Huynh đoàn Khuyết tật Kitô Vua
Một ngày ở Đền Thánh Martin
Ngày Chủ nhật 30/6 vừa qua, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô vua đã có một chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa. Khởi hành lúc 7g30, chúng tôi vượt qua một chặng đường dài, và cuối cùng đã dừng xe lại trước khu vực mái ấm tình thương Mai San vào khoảng 8g55. Tiếng ve râm ran của mùa hạ nơi đây như chào đón chúng tôi, một không khí thoáng mát khiến mọi người cảm thấy khoan khoái sau một chặng đường dài mệt mỏi.
Như đã dự tính từ trước, chúng tôi ghé vào Mai San để thăm các cụ già neo đơn, và tặng một chút quà nho nhỏ gọi là sẻ chia với các cụ. Cha giám đốc của nhà tình thương đã dẫn anh chị em khuyết tật chúng tôi đến từng phòng để thăm các cụ, đến phòng nào Cha cũng giới thiệu vài nét sơ lược về những vị chủ nhân ở đó. Chúng tôi chia nhau hỏi thăm khích lệ các cụ, và cảm thấy các cụ rất xúc động vì có chúng tôi là những người khuyết tật đến thăm viếng. Còn chúng tôi thì xúc động vì thấy đa phần các cụ đã bị giảm thiểu trí nhớ, có mấy cụ phải nằm liệt giường vì bị tai biến, một chứng bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Lại có người bị mất trí vì té ngã, thấy khách đến thăm chỉ mỉm cười, chẳng nói năng chi. Thương các cụ mấy, chúng tôi rồi cũng phải chia tay với họ, để di chuyển sang Hội trường, nơi đã được chuẩn bị cho các hoạt động của buổi hội ngộ giữa chúng tôi và Gia đình Martin.
Khi chúng tôi bước vào hội trường, thì ở đó đã có khá đông anh chị em khuyết tật gia đình Martin, họ và các tình nguyện viên của họ chào đón chúng tôi trong tiếng nhạc tưng bừng và những điệu múa minh họa. Những giây phút đầu tiên của buổi hội ngộ, chúng tôi được nghe những bài hát tràn đầy niềm tin và hy vọng, cùng thưởng thức những điệu múa sôi nổi của các bạn tình nguyện viên trẻ khỏe. Và rồi không gian lắng lại trong những giây phút tập hát chuẩn bị cho thánh lễ.
Trong thánh lễ, cha linh hướng của Gia đình Martin, cha Vĩnh OP. đã nhấn mạnh về vấn đề “từ bỏ”, chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay, ngài nói:
“Ngay cả việc anh chị em đến được với nhau như thế này cũng đã là một sự “từ bỏ”. Chúng ta phải chọn lựa một trong hai, “đi” hay “không đi”, chọn “đi” chúng ta phải từ bỏ những niềm vui riêng, từ bỏ tiện nghi thoải mái nơi nhà riêng của mình, để có thể đến đây gặp gỡ nhau. Nhưng với sự từ bỏ đó, chúng ta có Chúa Ki-tô ở cùng, Ngài hiện diện giữa chúng ta và cùng đồng hành với chúng ta. Có Chúa ở với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi lo lắng…”
Bài giảng của cha đã cho chúng tôi một niềm khích lệ về những quyết định của mình, và cũng mở ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về những sự chọn lựa trong cuộc sống hôm mai. Chúng tôi cất cao tiếng hát, hát bài ca cầu nguyện với thánh Martin trước khi kết thúc thánh lễ, trong niềm tin tưởng vào tấm lòng quảng đại của thánh nhân, vị thánh khi còn sinh thời đã hết lòng yêu thương những người nghèo khổ bệnh tật. Giờ đây, có hơn trăm con người với bằng ấy kiểu thương tật bệnh hoạn đang ở đây, gần bên ngài, chắc chắn ngài sẽ động lòng mà cầu bầu cùng Thiên Chúa cho họ.
Lễ xong, mọi người tản ra giải lao ít phút, trong khi các tình nguyện viên chuẩn bị cho bữa ăn trưa, bàn ăn được dọn ra ngay trong hội trường. Một bữa ăn trưa thịnh soạn với những tình nguyện viên phục vụ hết sức tận tình, làm cho chúng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Khi mọi người đã no nê, các tình nguyện viên lại mau chóng thu dọn bàn ăn, sắp xếp lại chỗ ngồi theo hình chữ U, chuẩn bị cho chương trình giao lưu kết bạn.
