Ki-tô giáo nói chung, và Công Giáo nói riêng, đã hiện diện hơn hai ngàn năm. Với số tín hữu (CG), tính đến ngày 31/12/2013, vào khoảng 1 tỷ 253 triệu người, trong đó có chúng ta, tin theo. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: vì sao tôi “theo” Chúa? Vâng, có thể nói rằng, câu trả lời sẽ là mỗi người mỗi khác.
Có người theo, do bởi truyền thống gia đình. Có người theo, do bởi một cuộc hôn nhân. Lại có người, do bởi một ơn chữa lành, hay một ơn gọi thiêng liêng nào đó. Nói chung, là có rất nhiều lý do.
Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, cũng có rất nhiều người tin vào đi theo Ngài. Và, cũng như chúng ta hôm nay, động lực theo Chúa của họ cũng rất đa dạng. Họ theo là bởi được Đức Giê-su chữa lành bệnh tật, được Ngài hóa bánh cho ăn no nê, và có người đi theo Ngài với hy vọng sẽ được ngồi chiếu nhất chiếu nhì, khi Ngài được vinh quang.
Đức Giê-su có cái nhìn như thế nào về động lực của những người theo Ngài, khi xưa? Thưa, rất chân tình, bất cứ ai muốn đi theo Ngài, dù với bất cứ lý do nào đó, họ không bị chất vấn, cũng không bị trách mắng, mỗi người đều được Ngài cho một lời khuyên, hay nói đúng hơn, một lời truyền dạy.
Thật vậy, có người và điển hình là một chàng thanh niên giàu có, khi muốn đi theo Đức Giê-su, anh ta đã nhận được một lời khuyên: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Tiếc thay! khi anh ta nghe lời khuyên đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”
Không dừng ở đó, đã có lúc Đức Giê-su còn đưa ra lời truyền dạy mạnh mẽ hơn. Một lần nọ, Ngài đã truyền dạy, rằng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Vâng, có thể nói rằng, đây là lời truyền dạy dễ làm “mích lòng” nhiều người. Mích lòng, vì có ai lại “ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”, dẫu rằng đôi khi họ cũng có một vài tật xấu, cho được!
Thật ra, khi nói lên điều này, Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời truyền dạy với điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ”. Văn chương Cựu ước của Israel không có kiểu nói so sánh hơn hay kém.
Đức Giêsu, khi nói như thế, Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một sự lựa chọn, một sự lựa chọn quyết liệt giữa Thiên Chúa và thế gian.
Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Chúa lên hàng ưu tiên số một, trong bậc thang giá trị của con người.
Bậc thang giá trị đó, đã được diễn tả rất rõ nét, qua câu nói của Ngài, rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (x.Lc 9,62). Và, cuối cùng, sự chọn lựa quyết liệt đó, đòi hỏi người theo Chúa phải “…vác thập giá mình mà đi theo”.
Chưa dừng ở đó, đi theo Thầy Giê-su còn phải “từ bỏ hết những gì mình có”, một sự từ bỏ nói lên quyết tâm của mình, quyết tâm theo cho đến cùng, dẫu có phải đối diện với những “buồn vui” của cuộc đời, dẫu có phải “không có chỗ gối đầu”.
Theo Chúa, nói tắt một lời, đó là phải “vác thập giá mình” và còn phải “từ bỏ hết mọi sự”. Nói cách khác, “thập giá và sự từ bỏ” chính là hành trang cho những ai muốn đi theo Đức Giê-su.
“Thập giá và sự từ bỏ”. Thưa bạn, khi nghe lời truyền dạy này, bạn có “ngán ngẩm” không?
Các tông đồ xưa, họ đã không ngán ngẩm. Trái lại, tấm gương bốn môn đệ đầu tiên khi đáp lời mời gọi của Đức Giêsu, hẳn là một bài học tốt cho những ai muốn “Theo Chúa”.
Chuyện của bốn môn đệ này, được kể lại rằng: Một hôm, “Đức Giê-su đi dọc biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon… và người anh là An-rê, đang quăng lưới chài xuống biển. Người bảo các ông: Các anh hãy theo tôi… Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.
Trường hợp hai anh em con ông Dê-bê-đê là Gioan và Gia-cô-bê, cũng thế. Khi được Thầy Giê-su gọi, hai ông cũng đã “bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (x.Mt 4, 18-22).
Những vị môn đệ này, không chỉ “từ bỏ mọi sự”, không chỉ “vác thập giá”, mà còn chịu đóng đinh trên thập giá như Thầy Giê-su, xưa. Vâng, tông đồ Phê-rô, như một điển hình.
