Hãy giảm bớt nhu cầu của mình

 

Hãy giảm bớt nhu cầu của mìnhTrong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen”. Niềm tin “sống lại và hằng sống” là một niềm tin bất biến của  người Ki-tô hữu. Niềm tin này không do tự Giáo Hội (bịa) đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su truyền dạy.

Mà, thật vậy, trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, bằng nhiều cách thế khác nhau, Đức Giê-su đã nói rất rõ ràng về “sự sống lại” cũng sự “sự sống đời đời”. Về sự-sống-lại, Đức Giê-su đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết”.

Còn về sự sống đời đời thì sao! Thưa, rất rõ ràng. Chúng ta hãy nghe Ngài tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Thật vậy, tất cả mọi người bất luận là ai,  chỉ cần “ai tin vào Ta… tin vào Con của Người”, nói rõ hơn, đó là “tin vào Đức Giê-su”, thì được “sự sống đời đời”.

Hồi ấy, lời tuyên phán của Ngài chấn động khắp Palestina, để rồi đã có người tìm đến Ngài,  tìm đến để xin Ngài cho biết “phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người đó, là một chàng trai giàu có.. Vâng, bối cảnh của việc chàng trai tìm gặp Đức Giê-su đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Tin Mừng thánh Mác-cô đã thuật lại rằng: Một ngày nọ, sau khi kết thúc sứ vụ giảng dạy cho dân chúng ở miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan, Đức Giêsu cùng các môn đệ chuẩn bị cho một sứ vụ khác. Khi Ngài vừa lên đường, thì có một người, (không biết từ đâu), tìm đến. Người này là một chàng trai.

Theo Kinh Thánh ghi lại, cứ sự thường, những người tìm gặp Đức Giêsu hoặc là xin chữa bịnh, hoặc là xin trừ quỷ cho thân nhân của họ. Nhưng hôm nay, người thanh niên này không xin chữa bịnh. Anh ta khỏe, rất khỏe. Thật vậy, phô diễn cho sức khỏe của mình, anh ta đã chạy  “chạy đến”… và khi đến rồi, anh ta “quỳ xuống trước mặt” Đức Giê-su.

Ngước mắt nhìn Ngài, anh ta rụt rè cất tiếng thưa: “Thưa Thầy nhân lành…”. Rồi tiếp đó, trong tâm trạng rất… rất khát khao, anh ta lên tiếng khẩn cầu: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Phải làm gì! Vâng, hôm đó, thay cho câu trả lời, Đức Giê-su đã gửi đến anh ta một lời truyền dạy, lời truyền dạy cho những ai thật sự muốn được sự sống đời đời.

Thứ nhất, Đức Giê-su dạy: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Đúng vậy, ai có thể “nhân lành” bằng Thiên Chúa! Ai dám biểu lộ sự nhân lành qua việc “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, nếu không là Thiên Chúa!

Thứ hai, Ngài gửi đến anh ta một câu hỏi, hỏi rằng: “Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”!!!

Nếu… nếu hôm nay, Đức Giê-su gửi câu hỏi này đến chúng ta? Chúng ta sẽ có câu trả lời? Vâng, với chàng thanh niên, anh ta đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.

Ôi! quá tuyệt vời.  Bài thi “vấn đáp” của anh ta rất tuyệt, tuyệt đến độ Đức Giê-su đã phải: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.” Cứ tưởng rằng qua ánh mắt tràn ngập tình yêu đó, Đức Giê-su sẽ kết thúc “bài thi” và tuyên bố anh sẽ nhận được điều anh ước muốn.

Thế  nhưng, nghĩ là vậy, thực tế không là vậy. Không là vậy, bởi việc giữ “giới răn” của anh chàng này xem ra có vẻ “từ chương”.

Thì đây, ta hãy thử nghĩ về ba chữ “từ thuở nhỏ”… Có ai từ-thuở-nhỏ “nhân chi sơ tính bổn thiện”  mà lại phạm tội ngoại tình?

Có ai từ-thuở-nhỏ, ở cái tuổi “…ước mơ không nhiều, xin một điều yêu dấu. Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người. Cô gái yêu nước Việt bước chân theo giống nòi”. Vâng, ở cái tuổi thuở-nhỏ như thế, với những ước mơ thật đơn sơ như thế, thì làm gì có chuyện “muốn vợ chồng người”?

