Xu hướng thời đại, đó là, không ai lại không muốn mình hơn người khác. Không ai lại không muốn mình là một nhân vật nổi danh. Chuyện phải hơn người khác, phải được nổi danh, có thể nói, nó như một căn bệnh trầm kha, ăn sâu vào tận huyết quản của bất cứ ai.
Chả thế mà, Nguyễn Công Trứ, một nhà thơ thời xưa, phải thốt lên: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Ước muốn “phải có danh gì” cũng chẳng có gì là xấu, bởi ước muốn đó nêu bật vai trò và vị trí của một “con người” hiện diện trong cuộc đời, trong vũ trụ.
Tuy nhiên, theo thói đời, nhất là “đời nay” thì ước muốn “đẹp” này có phần bị lạm dụng. Không ít người, nếu không muốn nói là “nhiều người” khi có chút danh phận, quyền hành (đôi khi có được là nhờ mua quan bán tước), thì vênh vang, tự đắc, đè đầu cưỡi cổ kẻ dưới.
Tất nhiên, đức tin Ki-tô giáo không hoan nghênh những con người này.
Phải có danh gì ư! Phải hơn người khác ư! Tốt. Thế nhưng, người Ki-tô hữu khi có chút danh, chút phận, chút quyền hành, thì phải sử dụng nó để “phục vụ mọi người”. Phải phục vụ mọi người, bởi đó là điều chính Đức Giê-su truyền dạy. Tin Mừng thánh Mác-cô, với phần trích đoạn ở chương 9, từ câu 30 đến câu 37 đã ghi rõ nét cho lời truyền dạy của Ngài.
Vâng, chuyện được ghi rằng: Sau sự kiện Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor với sự chứng kiến của Phêrô, Giacôbê và Gioan, và sau khi chữa lành một người bị quỷ ám, các môn đệ đã cùng với Thầy của mình rời khỏi đó và đi băng qua miền Galilê.
Tại đây, một lần nữa, Đức Giê-su hé mở cho các môn đệ biết đến sứ vụ của Ngài, đó là: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Khi Đức Giê-su nói lên sứ vụ của mình, thánh sử Mác-cô cho biết, nhóm Mười Hai “không hiểu lời đó và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (x.Mc 9, 32)
Tại sao các ông lại “sợ không dám hỏi lại Người”? Vâng, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng: các ông không dám hỏi là vì sợ “ông Thầy” mình mắng cho vài câu, như đã mắng anh cả Phê-rô, hôm trước.
Nhớ, hôm trước, hôm Thầy và trò ở Xê-da-rê Phi-lip-phê, Đức Giê-su cũng đã loan báo cho các ông biết về sứ vụ của Ngài, sứ vụ Ngài “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.
Hôm ấy, sau khi nghe Đức Giê-su tuyên bố như thế, ông Phê-rô đã “trách Người”. Thế là, ngay lập tức Đức Giê-su đã khiển trách Phê-rô: “Sa-tan, lui lại đàng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa,mà là của loài người”. Thế đấy! Thế đấy, cho nên rút kinh nghiệm cho hôm nay, các ông nghĩ rằng “im lặng là vàng”.
Thế nhưng, im lặng không có nghĩa là không để cho tư tưởng làm việc. Chuyện được thánh sử Mác-cô cho biết: Suốt cuộc hành trình về Ca-pha-na-um, trong thinh lặng, các ông có nhiều dòng suy nghĩ khác nhau, chính những dòng suy nghĩ khác nhau đó, đã dẫn đưa các ông đến một cuộc tranh cãi kịch liệt.
Các ông tranh cãi điều gì? Vâng, hôm ấy, khi về tới nhà, rất tế nhị, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường , anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Mười hai môn đệ, với mười hai đôi mắt nhìn nhau, không nói nên lời. Nói rõ hơn, sau khi nghe Thầy Giê-su hỏi: “Các ông làm thinh… ”…
Sao thế nhỉ! Thưa, “…vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (x.Mc 9, 34). Ai… ai sẽ là người lớn hơn cả? Thưa quý vị, chúng ta, nên chăng, thử tưởng tượng cuộc cãi nhau của các môn đệ xưa!
Phải chăng, ông Mát-thêu sẽ phân trần “Tôi là một tay cán bộ thuế vụ. Tiền vào như nước. Thế mà tôi đã bỏ hết để theo Thầy Giê-su. Vậy, có gì ngăn cản tôi không là người lớn hơn cả”? Phải chăng, Giacôbê và Gioan sẽ nói: “Tại sao không là chúng tôi. Chúng tôi đã được nhìn thấy Thầy biến hình đầy uy nghi”?
Phải chăng, Phê-rô sẽ lớn tiếng: “Ồ không, người lớn hơn cả chính là tôi. Tôi… tôi đã được chính Ngài Giê-su trao cho chìa khóa Nước Trời, kia mà”? Có lẽ… có lẽ, với câu hỏi này, tốt nhất, nên nghe câu trả lời của Đức Giê-su.
Muốn làm người lớn hơn cả ư! Muốn làm người đứng đầu ư! Vâng, hôm ấy, Đức Giêsu đã đưa ra một quan điểm hết sức bất ngờ, ngược lại với tất cả những gì mà các ông, (cũng như với người đời thời nay), nghĩ đến.
Hôm đó, chuyện kể tiếp rằng: Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x. Mc 8, 35).
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Vâng, qua lời truyền dạy này, có thể nói, Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng, cách mạng về vai trò của một người lãnh đạo.
Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng đôi tay để phục vụ, có nghĩa là không phải là người đứng đó “chỉ tay năm ngón”. Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng con tim để hành động, có nghĩa là phải có tình yêu thương.
Có quá khó để thực hiện lắm chăng? Thưa, khó lắm. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, là môn đệ của Thầy Giê-su, khó cũng phải thực hiện. Đừng quên lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. Và, nhất là những gì Ngài đã làm và đã nói trong bữa Tiệc Ly.
Hôm ấy, “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”(x.Ga 13, 4-5). Hôm ấy, Ngài đã nói với tông đồ Phê-rô: “Nếu thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.
Và rồi, khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su nói: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (x.Ga 13, 13-14).
Cuối cùng, để đóng ấn cho một dấu ấn mới về việc “ai là người lớn nhất hơn cả”, Đức Giê-su long trọng tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi”.
Tất cả những gì xảy ra trong đêm thứ năm của bữa Tiệc Ly, nó như là câu trả lời cho câu hỏi “ai là người lớn hơn cả”. Nói cách khác, nó chính là thông điệp mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho các môn đệ , (và cũng là cho chúng ta hôm nay), thông điệp rằng: phục vụ chính là quyền hành. Người-Phục-Vụ chính là “người lớn hơn cả”.
Người-Phục-Vụ chính là “người lớn hơn cả”. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều này. Lịch sử Giáo Hội đã cho chúng ta biết rất nhiều tấm gương mẫu mực về “Người Phục Vụ”. Một mẫu mực gần đây nhất, đó là Mẹ Tê-rê-sa Calcutta.
Chỉ là một con người “rất nhỏ bé”, cao 1m50, cân nặng 32kg. Đã có người nói đùa rằng Mẹ nên đeo thêm vài cục đá nữa kẻo bị gió thổi bay như hạt bụi. Vâng, một con người như thế, nhưng nhờ đã sống cả một cuộc đời trong vai trò là “người phục vụ”, cuối cùng, khi vừa mới qua đời (ngày 05/09/1997), mẹ lại được nhiều người coi là “người lớn hơn cả”.
Theo truyền thông ghi lại: Jacques Chirac, (tổng thống Pháp), gởi điện đến Calcutta với lời như sau: “Tối nay, trên thế giới ít tình thương hơn, ít lòng trắc ẩn hơn, ít ánh sáng hơn!”
Với Thủ tướng Anh Tony Blair, ông ngậm ngùi chia sẻ : “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn, vì một trong những người phục vụ nhiều lòng nhân ái nhất đã mất!”
Và, Thủ tướng Ấn Độ, ông ta đã ra lệnh tổ chức Quốc táng (dù mẹ không phải là người Ấn), mà việc này chỉ dành cho vị nguyên thủ quốc gia mà thôi! Cả nước Ấn để tang hai ngày !
Riêng ở Albani, quê hương của mẹ tổ chức ba ngày Quốc tang!Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố: khắp nước phải treo cờ rũ! Nước Philippine tổ chức tang lễ trọng thể !
Trên một triệu người đủ mọi thành phần tôn giáo, sắc tộc trên thế giới đến viếng linh cửu và tiễn đưa mẹ đến nơi an nghỉ. Ai đến viếng cũng đều ghi hàng chữ : “Dáng vóc Tê-rê-sa nhỏ bé, nhưng tinh thần mẹ vĩ đại !” Và ngày 19-10-2003, mẹ đã được tôn phong Á thánh, rồi phong thánh ngày 05.9.2016. (nguồn: internet)
Muốn trở thành như Mẹ Tê-rê-sa có quá khó? Nói cách khác, muốn trở thành “người phục vụ” có quá khó? Thưa khó, nhưng không phải là không thực hiện được. Muốn thực hiện được, thứ nhất, đừng nuôi dưỡng tâm hồn mình “sự ghen tương, chua chát và tranh chấp”. Thứ hai, đừng có “tự cao tự đại”.
Bởi vì, nếu trong tâm hồn ta luôn nuôi dưỡng những thói xấu (nêu trên), điều tất yếu sẽ xảy ra, vâng, thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Ở đâu có ghen tuông và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa”. (x.Gc 3, 16)
(Theo tôi biết, không ít hội đoàn, (không tiện nêu tên ở đây), tuy chỉ có năm ba người, ấy thế mà bất hòa xáo trộn liên miên, đến nỗi cha linh hướng phải ra lệnh giải tán, cũng chỉ vì cộng đoàn đó có người luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn mình sự ghen tuông, tranh chấp).
Muốn trở thành người-phục-vụ đích thực, thánh Gia-cô-bê có lời khuyên: “(hãy) hiếu hòa, khoan dung, mền dẻo, đầy từ bi… không thiên vị cũng đừng giả hình”.
Chúng ta cũng đừng quên lời khuyên bảo của thánh Phao-lô, lời khuyên rằng: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3)
Chẳng có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên này. Bởi vì, lời khuyên “ăn ở khiêm tốn” chính là tiền đề cho một lối sống khiêm nhường. Mà, một khi chúng ta có một cuộc sống khiêm nhường, có gì ngăn cản chúng ta “làm người rốt hết”, phải không, thưa quý vị!
Một lần nữa, hãy nghe lại lời truyền dạy của Đức Giê-su: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết”. Vâng, “phải làm người rốt hết”.
Petrus.tran