneth tàn hại nước này hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay, làm cho 600 người chết và tàn phá hàng trăm ngàn hécta đất đai canh tác, hơn 73 ngàn người phải tản cư.
Theo Ngân Hàng Thế giới, từ thập niên 1970 đến nay, Mozambique đã mất 8 triệu hecta rừng cây, tương đương với diện tích nước Bồ đào nha. Cha Costantino Bogaio, Bề trên dòng thánh Comboni ở Mozambique cho biết: “Tại nước này chúng tôi thường nói cả các cây gỗ cũng không thuộc về chúng tôi vì người Trung Quốc lấy đi tất cả. Đất đai là của chúng tôi và chúng tôi phải gia tăng bảo vệ hơn nữa”.
Theo tổ chức Forest Trends ở Mỹ, các dữ kiện quan thuế của Trung Quốc cho thấy Mozambique là nước đứng thứ 10 trong việc cung cấp gỗ hồng là loại gỗ quí dùng để chế tạo các đồ nội thất sang trọng ở Trung Quốc.
Tại Madagascar là hải đảo lớn thứ 4 trên thế giới, khoảng 44% rừng cây đã biến mất trong vòng 60 năm qua, theo Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của Pháp, gọi tắt là CIRAD. Nguy cơ về môi trường tại nước này càng trầm trọng hơn vì 80% các loại cây cối và động vật chỉ có ở Madagascar chứ không có ở các nơi khác.
Về mặt nghèo đói
– Trong lãnh vực nghèo đói, theo Chương trình Lương Thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc, trong số 30 triệu dân cư ở Mozambique, 80% không thể kiếm được khẩu phần tối thiểu mỗi người. Còn tại Madagascar, tổ chức quốc tế này cho biết trong số 26 triệu dân cư, thì hơn 90% sống với lợi tức chưa tới 2 mỹ kim mỗi ngày. Nạn suy dinh dưỡng kinh niên của các trẻ em lan tràn.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi phân phối tài nguyên quân bình hơn giữa các nước giàu và các nước nghèo, và ngài bênh vực quyền của các nước được kiểm soát tài nguyên khoáng sản của mình. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters của Anh quốc hồi năm ngoái, ngài nói: “Chúng ta phải đầu tư vào Phi châu, nhưng đầu tư có trật tự và phải kiến tạo công ăn việc làm, chứ không phải đến đó để khai thác”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Khi một nước trao trả nền độc lập cho một nước Phi châu, họ chỉ cho độc lập những gì ở trên mặt đất, còn dưới mặt đất thì không được độc lập. Và rồi người ta than phiền rằng những người đói ở Phi châu tìm đến đất nước của họ. Nhưng bất công chính là ở chỗ đó!”
Nhu cầu hòa giải
Từ sau khi được độc lập khỏi Bồ đào nha hồi năm 1975, Mozambique đã sống trong một thời gian dài tình trạng nội chiến và bất an. Năm 1992, một hiệp định hòa bình lịch sử được ký tại Roma giữa phiến quân Renamo và chính phủ của Tổng thống Joaquim Chissano, nhờ trung gian hòa giải của Cộng đồng thánh Egidio. Nhưng từ năm 2013 đến 2016, chiến cuộc giữa hai phe lại tái diễn. Mới đây, ngày 07/08 vừa qua, một hiệp định hòa giải lại được ký kết giữa hai bên và dự kiến sẽ có cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và các Hội đồng tỉnh vào ngày 15/10 năm nay.
Trong bối cảnh này, Bà Erica Dahl-Bredine, Đại diện cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ tại Mozambique, nhận định rằng: “Tôi thiết nghĩ Đức Giáo Hoàng sẽ mang đến một sứ điệp mạnh mẽ cho các vị lãnh đạo đất nước này, về trách nhiệm của họ trong việc kiến tạo hòa bình và hòa giải, nhưng đồng thời cũng cần nhỏ bỏ tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra xung đột, trong đó có sự phân chia chênh lệch các tài nguyên lấy từ khoáng sản ở Mozambique”.
Nạn tham nhũng
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng gọi nạn tham nhũng là “một trong những tai ương tàn hại nhất” trong xã hội.
Cả hai nước Mozambique và Madagascar thuộc vào số những nước có chỉ số thấp nhất về sự minh bạch, nghĩa là có mức độ tham nhũng cao nhất theo Cơ quan Minh Bạch quốc tế (Transparency International). Bà Dahl-Bredine nói: “Nạn tham nhũng thật là trầm trọng. Nhiều người dân Mozambique đánh mất hoàn toàn sự tin tưởng nơi giới lãnh đạo chính trị của họ”.
