Trung tâm điểm đức tin Ki-tô giáo, đó là tin rằng: “Đức Giê-su Ki-tô từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh”. Hơn hai mươi thế kỷ đã trôi qua, Giáo Hội (trong đó có chúng ta) vẫn luôn trung thành với niềm tin này.
Tuy chúng ta (hôm nay) không chứng kiến sự Phục Sinh của Đức Giê-su, thế nhưng, qua Kinh Thánh và những lời chứng thực (chứng thực bằng cái chết) của các tông đồ, nó cho thấy niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh đáng tin cậy.
Mà, thật vậy, thánh Phao-lô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Corinto, có lời viết rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trổi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15, 14)
Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết. Trong bốn mươi ngày sau Phục Sinh, Ngài đã tỏ mình ra, cách này cách khác cho các môn đệ. Mỗi lần tỏ mình ra, Đức Giê-su đều thực hiện một điều gì đó để củng cố đức tin cho các ông. Có lúc, để vực dậy niềm tin cho các môn đệ, Đức Giê-su đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Có lần, như trường hợp hai môn đệ trên đường Emmau, Ngài “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách Thánh”.
Đặc biệt hơn cả, đó là tại Biển Hồ Tiberia. Tại đây, miền tin của các môn đệ đã được củng cố qua quyền năng của Ngài. Với quyền năng của mình, Đức Giê-su đã làm một “dấu lạ” vô tiền khoáng hậu, đó là cho các người môn đệ của mình, trúng một mẻ lưới đầy cá, thế mà lưới không bị rách.
Và cũng trong ngày hôm ấy, Đức Giê-su đã đưa ra một lệnh truyền đặc biệt, đó là: Ngài đặt ông Phê-rô, một Phê-rô trước kia chỉ là “tay lưới cá”, nay chính là người sẽ “chăm sóc chiên của Ngài”. Sự kiện này đã được ghi chi tiết trong Tin Mừng thánh Gio-an.
Vâng, Biển Hồ Ti-bê-ri-a hôm ấy đang trôi dần về những giờ phút của hoàng hôn. Người ta thấy một nhóm các môn đệ, gồm các ông: “Simon Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-dy-mô, ông Na-tha-na-en người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau”.
Khi bầu trời chìm dần vào bóng đêm, ông Simon Phêrô khởi xướng một chuyến hải hành đánh bắt cá. Ông đã nói với các bạn đồng môn, rằng: “Tôi đi đánh cá đây”.
Cứ tưởng rằng, không ai hưởng ứng. Trái lại, khi nghe thế, mọi người đồng thanh đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”.
Thế là, con thuyền lướt sóng ra khơi trong niềm hy vọng của hơn bán tiểu đội. Họ, kẻ lái, người chèo, người thả lưới… Nhưng, than ôi! kết quả chỉ là con số zero. Không… không thấy thánh sử nói gì ngoài tám chữ: “Đêm ấy, họ không bắt được gì cả”.
Đêm ấy… có lẽ đêm ấy, đứng trước nỗi thất vọng của mọi người, anh cả Phê-rô nhìn lên bầu trời đen tối cất tiếng thở than, than rằng: “Ai đã từng đêm thức đêm mới biết đêm dài. Mới nghe lòng mình chợt buồn vì thương nhớ ai”.
Ừ! chắc hẳn đêm đó ông Phê-rô “chợt buồn vì thương nhớ” đến Đức Giê-su. Chắc hẳn đêm đó, sau khi kéo lưới lên nhưng chẳng có gì, ông Phê-rô sẽ nhớ đến Thầy Giê-su, Phải chi, có Thầy ở đây nhỉ!
