Gia tài, như chúng ta được biết, đó là của cải ông cha để lại và con cháu là những người thừa kế. Và, cứ sự thường, khi được thừa kế một gia tài, hẳn rằng đó là một niềm vui khôn tả.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, đôi khi được thừa kế một gia tài, niềm vui đâu không thấy, lại thấy biết bao phiền toái và khổ đau. Phiền toái vì phân chia không công bằng, khổ đau vì anh em bất hòa, và có khi còn dẫn đến việc chém giết nhau bởi vì chỉ muốn một mình ta hưởng trọn.
Thật thế, tại Hoa Kỳ, vào năm 1976, cô Patricia Columbo 20 tuổi đã cùng bạn trai là Frank Deluca sát hại cha mẹ cùng em trai với ý nghĩ mình sẽ được hưởng trọn tài sản. Còn tại Việt Nam, vào năm 2016, P.H.N.32 tuổi ngụ tại … phường 13, quận 11 cho rằng ba người anh em của mình cấu kết giành ngôi nhà đang ở chung, nên đã ra tay sát hại anh ruột trong đêm. (nguồn: internet).
Đức tin Ki-tô giáo không cấm việc thừa kế gia tài, không cấm việc tư hữu, không cấm việc làm giàu. Tuy nhiên, khi được thừa hưởng một gia tài, khi sở hữu một số tài sản lớn, người Ki-tô hữu được khuyên rằng: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống được bảo đảm nhờ của cải đâu”.
Vâng, lời khuyên nêu trên, chính là thông điệp đã được Đức Giê-su loan báo trong những ngày còn tại thế. Và, sau khi công bố thông điệp này, Ngài đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn như là lời cảnh tỉnh cho những ai nghĩ rằng: “Đồng tiền là tiên là phật. Là sức bật của tuổi trẻ. Là sức khỏe của tuổi già. Là cái đà của phát triển. Là nổi điên của kẻ giàu. Là nỗi đau của kẻ yếu. Là điểm yếu của kẻ tham. Là đam mê của kẻ trộm. Là nỗi hỗn độn của thị trường. Là chặng đường của doanh nhân. Là cái cân của công lý. Có tiền là hết ý”.
Dụ ngôn này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
Dụ ngôn được kể rằng: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”.
Vâng, chuyện một nông gia mùa màng bội thu và lo ngại kho bãi không còn chỗ chứa thì có gì là lạ. Vì thế, chẳng có lý do gì để chỉ trích ông ta.
Chẳng những không chỉ trích ông ta, chúng ta còn phải khen nhà phú hộ là khôn ngoan biết lo xa với những dự tính của mình. Đây, ông dự tính “phá những cái kho kia, xây những cái kho lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”. Việc làm của ông thật đúng như lời Kinh Thánh dạy: “Người khôn ngoan biết để dành”.
Ấy thế mà, theo diễn tiến của dụ ngôn thì việc làm của ông ta đã bị lên án. Bị lên án là bởi, trước những thành quả đạt được, ông ta dương dương tự đắc vung tay chỉ trời mà nói: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã”(Lc 12, 19)
Ôi! phải chi… phải chi ông nông gia này, tay giơ lên trời với một tâm hồn thánh thiện, mà tạ ơn về những gì Thượng Đế đã ban cho ông, thì đâu đến nỗi ông ta bị Thiên Chúa trách cứ, nhỉ! Vâng, theo dụ ngôn ghi lại, thì: “Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc!”.
Ai… ai đã tạo dựng “hồn-ta”? Ai đã “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”? Ôi! quả là một lời tuyên bố rất kiêu căng ngạo mạn. Kinh Thánh có nói “Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại theo sau”.
Đúng vậy, sự bại hoại mà ông ta sẽ phãi lãnh nhận, dụ ngôn ghi rõ: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”.
Thiên Chúa không chúc dữ ông ta. Thiên Chúa không chúc dữ những người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban. Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”.
Thiên Chúa trách cứ ông nông gia vì thói tự mãn kiêu căng. Sau khi trách cứ ông nông gia, lời Thiên Chúa bảo đươc ghi tiếp rằng: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.
Vâng, đó là một thông điệp cảnh báo những ai kiêu căng ngạo mạn rất rõ ràng. Và, qua thông điệp này, chúng ta hiểu rằng, tại sao Đức Giê-su đã từ chối lời thỉnh cầu của một người đã đến gặp Ngài và “xin (Ngài) bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”.
Đức Giê-su đến thế gian nào phải để làm thẩm phán hay quan tòa của thế gian! Ngài đến thế gian là để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”, nói tắt một lời, Ngài đến thế gian là để “ai tin vào Người thì được sự sống muôn đời”.
Là một Ki-tô hữu, hãy nhớ Đức Giê-su dạy rằng: “anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian”.
Vì thế, chẳng có lý do gì chúng ta lại “tích trữ (làm giàu) cho mình những kho tàng dưới đất (thế gian), nơi mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi”, mà không lo “tích trữ những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi”.
Đừng quên rằng, thánh Gio-an cũng đã có lời truyền dạy rằng: “thói cậy mình có của… không phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi” (x.1Ga 15, 16-17)
Với thánh Phao-lô, trong thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, ngài cũng có lời cảnh báo cho những ai tích trữ cho mình một kho tàng tại thế gian, rằng: “Còn những kẻ muốn làm giàu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong”.
Và sau đó ngài nói tiếp: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã xa lạc đức tin và chuốc bao nỗi đau đớn sâu xé”(x.1Tim 6, 9-10).
Đúng vậy, ngài Phao-lô nói rất đúng. Cứ nhìn vào những gì đã và đang xảy ra trong xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, đã có không ít ông quan lớn (không tiện nêu tên nơi đây) chỉ vì “muốn làm giàu” một cách bất chính, họ đã “sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại”, hậu quả là họ đã “chuốc bao nỗi đau đớn” bởi những con “vi-rút lạ”, và cuối cùng là họ đã bị “hủy diệt tiêu vong”.
Thế nên, là một Ki-tô hữu, không có lý do gì chúng ta lại: “không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Mà, làm giàu trước mặt Thiên Chúa nào có gì khó đâu! Vâng, chỉ cần chúng ta “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”.
Những gì thuộc về thượng giới? Phải chăng: “ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam”? Thưa không phải, những điều ấy, thánh Phao-lô nói: “hãy giết chết… trong con người anh em”, bởi vì chúng nó “thuộc hạ giới”(x.Cl 3, 5)
Những gì thuộc về thượng giới ư! Thưa, Đức Giê-su cho biết, đó là: “có tâm hồn nghèo khó”, đó là “hiền lành”, đó là “khát khao nên người công chính”, đó là “xót thương người” và đó là “một tâm hồn trong sạch”.
Một khi chúng ta hướng lòng trí về những điều nêu trên, có phần chắc, không nhiều thì ít, “khu vườn tâm hồn” của chúng ta sẽ nẩy sinh những hoa trái, hoa trái “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.
Thưa quý vị, những hoa trái này không tầm thường đâu nhé! Đó là “hoa trái của Thần Khí” đấy, một thứ hoa trái mà chúng ta rất cần “tích trữ”.
Rất cần tích trữ, bởi vì, khi kho lẫm tâm hồn của mỗi chúng ta “đầy nhóc” những thứ hoa trái này, đó là chúng ta đã “biết” lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Biết lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là những kẻ ngốc. Vâng, biết lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, vào ngày phán xét, Chúa sẽ không gọi chúng ta là: “Đồ ngốc”.
Petrus.tran