Còn thánh Phaolô thì sao? Thưa, có thể nói, ngài chính là tấm gương mẫu mực của người môn đệ theo Chúa. Là một công dân Roma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy”, thế mà ngài dám “Từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa.
Nói tắt một lời, các vị tông đồ xưa, đã chấp nhận cái giá phải trả để theo Chúa, một cái giá mà, như lời tông đồ Phao-lô nói, đó là: “…được hưởng niềm vui đó trong Chúa” (x.Plm 20).
Bây giờ là đến chúng ta. Chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi lòng mình rằng: Sau bao nhiêu năm “theo Chúa”, tôi đã thật sự “vác thập giá và từ bỏ hết những gì mình có”, đúng như lời Đức Giê-su truyền dạy?
Hay, một cách nghiêm túc hơn, có bao giờ chúng ta cho rằng giá phải trả để theo Chúa “đắt hơn” giá phải trả cho việc không theo Chúa?
Vâng, đừng sai lầm trong việc “tính toán” này. Hãy nhìn lại tấm gương hai ông bà nguyên tổ Adam và Eva. Chỉ vì tính toán sai lầm giữa việc “theo Chúa” và việc “không theo Chúa” nên đã dẫn tới kết quả thật bi thảm.
Với Eva, sau khi tính toán hơn thiệt giữa việc theo Chúa và việc theo tiếng gọi của “con rằn”, kết quả là bà ta đã phải “…cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con”. Còn với Adam ư! Cũng thê thảm không kém Eva. Kết quả cho việc tính toàn sai lầm này, Adam đã phải “đổ mồ hôi trán mới có bánh mà ăn, cho đến khi trở về với đất”.
“Trở về với đất”. Vâng, đó là kết quả cho việc tính toán sai lầm, một sai lầm ảnh hưởng đến với tất cả chúng ta, hôm nay.
Thật ra, Đức Giê-su đâu có ý bảo chúng ta phải vác “thập giá mình” theo cách mà, như xưa kia Ngài đã vác. Vậy, phải “vác” như thế nào?
Xin thưa, “Vác thập giá mình”, theo lời chia sẻ của ngài Ronrolheiser, OMI, đó là: “Chấp nhận đau khổ là một phần cuộc sống chúng ta. Chấp nhận thập giá của mình và từ bỏ mạng sống mình nghĩa là, đến một thời điểm, chúng ta phải hòa thuận với sự thật không thể thay đổi rằng, thất vọng, nản lòng, đau đớn, bất hạnh, bệnh tật, bất công, buồn đau, và cái chết là một phần cuộc sống chúng ta và phải tuyệt đối chấp nhận chúng mà không cay đắng. Bao lâu chúng ta còn nuôi quan niệm rằng đau đớn trong đời là một thứ chúng ta không cần phải chấp nhận, thì theo lẽ thường, chúng ta sẽ thấy mình đầy cay đắng, cay đắng vì đã không đón nhận thập giá”.
Còn nữa, “Vác thập giá mình”, vẫn theo lời chia sẻ của ngài Ronrolheiser, OMI: “nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một vài cái chết khác đến trước cái chết thể lý, nghĩa là chúng ta được mời gọi hãy để một vài phần của mình chết đi. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chết đi để tìm được sự sống, thì trước hết, ngài không phải nói về cái chết thể lý. Nếu chúng ta sống trưởng thành, sẽ có vô số cái chết khác mà chúng ta phải trải qua trước khi chết về thể lý. Sự trưởng thành và cương vị môn đệ Kitô hữu là không ngừng cụ thể hóa những cái chết của mình, xác nhận những khai sinh của mình, khóc than cho mất mát, và để những gì đã chết qua đi, đón nhận tinh thần mới cho đời sống mới mà chúng ta đang sống. Đây là những giai đoạn của mầu nhiệm phục sinh, và những giai đoạn trưởng thành. Có những cái chết mỗi ngày”.
“Có những cái chết mỗi ngày” ư! Đúng, và “cụ thể hóa những cái chết của mình” chính là hãy để những thói hư tật xấu như: “dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”, chết-đi-trong-con-người-của-ta.
Còn… còn rất nhiều lời chia sẻ của ngài Ronrolheiser, Omi. Nhưng thôi, chúng ta dừng lại với lời chia sẻ cuối cùng này, một lời chia sẻ để chúng ta thấy rằng, giá phải trả để theo Chúa không quá đắt, không quá đắt nếu chúng ta “sống trong đức tin rằng với Thiên Chúa không gì là không thể.
