CN 32 C: Tôi tin có sự sống đời sau

Tôi tin có sự sống đời sau

CN 32 C: Tôi tin có sự sống đời sauSách Giảng Viên có chép: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời; một thời để chào đời, một thời để lìa thế…” (Gv 3, 1-2). Đúng vậy, có sinh ắt có tử, đó là quy luật muôn đời của Tạo Hóa. Tất cả mọi người, không trừ một ai, “sống làm người ai không phải chết?” (Tv 88, 49).

Nói tới cái chết, có thể nói,  đó là điều không còn phải bàn cãi. Thế nhưng, sau cái chết là gì, con người sẽ đi về đâu vẫn luôn là đề tài nóng hổi suốt chiều dài lịch sử con người.

Với Phật giáo, theo chủ  thuyết luân hồi, cho rằng, sau khi chết, con người sẽ đầu thai kiếp mới. Một số người vô thần cho rằng, giống như một con vật, chết là hết.

Chết là hết ư! Không có “sự sống lại ư!”. Vâng, vào thời Đức Giêsu còn tại thế, có một nhóm người cũng quan niệm như thế. Nhóm người đó được gọi là “nhóm Xa đốc”.

**

Chuyện kể rằng, một hôm, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Cứ sự thường, mỗi khi có một “phe nhóm” nào đến gặp Ngài, y như rằng, hôm đó sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt.

Thế nhưng, với nhóm Xa-đốc hôm nay, họ không tranh luận, trái lại, khi gặp được Đức Giêsu, họ tỏ thái độ như một chú học trò trước mắt ông thầy giáo. 

Hôm đó, những chú-học-trò-Xađốc “théc méc” về một chuyện có liên quan đến hôn nhân gia đình và sự sống lại. Và khi đã đứng trước mặt ông thầy Giêsu, họ đã tuôn những “théc méc” đó, rằng: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình…”

Ôi! tưởng chuyện gì, hóa ra là chuyện về luật “thế huynh” cũ rích từ thời Môse.  Vâng, điều luật đó, đối với Đức Giêsu, chẳng có gì là lạ, bởi đây là  luật lệ của Do Thái giáo và rất phổ biến ở Cận Đông. Đức Giêsu là người Do Thái, hẳn nhiên Ngài không lạ lẫm về luật lệ này. Thế nhưng, hôm đó, nhóm Xa-đốc đã làm cho điều luật đó trở nên “lạ kỳ”. 

Vâng, chuyện thật lạ kỳ khi họ nói tiếp với Đức Giêsu, rằng: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy,  bảy anh em chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết”.

Theo bạn, đây là câu chuyện thật hay do nhóm Xa-đốc”phịa” ra! Không thấy thánh sử Luca nói đến. Thế nhưng, dù thật hay phịa thì câu chuyện này như một sự thách thức mà nhóm Xa-dốc muốn thách thức Đức Giêsu.

Họ thách thức Đức Giêsu điều gì? Thưa, họ thách thức Ngài về việc “chuyện gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia, thế giới của sự chết…?”

Thật vậy, sau khi kể xong câu chuyện, một câu hỏi đã được họ đặt ra, một câu hỏi khiến cho ai nghe cũng phải khó nuốt. Họ hỏi Ngài rằng: “Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà  sẽ là vợ ai?” (Lc 20, 33)

Đúng, quả là một câu hỏi khó nuốt. Thế nhưng, có khó nuốt thì cũng chỉ khó nuốt đối với những ai chưa biết gì về “cuộc sống đời sau”. 

Với Đức Giêsu, Đấng “từ trời mà xuống” – Đấng đã tuyên bố rằng “Ta  là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”, thì có gì ngăn trở Ngài biết đến những gì sẽ xảy ra ở “cuộc sống đời sau”!

Hôm đó, để trả lời cho câu hỏi,  Đức Giêsu đã nói rằng, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chống” (Lc 20, 34-35) 

Với sự sống đời sau, Đức Giêsu nói tiếp: con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 36)

***

Tưởng chúng ta nên biết, những chú-học-trò-Xađốc chỉ công nhận “ngũ kinh”, năm cuốn đầu bộ Cựu Ước. Đó là một thiếu xót lớn.

Thật vậy, nếu họ đọc tất cả những sách trong Kinh Thánh,  chắc hẳn họ sẽ tin có sự sống đời sau và chắc chắn họ sẽ  “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”(2Mcb 7,14).

Thì đây, sách Macabe có chép rằng  “Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ”. Vua Antiokho bắt họ phải “ăn thịt heo là thức ăn luật Môse cấm”(2Mcb 7,1).

Đối với người Do Thái, luật Môse chính là luật của Đức Chúa. Chính vì thế, bảy anh em không thi hành lệnh vua. Thế là vua ra lệnh giết họ. Một người trong bảy anh em trước khi chết đã lớn tiếng nói rằng: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 9).

Thiên Chúa “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

Đó không phải là một lời hứa xuông. Đức Giêsu, qua những phép lạ “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, rồi đến “cho con gái ông Gia-ia sống lại”, kế đến sự kiện “anh Lazaro đã chôn trong mồ được bốn ngày” được sống lại, và cuối cùng là chính Ngài, chính Ngài cũng đã sống lại từ cõi chết, như là những minh chứng cho lời phán hứa nêu trên.

****

“Một thời để chào đời, một thời để lìa thế…”.  Là một tín hữu Công Giáo, với tháng mười một hàng năm, nên chăng gọi đó là tháng để chúng ta nghĩ đến “một thời để lìa thế”.!

Và khi nói đến “một thời để lìa thế”, có bao giờ chúng ta tự hỏi “Khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì. Về bên kia thế giới”?

Phải chăng đó là sự “cực hình lửa thiêu đốt”? Hay, phải chăng đó là một tấm vé  ngồi “vào lòng ông Apraham”?

Thưa, câu trả lời phụ thuộc vào hiện thực của đời sống, đời sống của chính mỗi chúng ta, như có lời đã chép “sống sao chết vậy”.

Đúng vậy, Kinh Thánh cũng có chép rằng,  “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã  sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” ( Hc 11, 26).

Vì thế, hãy ghi khắc câu Kinh Thánh này vào tâm hồn chúng ta, bởi, “cái lối” mà chúng ta đã và đang sống chính là “tiêu chuẩn” chính là “thước đo” và là “câu trả lời” trước tòa phán xét, nơi Thiên Chúa sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20, 34-35)

Tuy nhiên, để được thỏa lòng về những lời hứa ban của Chúa, điều quan trọng, trước tiên, đó là chúng ta phải tin và tuyên xưng rằng “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

Petrus.tran   

Trả lời