Chương trình được mở đầu bằng một bài hát sôi nổi và có sự biểu diễn của nhóm Vui Trong Giê-su, làm cho không khí trong hội trường chộn rộn hẳn lên. Tiếp đó, thay mặt cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, tôi đã giới thiệu sơ lược về tính chất hoạt động của Huynh đoàn, và cùng anh chị em cả nhóm hát lên một ca khúc thể hiện tâm tình sẻ chia, đó là bài hát có tiêu đề “Bài ca người khuyết tật Ki-Tô”. Kế đến, tôi đã thiết tha đọc tặng Gia đình Martin một bài thơ, như một món quà ra mắt, bài thơ “Món quà của Thượng Đế”. Phải, tôi muốn gởi tới mọi người một thông điệp của Chúa Giê-su: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta… Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” Trong linh đạo của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, do cha linh hướng của chúng tôi đã giáo huấn, ngài nói: “Anh chị em hãy học theo gương Chúa Giê-su Ki-tô Vua, Người làm vua trong đau khổ!” Rồi chúng tôi cùng nhau hát những bài hát mang tâm tình gọi Thiên Chúa là Cha và coi nhau như anh chị em một nhà, những bài hát “Ngôi nhà của chúng ta”, “quen biết Giê-su”, “Vì Chúa Ki-tô”… lần lượt được cất lên trong không gian ấm áp của hội trường lúc ấy.
Sau đó, chúng tôi triển khai một trò chơi nêu cao tinh thần tương thân tương trợ, trò chơi “Người dẫn đường”. Trò chơi có nội dung như sau:
Mỗi cặp tham gia trò chơi gồm một người khiếm thị và một người ngồi xe lăn. Người khiếm thị đẩy xe lăn có người khuyết tật vận động ngồi ở trên. Người xe lăn có nhiệm vụ chỉ đường cho người khiếm thị. Các cặp thi đấu xem cặp nào về đích trước. Trò chơi cho mọi người hiểu rằng cho dù có khiếm khuyết đi chăng nữa, nếu biết đùm bọc và nâng đỡ nhau, thì mọi người vẫn có thể ung dung tự tại. Điều này đã xảy ra trong thực tế, tôi đã từng đẩy xe lăn cho một anh bạn bị bệnh sốt bại liệt. tôi thì có người dẫn đường, còn anh bạn thì có người giúp di chuyển dễ dàng trên một con đường có đôi chút gập ghềnh. Và thế là cả hai chúng tôi đều có thể đến chỗ mình cần đến.
Trò chơi đã làm không khí trong khán phòng sôi nổi hẳn lên, tiếng cười tiếng nói át cả tiếng người dẫn đường đang chỉ lối cho người khiếm thị đẩy xe lăn. Tuy các cặp thi đấu đi loạng quạng không theo đúng đường đã quy định, nhưng trò chơi đã làm mọi người được một trận cười no bụng. Sau khi các cặp thi đấu đã về chỗ ngồi, tôi chuyển Mi-crô cho nhóm bạn, thì người quản trò của nhóm tình nguyện viên đã nhanh chóng triển khai lại trò chơi “Người dẫn đường”, với người đẩy xe lăn là người sáng mắt và phải bịt hai mắt bằng một chiếc khăn. Mọi người lại được một dịp cười vỡ bụng, lần này người đẩy xe lăn có vẻ rất chật vật. tôi nghe có người nhận xét rằng, người mắt sáng bị bịt mắt đi loạng quạng hơn người khiếm thị. Khi trò chơi kết thúc, những người mắt sáng đóng vai người khiếm thị đã phát biểu cảm tưởng của họ, nói chung là “khi bị bịt mắt quả thực là rất khó khăn!”
Nhạc lại được trổi lên đầy phấn khích, cùng với các điệu múa minh họa của nhóm Vui trong Giê-su. Mi-crô lại được chuyển đến tay tôi, tôi giới thiệu với mọi người về một thành viên của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, một người khuyết tật tứ chi, kiếm sống bằng nghề chép tranh. Đó là Thiên Phú, người bạn này đã ký trên các tác phẩm do mình sáng tác bằng bút danh “THANK GOD”, tôi đặt ra câu hỏi:
– Tại sao Phú lại chọn bút danh là THANK GOD?
