Một trong những tật xấu mà con người thường hay vấp phạm, đó là tật xét đoán. Mà, thật vậy, trong cuộc sống hằng ngày, khi đối diện một ai đó, chúng ta thường nhận xét hoặc đánh giá về họ, nhẹ thì với những lời nói vô thưởng vô phạt; nặng hơn, thì bằng những lời nhận định hằn học, đầy thành kiến không thương tiếc.
Nguyên nhân, đó là chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những diễn tiến (bề ngoài) trước mắt chúng ta. Lối xét đoán này thường không chính xác, không chính xác bởi chúng ta là những con người bất toàn, chúng ta không thể đánh giá hoặc xét đoán sự việc một cách hoàn hảo. Những điều nhìn bề ngoài là vậy, nhưng thật sự bên trong (tấm lòng) đã chắc là như thế!.
Đức Giê-su, trước tật xấu này, Ngài đã có lời truyền dạy: “Đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán cho công minh” (Ga 7, 24).
Xét đoán theo bề ngoài, Đức Giê-su không hoan nghênh. Tin Mừng thánh Mác-cô có ghi lại một cuộc tranh luận nảy lửa giữa Đức Giê-su và nhóm Pha-ri-sêu, cũng chỉ vì họ đã “xét đoán” các người môn đệ của Ngài “theo bề ngoài”.
Vâng, diễn tiến câu chuyện là thế này: Hôm ấy, có những người Pharisiêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Được biết, họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.
Tụ họp quanh Đức Giê-su để làm gì? Nghe Ngài giảng dạy chăng? Thưa, không phải vậy. Vâng, không phải vậy. Trong ba năm Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng, có bao giờ họ tìm gặp Ngài với tâm tình nghe lời phải quấy! Trái lại, mỗi khi gặp Ngài, nếu không chống đối thì họ cũng tìm cách này hay cách khác để soi mói… bới lông tìm vết, để xét đoán Ngài.
Và, hôm nay, cũng vậy. Hôm nay, khi vừa thấy vài môn đệ của Đức Giêsu “dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”, không bỏ lỡ cơ hội, những người Pharisiêu và kinh sư liền đưa ra những lời “soi mói” đầy đắc ý. Họ soi mói rằng: “sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa” (Mc 7, 5).
Truyền thống của tiền nhân dạy gì? Thưa, “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn…”. Thế nên, khi nắm được luật “tiền nhân” dạy, và nhìn thấy các môn đệ của Đức Giê-su vi phạm luật rửa tay, họ đắc ý nghĩ rằng: Đức Giê-su sẽ không thể bào chữa trước việc các môn đệ của mình đã phạm luật.
Vâng, theo cái nhìn bình thường, hiệp một, (nếu được phép nói như thế), Thầy và trò Đức Giê-su thua một quả penalty. Thật ra, những người Pha-ri-siêu và kinh sư, đã lầm. Đức Giê-su, Ngài được biết đến như là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” cớ gì lại không biết “truyền thống của tiền nhân”!!
Nói tới việc thực thi truyền-thống-của-tiền-nhân, hẳn mọi người đều nhớ, “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như-người-ta-thường-làm trong ngày lễ”, không là theo truyền thống tiền nhân sao?
Không phải Đức Giêsu không biết đến luật rửa tay. Theo đúng luật, đó chỉ là “tập tục” và tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế, với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo, để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa.
Còn về lề luật ư! Vâng, Đức Giê-su đã có lời tuyên bố rằng “Ta đến không phải là để bải bỏ (luật), nhưng là để kiện toàn”. Tất nhiên, lề luật mà Đức Giêsu nói đến phải là những lề luật được Thiên Chúa đặt ra và đã được môi miệng ông Môsê công bố. Nói cách khác, đó chính là “Mười điều răn của Đức Chúa Trời”.
Vâng, có lẽ quý ông Pharisiêu cũng như các kinh sư đã quên lời “tiền nhân” của họ (là ông Môsê) đã truyền dạy rằng: “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).
Quên lời tiền nhân Môsê, những người Pharisiêu và các kinh sư, hôm đó, đánh đồng “điều răn của Thiên Chúa” và “truyền thống của người phàm”. Họ xem “truyền thống của tiền nhân” như là những việc bắt buộc, bắt buộc mọi con dân Thiên Chúa phải tuân giữ.
