Lạy Chúa, xin nhớ đến con

 

 

Lạy Chúa, xin nhớ đến conNăm tuần của Mùa Chay đã trôi qua. Chúa Nhật hôm nay, nếu được phép, nên chăng, gọi là Chúa Nhật của niềm vui bên cạnh với những nỗi buồn!

Lý do? Thưa, vui, vì chúng ta được nghe lại cuộc rước đón  Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem rất long trọng. Và, không buồn sao được khi chúng ta tưởng niệm lại cuộc tử nạn của Đức Giê-su, một cuộc tử nạn đầy bất công và bạo lực.

Vâng, làm sao không vui cho được khi Đức Giê-su  vào thành Giê-ru-sa-lem như một quân vương.  Theo thánh sử Mác-cô ghi lại, thì: “Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: ‘Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời” (x.Mc 8, 8-10)

Còn với lời tường thuật của thánh Luca, thì:  “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường”. Và “Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”(x.Lc 19, 36-38)

Con đường vào Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su đầy vinh quang như thế đấy. Nhưng, như có ai đó, đã nói: “Ôi! ai có ngờ đâu. (Thế gian) là bể sầu”. Đúng, Quân Vương Giê-su,  chỉ vài ngày sau, đã phải bước đi trên một “bể sầu”. Bể sầu đó là bản án tử hình, là bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha.Thánh sử Luca là người đã ghi lại thảm kịch này.

Theo thánh Luca ghi lại, thì: nơi bắt đầu xảy ra thảm kịch là núi Oliu. Hôm ấy, như thường lệ, Đức Giê-su cùng với các môn đệ ra đó. Đến nơi, Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện. Rồi người đi xa các ông một quãng… và quỳ gối cầu nguyện, rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”.

Lời cầu nguyện là vậy, nhưng trong cõi lòng Ngài  lại là một cõi lòng tràn ngập nỗi xao xuyến và bồi hồi. Trong tâm trạng như thế, “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”.

Chuyện là thế nầy, một người môn đệ trong nhóm mười hai đã phản bội Ngài. Người đó chính là Giuđa Iscariot. Vài hôm trước, y đã âm thầm đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ để thảo luận về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ, đồng thời thương lượng về tiền thưởng cho y…

Các thượng tế đã treo thưởng với khoảng tiền là ba mươi đồng bạc. Thế là, “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.”

Và rồi, khi thời cơ đến, một toán người đã được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy bắt Đức Giêsu. Hôm ấy, kẻ dẫn đầu chính là Giu-đa. Rất lạnh lùng,  “hắn lại gần để hôn người”.

Hôn ư!… có sao đâu, vì đó là một cử chỉ biểu lộ tình yêu thương mà! Ồ! không, nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Nụ hôn của Giu-đa, hôm ấy, không nhằm để biểu lộ tình yêu, nhưng là một ám hiệu. Vâng, một ám hiệu mà y đã nói với các kỳ mục và thượng tế, rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.”  Đó là một “nụ hôn của thần chết”.

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Nhưng, Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại Oliu, Giêsu người Nazaret không lánh đi, Ngài vẫn đứng đó: “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55, 4).

Hôm ấy, trước các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và các kỳ mục (là những kẻ) đến bắt mình, Đức Giê-su lớn tiếng chất vấn họ, rằng: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (x.Lc 22, 52-53)

Đúng, đã đến lúc “là giờ… là thời của quyền lực tối tăm”.  Thế nhưng, các người môn đệ của Ngài không hiểu và họ đã sử dụng vũ lực. Họ đã “chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải”. Họ quên lời Thầy Giê-su tuyên phán, rằng: “Ta đến là để cho chiên được sống”.

Vâng, hôm ấy, lời tuyên phán đó đã được Đức Giê-su hiện thực hóa. Tên đầy tớ của thượng tế đã được Ngài “sờ vào tai mà chữa lành”.

