Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, quyền năng của Thiên Chúa đã được thể hiện qua các tiên tri, ngôn sứ và cuối cùng qua chính Con Một Người là Đức Giê-su.
Thật vậy, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã “đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời”, bên cạnh đó, Ngài còn dùng quyền năng để “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”.
Chuyện được ghi lại rằng: “Danh tiếng Ngài đồn ra khắp sứ Syri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt, và Người đã chữa khỏi”.
Ngoài việc làm phép lạ chữa bệnh, Đức Giê-su còn làm nhiều “dấu lạ” thể hiện quyền năng Thiên Chúa. Có một dấu lạ, một dấu lạ được cho là đầu tiên đã được Đức Giê-su thực hiện, và nó đã làm chấn động khắp miền Ga-li-lê. Câu chuyện này được chép lại trong Tin Mừng thánh Gio-an (x.Ga 2, 1-11)
Câu chuyện được ghi lại như sau: Tại Cana miền Galile, vào ngày thứ ba, có một đôi uyên ương tổ chức tiệc cưới tại gia. Trong bữa tiệc hôm đó, “có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự” .
Tuy thánh sử Gio-an không đề cập đến, nhưng việc Đức Giê-su cùng thân mẫu Ngài cùng tham dự khiến cho không ít người nghĩ rằng đám cưới này là một gia đình bà con gần của Đức Giê-su.
Nghĩ như thế không sai, không sai, vì thân mẫu Đức Giê-su đã có một việc làm, mà chỉ là người trong nhà, họ mới làm. Thì đây, khi thấy thiếu rượu, Đức Maria liền có lời cảnh báo với Đức Giê-su.
Rượu, đó là một thứ cần thiết trong đám cưới ở bất cứ thời đại nào. Việt Nam có câu: “Vô tửu bất thành lễ”. Với người Do Thái ư! Phải nói là “tối cần thiết”.
Gọi tối cần thiết là vì, đối với người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống nước, nước ngọt, hoặc là bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho. Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới. Tiệc chưa tàn mà lại thiếu rượu, thì làm sao mọi người có thể “xin mời anh nâng ly cùng tôi, nào ta cùng uống”!
Vâng, hôm ấy, chỉ mới là “thiếu rượu”, Đức Maria lập tức nói với Đức Giê-su: “Họ hết rượu rồi”. Và, đúng như là một người thân trong gia đình, Đức Maria nói tiếp với nhóm gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Nhà đám thiếu rượu ư! “Chuyện đó can gì!”. Vâng, Đức Giê-su đã trả lời như thế. Có không ít người nghĩ rằng đây là lời thoái thác của Đức Giê-su. Thế nhưng, thực tế lại là khác. Đức Giê-su không thoái thác.
Làm sao thoái thác cho được, sau chuyến đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, Ngài trở về sống ẩn dật ở Nazareth. Ngài được biết đến “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. Vậy hôm nay, tại Cana, lòng ân nghĩa của Ngài với “người ta” cớ gì không được thể hiện thêm một lần nữa sao!
Hôm ấy, lòng ân nghĩa của Đức Giê-su đã làm chấn động toàn cõi Ga-li-lê. Chuyện kể rằng: tại tiệc cưới: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít”. Đức Giê-su đã bảo họ “Các anh đổ đầy nước vào chum đi”.
Ơ hay! Tiệc cưới thiếu rượu đâu có thiếu nước, cớ sao lại bảo “đổ đầy nước vào chum”, một lệnh truyền rõ là khó chấp nhận. Thế nhưng, vì nhớ đến lời truyền dạy của Đức Maria, nhóm gia nhân tuân theo chỉ thị của Đức Giê-su: “Họ đổ đầy tới miệng”. Sau đó, cũng theo lời Đức Giê-su bảo, họ “múc và đem cho ông quản tiệc”. Kinh ngạc thay! “Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu mà không biết rượu từ đâu ra” (x.Ga 2, 9). Cuối cùng thì buổi tiệc cũng được tiếp tục trong niềm vui, mọi người lại tiếp tục “nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui”.
Vâng, thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galile và bày tỏ vinh quang của Người”(x.Ga 2, 11)
Có đúng là Đức Giê-su đã làm cho “nước hóa thành rượu”, hay, như một số ít những người “ghét” Chúa, cho rằng, Ngài sai gia nhân bỏ vào nước một loại hóa chất, đại loại như cồn, rồi quậy đều lên, biến thành một loại “rượu cồn”, như ngày nay một số tay bán rượu đểu, vẫn làm?
Trả lời nghi vấn này không khó. Thật vậy, nếu Đức Giêsu dùng thủ thuật này, có phần chắc, vị quản tiệc đã không “gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2, 10).
Hơn nữa, nếu đó là rượu được chế biến từ cồn, với sáu chum, tương đương với 720 lít, chắc chắn mọi người trong bữa tiệc đó, sau khi uống sẽ “đứt bóng”, mà chết mất.
Không, Đức Giê-su đến thế gian là để cứu độ nhân loại, không cứu độ bằng thủ đoạn gian dối, lừa bịp. Người đến là để làm chứng cho “sự thật”, như sau này, Người đã nói trước mặt quan tổng trấn Philato, rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”.
Có một số người khác, ác ý hơn nữa cho rằng, phép lạ nước-hóa-thành-rượu là bằng chứng Ngài và các môn đệ của Ngài là một “con sâu rượu”. Thưa không phải vậy. Tưởng chúng ta nên biết, với phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng.
Còn dưới lăng kiếng thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.