Hôm ấy, để đáp trả những cặp mắt soi mói, những lời xét đoán ác ý của nhóm Pha-ri-siêu, Đức Giê-su lớn tiếng nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”. Ngài nói thêm: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”.
Và rồi không ngần ngại, Ngài đã gọi nhóm người Pharisiêu và các kinh sư như là “những kẻ đạo đức giả”… một thứ đạo đức “môi miệng” mà xưa kia ngôn sứ Isaia đã hơn một lần khiển trách, rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý của chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.
Hôm đó, Đức Giê-su đã dạy cho họ một bài học để đời, không chỉ là một bài học về sự xét đoán mà còn về lòng đạo đức và tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật.
Vâng, để đáp lại những lời xét đoán của nhóm Pha-ri-sêu, Ngài nói: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Ai có tai nghe thì nghe”.
Và tiếp đó, Đức Giê-su nhấn mạnh: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ô uế”.(Mc 7, 21-23).
Như vậy, qua những lời tường thuật của thánh Mác-cô, chúng ta có thể nhận ra rằng, sự xét đoán không có chỗ đứng trong đời sống của một Ki-tô hữu. Và, việc thờ phượng Chúa, đừng thờ phượng bằng chót lưỡi đầu môi, nhưng là “trong Thần Khí và sự thật”.
Vâng, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giê-su truyền dạy: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”.
Và, cũng đừng quên lời Thiên Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Hô-sê, một lời truyền dạy cách tôn thờ Chúa: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”(x.Hs 6, 6)
Thiên Chúa muốn tình yêu, bởi vì Người-là-tình-yêu. Mà, để có được một tấm lòng yêu thương, không gì tốt hơn là hãy có một tâm hồn bao dung, đừng xét đoán ai bao giờ. Làm sao để có một tâm hồn bao dung? Thưa, tông đồ Phao-lô cho chúng ta hai phương án, đó là: “chân thành (và) mở rộng tấm lòng”.
Chính sự chân thành và việc mở rộng tấm lòng, thánh Phao-lô đã thủ đắc trong tâm hồn mình một tâm tình “không hẹp hòi” với tất cả mọi người, cách riêng là với cộng đoàn Cô-rin-tô. (2Cor 6, 11-12). Có được một tâm tình như thế, có phần chắc, chẳng ai trong chúng ta bận tâm đến chuyện “xét đoán” người khác, phải không, thưa quý vị?
Thiên Chúa muốn tình yêu, bởi vì Người-là-tình-yêu. Và, Thánh Lễ chính là cách biểu lộ tình yêu tuyệt diệu nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng: “Tôi đã đón nhận Thánh Lễ như thế nào?
Nói rõ hơn, qua việc tham dự Thánh Lễ, tôi có làm cho “Đời tôi thành Thánh Lễ nối dài”? Qua việc tham dự Thánh Lễ, tôi có “đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”? Cuối cùng, qua việc tham dự Thánh Lễ, tôi có “sống sao để thành chứng nhân”?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta chưa thể hiện được những nan đề nêu trên, qua cuộc sống của mình, thì việc tham dự Thánh Lễ (thờ phượng Chúa) của chúng ta, chưa được trọn vẹn, và nếu… nếu Đức Giê-su có một lời nhận xét, có phần chắc Ngài cũng sẽ phán xét rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Chúng ta nên nghe thêm một lời khuyên nữa, lời khuyên của tông đồ Gia-cô-bê, rằng: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”. Thế nên, thờ phượng Chúa, không chỉ là vài ba cậu kinh kệ, nhưng còn phải có hành động. Phải “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Phải “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Thưa quý vị, nếu chúng ta thờ phượng Chúa như thế, đó là chúng ta đã tôn thờ Thiên Chúa cách đích thật. Tôn thờ Chúa như thế, nếu ngay hôm nay, Đức Giê-su có trở lại, hãy tin, sẽ chẳng bao giờ Ngài gọi chúng ta “là những kẻ đạo đức giả”.
Đừng để ngôn sứ Isaia nói tiên tri rất đúng về chúng ta. Vâng, “đừng để mình mang tiếng là đạo đức giả”.
Petrus.tran