Lạy Chúa, đừng để con là người phong hủi…

 

Lạy Chúa, đừng để con là người phong hủi…“Sức khỏe là vàng”.  Điều này không ai có thể phủ nhận. Vâng, khi nói tới sức khỏe, điều hiển nhiên là người ta sợ bệnh tật. Tại Pháp, qua một cuộc thăm dò rằng: giữa bệnh tật và cái chết, bạn sợ cái gì? Có tới 54% người, từ 28 tuổi trở lên, trả lời rằng: sợ bệnh tật hơn cái chết.

Mà, sợ thì cũng đúng thôi. Chúng ta cứ thử đi một vòng các bệnh viện trong thành phố, điều chúng ta dễ thấy nhất, đó là sự quá tải.

“Mới 5 giờ sáng, bệnh nhân đã xếp hàng dài ở các khu vực để lấy số khám bệnh. Sau đó, họ tiếp tục đợi đến lượt mình được khám bệnh, đôi khi phải đợi đến trưa vì bệnh nhân quá đông. Chiều tối, nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa không kịp đi về trong ngày, cũng không dư dả để thuê phòng trọ, nên phải ngủ lại ở các hành lang bệnh viện. Trên các bậc thang và ghế đá cũng la liệt người bệnh với những khuôn mặt khắc khổ, mệt mỏi…”(nguồn SGGP)

Đó mới chỉ là những nơi khám bệnh thông thường. Còn những loại bệnh nan y như: phong, lao, ung thư v.v… đúng là “sống không bằng chết”.

Cứ thử thăm viếng một vài bệnh nhân vướng phải những căn bệnh này, bệnh phong chẳng hạn, chắc chắn ta sẽ được nghe những tiếng rên xiết đau đớn của họ. Chưa hết, ta còn được nghe họ than thở về chi phí điều trị. Cuối cùng, ta còn thấy họ luôn mặc cảm vì bị ghẻ lạnh, kỳ thị, xa lánh.

Với xã hội thời xa xưa, người bệnh phong thường bị xa lánh và kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu  nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai dám bén mảng tới gần.

Còn xã hội hôm nay ư! Cũng vậy, chẳng ai muốn gần người phong hủi.

Ấy vậy mà, có một số người đã không ngại ngùng tiếp cận với người bệnh phong. Họ tiếp cận để săn sóc, để điều trị cho người bệnh phong.

Họ là ai? Thưa, họ là các soeur, các nữ tu Công Giáo. Tại sao họ lại tiếp cận với người phong? Thưa, họ đã theo gương Đức Giê-su.

Thật vậy, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã không ngại đụng chạm những người bệnh phong, và chữa lành họ. Thánh Mác-cô có ghi lại một trường hợp, một người bệnh phong đã được Đức Giê-su chữa lành vào hôm Ngài đi ngang qua Ga-li-lê.

Chuyện được kể rằng: Sau khi rời bỏ Ca-phác-na-um, nơi mà Đức Giê-su đã “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”, Ngài đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. Khi Thầy và trò đang đi, bất ngờ, có một người phong hủi đến gặp Người.

Vâng, không thể tin được về sự liều lĩnh của người phong hủi này. Tại sao? Thưa, là bởi, theo luật Do Thái, ít nhất, người phong hủi phải ở biệt cư, đi đâu cũng phải có một cái chuông… Để làm gì?  Thưa, để lắc vang lên báo hiệu rằng, có người hủi quanh đó. Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa. Bởi vì đó là luật. Luật Lêvi.

Thế mà, hôm nay, anh chàng phong hủi này dám đến chỗ đông người, thay vì phải kêu “ô uế… ô uế!”, anh ta lại lớn tiếng van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Này anh bệnh phong, anh đã van xin “Nếu Ngài muốn” ư! Vâng, hôm ấy… hôm ấy, bất chấp cái hình hài bị biến dạng đầy ghê sợ của anh chàng  bệnh phong , Đức Giê-su “đã muốn”, đã muốn bởi khi nhìn thấy anh ta trong tình cảnh “chết còn hơn là sống cay cực” như thế này, Người đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi”.

Câu chuyện được kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

 

Đức Giê-su đã “giơ tay đụng vào anh ta”, đây là một cử chỉ, một hành động, rất dễ bị hiểu lầm là đã phá luật, luật tiếp xúc với người phong.

