Hãy vâng nghe Lời Người

 

Hãy vâng nghe Lời NgườiTrong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời”. Và, Kinh Thánh cho chúng ta biết, Ngài là Đấng từ trời xuống và là “Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.

Với người Do Thái xưa, khi nghe những điều này, họ xầm xì phản đối. Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : Tôi từ trời xuống?” Trong số những người theo Đức Giê-su, có một số người cho là “chướng tai quá! ai mà nghe nổi?”

Đáp lại phản ứng này, Đức Giê-su nói: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh  em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Kinh Thánh có ghi lại rằng: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”.

Thế nhưng, đối với nhóm mười hai, không ai bỏ đi. Và để củng cố niềm tin các ông, sau này, Đức Giêsu đã cho ba người trong số họ, thấy một cuộc thần hiện, cuộc thần hiện khẳng định Ngài thật là Đấng từ trời xuống. Câu chuyện được thuật lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu như sau:

Hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”.

Ngài và ba người môn đệ đi đâu? Thưa,  “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”. Khi Thầy và trò đang ở trên núi, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Đức Giê-su, “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.(x.Mt 17, 2)

Chưa dừng ở đó, “ba chàng ngự lâm” Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan còn chứng kiến một thị kiến khác, đó là “ông Môse và ông Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”.

Nằm mơ chăng! Thưa không, sự thật là vậy. Một sự thật đã khiến ông Phê-rô nhanh nhẩu thưa với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Ngài chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng ở đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-se, một cho ông Ê-li-a”.

Thế nhưng, khi ông còn đang nói, thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Đức Giê-su là Con yêu dấu của Thiên Chúa ư! Vâng, nghe vậy, ba người môn đệ kinh hoàng “ngã sấp mặt xuống đất”.

Hôm ấy, để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su  lại gần, chạm vào các ông và bảo:  “Trỗi dậy đi, đừng sợ”.

Cái chạm của Đức Giê-su đã thức tỉnh các ông. Chuyện kể tiếp rằng:  “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”.

Trên đường thầy và trò xuống núi, Đức Giê-su giải thích cho các ông về hiện tượng Ê-li-a,  một “Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn”. Sau đó, Ngài cho biết: “Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. Kết thúc câu chuyện,  thánh sử Mát-thêu cho biết: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người”.

Không phải vô cớ mà Đức Giêsu, đặc biệt, cho Phêrô cùng lên núi với Ngài.  Bởi, chỉ mới cách đó sáu ngày, giữa Đức Giêsu và ông Phêrô đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc lên Giêrusalem.

Lúc đó, ông không thể chấp nhận việc  “Đức Giêsu phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”. Chính ông đã trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gặp chuyện này”…

Thế nhưng, nhờ “lên núi”, chứng kiến tận mắt cuộc thần hiện, và nghe tận tai những lời phán từ trời cao, Phê-rô đã nhận ra sứ mạng của Thầy mình, và ông đã hiểu rằng, phải cuốn lều “xuống núi”, vâng nghe lời Thầy, vác-thập-giá-mình-mà-theo.

Theo truyền tụng, tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Ki-tô giáo. Tông đồ Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi:”Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” Chúa Giê-su đáp:”Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Phê-rô đã lên “Núi Thánh Giá” như Thầy Giê-su. Ông đã “Vâng nghe lời Người”.

Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật II – Mùa Chay. Với CN I – MC, chúng ta được mời gọi cùng Đức Giê-su “vào hoang địa” sống chay tịnh và nguyện cầu. Còn Chúa Nhật hôm nay, thì sao? Thưa, cùng Đức Giê-su lên núi.

Đừng lên núi trong vai trò là một nhà khảo cổ, tìm cho bằng được chỗ Đức Giê-su đứng đàm đạo với Mô-se và Ê-li-a. Đừng lên núi như là một nhà viết lịch sử, rằng thì-là-mà….  đây là núi Tabor.

Hãy lên núi với tâm tình nguyện cầu, rằng: “Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.”(Rabbouni). Vâng, Lạy Chúa “xin biển đổi” đời con.

Một điều chắc chắn rằng, Thiên Chúa  sẵn sàng “biến đổi” cuộc đời chúng ta. Nhưng, muốn được như vậy, chúng ta phải “lên núi” cùng Người.

Đừng… đừng bao giờ nghĩ rằng, phải lặn lội qua tận Palestin, lên núi Tabor, như vậy mới đúng nghĩa là lên núi cùng Chúa. Lên núi cùng Chúa hôm nay, đó là đến “nhà thờ”, tham dự “thánh lễ”, lãnh nhận  các “Bí Tích”.  Chưa đủ, đó còn là đọc “Kinh Thánh”, học Kinh Thánh, thuộc Kinh Thánh và suy gẫm Kinh Thánh.

Tại sao phải làm như thế? Thưa,  đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh, thuộc Kinh Thánh và suy gẫm Kinh Thánh, đó chính là phương cách để chúng ta “suy nghĩ” như Đức Giê-su suy nghĩ. Và, một khi chúng ta “suy nghĩ như Đức Giê-su”, có phần chắc,  suy nghĩ của chúng ta, tư tưởng của chúng ta, không còn là suy nghĩ, là tư tưởng hướng về hạ giới, nhưng được hướng về thượng giới.  Hướng về thượng giới, đó chính là lúc chúng ta “được biến đổi”

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: với một ngày là 24 giờ, tôi đã sử dụng bao nhiêu giờ cho việc tăng thu nhập tiền bạc, và bao nhiêu giờ cho việc tăng thu nhập “Kinh Thánh – Lẽ Thật Lời Chúa”?

Hãy đoán thử mà xem! Nếu ta để cho 20, 21, 22 giờ…  cho việc thế gian, cho việc tăng thu nhập của cải tiền bạc, con người của ta sẽ biển đổi để trở nên “con cái Nước Trời”, hay  trở nên “con cái thế gian – ma quỷ”?

Vâng, hôm nay, Đức Giê-su vẫn luôn mời gọi mỗi chúng ta lên núi, tất nhiên không phải là núi Tabor,  nhưng là “Núi Thánh Giá” và cùng biển đổi với Ngài. Chúng ta đón nhận lời mời? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, nếu chúng ta nhận lời, đừng quên, ngước nhìn lên “Núi Thánh Giá” mà cất tiếng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho (con) được ơn lắng nghe và thực hành Lời Chúa”. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa,  chính là chúng ta đã “Vâng nghe Lời Người”.

Petrus.tran

 

Để lại một bình luận