Vâng, nếu anh ta nói “tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ, và cho cả đến bây giờ” thì hay biết mấy nhỉ! Thế nên, hôm đó,  Đức Giê-su muốn “trắc nghiệm” lại anh ta, đó là đến thời tuổi-lớn, anh đã giữ như thế nào? Tới “thuở lớn” anh có “tuân hành”, (chứ không phải tuân giữ), những điều răn của Đức Chúa Trời không? Nói rõ hơn, anh có “mến Chúa – yêu người”, điều Đức Giê-su truyền dạy, không?

Vâng, đó chính là lý do Đức Giê-su đã tế nhị  bảo với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi”

Nghe lời đó anh ta phản ứng như thế nào? Thưa, thánh sử Mác-cô kể rằng: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

Câu chuyện kết thúc như vậy đó. Với hôm nay, có quá khó để mà chọn lựa, nếu chúng ta ở vị trí là chàng thanh niên giàu có?

Phải chăng, chúng ta cũng sẽ ái ngại trước lời yêu cầu của Đức Giê-su, rằng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi”!!!

Thật ra, qua lời yêu cầu này, Đức Giê-su muốn dẫn mọi người đến một cuộc sống trọn đầy “đức ái”, một nhân đức, như lời thánh Phao-lô đã nói, rằng: “cao trọng hơn cả” (x.1Cor 13, …13). Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban.

Thật vậy, sách Sáng Thế Ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, Đức Chúa đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”.

Tuy nhiên, nếu giàu sang mà “vô cảm” (như ông nhà giàu trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó), trước “một người nghèo khó tên là Lazaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng…” nhà ông ta…  Còn bản thân ông “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, thì, đừng trách Đức Giêsu phải nặng lời mà nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa!” (x.Mc 10, 25)

Cuối cùng, qua câu chuyện nêu trên và qua những lời truyền dạy của Đức Giê-su, chúng ta rút ra được bài học gì?

Phải chăng, đó là hãy tự hỏi mình rằng: chúng ta có xem đồng tiền như thể là “Thượng Đế của thời đại chúng ta”? Chúng ta có xem đồng tiền như thể  là “thực tại tối cao, quy định tất cả” cuộc đời ta?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, Đức Giê-su đã truyền dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh  em không thể  vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (x.Mt 6, 24)

Kinh Thánh Cựu Ước cũng đã để lại cho chúng lời khuyên: “Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”(x.Gv 1, 2) Mà, tiền của ở thế gian này là gì nếu không phải là của phù vân!

Thế nên, thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su “bán những gì anh có mà cho người nghèo”, là điều phải đạo. Phải đạo là bởi  “người nghèo” chính là Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh  em bé nhỏ nhất của Ta đây là các người đã làm cho chính Ta vậy”.

Phải đạo, còn là bởi, làm theo lời Đức Giê-su truyền dạy, chính là chúng ta “tích trữ cho mình những kho tàng trên trời”.

Về Thiên Chúa và Tiền Của, G. Simmel có một minh họa rất mỉa mai: ngày xưa, tòa nhà cao nhất ở các đô thị là những giáo đường. Còn, ngày nay, đó chính là những ngân hàng (tiền của).

 

Nói lên điều ngày để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta, là những Ki-tô hữu, phải làm thế nào đó, để làm cho những ngôi giáo đường hôm nay,  lại trở thành những ngôi nhà cao nhất trong các đô thị.

Làm thế nào? Thưa, hãy thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su “bán (bớt) những gì anh có (dư thừa) mà cho người nghèo”.

Không quá khó đâu. Chỉ cần, giảm bớt chút thời gian lướt web, chút thời gian ngồi lê đôi mách, ta sẽ có thời giờ  “thăm viếng kẻ liệt”. Chỉ cần giảm bớt chút tiền chợ, tiền quà vặt, ta sẽ có tiền “cho kẻ đói ăn”. Chỉ cần giảm bớt chút ít tiền phấn sáp, ta sẽ có tiền “cho kẻ rách rưới” mua áo quần.

Chỉ… chỉ cần làm một công việc rất dễ dàng: đó là “giảm bớt”…  giảm bớt những nhu cầu của mình, là có thể thực thi được lệnh truyền của Đức Giê-su.

Vâng, trong một xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, còn rất nhiều người nghèo khó, thế nên, hơn bao giờ hết, chúng ta “hãy giảm bớt nhu cầu của mình”.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận