Thế giới ngày nay cần những tâm hồn Thánh

 

Thế giới ngày nay cần những tâm hồn Thánh


Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên op


I. GIÁO HỘI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI THẾ GIỚI SUY ĐỒI

1. Bối cảnh hiện tại

Trong cuốn “La vie de Jesus Christ après sa mort”[1], tác giả André Coutin đã nói về Đức Giêsu Kitô đang đau khổ và hấp hối trong Hội thánh của Người. Ông kể lại tâm tình nhiều người tín hữu buồn nản ra đi. Họ than phiền về đời sống các giáo sĩ và tu sĩ ở phương Tây này. Đối với họ, Hội thánh tuy chững chạc về mặt sinh hoạt nhưng lại khô cằn về mặt thiêng liêng. Hội thánh đó sống khác với Đức Kitô được kể lại trong Phúc Âm, một Đức Kitô sống giữa dân nghèo, cảm thương số phận dân nghèo, luôn giảng dạy và sống yêu thương, phục vụ tha thứ, khiêm nhường.

 

Thế giới ngày nay cần những tâm hồn Thánh

Qua tác phẩm này cho ta thấy hình ảnh Giáo hội như đã đi vào giai đoạn suy tàn, các thánh đường, các tu viện còn như một di sản văn hóa! Từ hình ảnh Giáo hội phương Tây, rồi nghĩ đến Giáo hội Việt Nam chúng ta không khỏi có những ưu tư và lo lắng. Xã hội chúng ta đang giai đoạn quá độ. Chúng ta du nhập những cái gọi là văn minh nhưng thật sự chỉ là lối sống dung tục, hưởng thụ, tự do bừa bãi và bất chấp những chuẩn mực của đời sống đạo đức.

Do ảnh hưởng trào lưu duy thế tục, đời sống tín hữu hôm nay đã mất dần phẩm chất của đời sống đức tin. Họ bắt đầu lơ là việc sống đạo, tuy các sinh hoạt lễ lạc đình đám vẫn sôi nổi, rình rang. Đức tin không đi vào chiều sâu, trong khi đó các tệ nạn: ngừa thai, phá thai, ly dị, đời sống thiên về vật chất, chuẩn mực đạo đức không còn được tôn trọng. Trong khi các chức sắc trong đạo vẫn còn loay hoay nỗi ưu tư phát triển về cơ sở, vẫn cứ bằng lòng với lối phát triển theo chiều hướng lễ hội.

2. Chỉ những tâm hồn thánh thiện mới có sức biến đổi thế giới

Tại Thượng hội đồng Giám mục Á Châu (5/1998), Đức cha Bùi Tuần đã có cuộc gặp gỡ với Đức hồng y Joseh Ratzinger, Tổng trưởng Thánh bộ Đức tin (ĐGH Bênêdictô XVI). Cuộc trao đổi ngắn đã diễn ra trong bầu khí thân tình: “hình như trong cuốn sách mới nhất Đức hồng y đã không hy vọng nhiều ở Thượng hội đồng, nhưng người hy vọng ở những người thánh. Người thánh có rất nhiều khả năng đổi mới Hội thánh. Đức ái phải được đặt lên hàng đầu trong đời sống đạo. Hãy sống yêu thương như Đức Kitô đã dạy và đã làm gương”[2].

Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đã thi hành ý tưởng này khi ngài dành những loạt bài huấn đức về đời sống các thánh trong các buổi tiếp kiến. Ngài đã triển khai đời sống các thánh, cũng như nêu tầm ảnh hưởng đời sống và giúp canh tân đời sống Giáo hội. Trong các buổi triều yết từ đầu năm (13/01/2010 – 07/07/2010) nói về những vị thầy Phan Sinh và Đaminh: cụ thể là thánh Phanxicô, thánh Đaminh, thánh Alberto, thánh Tôma, thánh Bonaventura, chân phước Duns Scotus…[3]

Trong cuốn sách On Heaven and Earth, ghi lại cuộc đối thoại với Đức hông y Jorje Mario Bergoglio và Rabbi Abraham Skorka, chúng ta có thể gặp được quan điểm và lập trường của vị Giáo hoàng mới về nhiều vấn đề. Nội dung có thể tóm lược trong các đề mục sau: vấn đề cầu nguyện; vai trò của các nhóm sống đạo; lãnh đạo khiêm tốn và tầm quan trọng của đời sống thánh thiện trong việc canh tân Giáo hội thánh.

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, những nhà cải cách đích thực là những vị thánh. Các ngài là những người làm thay đổi, biến đổi, thúc đẩy và giúp Hội thánh được hồi sinh. Như thế, chúng ta thấy hai vị Giáo hoàng đều có những ưu tư về tương lai Giáo hội ngay từ khi các ngài còn nắm giữ trọng trách nhỏ hơn.

II. NHỮNG MẪU GƯƠNG THÁNH THIỆN

1. Trở về với Đức Kitô

Sách thánh đã mô tả Ngài là món quà Thiên Chúa Cha tặng cho nhân loại. “Ngài là Cha muôn thuở, cố vấn kỳ diệu, thủ lãnh hòa bình” (Is 9,5). Trong chương trình của Chúa Cha, Thiên Chúa đã trao tặng Chúa Con cho nhân loại để ai tin vào người con đó sẽ được cứu rỗi (x. Ga 3,16-17). Ngài đã tự nguyện xuống thế làm người (Dt 10, 7); làm người trong thân phận tôi đòi (Pl 2, 6-8). Ngài quan tâm đến thân phận con người: người mù, kẻ què, câm điếc, người chết sống lại và người nghèo được nghe giảng Tin mừng (Lc 5,18-20). Đối với ngài, những người nghèo là những người được chúc phúc (Mt 11,25-27).

Những người nghèo là những con người sống khiêm tốn, nghèo khó, đơn sơ. Họ chân thành cả trong những cố gắng nhỏ nhoi cũng như những yếu đuối của bản thân. Khi được Chúa yêu thương, gần gũi và được Chúa tỏ mình ra, những người bé mọn đó sẽ là những đóm lửa thiêng liêng, âm thầm mà gây được hiệu quả có sức cứu độ.

Sống bé mọn, khó nghèo là điều không dễ. Lo cho những người nghèo khó, bé mọn thì tương đối dễ hơn là chính mình trở thành bé mọn, nghèo khó. Cách thực hiện tốt nhất là thực thi Lời Chúa dạy: “Hãy học với Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).

2. Người Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa

Đức Maria là một người phụ nữ rất đẹp. Đẹp vì được đầy ân sủng. Đẹp vì thiên chức là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đẹp vì niềm tin đơn sơ và tín thác. Đẹp vì cuộc đời phục vụ tận tình với tất cả tình yêu của người mẹ. Nhưng nét đẹp tiềm ẩn và bao trùm mọi nét đẹp nơi Mẹ, chính là đức khiêm nhường. Khiêm nhường là hương thơm thấm sâu và thấm liễm vào mọi ngỏ ngách của cuộc đời tạo nên sức hấp dẫn linh thánh và phi thường.

Mẹ đã tự nhận là nữ tỳ của Thiên Chúa (Lc 1, 38).

Với đức tin khiêm nhường và phó thác đã dẫn đưa Mẹ trong mọi tình huống của cuộc đời. Có những điều ngài hiểu và có những điều không hiểu, nhưng mẹ vẫn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (Lc 12, 19, 51).

Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và ở lại với ngài. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Mẹ luôn sống xin vâng, thi hành ý Chúa mọi nơi mọi lúc. Xin Mẹ giúp chúng ta sống trong ơn gọi, khiêm tốn khi thi hành sứ vụ. Nhờ đó, chúng ta được dần dần trở thành tạo vật mới, nên giống hình ảnh Chúa Giêsu: “Đấng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29), cũng như giống Đức Maria là nữ tỳ hèn mọn của Chúa (Lc 1, 38).

3. Các vị thánh có tầm ảnh hưởng sâu rộng: Phanxicô, Đaminh và Têrêsa Hài Đồng

– Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bông hồng của Thiên Chúa

Được gọi là bông hồng vì tính cách: nhỏ bé, đơn sơ, chính là nét nổi bật của thánh nữ Têrêsa. Tuy nhỏ bé, nhưng tâm hồn cô lại rất lớn lao, cô đã từng tuyên bố: “giữa lòng Giáo hội tôi là tình yêu”. Nhìn lại cuộc đời của người nữ tu thánh thiện này trải dài 24 năm tuổi đời và chín năm tuổi tu, chúng ta cũng thấy Chúa quan phòng để cho chị phải chịu đựng nhiều sự kiện có thể nói là quá sức của một thiếu nữ nhỏ bé.

Chính tình yêu mãnh liệt đã giúp thánh nữ vượt qua những trở ngại: mồ côi mẹ từ rất sớm, khao khát vào dòng tu khi còn nhỏ tuổi, nỗi ưu tư để cha lại một mình, đời sống kỷ luật cũng như tình trạng ốm đau bệnh tật.

Têrêsa, một thiếu nữ yếu đuối nhưng đủ sức để vượt qua những rào cản của hoàn cảnh, của bệnh tật, của khó khăn trong đời đan tu và đời sống cộng đoàn không phải vì do tài năng hay sức lực của mình, nhưng chính tình yêu Thiên Chúa đã thúc bách cô gái nhỏ bé (x.2 Cr 5,14), dám buông mình trong tay nhân lành của Chúa. Sự lớn lao cao cả, và nước trời dành cho Têrêsa, chính là nhờ sự xóa mình và hoàn toàn tin tưởng, tựa nương vào tình thương của Chúa, để Ngài chiếm trọn con tim của mình: “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130,2).

– Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Đaminh.

Thánh Phanxicô được chọn làm biểu tượng cho thiên niên kỷ thứ hai: với đời sống nghèo, khiêm hạ. Ngài đã cùng với thánh Đaminh, cùng với hai Dòng Anh em hèn mọn và Anh em giảng thuyết góp phần vào việc canh tân Giáo hội thời đó. Trong giấc mơ của Đức Giáo Hoàng Innocentê III: ngài đã thấy đền thờ Lateranô siêu đổ. Chính lúc đó, hai thánh Phanxicô và Đaminh là người đã ghé vai chống đỡ cho đền thờ Giáo hội trở lại bình thường. Các nhà viết lịch sử Giáo hội đều công nhận hai vị tổ phụ đã góp phần rất lớn cho việc hồi sinh của Giáo hội trong thế kỷ XIII. Với đời sống nghèo, khiêm tốn và dấn thân cho sứ vụ truyền giáo, các anh em thuộc hai dòng hành khất đã làm một cuộc cách mạng trong đời sống Giáo hội. Các ngài đã đem lại cho Giáo hội một sinh lực mới và cho chúng ta cảm thức về mùa xuân của Giáo hội.

III. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ – NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA SAI ĐẾN

1. Một thoáng chân dung của vị tân Giáo hoàng

Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục Buenos Aires được cơ mật viện bầu ngày 13/03/2013, là vị giáo hoàng thứ 266. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô. Đức giáo hoàng Phanxicô được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo và sẵn sàng đối thoại với các nhóm tư tưởng và niềm tin khác nhau.

Sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, ngài đã thể hiện một tác phong giản dị, chọn cư ngụ trong nhà khách Vatican (nhà trọ Marta) thay vì căn hộ dành riêng cho vị Giáo hoàng trong điện Vatican. Ngài mặc phẩm phục đơn giản và từ chối áo choàng đỏ truyền thống dành cho vị Giáo hoàng sau khi đắc cử.

Người ta biết đến hồng y Bergoglio qua sự khiêm tốn, lập trường giáo lý bảo thủ và thúc đẩy công bằng xã hội. Không đi xe hơi riêng, mà chỉ dùng các phương tiện giao thông công cộng. Ngài có lối sống đơn giản, tự nấu ăn lấy trong một căn hộ nhỏ chứ không phải tại tòa giám mục nguy nga.

