Kinh Mân Côi với Dòng Đaminh

 

KINH MÂN CÔI VỚI DÒNG ĐAMINH

Lm Giuse Phan Tấn Thành op

Kinh Mân Côi với Dòng ĐaminhKinh Mân côi đáng được bàn riêng ra một mục xét vì tầm quan trọng của nó trong lịch sử Hội thánh. Nguồn gốc và thần học của Kinh Mân côi đã được trình bày trong quyển Vầng trăng tuyệt vời (tr.177-181); ở đây chỉ xin giới hạn vào những chi tiết liên quan đến Dòng Đaminh.

Hầu hết các ảnh tượng kính Đức Mẹ Mân côi đều có thánh Đaminh (đôi khi còn thêm thánh Catarina) đi kèm. Tục truyền rằng chính thánh Đaminh đã lãnh nhận cỗ tràng hạt từ Đức Mẹ, và đã đi “tuyên truyền” cho việc đọc kinh này. Truyền thuyết này đã bị xét lại vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là vì các tài liệu cổ nhất (bản án phong thánh, Libellus của cha Giorđanô, các Legenda) không hề nói đến sự kiện này. Một lý do nữa là các bức tranh cổ của thánh Đaminh đều vẽ người cầm quyển sách chứ không cầm tràng hạt. Vì thế cần phải truy tầm nguồn gốc của kinh Mân côi cách kỹ lưỡng hơn.

A. Nguồn gốc

Thực ra vào thời thánh Đaminh đã lưu hành bốn “bộ thánh vịnh” (psalterium) : 150 kinh Lạy Cha (psalterium Christi), một bộ 150 kinh Kính mừng (psalterium b. Virginis), một bộ gồm 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Kitô; một bộ 150 lời ca ngợi đức Mẹ.

Như đã nói trên đây, các anh em Giảng viên đã có thói tục đọc kinh Kính mừng nhiều lần trong ngày. Vào thế kỷ XIII, đã có vài sự kiện manh nha cho sự tiến triển của kinh Mân côi. Có những sử liệu kể lại thói tục của vài anh em đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm 3 “vòng hoa”, chẳng hạn như Bartôlômêo Trentô (+1251), Gioan Mailly (1260), Thomas Cantipré (+1260). Đồng thời, tu sĩ Rômêo de Liva (+1261) đã sử dụng một sợi dây thắt nút để đếm các kinh Kính mừng (mỗi ngày đọc 1000 lần).

Người đã có công cổ động việc đọc kinh Mân côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche. Nguyên là giáo sư thần học tại Paris, Lille, Gand, Rostock, từ năm 1463 cha cảm nhận ơn gọi đi truyền bá kinh Mân côi, như là một kinh kính Đức Mẹ. Hình thức của nó gồm 150 kinh Kính mừng, chia thành ba phần chính (đọc vào ba buổi trong ngày : sáng, trưa, tối), kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn và Vinh quang của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin.

Như vậy, ngòai việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, cha Alanô còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476).

Truyền thuyết về việc thánh Đaminh lãnh nhận tràng chuỗi Mân côi bắt nguồn từ cha Alanô. Có người đã trách là cha đã bịa đặt câu chuyện. Nhưng có người đã bênh vực như thế này. Cha Alanô không hề có chủ ý dựng đứng một sự kiện. Cha chỉ thuật lại (cách thành thực) rằng cha đã được một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ trao cho tràng hạt cho thánh Đaminh như khí cụ bài trừ lạc giáo. Thực khó mà kiểm chứng được cái thị kiến đó hư thực thế nào. Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, người ta có thể giả thiết rằng cha Alanô nhận thấy kinh Mân côi là một “tuyệt tác”, không thể nào giải thích được do sáng kiến loài người. Vậy thì chắc là nó được linh hứng (do Đức Mẹ).

B. Hiệp hội Mân côi

Ngoài việc rao giảng Kinh Mân côi, cha Alanô còn lập “hiệp hội thánh vịnh Mẹ Maria” (Confrérie du psautier de Notre Dame), bắt đầu tại Douai (1470). Các hội viên cam kết đọc hết 150 kinh Kính mừng mỗi ngày, cũng như cam kết xưng tội rước lễ vào lúc ghi danh và mỗi năm ba lần (lễ Hiện xuống, lễ thánh Đaminh, lễ Giáng sinh). Như vậy qua việc đọc kinh Mân côi, các hội viên được thúc giục đào sâu các mầu nhiệm đức tin và tham gia các bí tích nữa.

Phong trào của cha Alano bành trướng mau lẹ, một phần cũng nhờ sự hợp tác của anh em đồng Dòng. Năm 1474, một bàn thờ dành cho Hội Mân côi đã được thành lập tại tu viện Frankfurt. Năm 1475 (năm mà cha qua đời), cha bá cáo cho biết rằng số hội viên lên tới hơn 50 ngàn.