Thật ra, Đức Giê-su không phá luật, hãy nhìn xem, sau khi chữa lành chàng hủi, Đức Giêsu đã chẳng bảo chàng ta rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” đó sao!

Chữa cho anh bệnh phong này, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, như cách thức Ngài đã chữa lành một người con của vị quan cận thần ở Caphanaum, cũng được.

Thế nhưng, chủ ý của Ngài khi đặt tay lên anh ta, là muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng: không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, kể cả tội lỗi, nếu con người biết “đến mà biện luận” (Is 1, 18).

Cuối cùng, đặt tay lên anh bệnh phong, Đức Giêsu đã kiện toàn một điều luật – luật yêu thương – một đạo luật cần thực hiện khi thực hiện “mục vụ giao hòa”, là đặt tay vào tội nhân, là nói với tội nhân, rằng: “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh phong, hầu như đã được khống chế. Với những loại thuốc đặc trị như Dapsone, Rifampicin và Clofazimine, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc từ sáu tháng đến một năm hoặc có thể lâu hơn nữa, thì có thể khỏi bệnh. Chính vì thế, bệnh phong hủi không còn là một nổi ám ảnh của nhân loại.

Vâng, đó là một phép lạ, với đức tin, chúng ta phải tin như thế. Và, tạ ơn Chúa, chúng ta vẫn khỏe mạnh bình an.

Tuy nhiên, có một bệnh phong, bệnh phong tâm linh, vẫn là nỗi ám ảnh chúng ta. Nó đã và đang lây nhiễm vào tâm hồn ta bằng những con virus mang vỏ bọc trào lưu, vỏ bọc tư tưởng cấp tiến, vỏ bọc chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ v.v… thực tế chỉ là những trào lưu nhất thời, những tư tưởng lạc lối, những chủ nghĩa dẫn đưa chúng ta tới “chiếc bánh vẻ”, chiếc bánh dối trá, bịp bợm, chết chóc, mà thôi.

Cái nguy hiểm của bệnh phong tâm linh, đó là: nó không làm cho khuôn mặt chúng ta sần sùi ghê rợn, nhưng làm khuôn mặt chúng ta vênh vang tự đắc coi Trời bằng vung. Nó không làm cho đôi tay chúng ta co rút lại, nhưng làm cho  đôi tay chúng ta trở thành một bàn tay thô bạo, đẩy Thiên Chúa qua một bên, bởi  “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Cuối cùng là gì? Thưa, đó là: chúng ta sẽ bị sần sùi đức tin, lở loét đức cậy, ung nhọt đức mến.

Kết quả là gì? Thưa. Là một xã hội đầy tệ nạn, đầy cái sai, đầy sự ác. Là một xã hội băng hoại về mặt luân lý. Là một xã hội không còn hướng tới tha nhân, mà chỉ còn đi tìm sự ích kỷ, để hưởng thụ cho cá nhân mình.

Phương thuốc nào để ngăn cản sự xâm nhập căn bệnh phong hủi tâm linh? Thưa, không gì tốt hơn là dùng đến Lời Chúa. Bởi vì, Lời Thiên Chúa “là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x.Dt 4, 12)

Một Ki-tô hữu, nếu được Lời Thiên Chúa “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” thì những con virus “xấu” nêu trên, sẽ không thể thâm nhập để gây ra chứng phong tâm linh, tàn phá tâm hồn chúng ta.

Nguy hiểm là thế, thế nên,  hãy để một phút hồi  tâm và hãy tự hỏi lòng mình, rằng: “Tôi có bị mắc bệnh phong tâm linh? Tôi có bị nhiễm những con virus nêu trên?”

 

Nếu bị nhiễm! Vâng, hãy đến với Thánh Thể, một toa thuốc đã được Đức Giê-su trao ban,  mà nguyện xin rằng “Nếu Chúa muốn”.

Chưa hết, chúng ta còn cần và rất cần, đến “tòa cáo giải” gặp gỡ vị linh mục, như xưa kia chàng phong đã đến gặp gỡ các thầy tư tế.  Hãy tin rằng, Đức Giêsu, qua các linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, rằng “Anh đã được lành sạch”.

Là một Ki-tô hữu, hẳn rằng, chúng ta không muốn mình là người phong hủi thời nay. Vậy, chúng ta hãy nguyện rằng: “Lạy Chúa, nếu Người muốn, đừng để con là người phong hủi.”

Petrus.tran

Để lại một bình luận