Gia-vê Thiên Chúa, qua Con Một Người, hôm đó, đã làm dấu lạ hóa nước thành rượu, trước hết, là để “bày tỏ vinh quang của Người” và sau là, như lời thánh Gio-an kể lại, để “các môn đệ tin vào Người”.
Câu chuyện được trình bày (nêu trên) có tên là “Tiệc cưới Cana”. Và, có lẽ, đây không phải là lần đầu chúng ta được nghe đến. Thế nên, hãy tự hỏi, chúng ta có thể học hỏi được điều gì qua câu chuyện này, để áp dụng vào đời sống của chúng ta?
Trước nhất và quan trọng nhất đó là chúng ta có “mời” Đức Giê-su, mời Đức Maria vào những bữa tiệc riêng tư của mình? Nói rõ hơn, tôi có mời Người và Mẹ của Người bước vào đời sống của tôi?
Vâng, là người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, là người đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, ai dám nói tôi không “mời” Đức Giê-su vào cuộc đời của tôi! Hôm cử hành lễ cưới, chúng tôi còn được lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, ai dám nói tôi không “mời” Chúa Giê-su vào dụ tiệc cưới của tôi!
Trong nhà tôi, có bàn thờ với thánh giá Chúa Giê-su, với tượng Đức Mẹ ban ơn, ai dám nói tôi không mời Chúa Giê-su và Mẹ của Người vào nhà của tôi! Tốt. Đó là một điều hết sức tốt đẹp.
Thế nhưng, sau khi Đức Giê-su và Đức Maria đã được mời, rất có thể chúng ta, một lúc nào đó, bận bịu với công việc làm ăn, vùi đầu vào những thú vui trần thế, để rồi chúng ta quên đi các Ngài, coi thường các Ngài, để các Ngài đứng một bên, và trở lại với một đời sống như chưa hề có sự hiện diện của các Ngài!
Dù đã mời Đức Giê-su và Đức Maria vào đời sống của mình, rất có thể chúng ta vẫn tiếp tục sống như thể là người chưa biết Chúa. Mỗi Chúa Nhật chúng ta miễn cưỡng đi nhà thờ, ráng ngồi “xem lễ” cho xong. Trả nợ cho Chúa như vậy rồi, chúng ta về đọc phớt qua Kinh Thánh, có người không thèm đọc. Chúng ta cầu nguyện chỉ là một nghi thức phải làm. Chúng ta đọc kinh chỉ như đọc một công thức, bùa chú v.v…
Mời Chúa vào đời sống của mình như thế, sẽ có lúc chúng ta “thiếu rượu”. Thiếu rượu ở đây, không phải là thiếu rượu đế, rượu rắn hổ mang, Chivas, Johny Walker, Hennessy, Remy Martin, Gò Đen, Nếp Mới… hay một loại rượu vớ vẩn nào đó, nhưng là thiếu “niềm vui, sự bình an, tình yêu thương, sự hiền hòa, lòng nhân hậu”.
Cuối cùng là gì? Thưa, từ từ đời sống (đức tin) của chúng ta không còn sốt sáng nữa. Càng ngày, chúng ta càng thấy nghi lễ tôn giáo (thánh lễ) rỗng tuếch, không còn muốn tham dự. Chúng ta sống ích kỷ. Chúng ta trở thành môn đệ cho chủ thuyết “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.
Chúng ta sẽ phải làm gì để đừng bị “thiếu rượu”? Thưa, trước hết hãy cậy dựa vào Đức Maria. Hãy đến với Đức Maria, bởi, nếu xưa kia tại Cana, Mẹ là người đầu tiên phát giác ra nhà đám thiếu rượu, thì hôm nay Mẹ cũng chính là người đầu tiên phát giác ra sự thiếu thốn của chúng ta. Vâng, hãy đến với Đức Maria, bởi vì Mẹ chính là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Tiếp đến, người có thể giúp chúng ta “có rượu”, đó là chính Đức Giê-su. Chúng ta hãy tìm đến Đức Giê-su, vị cứu Chúa của đời ta và thú nhận cùng Ngài, rằng: “Chúng con hết rượu rồi”. Phải tìm đến với Đức Giê-su và “Người bảo gì, (chúng ta) cứ việc làm theo”.
Hôm nay, Đức Giê-su không còn hiện hữu bên chúng ta, Ngài không thể trực tiếp “bảo” chúng ta, nhưng Ngài vẫn có thể cho chúng ta biết phải làm gì, qua Kinh Thánh.
Đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận được bí quyết “hóa nước thành rượu”, nói rõ hơn, chúng ta sẽ có được một kho báu, một kho báu chứa đựng đầy đủ các loại rượu: “rượu bình an, rượu hoan lạc, rượu nhẫn nhục, rượu hiền hòa, rượu từ tâm”, những thứ rượu đem đến cho chúng ta một đời sống chiến thắng.
Để sở hữu những thứ rượu nêu trên, chúng ta cần phải có sự vâng lời tuyệt đối, không nửa vời. Xưa, Đức Giê-su đã bảo với các gia nhân: “Các anh đổ đầy nước vào chum”. Nay, Ngài sẽ bảo chúng ta phải hết lòng tuân phục Ngài, không tuân phục lấy lệ, nửa vời. Một điều ai cũng phải đồng ý, đổ nước vào bình bao nhiêu, sẽ có rượu ngon chừng đó.
Cuối cùng, khi đã mời Đức Giê-su dự tiệc cưới đời ta, hãy để Ngài làm chủ đời ta. Nói cách khác: “Người bảo gì, ta cứ việc làm theo”.
Petrus.tran