CN 15 TNC: Người Samarita nhân hậu


Người Samarita nhân hậu

Đnl 30,10-14; Tv 69; Gl 1, 15-20; Lc 10,25-37

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quí vị,

CN 15 TNC: Người Samarita nhân hậuCâu chuyện về người Samarita nhân hậu là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong Kinh thánh. Thậm chí những không đọc Kinh thánh cũng biết “người Samarita nhân hậu” là gì. Trong thế giới luật pháp có “luật người Samari nhân hậu,” luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samarita nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn.

Dụ ngôn về người Samarita nhân hậu được thuật lại do một người kể chuyện điêu luyện và câu chuyện có những nét đặc biệt của một “chuyện kể hay.” Một số đặc điểm của câu chuyện hay được chứng thực qua việc sử dụng sự tái diễn, việc chú ý đến chi tiết và một cụm từ được lặp đi lặp lại để tạo ra sức ảnh hưởng có ấn tượng. So với những yếu tố khác, thì những yếu tố này là nét đặc trưng của một dụ ngôn. Ví dụ, bên cạnh những nét đặc trưng gây ấn tượng và khung cảnh khắc nghiệt của câu chuyện, dụ ngôn còn có một cụm từ được lặp đi lặp lại, đó là một hiệu quả hùng hồn.

Chúng ta được nghe kể hai lần rằng cả hai vị kinh sư và Lêvi, khi thấy người đàn ông dở sống dở chết, đều “tránh sang một bên mà đi.” Thật là một cú sốc đối với những thính giả của Đức Giêsu! Hai nhân vật đạo đức, những vị mà người khác mong đợi sẽ dừng lại để cứu giúp, nhưng rồi lại đi qua. Không những thế, họ còn “tránh qua bên kia” mà đi, như thể hai vị này tỏ một thái độ lạnh nhạt giữa mình và nạn nhân đang đau khổ quằn quại kia. Vào thời Đức Giêsu, tất cả mọi người quá quen thuộc với những vụ hành hung xảy ra dọc đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô. Vậy, dụ ngôn của Đức Giêsu kể về một trong nhiều nạn nhân dọc con đường nguy hiểm đó. Vì thế, những ai nghe câu chuyện trên đây đều có thể hiểu tại sao hai người lữ hành đơn độc kia lại vội vã khi đi qua nơi này, vì những kẻ tấn công có thể vẫn còn ẩn nấp đâu đó, và đang chờ thời cơ để ra tay với nạn nhân khác.

Chúng ta cũng nghe nhiều về những câu chuyện bi thảm của người gặp đau khổ. Truyền thông đã cho chúng ta biết nhiều về nỗi đau trên toàn thế giới, như hậu quả của những cơn bão, lụt lội và cháy rừng, điển hình là nạn cháy rừng vừa xảy ra tại tiểu bang Arizona – Mỹ, cướp đi sinh mạng của 19 lính cứu hỏa. Chúng ta còn nghe nhiều câu chuyện đau thương khác xảy ra, không chỉ vì thiên tai, mà còn hậu quả từ những kẻ tàn bạo giáng xuống cho người khác. Con đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô có nhiều đau khổ, như nội chiến, những xung đột diễn ra khắp nơi trên thế giới; tình trạng bất ổn ở Aicập; những vụ ném bom bên đường ở Afghanistan; các cuộc tấn công tự sát ở Iraq; và chúng ta không thể quên được nỗi kinh hoàng trong quá khứ về cuộc tàn sát và thủ tiêu của người Khơme đỏ đã gây ra cho hơn 1 triệu người Campuchia.

Quá nhiều nỗi kinh hoàng gợi lên trong tâm trí chúng ta những câu hỏi: Con người với nhau sao lại để cho những đau thương này xảy ra? Những người nhân hậu đâu cả rồi? Tại sao họ không kêu gào lên và ra tay hành động? Tại sao con người lại giữ thái độ thơ ơ lạnh nhạt với người khác như thế? Nên chăng phải để cho người ngoài cuộc không quá ngây ngô trong khi kẻ khác đang lâm vào cảnh thừa chết thiếu sống như vậy?