Có Thầy, Thầy sẽ “cứu bồ” các ông, như đã từng cứu các ông năm xưa, một cú cứu ngoạn mục. Nhớ trước đây, đã có một lần, suốt cả đêm, họ cũng không đánh bắt được gì. Thế nhưng, sau khi nghe lời Thầy “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Ông nhớ như in: hôm đó, ông và các bạn đồng nghiệp đã “bắt được rất nhiều cá, đến nổi hầu như rách cả lưới” (x.Lc 5, …6) Còn đêm nay… coi như “lốc”. Sáng bảnh mắt rồi, còn gì nữa mà chài với lưới!
Và rồi khi bình minh ló dạng, đang khi các ông đem thuyền về neo bến cũ, thì, có bóng dáng “Đức Giê-su đứng trên bãi biển”. Thế nhưng, không một ai nhận ra Ngài. Ngay cả khi Ngài hỏi “Các chú có gì ăn ư!” Các ông vẫn điềm nhiên trả lời: “Thưa không”. Không có gì cũng phải thôi. Vì có bắt được con cá nào đâu!
Thế rồi, cũng giống như lần trước, Đức Giê-su khuyên các ông tiếp tục ra khơi với lời dặn dò: “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.
Thưa bạn, nếu là bạn, bạn có nghe lời không? Có lẽ không ít người sẽ không nghe. Không nghe cũng đúng thôi, đúng là bởi, ai lại đi nghe lời một kẻ xa lạ, không quen biết mình.
Thế nhưng, các môn đệ lại nghe lời. Chuyện kể rằng: “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
Trước dấu lạ này, mắt các ông mở ra. Và người đầu tiên chính là: “người môn đệ được Chúa thương mến”. Người này nói với Phê-rô: “Chúa đó”.
Chúa đó sao! Hôm ấy, không một phút chậm trễ, ông Phê-rô “vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển”. Còn các môn đệ khác ra sức “chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá”.
Khi lên bờ, các môn đệ đã sững sờ khi “thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có bánh nữa”. Còn Đức Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, (chứ không phải là ma, như có lần các ông đã tưởng như thế), Ngài đã truyền lệnh rằng: “Đem ít cá mới bắt được tới đây”.
Ôi! Thầy ơi! Không ít đâu. Rất… rất có thể các môn đệ đã nói như thế. Nói như thế bởi vì, khi kéo lưới lên bờ: “Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con”.
Vâng, hôm ấy, trước phép lạ này, chuyện kể tiếp rằng: “Không ai trong các môn đệ dám hỏi: ‘Ông là ai?’, (không hỏi), vì các ông biết rằng đó là Chúa”. (x.Ga 21, 12)
Thánh Gio-an đã nhân ra Thầy mình và nói “Chúa đó”. Và rồi, tất cả mọi người hiện diện tại Biển Hồ, hôm đó, đều biết rằng “đó là Chúa”.
Đúng, đó là Chúa, một Chúa không chỉ lo đến sự no đủ phần “thuộc thể”, nhưng còn phải lo đến sự no đủ phần “thuộc linh”. Ai… ai sẽ là người “chăm sóc” phần thuộc linh cho “chiên của Thầy”?
Hôm đó, tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su giao trọng trách này cho các môn đệ và đại diện là tông đồ Phê-rô, bằng một thông điệp đầy trách nhiệm, rằng: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
Ba lần nhắc nhở như ba lần khẳng định, là anh… là anh và chỉ là anh Phê-rô. Anh Phê-rô, anh phải như là một thủ lãnh của các thủ lãnh, để tiếp tục lèo lái con thuyền, không phải con thuyền mà anh đang sở hữu để lưới cá, nhưng là “Con Thuyền Giáo Hội”, để “lưới người”.
Vâng, hôm đó, mặc dù có sự hiện diện hai anh em nhà Dê-bê-đê (là hai người muốn được ngồi bên tả và bên hữu Thầy”, nhưng không thấy họ phản đối điều gì cả.
