Tĩnh Tâm Thánh Đaminh 2013 – Ngày 02

Tĩnh Tâm Thánh Đaminh 2013 – Ngày 02

 

Thánh Đaminh rao giảng Tin mừng  
bằng việc nêu cao vai trò của Lời Chúa

Lm. Quốc Văn, OP.

Tĩnh Tâm Thánh Đaminh 2013 - Ngày 02Thánh Đaminh là nhà giảng thuyết chân lý lỗi lạc, không những thánh nhân, mà theo sau ngài còn cả một hậu duệ tinh thần đông đảo muốn theo gót Đấng Tổ Phụ đi khắp bốn phương loan báo Tin mừng, họ ra đi với danh xưng những anh em Dòng Giảng Thuyết.

Người ta khôi hài bảo rằng : không biết các cha Dòng Tên đang suy nghĩ gì, các cha Phanxicô có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, và không hiểu các cha Đaminh giảng gì ? Trở về với nguồn cội của chính anh em Dòng Giảng Thuyết, chúng ta tìm hiểu xem thánh tổ phụ Đaminh giảng thế nào ? Ngài nói chuyện thời sự, bàn chuyện khoa học, phê bình những tệ nạn xã hội,… hay ngài chuyên chăm nói Lời của Chúa ? Câu trả lời của chúng ta có thể tóm gọn trong một châm ngôn rất quen thuộc của dòng : Thánh Đaminh chỉ nói với Chúa và nói về Chúa.

Chân phước Gioan Fiesole, một hoạ sỹ thiên tài được biết đến với danh hiệu Fra Angelico, đã lưu lại trong một căn phòng tại tu viện thánh Marcô ở Florence một bức tranh tuyệt vời mô tả thánh Đaminh đang ngồi đọc sách. Khuôn mặt thánh nhân rất trẻ trung vì gương mặt ấy phản ánh sự trẻ trung vĩnh cửu của bản văn Thánh kinh mà người đang suy niệm. Người ta có cảm tưởng người hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra quanh mình, ngoài việc tập trung vào bản văn và chìm đắm vào trong đó.

Quả vậy, theo chứng từ của cha Guillaune Peyre, đan viện trưởng đan viện thánh Phaolô tại Narbonne: “Thánh Đaminh là người có lòng khao khát mãnh liệt là cứu các linh hồn, và thánh nhân là một vị tông đồ vô song. Người rất nhiệt thành hăng hái với việc giảng thuyết đồng thời lại khuyến khích và bó buộc các anh em phải rao giảng Lời Chúa ngày cũng như đêm, tại nhà thờ và các tư gia ; trên cánh đồng cũng như các nẻo đường ; nói tắt là mọi nơi, mọi lúc, chỉ nói về Thiên Chúa mà thôi.”

Như thánh Phanxicô Átxidi đã muốn sống nghèo theo gương Đức Kitô nghèo khó, thánh Đaminh cũng muốn họa lại cuộc đời nghèo khó của Chúa Kitô, và đặc biệt qua việc giảng thuyết Lời Chúa theo gương Đức Kitô, Tin mừng được loan báo cho mọi người. Thánh nhân dành ban đêm để đàm đạo với Lời, và dành ban ngày để nói Lời cho tha nhân. Thánh nhân xác tín rằng chỉ có Lời Chúa, lời trung thực của Thiên Chúa mới có thể cứu thoát con người, nhất là những kẻ lầm lạc. Vì vậy cần phải rao giảng Lời, rao giảng mọi nơi có thể, rao giảng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, theo lời khuyên của vị Tông Đồ dân ngoại dành cho người môn đệ của mình là Timôthê.

Có một danh từ có thể nói lên nét đặc trưng trong việc giảng thuyết của thánh Đaminh, một danh từ sau này trở thành châm ngôn của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đó là từ Chân Lý. Trên tất cả, thánh Đaminh muốn làm cho chân lý Tin mừng thắng vượt sự lầm lạc của lạc giáo. Ngài dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ chân lý này, vì đối với ngài, chân lý này là con đường duy nhất dẫn tới sự sống vĩnh cửu, giải thoát thế giới khỏi bóng tối u mê lầm lạc. Chẳng thế mà thi hào Dante đã mô tả thánh Đaminh như “Người yêu nồng nàn của Đức tin Kitô giáo“.

Nếu thánh Phanxicô kết duyên với Bà chúa Nghèo, thì có thế nói thánh Đaminh kết duyên với Đức tin Kitô giáo. Ước nguyện sục sôi của thánh nhân là đem Chân lý Đức tin đến cho mọi người, bởi vì chỉ có chân lý đức tin mới giải thoát và mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi còn trẻ, ngài đã luôn tha thiết nguyện xin Thiên Chúa ban cho ngài một đức ái đích thực để có thể mang ơn cứu độ đến cho tha nhân một cách hữu hiệu, và ngài hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin mừng, như Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian.

Thánh Đaminh đã kín múc được lòng nhiệt thành giảng thuyết này từ chính nguồn mạnh Thánh kinh. Ngài đã đón nhận từ các vị tiền bối lối đọc sách thiêng liêng – lectio divina, và ngài truyền lại cho các anh chị em của ngài. Cha thánh là người giảng thuyết Tin mừng không biết mỏi mệt, và cũng là một người say mê đọc Tin mừng. Các chứng nhân kể lại rằng: “Hành trang cha thánh luôn mang theo mình là quyển Tin mừng theo thánh Matthêu và các thư của thánh Phaolô. Cha dành nhiều thời giờ học hỏi sách Tin mừng cũng như các thư này đến nỗi hầu như thuộc lòng”. Học hỏi lòng say mê Lời Chúa nơi thánh Đaminh, chúng ta cần xem lại vai trò của Lời Chúa trong gia đình của chúng ta hôm nay.

Phần này chúng ta sẽ bàn đến trong lúc tọa đàm sau thánh lễ.

 

Trả lời