Mới đây Johanna Vos đã qua đời. Trong thời gian Chiến tranh thế giới II, bà và người chồng của mình là Art đã đánh cược mạng sống của mình khi cho những người hàng xóm Dothái trốn khỏi cơ quan mật vụ Đức quốc xã. Họ và những người khác có hành động anh hùng tương tự đều được biết đến như những “vị cứu tinh.” Những “vị cứu tinh” này là những con người bình thường, mà họ lại lấy sự mạo hiểm lớn lao để cứu các nạn nhân “bên đường.” Người ta ước tín khoảng 500.000 người Dothái được cứu sống nhờ những “vị cứu tinh” trong những ngày kinh hoàng đó.

Một cuộc nghiên cứu được thực hiện về những người như các “vị cứu tinh” này. Câu hỏi được đặt ra là: điều gì làm cho họ liều lĩnh như thế? 50 năm sau, khi được hỏi đến lý do tại sao liều lĩnh cứu người như vậy, thì Johanna và Art trả lời với một cung giọng hết sức bình thường rằng: “Chúng tôi không suy nghĩ gì về việc mình làm. Chúng tôi làm những việc mà bất cứ người nào cũng đều có thể làm.” Nhưng chẳng may, lịch sử lại không xác nhận về việc làm đó; lại có quá nhiều người vẫn còn là người bàng quang khi kẻ khác đang lâm vào cảnh nguy nan. Họ không dám băng qua bên kia đường để ra tay cứu giúp kẻ gặp nạn.

Cuộc nghiên cứu kết luận rằng: những vị cứu tinh đến từ tất cả mọi tầng lớp con người, họ là những người có giáo dục hay không có giáo dục, giàu hay nghèo, những người có niềm tin hay vô thần. (Đó là những thực trạng của người Samarita, những người Dothái bị trấn lột, và bên ngoài vỏ bọc của những người đạo đức tuân thủ luật pháp.) Những vị cứu tinh là những người theo chủ nghĩa cá nhân; trong khi những người khác lại chạy theo nhu cầu của xã hội, họ không biết ngượng ngùng về những việc mà người khác mong đợi họ làm. (Gia đình, bạn bè và xã hội có thể gây ra áp lực và ngăn cản những hành động tốt.) Hơn nữa, nhiều vị cứu tinh có lịch sử về những việc làm tốt, như: thăm hỏi những người trong bệnh viện; sưu tầm sách báo cho sinh viên nghèo; chăm sóc những động vật đi lạc, v.v… Bản báo cáo về những vị cứu tinh cho hay rằng: “Họ đơn thuần là có thói quen làm việc tốt. Vì vậy, khi có một nhu cầu nảy sinh, họ thường xuyên đáp ứng.”

Những ai giúp đỡ cho người tuyệt vọng trong chiến tranh thì đều có ý thức về sự “phổ quát.” Họ không nhìn thấy những người Dothái như thể là người Dothái ưu tiên, nhưng nhìn thấy đó là con người. (Người Samarita trong câu chuyện không nhìn thấy người Dothái hay người Samarita bên vệ đường, nhưng đã nhìn thấy một người bị nạn.) Sau cùng, các cuộc phỏng vấn với những vị cứu tinh chứng tỏ họ tin rằng, ân sủng của lòng tốt sẽ qua đi; đó chính là bản tính tự nhiên trong mỗi con người, nhưng nó phải được trau dồi và nuôi dưỡng. (Điều này khuyến khích chúng ta phải nêu gương cho con cái về việc chăm sóc người khác, đặc biệt đối với những cá nhân nằm bên lề xã hội.)

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

 

Trả lời