Về mặt Công Giáo, số tín hữu tại Phi châu gia tăng 238% trong vòng 35 năm qua, tức là từ năm 1980 đến 2015, theo Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về Tông Đồ thuộc Đại học Công Giáo Georgetown ở Washington Hoa Kỳ. Sự gia tăng này chứng tỏ ảnh hưởng gia tăng của Giáo Hội Công Giáo tại Đại lục này.
– Sau cùng, về nước Maurice hay Mauritius trong Ấn độ dương, Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm nước này trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Đây là hải đảo giàu có so với hai nước Madagascar và Mozambique. Lợi tức mỗi đầu người tại Maurice thuộc hàng cao nhất ở Phi châu.
Nhưng những người thuộc các chiến dịch chống nghèo đói nói rằng các hiệp định về thuế khóa và công nghệ các dịch vụ tài chánh của Maurice tạo cơ hội cho sự tránh thuế, thu hút mất những lợi tức mà các nước nghèo rất cần. Nói khác đi, Maurice là một thứ thiên đường về tài chánh, dễ dàng tránh thuế cho các công ty giàu có.
Trở lại chuyến đi của Đức Thánh Cha
Như thường lệ, hôm trước ngày lên đường, tức là sáng Thứ Ba, 03/09/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha đã đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, phó thác và xin ơn phù hộ của Mẹ Thiên Chúa cho chuyến đi của ngài tại Phi châu.
Lúc 7 giờ sáng Thứ Tư, 04/09, trước khi rời Vatican ra phi trường quốc tế Fiumicino của Roma, Đức Thánh Cha đã chào thăm 12 người di dân và tị nạn được đón nhận tại Trung tâm tị nạn Astalli của dòng Tên và Cộng đồng Thánh Egidio ở Roma. Nhóm người này được Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha dẫn đến nhà trọ Thánh Marta nơi Đức Thánh Cha cư ngụ.
Giã từ Vatican, Đức Thánh Cha đi xe tới phi trường lúc gần 8 giờ. Tại đây, sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ với sự hiện diện của ông đại diện Hội đồng quản trị của sân bay và của hãng Alitalia, Đức Thánh Cha đã bước lên chiếc Airbus 330 của hãng này. Đây là chuyến bay thứ 177 hãng Alitalia dành riêng để chở Đức Giáo Hoàng, đoàn tùy tùng gồm 30 người và 70 ký giả quốc tế cùng đi.
Ban báo chí của hãng này cho biết phi công chính lái máy bay chở Đức Thánh Cha là Ông Alberto Colautti, 57 tuổi, với kinh nghiệm 15 ngàn giờ bay. Hiện nay Ông cũng là phi công trưởng của đoàn phi công của hãng Alitalia. Cùng lái máy bay chở Đức Thánh Cha có phi công Paolo Manzoni, 62 tuổi với 16 ngàn giờ bay. Ngoài ra, có 2 chuyên viên khác, một người 15 ngàn giờ bay và người còn lại 38 tuổi có thành tích 12 ngàn giờ bay.
Máy bay cất cánh lúc gần 8 giờ sáng và trong giai đoạn đầu của chuyến bay, như thói quen, Đức Thánh Cha đã đến chào thăm các ký giả cùng đi, cám ơn và cầu chúc họ làm việc tốt đẹp trong chuyến đi này. Ngài không quên chụp hình lưu niệm với phi hành đoàn.
Sau 10 tiếng rưỡi đồng hồ bay, vượt qua hơn 7 ngàn 836 cây số, máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường Maputo của thủ đô Mozambique khoảng 6 giờ rưỡi chiều. Maputo có hơn 1 triệu 100 ngàn dân cư và là thành phố lớn nhất của Mozambique.
Vài nét về đất nước và Giáo Hội Công Giáo tại Mozambique
Mozambique rộng gần 800 ngàn cây số vuông, gấp 2 lần rưỡi nước Việt Nam, nhưng dân số chỉ vào khoảng 30 triệu người, đa số còn theo các đạo cổ truyền và có 28% là tín hữu Công Giáo, hơn 17% theo Hồi giáo thường sống ở miền bắc và miền duyên hải, khoảng 32% theo các hệ phái Tin Lành và Anh giáo.
Giáo Hội Công Giáo tại Mozambique có khoảng 7 triệu 600 ngàn tín hữu họp thành 12 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh.
Ngoài tình trạng bất an, Mozambique còn nạn tham nhũng, mù chữ, bệnh Sida, và nạn nghiện ngập ma túy, nạn phạm pháp, bóc lột nhân công và buôn người.
Mới đây, người ta khám phá thấy những mỏ dầu khí rất lớn thuộc lãnh hãi Mozambique. Tuy nhiên nước này không có chuyên gia trong lãnh vực này. Sau cuộc khám phá đó, đang nảy sinh những vấn đề ở miền bắc Mozambique và xu hướng ly khai gia tăng.
G. Trần Đức Anh, O.P. – Roma