CN 30 C: Lạy Chúa, xin thương xót con

Lạy Chúa, xin thương xót con

Hc 35,12-14.16-18; Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

CN 30 C: Lạy Chúa, xin thương xót conLiệu người Pharisêu trong trình thuật Tin mừng hôm nay cũng nói như một số Kitô hữu ngày nay rằng họ đang chống lại sách báo khiêu dâm, ly hôn, ngoại tình, việc nạo phá thai, thói nghiện rượu, sự kết hôn, nghiện ngập ma túy và hầu hết các phim ảnh không? Để nói về những điều mà họ đã đạt được thì quả là khó khăn. Vì được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nên chúng ta thích hay ngưỡng mộ điều khác lạ nơi tha nhân.

Một số Kitô hữu cho chúng ta thấy một hình ảnh công khai tiêu cực hay làm bộ đoan trang kiểu cách. Họ y hệt với những người được miêu tả trong Tin mừng thánh Luca mà Đức Giêsu đề cập trong dụ ngôn hôm nay: “Người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.” Không biết thái độ tự mãn đã được kể vào số các nhân đức Kitô giáo từ khi nào? Nếu có ai đó chất vấn về niềm tin Kitô giáo, chúng ta có bắt đầu kể ra một danh sách những điều phải chống lại như đã kể ở trên, hay sẽ nói về những điều mang lại cho mình một cuộc sống mới, và niềm vui mà ta đã lãnh nhận được trong đức tin?

Phải chăng có một số người Kitô hữu lãng quên hai điều đã kết nối chúng ta lại với nhau: Tất cả chúng ta đều là tội nhân và đều nhận được lòng thương xót đó sao? Chúng ta đang cùng với người thu thuế chỉ dám đứng xa xa mà cất tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thiên Chúa, Đấng có thể vượt một đoạn đường dài để đến với từng người tội lỗi, thân hành đến tận nơi chúng ta và thanh tẩy chúng ta qua việc thông ban lòng thương xót, làm cho chúng ta được nên công chính trước nhan Chúa. Mặt khác, thái độ tự hào cho mình là công chính lại đặt chúng ta xa cách với Thiên Chúa. Đó là một khoảng cách mà chỉ có ân sủng mới có thể nối liền được mà thôi.

Nếu chúng ta đang tìm một “lối cầu nguyện thích hợp”, thì việc liệt kê các thành tích của mình hay vui mừng vì ta không “giống như bao kẻ tội lỗi” nhất định không phải là lựa chọn tiên quyết. Tốt nhất, hãy đặt sự thiếu thốn, yếu đuối, tinh thần nghèo khó và tội lỗi của mình trước nhan Thiên Chúa. Rồi chúng ta tin tưởng rằng mình sẽ được đoái nghe, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp lại. Chính Thiên Chúa sẽ hoàn toàn nhậm lời nếu lời khẩn nài lòng thương xót được khởi đi đúng chỗ.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Thiên Chúa lại đáp lời người thu thuế. Chủ đề thường xuyên và quan trọng trong Kinh thánh là Thiên Chúa nhận thấy nhu cầu của những người khiêm nhu và đáp lời họ. Có thể chúng ta thấy mình không có quyền, hoặc chưa xứng đáng để ngước nhìn lên Thiên Chúa và chờ mong Người nhận lời. Tự sức mình, chúng ta không thể đòi hỏi đặc ân hay sự đền bù xứng đáng. Thế nhưng, Thiên Chúa đã quan tâm đến ta cả khi ta còn là những tội nhân, và đã ngự đến với chúng ta trong Đức Giêsu để chia sẻ thân phận làm người của ta. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã ở với chúng ta qua cái chết, ngõ hầu chúng ta được chung phần phục sinh với Người.

Thiên Chúa thấy chúng ta. Và ta là ai? Chúng ta đã bắt đầu bữa Tiệc Thánh này với khẩn cầu lòng thương xót. Cùng với người thu thuế và những người khác, chúng ta đã được nhận lãnh những điều mà tự sức riêng của mình không dám cầu xin. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được trở nên công chính trước nhan Thiên Chúa.

Những người thuộc các tổ chức, thế tục hay tôn giáo, phải thận trọng khi cho rằng họ sở hữu tất cả chân lý, và có lời đáp trả đúng đắn cho mọi khổ đau trên trần gian. Thoạt đầu, người Pharisêu có vẻ dâng lời cảm tạ vì những gì ông đã nhận lãnh được từ Thiên Chúa; một biên bản mẫu mực trong hành vi tôn giáo và đạo đức. “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như…” Thật ra, Thiên Chúa không phải là đối tượng trong lời ngợi khen của ông, nhưng lại là chính ông. Ông không cầu xin Thiên Chúa bất cứ điều gì vì ông đã có tất cả. Trong khi đó, người thu thuế không hề đề cao tiêu chuẩn của mình.    

