Hãy yêu như Thầy yêu
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1 Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Chúng ta đang tiến gần đến những ngày cuối của mùa Phục Sinh. Các tông đồ sẽ sớm nhận được Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần và được sai đi rao giảng điều các ông đã trải nghiệm, đã học nơi Chúa Phục Sinh. Nếu được đề nghị tóm gọn điều đã cảm nghiệm nơi Đức Giêsu, các tông đồ sẽ nói gì?
Các ông sẽ đáp lại: cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng. Tội lỗi và cái chết đã giương oai với tất cả năng lực hung ác, tàn bạo của chúng, nhưng tình yêu đã giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Sự nhận thức đó khiến các môn đệ có thể nói rằng dù cho cái chết và tội lỗi dường như vẫn có tiếng nói cuối cùng trong thế giới của chúng ta, nhưng nhờ chiến thắng của Đức Giêsu, tình yêu sẽ đánh bại tất cả. Quý vị hãy thử tưởng tượng một trận đấu quyền Anh dai dẳng kéo dài đến 15 hiệp. Thật khó để nói ai sẽ thắng khi mà cả 2 đấu thủ đã cầm cự đến nước ấy. Nhưng cuối cùng, trọng tài chỉ nắm lấy tay của một đấu thủ, giơ lên và tuyên bố “Đây là Người Chiến Thắng!”
Tôi xin lỗi vì đã dùng hình ảnh thô bạo như thế, nhưng đôi lúc cuộc chiến giữa thiện và ác vẫn đang diễn ra cũng quyết liệt như vậy. Làm sao sức mạnh tình yêu có thể vượt thắng được quá nhiều sự tàn ác của tội lỗi trên trần thế? Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được thể hiện qua cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, đã chiến thắng cái chết. Theo một cách nói nào đó, người trọng tài sẽ giương cao cánh tay tình yêu rồi tuyên bố “Đây là Người Chiến Thắng!”
Tin Mừng hôm nay tóm gọn lại điều đã được trao ban cho chúng ta. Điều này cũng hàm chứa một lời hứa mà chúng ta có thể tin tưởng, phó thác đang khi mong chờ chiến thắng cuối cùng. Tình yêu mà Đức Giêsu dành cho những ai Người gọi là “bạn hữu” đã khiến Người hiến mạng sống vì chúng ta. Người đã chọn ta trong tự do, và trao ban cho ta những dấu hiệu cụ thể của tình yêu nơi Người. Tình yêu đó có sức biến đổi cuộc sống của ta và sau đó, qua chúng ta, biến đổi cuộc sống trên trần thế này.
Tôi nhớ là đã có lần chia sẻ đoạn Tin Mừng này với những thành viên trong một hội ái hữu. Một người trong nhóm đã nói: “Ngày nay, tất cả những điều mà chúng ta nói đến luôn là yêu thương. Có rất nhiều sự dữ trên trần thế và chúng ta cần nghe nhiều hơn nữa về những giới răn và trách nhiệm của mình với cương vị người Công giáo.” Rõ ràng là ông đang mong chờ những ngày trước Công đồng Vatican II khi ông phát biểu, “Tôn giáo trở nên hiển nhiên hơn. Bạn phải biết những gì bạn nên làm và không nên làm; điều mà bạn được thưởng và điều bạn bị trừng phạt.”
Nhưng Công đồng Vatican II không tạo ra hạn từ tình yêu, cũng không phải là người đầu tiên sử dụng nó để diễn tả mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nghe về chân lý đó trong những lời mở đầu của Đức Giêsu: “Như Thiên Chúa Cha yêu Thầy, nên Thầy cũng yêu mến anh em. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Nếu muốn có lệnh truyền từ Đức Giêsu thì ngày hôm nay, chúng ta đã có một lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta không nhớ lại những chuyện đã qua. Quá khứ và tương lai thì hoàn toàn quy về giây phút hiện tại này. Vì thế, Đức Giêsu một lần nữa sử dụng thì hiện tại để diễn đạt mối tương quan giữa ta với Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” Tình yêu Người biểu lộ cho các môn đệ nơi cái chết và sống lại của Người nay được trao ban cho chúng ta. Đó là cách mà chúng ta có thể “yêu thương nhau như Người yêu thương ta.” Cảm nghiệm về tình yêu hiện hữu Người dành cho ta giúp chúng ta có thể yêu tha nhân – kể cả kẻ thù.
