Hãy dành cho Chúa một chỗ trong tâm hồn
2 Sm 1,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Dòng Đa Minh chúng tôi có một bề dày truyền thống về những hoạ sĩ và nhạc sĩ. Những nhà giảng thuyết chúng tôi tiếp cận nghệ thuật như là một cách thức để rao giảng Lời Chúa. Một trong những danh hoạ nổi tiếng và là niềm kiêu hãnh của Dòng là Fra Angelico, một hoạ sĩ của thời kỳ đầu Phục Hưng. Nếu có dịp đến Florence, quý vị nên đến thăm viện bảo tàng San Marco. Nó từng là tu viện của Dòng Đa Minh trước khi trở thành bảo tàng viện. Fra Angelico sống trong tu viện và sáng tác những bức bích hoạ trong các phòng của anh em. Chúng phác hoạ những khung cảnh về cuộc đời của Chúa Kitô thật thanh bình và sâu lắng.
Tin Mừng hôm nay nhắc đến một trong những bức danh hoạ của Fra Angelico, bức Truyền Tin. Bức tranh diễn tả một ngôi nhà rực rỡ ánh sáng. Đức Maria với trang phục giản dị và nét mặt an bình. Quang cảnh trong tranh có những tia sáng mặt trời chiếu qua và một thiên thần oai nghi chỉ có thể được mô tả bằng một kỹ thuật phối màu thật tài tình. Angelico thực hiện bức bích hoạ tại phòng của các anh em sinh viên trẻ và tập sinh. Chúng được dùng để khuyến khích cho một đời sống chiêm niệm thinh lặng và học hành. Chỉ cần ngắm nhìn chúng cũng đủ khiến cho các tu sĩ thanh thản hơn và lòng tràn ngập cảm nghiệm về sự vĩ đại của Thiên Chúa và các thánh của Người.
Tuy vậy, bài Tin Mừng này còn gợi lên những khía cạnh nhân bản hơn và ta có thể nói là rất “hiện thực” của mầu nhiệm này. Đa phần cuộc đời không có nhiều thời gian để lắng đọng, ngay cả một khoảnh khắc suy tư về những chi tiết trong câu chuyện hôm nay cho thấy điều này cũng đúng với Đức Maria. Có vài chỗ trong trình thuật này có thể dễ dàng bị lướt qua nhưng chúng ta nên dừng lại và suy gẫm.
Chẳng hạn, lời giới thiệu nghe có vẻ bình thường và còn khá kỳ hoặc. Một thiên sứ được phái tới “một thành miền Galilê tên là Nazareth”. Chắc hẳn là ta đã quen thấy câu chuyện này được tái hiện trong hội hoạ và trên những tấm bưu thiếp đến nỗi cảm tưởng đây là một ngôi làng thôn dã được bao bọc trong một vùng đồng cỏ nên thơ. Nhưng Galilê là một vùng đất không hề bình yên, đó là một chốn đầy dẫy bất ổn. 90% dân số là những nông dân bị áp bức. Có những cuộc nổi dậy, chủ nghĩa dân tộc trong vùng và nhiều phong trào cách mạng đã nổ ra ở đây. Đối với chính quyền Rôma và các lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem, người dân Galilê rất đáng khả nghi. Họ đấu tranh đòi tự do và bị đàn áp dã man. Đó là nơi mà Thiên Chúa đã chọn và sai thiên sứ đến, để loan báo một thiếu nữ Do Thái sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu là một người Galilê.
Cách thức phác hoạ hay thuật lại về Đức Maria có thể làm tách biệt ngài ra khỏi cuộc sống thường ngày của chúng ta. Dường như ngài đến từ một thế giới khác và không bị chi phối bởi cùng những trải nghiệm sống, những giằng co và những vấn nạn như hết thảy chúng ta. Tôi còn nhớ một kiểu cầu nguyện học đường như sau, “Lạy Đức Mẹ kiều diễm trong trang phục xanh, xin hãy dạy chúng con cầu nguyện.” Chuyện đó chỉ hợp với trẻ con thôi. Cầu nguyện theo kiểu ấy, Đức Maria được diễn tả trong những bức tranh và trong các hình thức sùng kính như thế có thể làm cho những thiếu phụ và các bà mẹ (cả những đàn ông chúng ta nữa!) cảm thấy mình rất khác biệt, thậm chí xa cách ngài và cuộc đời của ngài.
Chúng ta hãy đọc kỹ đoạn Tin Mừng hơn. Thánh Luca chép rằng, “nhưng bà rất bối rối và không biết lời chào như vậy có nghĩa gì.” Thiên sứ lại trấn an ngài, “Maria, xin đừng sợ.” – bà ắt hẳn là rất lo sợ. Trong thế giới phức tạp ở xứ Galile, một nơi đầy xung đột và đấu tranh, lời đáp trả của cá nhân Đức Maria bày tỏ sự bối rối và nghi nan. Khi ấy, Đức Maria vẫn không hề có có một định hướng nào cho tương lai, cũng như tất cả những nghi vấn của ngài đã không được giải đáp, và chúng ta cũng thế thôi.
Đức Maria đã dành chỗ cho Chúa trong đời của mình. Ngài và các thánh giống chúng ta nhiều hơn là những gì mà mỹ thuật và văn chương miêu tả. Họ là những con người rất bình thường và chính ở giữa những con người ấy, với tất cả những giới hạn của họ mà Thiên Chúa muốn cư ngụ – nghĩa là Người muốn ở giữa những con người dẫu còn đó những khó khăn và nghi nan, vẫn có thể thưa với Chúa lời “Xin vâng”.
Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa muốn hiện diện nhiều hơn trong cuộc đời còn lắm bề bộn và ngổn ngang của ta. Ngài sẽ ngụ nơi đâu?
Nếu như Galilê là nơi Chúa muốn nhập thể giữa những con người đang phải vật lộn với cuộc sống, những người đang bị gặp lo âu, những kẻ suy tư về những gì đang xảy đến, những người gặp nghi vấn và không có câu trả lời ngay. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn nhập thể trong “những chốn Galilê” của chúng ta, nơi ta có thể nói lời “Xin vâng” và đón rước Người vào – dẫu chúng ta còn đó nhiều vấn nạn.
Thiên Chúa muốn nhập thể ở những nơi không thuộc về chúng ta, nơi chúng ta đối mặt với những cám dỗ riêng tư và những rắc rối, nơi có những sợ hãi và bất ổn, và giới hạn mà con người mong muốn vượt qua. Đặc biệt, Thiên Chúa muốn làm người tại những “vùng Galilê khác”, nơi chúng ta phục vụ tha nhân trong đau khổ, những người bị hốt hoảng, tranh giành, buồn rầu, đói khát và nghèo đói.
Ngày nay, trong những “nơi Galilê” đó, chúng ta cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đầy lòng chúng con.” Đức Maria là một phụ nữ Galilê và là khuôn mẫu cho chúng ta ngày nay. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy thưa lời “Xin vâng” với Thiên Chúa, để Người lại có thể nhập thể trong lòng chúng ta.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