Những ai ý thức được nhân tính của mình, lòng dạ người đó dâng trào sự biết ơn, vì những ân huệ đã lãnh nhận được là mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và mối tương giao với những người khác. Thiên Chúa là nguồn mạch tất cả ân huệ, và vì thế, chúng ta kính dâng Người cảm tạ, tri ân. Thế nhưng, không giống như người Pharisêu, chúng ta không dừng lại ở điều ấy, vì cũng ý thức được sự mong manh, đổ vỡ và tội lỗi của mình.

Tin tức hằng ngày nhắc nhở ta về các tội ác mà con người có khả năng gây ra cho chính mình hay cho người khác. Vì mình có thể phạm tội, nên chúng ta không dừng dụ ngôn này ở nửa chừng. Chúng ta cũng kết hợp với người thu thuế trong sự cần thiết chung khi ta cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người ta phàn nàn rằng chúng ta đang bận tâm đến tội lỗi. Không, chúng ta không như thế. Dụ ngôn này nhắc nhở rằng đạo của chúng ta là một tôn giáo của lòng thương xót, mọi người được giải thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi.

Đây là Chúa Nhật thứ tư trích đọc từ thư gởi ông Timôthê. Thánh Phaolô khởi đầu lá thư này bằng lời chào ông Timôthê là “người con đích thực” (1,1-2) của ngài, điều này cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa hai người. Trong thư, thánh Phaolô nói với ông Timôthê lời khuyên cá nhân về ơn gọi của mình cho dân chúng trước danh Thiên Chúa. Bức thư này không chỉ cho thấy một mối quan hệ gần gũi, mà ông còn ủy thác cho ông Timôthê tiếp tục sứ vụ của mình. Mối quan tâm của thánh Phaolô không chỉ là ông Timôthê, mà còn là Tin mừng và thông điệp của thánh nhân được truyền lại sao cho trung thực với các thế hệ Kitô hữu tương lai.

Điều gì đã làm cho thánh Phaolô cảm động và thúc giục thánh nhân viết thư cho ông Timôthê? Thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma, và bài đọc hôm nay cho thấy rõ thánh nhân biết được là ngài sắp chịu tử đạo. Ngài mượn hình ảnh của một cuộc điền kinh; ngài đã “chạy hết chặng đường”. Mặc dù đang bị giam trong ngục, nhưng thánh Phaolô chẳng quan tâm đến những nỗi gian nan mình đang phải chịu. Ngục tù không thể giam hãm Lời Chúa, vì thánh nhân vẫn không ngừng rao giảng, thậm chí còn dạy dỗ cho cả những người lính Rôma trông giữ ngài (Pl 1,13).

Thánh Phaolô phải chịu muôn vàn khó khăn gian nan dường nào. Ngài không chỉ thấy kết cục của đời mình, mà còn bị ruồng bỏ, “mọi người đã bỏ mặc tôi”. Tuy nhiên, sau cùng, ngài rao giảng tin mừng của mình và tuyên xưng sự hiện hữu và bảo trợ của Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi.”

Tôi thích lưu ý đến những chỗ có sự xuất hiện của hạn từ “nhưng” trong bản văn, giống như trong bản văn ngày hôm nay. Trình tự diễn ra giống như thế này: nhu cầu trước tiên của con người được thể hiện ra. Đối với thánh Phaolô, đó là sự giam cầm và sự bỏ rơi của những người mà lẽ ra phải đứng về phía ngài khi biện hộ. Tiếp đó, không có ai ủng hộ, thánh Phaolô được Thiên Chúa trao cho quyền năng. Tình thế của ngài hiện nay rất nghiêm trọng, nhưng “Chúa sẽ cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”.

Thánh Phaolô là một Kitô hữu, và cũng giống như Đức Kitô trên thập giá hay như ông Stêphanô, khi thánh nhân được lãnh phúc tử đạo (Cv 7,60; 8,1), ngài cũng tha thứ cho những người đã bỏ mặc ngài: “Xin Chúa đừng chấp tội họ”. Đây là lời cầu nguyện mà ngày nay chúng ta có thể dâng lên cho những người đã bỏ rơi chúng ta, hoặc không trợ giúp khi chúng ta gặp gian nan. Lấy cảm hứng từ cảnh tù đày, và cô độc của thánh Phaolô, chúng ta cũng cầu nguyện rằng: “Xin Chúa đừng chấp tội họ”.  

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

 

 

Trả lời