Cũng vào năm 1475, hiệp hội Mân côi (Fraternitas Rosarii) được thành lập tại Koln (do bề trên Giacôbê Sprenger). Tuy gặp vài chống đối đây đó nhưng cả hai hiệp hội tại Lille và Koln đã được giáo quyền địa phương châu phê. Sang năm 1479, chính Đức Giáo hòang Sixtô IV đã châu phê hiệp hội, với bulla ký ngày 12/5, mở màn cho các văn kiện Tòa thánh về kinh Mân côi.

Từ Koln, hiệp hội tràn sang các thành phố bên Đức, Bỉ, Hòa lan, Pháp, Italia, cho đến mãi tận Portugal. Phong trào Mân côi (phát sinh từ các tu viện Đaminh) cũng đã được truyền bá nhờ lòng nhiệt thành của các tu sĩ Đaminh. Tòa thánh đã xác nhận điều này khi ủy thác cho các tu sĩ Đaminh việc rao giảng kinh Mân côi và dành cho Bề trên tổng quyền đặc quyền thiết lập Hội Mân côi.

Văn kiện quan trọng nhất của Tòa thánh về kinh Mân côi là bulla Consueverunt Romani Pontifices (17/9/1569) của đức Piô V dòng Đa Minh, trong đó ngài kể lại nguồn gốc, mô tả bản chất, và những mục tiêu của việc đọc kinh Mân côi. Việc đọc kinh Mân côi đã được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội thánh nhất là từ khi Đức Piô V nhìn nhận sự chiến thắng của đạo quân công giáo chống lại sự tấn công của quân Thổ nhĩ kỳ tại Lêpantô (5/10/1571) là do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria.

Trong công hội (consistorium) ngày 17/3/1572 ngài quyết định thiết lập lễ Mân côi để kính nhớ biến cố này. Tiếc rằng ngài đã qua đời (1/5/1572) trước khi thực hiện ý định. Theo lời thỉnh nguyện của cha Serafino Cavalli (tổng quyền Dòng Đaminh), Đức Grêgôriô XIII đã thiết lập lễ Mân côi (bulla Monet Apostolus, 1/4/1573) và cho phép cử hành vào chúa nhựt đầu tháng 10 tại bất cứ thánh đường nào có bàn thờ kính Đức Mẹ Mân côi. Ngày 3/10/1716, đức Clêmentê XI nới rộng lễ này ra tòan Hội thánh.

Nhờ những ân xá do Tòa thánh tiếp tục ban cấp, Hội Mân côi được thiết lập tại nhiều giáo phận và giáo xứ. Nhiều bàn thờ và nguyện đường được dâng kính Đức Mẹ Mân côi.

Xin miễn dài giòng trưng dẫn các văn kiện Tòa thánh ca ngợi kinh Mân côi và các tác phẩm mà anh em Đaminh viết về kinh Mân côi. Chỉ xin ghi lại một chi tiết để “giải trí”, đó là anh em ta đã phải kiện lên Tòa thánh khi thấy các Dòng khác sản xuất đồ giả. Ngày 28/5/1664, Đức Alêxanđrô VII đã lên án Dòng Phanxicô vì đã ngụy tạo “rosarium seraphicum” (suy gẫm 9 mầu nhiệm, và mỗi lần đọc 9 kinh kính mừng). Tòa thánh cấm không được truyền bá kinh này và những bức hình vẽ Đức Maria trao tràng chuỗi cho thánh Phanxicô ! Năm 1673, Tòa thánh trong bộ Index, cũng cấm lưu hành kinh Mân côi của thánh Anna. Năm 1683, Đức Innocentê XI cấm Dòng Tên tuyên truyền những bức tranh vẽ Đức Mẹ trao tràng hạt cho hai tu sĩ của con cái thánh Inhaxiô. Đức Clêmentê XI cấm dòng Trinitari không được ngụy tạo kinh Mân côi kính Chúa Ba Ngôi (bulla 8/3/1712).

Kinh Mân côi cũng đi theo các thừa sai Đaminh sang Mỹ châu và Á châu. Đặc biệt tỉnh dòng truyền giáo tại Viễn đông mang tước hiệu Provincia Ssmi. Rosarii Philippinarum. Riêng tại Việt Nam, chúng ta còn phải nghiên cứu ảnh hưởng của Kinh Mân côi đối với việc truyền giáo. Bao nhiêu vị tử đạo đã tiến ra pháp trường với cỗ tràng hạt trên tay.

C. Những hình thức khác của phong trào Mân côi

Ngòai việc cổ động kinh Mân côi và việc thiết lập các Hiệp hội Mân côi, còn có nhiều hình thức truyền bá khác trong các thế kỷ gần đây đáng được ghi nhận.