Tại sao ngài đã chọn thánh hiệu Phanxicô? Vì ngài rất ngưỡng mộ gương thánh thiện và lối sống nghèo khó của thánh nhân. Chính ngài đã giải thích việc chọn tông hiệu này như sau: trong cuộc bầu giáo hoàng, tôi ngồi cạnh đức hồng y Claudio Hummes, nguyên tổng giám mục Sao Paolo (Brazil), một người bạn rất thân của tôi, khi tình huống trở nên “nguy hiểm”, người an ủi tôi, không sao đâu. Nhưng khi số phiếu lên đến 2/3 mọi người vỗ tay vì đã bầu được giáo hoàng. Ngài ôm hôn tôi và nói: “đừng quên người nghèo”. Lời này đi vào sâu thẳm trái tim tôi: “người nghèo… liên hệ đến người nghèo, gần như ngay lập tức tôi nghĩ về thánh Phanxicô Assisi”.

Hẳn chúng ta còn nhớ những lời đầu tiên cho cương vị giáo hoàng rất đơn sơ, khiêm tốn, chân tình: “chào anh chị em thân mến. Tất cả anh chị em cũng biết nghĩa vụ của mật nghị là bầu ra vị giám mục Rôma. Có vẻ như là các hiền huynh hồng y của tôi đã phải đi đến cùng trời cuối đất để tìm một vị như thế, kết cuộc là… tôi cám ơn anh chị em vì sự đón tiếp nồng nhiệt đã đến từ cộng đoàn giáo phận Rôma.

Trước hết, xin anh chị em hợp ý cầu nguyện cho đức giáo hoàng danh dự Bênêdictô XVI của chúng ta. Tất cả chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho người. Xin Chúa ban phép lành cho người và xin Đức Mẹ chở che ngài.”

2. Ba điểm mới quan trọng của triều đại Giáo Hoàng Phanxicô

Ngày 13/09/2013 vừa qua, sau đúng 6 tháng đức hồng y Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng, linh mục Lombardi[4], giám đốc phòng báo chí tòa thánh đã giới thiệu ba điểm mới:

– Một danh hiệu hoàn toàn mới: Phanxicô. Chính đức Giáo Hoàng đã giải thích về ý nghĩa: người nghèo, hòa bình và bảo vệ thiên nhiên. Đó thực sự là nét căn bản của triều đại Giáo Hoàng này, đó cũng là một thời sự nóng hổi khi Đức Giáo Hoàng can đảm dấn thân cho hòa bình tại Trung Đông vừa qua.

– Chấm dứt chủ nghĩa lấy Âu Châu làm trung tâm. Trong thời gian vừa qua ngài đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tại Châu Mỹ Latinh: Đại hội giới trẻ thế giới tại Brazil (22 – 28/07/2013).

Ngày 12/09/2013 vừa qua, thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra đã tới Vatican yết kiến đức thánh cha Phanxicô. Bà đã mời đức thánh cha viếng thăm đất nước Thái Lan của bà. Và ngài đã nhận lời. Người ta được biết vào năm 2014 nhân dịp đại hội giới trẻ Châu Á do hội đồng giám mục Hàn Quốc đăng cai tổ chức, liệu ngài có nhân dịp này công du vòng quanh Châu Á không? Chúng ta sẽ sớm có câu trả lời từ Vatican.

Ngày mùng 5/07/2013 trang mạng UCAN đã ghi lại bài viết của giáo sư Kajefumi Ueno, đại học Kyorin ở Tokyo Nhật Bản gửi về, ông là nhà bình luận và là cựu đại sứ tòa thánh. Ông đặt câu hỏi: liệu “văn hóa giản dị” có lấn át được truyền thống Vatican không? Và ông trả lời điều đó rất có thể với Đức Giáo hoàng này. Ông cũng không đồng tình việc Vatican chủ yếu lấy Âu Châu làm trung tâm. Các khu vực ngoài Châu Âu như Châu Mỹ, Châu, Á, Châu Phi, Châu Đại Dương vốn chiếm ¾ số người công giáo trên thế giới rất ít có cơ hội lên tiếng nói của mình.