Tưởng rằng, một phép lạ nhãn tiền như thế, lẽ ra nhóm thượng tế và lãnh binh phải chùn tay. Nhưng không, họ vẫn bắt Đức Giê-su.

Và rồi, “chặng thứ nhất”, (nói theo kiểu nói đi đàng thánh giá), họ “điệu Người đến nhà vị thượng tế”. Caipha, vị thượng tế đương nhiệm, quá đỗi vui mừng trước sự việc này. Trong khi đó, những kẻ canh giữ Đức Giê-su thì ra sức nhạo báng và đánh đập Ngài.

Rất dã man, họ “bịt mắt Ngài lại, rồi hỏi rằng: ‘nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Ngài” (x.Lc 22, 63-65).

Rồi, khi trời tảng sáng, màn luận tội Đức Giêsu bắt đầu. Tại đây, Đức Giê-su đã phải đón nhận những lời kết tội vô lý, bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, điều đó cũng chưa làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một đồng minh từ quan tổng trấn. Thế là, họ điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.

Trên đường tới dinh quan tổng trấn, ngoài những sự đau đớn do bị đánh đập tra tấn, Đức Giê-su còn đau đớn hơn khi “gà chưa kịp gáy” thì người môn đệ của mình, là ông Phê-rô  “đã ba lần chối là không biết Thầy”.

Khi đến dinh quan tổng trấn, ông Phi-la-tô chết lặng trước thân thể của Đức Giêsu, một thân thể đầy dấu tích của việc bị đánh đòn. Hình hài của Ngài, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã tiên tri về Ngài: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Chỉ qua vài lời thẩm vấn, Phi-la-tô cho rằng, Đức Giê-su “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14). Thế nhưng, dù có thẩm quyền, ông ta vẫn  không đủ can đảm trả tự do cho Ngài, vì ông ta sợ, sợ trước những tiếng gào thét của đám đông dân Do Thái đang ném về Đức Giê-su: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Sau một chút suy nghĩ, Philato vui mừng trước một phương án có thể Đức Giê-su sẽ được tha. Đó là, như một thông lệ, vào những ngày lễ lớn, quan Tổng Trấn đại diện cho Rôma, có thói quen ân xá cho một phạm nhân.

Năm đó, một người tù tên là Baraba, “tên này bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người”, đã được Phi-la-tô mang ra để dân chúng lựa chọn tha ai: Đức Giê-su hay Baraba.

Thật đáng tiếc, kế hoạch của quan tổng trấn đã không xảy ra như ông ta dự tính. Hôm đó, toàn dân đã la lớn: tha Baraba và đóng đinh Giêsu.

Những tiếng hô vang đó đã làm Phi-la-tô hoảng sợ. qua việc “rửa tay”, Philatô phủi bỏ trách nhiệm của mình. Để rồi, mệt mỏi vì những tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông, quan tổng trấn ngượng ngùng “trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá” (x.Mc 15, …15).

Và đây, “chặng thứ hai”, một chặng đường được quen gọi là đường-thập-giá, bắt đầu, bắt đầu với một Giê-su “ôm vết thương rỉ máu” từng bước tiến về Golgotha.

Người ta thấy có một nhóm phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, thế nhưng, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà mau nước mắt cá sấu quá!  Đức Giêsu, nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài, kia mà! Nhưng! “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?”.

Đức Giê-su đã “xin theo ý Cha”. Hôm ấy, chuyện được kể rằng, sau khi “Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Ngài tắt thở” (Lc 23, 46). Vâng, lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm.

Thánh sử Luca ghi lại “cuộc tử nạn của Đức Giê-su” như thế đấy. Như đã nói ở trên, cuộc tử nạn của Đức Giê-su, là một cuộc tử nạn đầy những nỗi buồn.