Thư Gioan trong bài đọc 2 hôm nay cũng nói lên một chân lý tương tự: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” Chúng ta có thể yêu thương nhau bởi tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta. Làm sao ta có thể nói hết muôn hình vạn trạng của tình yêu chỉ bằng một con số cụ thể các giới luật? Chúng ta sẽ phải cần đến hơn cả một thư viện mới có thể kể ra những công trình của tình yêu trong suốt những khoảnh khắc và cảnh huống của cuộc đời mình. Đấy không phải là một danh sách các giới răn, nhưng là một cảm nghiệm về tình yêu bao la, lân tuất đã biến đổi cuộc đời ta.
Chúng ta thường dùng giáo huấn của thánh Phaolô về tình yêu trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (13, 4-7) cho các lễ cưới và nghi thức sám hối. “Đức mến thì nhẫn nhục, không ghen tương, không vênh vang tự đắc…” Rõ ràng tình yêu mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta hướng đến thì không phải là điều dễ dàng. Thánh Phaolô không cần phải nói cho chúng ta biết điều đó; chính chúng ta đã có trải nghiệm ban đầu, rằng thật khó biết chừng nào để biến tình yêu của Đức Giêsu thành hành động. Tình yêu này của Người hàm ý là: phải bỏ qua những thành kiến và thiên vị; những ai chúng ta thích và không thích; hay những ai chúng ta sẵn sàng ra khỏi chính mình để giúp đỡ và những ai chúng ta không sẵn lòng làm như thế. Nhờ những đòi hỏi của tình yêu, chúng ta có lẽ chuộng những luật lệ hay quy tắc cũ hơn, đặc biệt khi biết Đức Giêsu đã cụ thể hóa giới luật yêu thương của Người bằng lệnh truyền – “Hãy yêu kẻ thù.”
Đức Giêsu đang nói với các môn đệ tại bữa Tiệc Ly trước khi Người chịu chết. Nhưng bài đọc này lại được chọn cho Chúa Nhật hôm nay trong mùa Phục Sinh. Chính Đức Kitô Phục Sinh đang nói với chúng ta. Nếu như Đức Giêsu trần thế chết và không sống lại, thì chúng ta có thể xem lời của Ngài như lời “truyền cảm hứng”, cũng như nhiều thầy dạy đạo đức khác đã truyền cảm hứng cho thế giới. Nhưng Người là Đức Kitô Phục Sinh, đang nói rằng Người yêu chúng ta bằng tình yêu mà Thiên Chúa Cha dành cho Người. Người mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu này. Cảm nghiệm về tình yêu đó tràn ngập tâm hồn với niềm vui chúng ta không thể có được bất kỳ nơi nào khác. Khi nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa đang trao ban và niềm vui chúng ta có được trong tình yêu đó – hãy để ý, ở đây chúng ta có một giới răn! – chúng ta phải thể hiện tình yêu đó nơi tha nhân, ngay cả kẻ thù của mình.
Có lẽ Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta quá nhiều nếu Người chỉ đưa ra một giới luật bất khả thi – “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúng ta muốn đáp lại: “Chúng con không thể! Chúng con chỉ là những kẻ phải chết”. Nhưng trong hai tuần nữa, chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa đã tuôn đổ Thần Khí của Đức Giêsu vào lòng các môn đệ để họ hăng hái ra khỏi căn phòng kín hầu sống và rao giảng một đời sống tưởng-chừng-như-không-thể mà họ đã nhận lãnh – tình bằng hữu với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu, và tình yêu dành cho tha nhân.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