Và theo James Martin, điều này nghĩa là chấp nhận Thiên Chúa cao cả hơn những gì con người tưởng tượng. Thật vậy, bất kỳ lúc nào, chúng ta khuất phục ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể cho chúng ta một lối thoát khỏi khổ đau để vào trong sự mới mẻ, thì đó chính là bởi chúng ta đã hạ thấp Thiên Chúa theo mức độ trí tưởng hạn chế của mình. Chỉ có thể đón nhận thập giá của mình, có thể sống trong sự thật, và không cay đắng trong đau đớn, nếu như chúng ta tin vào các khả thể vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng, cụ thể là tin vào Sự Phục Sinh”.
Vâng, ngài Ronrolheiser, OMI kết luận: “Chúng ta có thể mang lấy thập giá của mình, khi bắt đầu tin vào Sự Phục Sinh”.
Thưa bạn, chết đi trong con người chúng ta những thói hư tật xấu, để được sống lại trong ngày Phục Sinh, có là quá đắt đối với chúng ta?
Thưa không. Thật ra, giá phải trả cho việc sống với những thói hư tật xấu, đắt hơn rất nhiều.
Thì đây, chúng ta hãy nhìn xem. Hãy thử nhìn xem một người sống với những thói hư tật xấu, sống một cuộc sống ngụp lặn trong nghiện ngập ma túy, điều gì sẽ xảy ra? Thưa có phần chắc, họ sẽ phải trả giá, một giá rất đắt cho thể xác lẫn tinh thần. Thể xác thì bị nô lệ triền miên trong những cơn vật vã đói thuốc, nhất là trong sự sai khiến của sự phạm tội. Còn tinh thần ư! Chỉ là một tinh thần bạc nhược, nhu nhược, nếu không muốn nói là một tinh thần tối đen.
Hoặc, một người, với suốt cuộc đời nghiện sex, chẳng hạn, họ sẽ phải trả giá như thế nào? Thưa, về tinh thần họ bị nô lệ triền miên trong những cơn đói sắc dục. Còn về thể xác ư! Thưa, họ luôn sợ, sợ bịnh. Họ luôn phải lo ngay ngáy về những cơn nóng lạnh về chiều. Họ luôn phải “sốt vó” về những giây phút “Tào Tháo rượt”…Chẳng lẽ “sida” rổi sao! Vâng, cái giá phải trả của những người “sống theo xác thịt”, là thế đấy.
Tất nhiên, còn nhiều điều chúng ta cần “nhìn” xem nữa. Chẳng hạn như, nếu chúng ta chọn lối sống “hận thù”, cái giá phải trả, không nói chúng ta cũng biết, đó là chiến tranh. Nếu chúng ta chọn lối sống “sáng say chiều xỉn”, có phần chắc, giá chúng ta phải trả, đó là vợ chồng sẽ bất hòa, ông nói gà, bà nói vịt, hôn nhân sẽ đổ vỡ, cuối cùng, nàng sẽ cất tiếng ca “thôi là hết em đi đường em, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”.
Đắt quá, phải không, thưa quý vị!
Thế nên, đừng nhân danh sự tự do, sự tự do mà Thiên Chúa ban, để rồi sai lầm trong việc chọn lựa, theo Chúa hay không theo Chúa.
Đó là điểu thánh Phao-lô cũng từng khuyên răn: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (x.Gl 5, 13).
Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được – Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Đây là một lệnh truyền, nhưng Đức Giê-su vẫn để “ngỏ”, một lời ngỏ trong tâm tình mời gọi “Hãy theo Ta”.
Trong tâm tình đó, chúng ta sẽ đáp lời mời gọi, như bốn người môn đệ đầu tiên đã đáp lời mời gọi! Hay chúng ta “lặng thinh”, đóng cửa tâm hồn mình, bằng những “tiếng chày, tiếng búa nện đinh” của Satan, của thế gian và của những lời mời gọi quyến rũ của nó?
Là một Ki-tô hữu, có lẽ không ai trong chúng ta lại khờ dại lặng thinh, như thế. Bởi vì lặng thinh đồng nghĩa với việc mất đi danh hiệu “người môn đệ của Đức Giê-su”.
Vậy thì, đừng ngần ngại gì nữa. Hãy mang lấy “thập giá và sự từ bỏ” như là một thứ hành trang, một thứ hành trang biểu lộ “đức mến”, để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Nói tắt một lời, để “phục vụ anh em”.
Vâng, muốn trở thành môn đệ Đức Giê-su, chỉ cần mang lấy “thập giá và sự từ bỏ”, mà thôi.
Petrus.tran