Khi nói tới “nỗi buồn”, một nhà thơ Việt Nam vào thế kỷ hai mươi, có viết: “Tất cả nỗi buồn là tiếng hát da đen”. Tại sao “nỗi buồn là tiếng hát da đen?” Thưa, vì lịch sử của người da đen, là lịch sử của những nỗi buồn và buồn nhất là nỗi buồn mang kiếp nô lệ.

Thế còn “những nỗi buồn” trong cuộc thương khó của Đức Giê-su, là những nỗi buồn gì? Thưa, đó là nỗi buồn về lòng dạ con người. Rất…  rất nham hiểm, đúng như lời Kinh Thánh nói: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người” (Gr 17, 9).

Về điều này, Lm. Giu-se Đinh Tất Quý có lời chia sẻ: “Trước hết là đám đông dân chúng. Khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, thái độ của họ vui mừng. Họ cởi áo trải xuống lót đường cho Chúa đi qua. Họ bẻ cành cây giơ cao đón mừng. Miệng họ hò la đến vang trời dậy đất: Hoan Hô con Vua Da-vít. Vạn Tuế Đấng nhân danh Chúa đến cùng chúng tôi”.

Vâng, ngài Lm. Quý chia sẻ tiếp rằng: “Nhưng rồi hầu hết những con người này, chỉ mấy hôm sau, lại gân cổ lên mà la thật to rằng: Hãy đóng đinh nó vào thập giá. Và khi Chúa đã bị đóng đinh trên thập giá, họ vẫn chưa chịu buông tha. Họ tiếp tục la lớn: Hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin nào… Kẻ đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình… Xuống khỏi thập giá đi… Xuống khỏi thập giá đi”.

Còn nhiều… còn nhiều nhân vật để nói đến, nhưng thôi, chúng ta tạm dừng ở đây. Dừng ở đây, để xem lại “chính lòng dạ của mình”.

Phải xem lại lòng dạ của mình. Xem lại, bởi vì, hôm nay sẽ chẳng ai có thể xử án Chúa Giê-su, nhưng chính Ngài sẽ xử mỗi chúng ta trong ngày sau hết.  Đức Giê-su sẽ không thinh lặng trước sự thay lòng đổi dạ của chúng ta. Chúng ta không thể “miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài”.

Chúng ta không thể (trong nhà thờ), miệng lớn tiếng đọc: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân Danh Chúa”, nhưng rồi, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta lại “chúc tụng” tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Hãy nhớ rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì”.

Chúng ta không thể (trong nhà thờ), miệng lớn tiếng đọc: “Hoan Hô Chúa trên các tầng trời”, nhưng rồi, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta lại “hoan hô” ông to này, bà lớn kia, những ông những bà lợi dụng chức vụ quyền lực, làm giàu trên xương máu đồng bào. Họ chỉ là người trần mắt thịt và rồi cũng phải chết, mà thôi.

Cũng đừng hoan hô, chúc tụng, chủ thuyết này, chủ thuyết nọ, những chủ thuyết của Satan, của ma quỷ, do con cái chúng cổ xúy. Chỉ hoan hô chúc tụng duy nhất chủ thuyết Ki-tô giáo, một chủ thuyết đến từ Thiên Chúa.

Mà, nếu như, vì một phút yếu đuối, lỡ lầm, chúng ta hoan hô, chúc tụng những điều nêu trên, đừng vội tuyệt vọng, hãy ăn năn sám hối, như một trong hai tên gian phi, bị treo trên thập giá cùng với Đức Giê-su, và lớn tiếng khẩn cầu cùng Đức Giê-su, rằng: “Ông Giê-su ơi! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.

Trong một xã hội ngày càng “tục” hóa như thế này, để không rơi vào thảm cảnh tên gian phi (không được hưởng ơn cứu độ), hãy ghi khắc trong con tim mình, lời khẩn cầu nêu trên. Nói rõ hơn, hãy luôn nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ đến con”.

Petrsu.tran

 

 

Để lại một bình luận