– Chiều kích sứ vụ. Giáo hội không qui chiếu về mình mà về sứ vụ. Lời mời gọi ra khơi (Duc in Altum) vẫn là lời mời gọi khẩn thiết của Chúa cứu thế. Với triều đại của đức đương kim Giáo Hoàng, với tinh thần cương quyết của vị thuyền trưởng, chắc chắn Giáo hội sẽ ra khơi, không sợ hãi, không lo âu nhưng với niềm vui có thể gặp gỡ mầu nhiệm Chúa dưới những chân trời mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua con người, qua tinh thần đạo đức, qua thái độ khiêm tốn và gần gũi của ngài chắc chắn muốn làm cho chúng ta trở nên gần gũi với Đức Giêsu. Và như thế ngài muốn làm cho chúng ta thành một Giáo hội tiến bước, gần gũi với nhân loại ngày hôm nay. Đặc biệt ngài muốn nhắm tới phần nhân loại đang đau khổ và đang cần sự tỏ hiện tình yêu của Thiên Chúa.

Thay lời kết: chúng ta cần những vị thánh!

Trong thời gian đại hội giới trẻ ở Brazil người ta phổ biến một bài thơ như là một yêu cầu của thế giới hôm nay. Họ mong ước Giáo hội có nhiều vị thánh, dám can đảm sống lý tưởng Phúc Âm và không sợ đối mặt với những lực lượng thù nghịch: thế giới gian tà và những tư tưởng đen tối đang đẩy lui nhân loại vào ngõ cụt. Sau đây là nội dung đã được tóm gọn lại: chúng ta cần những vị thánh:

– Biết đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi cùng đích

– Dành thời gian cầu nguyện và là người yêu quí sự trong sạch, khiết tịnh và những điều tốt lành

– Những vị thánh của thế kỷ XXI với đường hướng tâm linh đúng đắn cho thời đại mới này

– Biết cam kết phục vụ người nghèo và biết làm nên những thay đổi, những điều thiết thực cho xã hội.

– Sống giữa đời, thánh hóa thế giới và không biết sợ hãi khi đương đầu với thế giới hiện tại của họ.

Cám ơn Chúa, vẫn còn nhiều bạn trẻ đang thao thức và băng khoăn với Giáo hội. Giữa một thế giới thiên về hưởng thụ, chạy theo nhục dục…vẫn còn một nhóm nhỏ sống tinh thần Phúc Âm triệt để. Họ gồm nhiều thành phần khác nhau, là tu sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nông dân, những người khuyết tật và những người trẻ… thuộc mọi trình độ, thứ bậc khác nhau… nhưng họ hiệp nhất với nhau trong niềm tin vào Thiên Chúa tình thương sẽ cứu độ dân Ngài.

Họ hợp nhất với nhau ở chỗ tất cả là những con người làm nên mật. Mật là những công trình rao truyền chân lý. Mật là các các vẻ đẹp nghệ thuật. Mật là các công việc từ thiện. Họ làm việc, giao tiếp, chia sẻ. Họ cầu nguyện, suy gẫm. Họ thinh lặng. Nhất là lấy cuộc sống mình làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Còn chúng ta, là những tu sĩ hôm nay, chúng ta nghĩ sao và đã đóng góp được gì cho việc canh tân Giáo hội?

 

———————————

1. André Coutin, sách đã dẫn, Ed.du Cerf, 1998

2. x. Bùi Tuần, Thao thức 2, trang 143

3. Bênêdictô XVI, Những vị thầy Phan Sinh và Đaminh, Bản dịch Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM, Nxb Tôn giáo, 2012

4. Báo Công giáo dân tộc số 1925, tr 28

 

 

Để lại một bình luận