Mà, có gì để phản đối kia chứ! Hãy nhìn xem! một tông đồ Phê-rô, sau khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người ta phải kinh ngạc vì ông đã “làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông” (x.Cv 5, 28)
Hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn “đứng đó”, tất nhiên, chỗ đứng của Ngài không phải ở một bờ biển xa xăm nào đó trên thế giới này, nhưng là trong “ngôi nhà tạm”, một ngôi-nhà-tạm được đặt ngay giữa lòng “Con Thuyền Giáo Hội” và được tông đồ Phê-rô, mà hôm nay, đại diện là ngài đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cầm lái.
Nếu xưa kia, quyền năng của Đức Giê-su Phục Sinh được thể hiện trên con thuyền có ông Phê-rô và những người bạn cùng nhau “đi đánh cá”, thì ngày nay, quyền năng đó cũng sẽ được thể hiện y như thế trên “Con Thuyền Giáo Hội”, có ngài đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô, là vị thuyền trưởng.
Thế nên, để có thể nhận được quyền năng của “Đức Giê-su Phục Sinh”, không có phương cách nào tốt hơn là hãy bước lên “Con Thuyền Giáo Hội”.
Trên Con Thuyền Giáo Hội, quyền năng của Đức Giê-su Phục Sinh sẽ được thể hiện, tất nhiên, không phải là được thể hiện qua một vài mẻ cá lạ lùng, nhưng là được thể hiện qua các “Bí Tích”. (Đặc biệt là ba Bí Tích: RửaTội, Giải Tội và Thánh Thể)
Qua các Bí Tích, các linh mục (theo lệnh truyền của các Giám Mục là những người mục tử của Đức Giê-su Phục Sinh), sẽ chăm sóc chúng ta, đúng như lệnh truyền của Đức Giê-su Phục Sinh khi xưa, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
Thế nên, nếu trên Con Thuyền Giáo Hội, chẳng may có một vài cá nhân riêng lẻ, đôi lúc có vẻ như yếu đuối và cũng “vấp ngã” như Phêrô xưa kia, thì chúng ta cũng đừng nhìn vào sự vấp ngã của một vài cá nhân lẻ tẻ đó, mà có ý định rời bỏ Con Thuyền Giáo Hội.
Đừng quên rằng, trên Con Thuyền Giáo Hội, vào bất cứ thời điểm nào, vào bất cứ không gian nào, vẫn không thiếu những người như Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, hoặc như Lm. Macximilianô Kobe v.v…
Hãy nhớ rằng, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, mặc cho những phong ba bão táp, phong ba bão táp bởi những chủ thuyết vô thần, chủ thuyết hiện sinh, hoặc bởi những phong trào hô hào Thiên Chúa đã chết rồi, hay bởi những nhà cầm quyền vô tôn giáo, Con Thuyền Giáo Hội không vì thế mà bị “cuốn theo chiều gió”, trái lại vẫn lướt sóng ra khơi.
Nhờ đâu? Thưa, nhờ có sự hiện diện của Đức Giê-su Phục Sinh, trong ngôi nhà tạm, ngự trên Con Thuyền Giáo Hội. Thì đây, Đức Giê-su đã chẳng nói rằng: “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” đó sao!
Vâng, Đức Giê-su đã giữ đúng lời Ngài phán hứa. Ngài đã ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài đang đứng, không phải đứng ở Biển Hổ Ti-bê-ri-a, nhưng là đứng ở Bàn Tiệc Thánh.
Thưa Bạn, là một Ki-tô hữu, bạn đã nhận ra Ngài chưa? Nếu chưa, hãy đến nhà thờ vào mỗi ngày Chúa Nhật. Bạn sẽ được (không phải tông đồ Gio-an) nhưng là vị linh mục chủ tế, vị linh mục chủ tế đứng nơi bàn Tiệc Thánh Thể, ngài sẽ nói với bạn: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.
Nói cách khác, vị linh mục, tay dâng Mình Thánh Chúa, miệng sẽ nói với bạn: Chúa đó. Vâng, hôm nay, hậu duệ thánh Gio-an, sẽ nói với chúng ta rằng: “CHÚA ĐÓ”.
Petrus.tran