Phú chia sẻ với mọi người về lòng biết ơn của anh đối với Thiên Chúa, trong hoàn cảnh đã bị teo cơ ở cả tứ chi mà anh vẫn có thể vẽ được, anh cảm nhận được những ân sủng Chúa đã ban cho mình, và vì vậy anh đã chọn cho mình bút danh THANK GOD. Là một thành viên của Huynh đoàn, hôm nay Phú đến đây với một bức tranh làm quà tặng cho cha linh hướng của nhóm Gia đình Martin. Bức tranh với tên gọi là “Con đường Giê-Su”, được mở ra trước mắt mọi người, trên đó có hai chữ “THANK GOD” màu đỏ, đã chứng minh cho lời nói của Phú. Tôi cho mọi người biết thêm về hoàn cảnh của Phú, anh phải dùng cả hai bàn tay và một đầu gối mới đỡ nổi cây cọ. Khi vẽ tranh có chiều cao quá tay với, anh phải lật ngược đầu kia lại và phải vẽ với sự tưởng tượng một hình ảnh đối xứng. Đó là một điều cực kỳ khó, và làm được như vậy không phải do sức con người. Chính vì đã trải qua những kinh nghiệm như vậy mà Phú đã cảm nhận được sự can thiệp của bàn tay Chúa quan phòng. Tôi chuyển mi-crô cho người quản trò, anh hỏi chúng tôi:
– Các bạn có yêu mến Đức Mẹ không?
Mọi người còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, vì anh chuyển đề tài một cách đột ngột, thì anh lại hỏi tiếp:
– Các bạn có yêu mến Đức Mẹ nhiều không?
Tiếng lao xao nổi lên khắp hội trường:
-Có! Có! Có…
Ai yêu mến Đức Mẹ nhiều thì mời ra giữa đây, thì ra anh dẫn chúng tôi đến một trò chơi khá thú vị: Người tham gia sẽ nói: “con yêu Mẹ nhiều…” ai kéo dài từ nhiều trong thời gian lâu nhất thì về Nhất. Lần lượt mỗi người theo cách của mình, biểu diễn lòng yêu mến Đức Mẹ bằng câu nói ấy. Anh quản trò có bấm đồng hồ để tính thời gian xem ai nói được dài nhất. Kết quả người về Nhất với thời gian gần 13 giây. Sau tiết mục này, tôi đã mời gọi một bạn khuyết tật thuộc Gia đình Martin chia sẻ cho mọi người về tâm tình của anh. Anh nói:
– Nhà tôi ở Đồng Nai, nhưng tôi phải lên ở trọ trong một ký tuc xá để đi học trên thành phố. Tôi nhớ thời còn đi học, các sơ đã dạy, sống ở đâu thì cũng phải loan báo Tin Mừng. Tôi có thể loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của tôi. Tôi sống trong ký túc xá, nên mỗi sáng sớm, tôi đã phải nhờ người bảo vệ mở cổng cho tôi ra khỏi ký túc xá, để đến nhà thờ. Ngày nào cũng vậy, mới hơn ba giờ sáng, tôi đã ra khỏi ký túc xá để đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tôi tin người ta nhận ra tôi là người Công giáo qua những việc tôi làm, tôi không cần phải la lớn lên cho mọi người biết rằng tôi là người Công giáo. Người ta chỉ tin nếu anh thực sự hành động. Có một anh chàng, tôi biết là người ngoại đạo, nhưng lại cứ tuyên bố mình là người Công giáo, tôi biết anh ta rất rõ… Vì thế, các bạn đừng dễ tin vào những gì người ta nói, mà phải nhìn vào những hành động của họ…
Lời chia sẻ của anh đã gợi ý cho tôi mời gọi sự chia sẻ của một thành viên không Công giáo trong Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô. Người đó tên là Giang, chị tâm sự:
Tôi cảm ơn những lời chia sẻ của chị, và động viên chị hãy cứ hy vọng vào quyền năng của Chúa. Trong không khí lắng đọng của hội trường, tôi kể cho mọi người nghe về câu chuyện của một người không những bị mù cả hai mắt, mà còn bị cụt mất một bàn tay. Nhưng anh vẫn cố gắng học lỏm bạn bè học chơi đàn guitar. Anh muốn sống làm gương cho các em của mình, anh đã từng nói với tôi như thế. Anh là một trong những thành viên lâu năm của Huynh đoàn, nhưng vắng mặt trong buổi hội ngộ này vì anh phải lo mưu sinh cho gia đình. Tôi là một người mù, nên rất hiểu anh Nghĩa cực kỳ khó khăn trong sinh hoạt, vì còn đủ hai bàn tay như tôi là một lợi thế rất lớn. tôi cũng chia sẻ với mọi người về sự kiện Nick đến viếng thăm Việt Nam. Một người không có chân tay như Nick, quả là cực kỳ khó khăn, anh đã làm được những việc kỳ diệu, nhưng nếu đem so với anh Nghĩa, tôi thấy Nick đã có rất nhiều lợi thế của những máy móc trợ giúp. Trong khi anh Nghĩa chỉ mong có ai đó dạy đàn cho mình mà cũng không có. Anh Nghĩa chẳng có gì, ngoài nghề đi bán vé số. Tôi còn có chữ Braille, có computer hỗ trợ … Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người, đó là anh Nghĩa đã sống xứng đáng với những gì anh mong muốn. Tôi đã từng nghe anh chơi đàn guitar, tiếng đàn của anh tuy thô sơ, nhưng nó đã làm cho tôi xúc động biết bao.