1- Hội Mân côi sống

Do chị Pauline Jaricot sáng lập. Jaricot cũng là người lập ra các hội truyền bá đức tin (Oeuvre de la propagation de la foi). Nguyên là một phần tử của Hội Mân Côi từ năm 1817, chị thấy hội này òi ọp, cho nên muốn tổ chức lại để cho việc đọc kinh Mân Côi được linh động hơn, và tiêm nhiễm tinh thần truyền giáo. Năm 1826 chị tung ra ý định lập hiệp hội Mân côi sống (Association du Rosaire vivant). Hội bành trước mau lẹ : tới năm 1832 số hội viên đã tới 1 triệu ở Phap, và lan sang Italia, Thụy sĩ, Bỉ, Anh vv. ĐTC Grêgriô XVI châu phê với đoản dụ Benedicentes Domino ngày 27-1-1832. Năm 1836, bề trên cả Thomas Cipolletti nhận bảo trợ Hội và cho thông dự vào những đặc ân của Dòng Đaminh. Ngày 17-8-1877, Đức Piô IX chấp nhận việc liên kết ấy (Đoản dụ Quod jure haereditario).

Hình thái đặc biệt của hội này là quy tụ 15 người thành một tổ : mỗi người lãnh trách vụ mỗi ngày đọc một chục kinh và suy gẫm 1 mầu nhiệm. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng (gọi là: zélateur, zélatrice), theo dõi và phân phối luân phiên các mầu nhiệm cho các thành viên trong tổ.

Trong những năm gần đây, hình thức này được biến cải thành Equipes du Rosaire, những nhóm học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện dựa theo các mầu nhiệm Mân côi.

2- Hội Mân côi liên lỉ (Associatio Rosarii perpetui).

Do cha Marie-Augustin Chardon OP (1830-62) sáng lập năm 1858 tại Lyon, cảm hứng từ hội Mân côi sống của chị Jaricot. Đức Piô IX châu phê với một đoản dụ ngày 12/4/1867.

Các hội viên chọn lấy một giờ “gác” (trong tuần hay tháng) để đọc hết tràng chuỗi Mân Côi (ở bất cứ nơi nào cũng được: ở tư gia hay nhà nguyện, lúc đi đường hay khi nghỉ ngơi…). Nhờ sự phối trí của ban điều hành (chia phiên cho hội viên trong vòng một tháng hay một năm), suốt ngày đêm năm tháng luôn luôn có người đọc kinh Mân Côi. Dĩ nhiên, đây là một việc tự nguyện; do đó, lỡ ai không giữ được giờ đã hứa thì cũng chẳng mắc tội gì !

Ngoài ra, có thể hằng năm tổ chức một hai ngày cho tất cả hội viên một “Giờ” liên tục tại nhà thờ, tựa như tục “chầu lượt”.

3- Sang thế kỷ XX,

Việc rao giảng kinh Mân côi mang thêm những hình thức mới : báo chí, truyền thanh. Từ năm 1908 (kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes), các cha Đaminh bên Pháp hằng năm tổ chức cuộc hành hương Mân côi (pèlegrinage du Rosaire) vào đầu tháng 10. (Lần đầu tiên chỉ có 1200 người tham dự; 50 năm sau số tín hữu lên đến 100 ngàn). Nhân dịp hành hương, các tín hữu tham dự các buổi tĩnh tâm, các giờ chầu Thánh thể, các cuộc suy niệm Lời Chúa, các công tác bác ái giúp đỡ các bệnh nhân, và dĩ nhiên không thể bỏ qua việc tham dự bí tích Thống hối và Thánh thể.

Ngòai ra còn có các Hội nghị (Congressus) về kinh Mân côi được tổ chức vào những năm 1954 (Fatima), 1959 (Toulouse), 1963 (Roma), 1967 (Roma), 1976 (Roma).

Xin phép lưu ý là sau công đồng Vaticano II, một văn kiện Tòa thánh bàn về kinh Mân côi với nội dung thần học sâu xa là Tông thư Marialis cultus của đức Phaolô VI (2/2/1974), số 42-55.

Nguyên ủy của văn kiện ấy như thế này. Với cuộc canh tân phụng vụ sau công đồng, xem ra kinh Mân côi đã trở nên lỗi thời, và đáng cho vào bảo tàng viện. Các giám mục Hoa kỳ viết thư hỏi Tòa thánh xem cảm tưởng ấy có đúng không. Lúc đầu Đức Thánh Cha muốn trả lời trực tiếp cho câu hỏi ấy, nhưng sau đó, ngài lợi dụng cơ hội để trình bày ý nghĩa của lòng tôn kính Đức Maria dưới ánh sáng thần học công đồng Vaticano II.

Kinh Mân côi cần được lồng trong bối cảnh ấy.

 

Trả lời