Đặc biệt, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua hôm nay còn có sự hiện diện của các sơ dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su, có cả sơ bề trên cùng đi. Sơ bề trên người Đài Loan, qua người thông dịch sơ đã nói lên niềm vui của mình vì được tham dự buổi giao lưu này. Rồi các sơ vừa hát vừa múa cho chúng tôi xem, bài hát bằng tiếng Đài-loan, chúng tôi không hiểu nhưng nghe giọng hát thánh thót như chim của các sơ, khiến chúng tôi cảm nhận được sự thánh thiện toát ra từ đó. Tôi cảm ơn các sơ đã có tình cảm ưu ái với anh chị em khuyết tật, và cầu chúc các sơ được tràn đầy ân sủng của Chúa.
Chúng tôi trở lại với không khí vui nhộn với những lá thăm xem ai may mắn trúng giải. Tôi nhờ cha Vĩnh xổ số, cha vừa kiểm tra những lá thăm vừa nói những câu tiếu lâm khiến không khí thật rộn rã…
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia ly. Chúng tôi trao cho nhau những lời hứa hẹn, hẹn có dịp gặp lại nhau ở Sài Gòn. Những món quà nhỏ được trao tặng, những lời cảm ơn chân thành, chúng tôi biết ơn những gì các tình nguyện viên đã nhiệt tình phục vụ, và đặc biệt biết ơn quý cha, quý thầy đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có được một ngày vui đầy ý nghĩa ở đền thánh Martin. Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi cầu nguyện với thánh Martin, ngay trong hội trường này có đặt một phần xương cốt của ngài, chúng tôi dâng cho thánh nhân những tâm tư nguyện vọng của mình để được ngài cầu thay nguyện giúp. Cuối cùng cha Vĩnh OP ban phép lành và cầu chúc mọi người về bình an. Rồi tất cả chúng tôi dắt díu nhau ra trước tượng đài thánh Martin chụp hình lưu niệm.
Tôi đặc biệt nhớ đến cha Giu-se Nguyễn Trọng Viễn, cha linh hướng của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, đã vắng mặt trong ngày vui này vì bận rộn công tác. Tôi cũng hết sức cảm ơn cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Đào Trung Hiệu, chính ngài đã tạo cho chúng tôi rất nhiều điều kiện thuận lợi để có được ngày hôm nay. Chúng tôi càng không thể nào không nói đến tấm chân tình của các vị ân nhân thầm lặng, của thầy đồng hành Giu-se Đinh Văn Hán đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi nhỏ bé tầm thường chẳng biết làm gì, chỉ biết cầu xin thiên Chúa đổ xuống muôn ơn cho các vị.
Rời đền thánh Martin, chúng tôi trở về Sài Gòn trước sự chia tay bịn rịn của Gia đình Martin và lời hứa sẽ lên thăm chúng tôi. Tượng đài thánh Martin tràn ngập nắng chiều, những giọt nắng reo vui nhảy múa trong lòng tôi, với niềm tin rằng thánh Martin luôn thương yêu và bầu cử cho chúng tôi trước nhan Thiên Chúa, vì ngài là vị thánh của người nghèo khổ bất hạnh. Tôi tin chắc như vậy!
Lucia Vũ Thủy