Truyện ngắn: Tèo đi tu

 

TÈO ĐI TU

 

Truyện ngắn: Tèo đi tuSau những ngày mưa bão, trời nắng ấm trở lại. Quang cảnh cánh đồng lúa hôm đó thật nhộn nhịp. Mọi người đang cố gắng vớt những cây lúa bị mưa bão vùi dập, nâng chúng lên khỏi mặt nước và rửa bùn bám trên lá. Môt số trẻ em đang dắt trâu ra bãi cỏ, lùa vịt vào những đìa kế bên. Tranh thủ lúc đàn vịt đang mải mê kiếm mồi, lũ trẻ tranh thủ rủ nhau chơi chọi gà. Mặt trời dần lên cao. Các chú chim hót ríu rít báo hiệu một ngày đẹp trời. Gia đình Tèo cũng hòa vào nhịp sống ấy. Tèo đi vớt lúa cùng ba mẹ.

Thấy con có vẻ trầm ngâm, khác với bản tính sôi nổi của Tèo, ba Tèo phân vân: không biết nó có chuyện gì? Nhưng nhìn vào vẻ mặt của Tèo, ông không thấy Tèo có vẻ gì là buồn cả, Tèo như đang nhìn vào một chốn xa xăm nào đó, nhưng rất thanh thản. Nhìn ngang, nó thấy được những thắc mắc trong ánh mắt của ba, nó bạo dạn nói:

– Ba ơi, con muốn đi tu.

– Đi tu hả ! Nhưng sức khỏe của con đâu có tốt lắm. Con đâu đã học đại học, mà nhà ta lại nghèo ?

Suy nghĩ một lát, ba nó tiếp.

– Con nên suy nghĩ cho thật kỹ, cầu nguyện thật nhiều để biết ý Chúa. Nếu con quyết tâm theo con đường tu trì, thì ba không ngăn cản. Tuy nhiên, ba cũng nói để con biết trước, đi tu không hẳn là sung sướng như ta thường nghĩ đâu, phải hy sinh nhiều lắm đấy.

Nghe hai cha con nói chuyện, mẹ Tèo chỉ mỉm cười, đúng với bản tính kín đáo của bà. Dù là lần đầu tiên nghe Tèo bày tỏ ý định đi tu, nhưng bà không tỏ vẻ ngạc nhiên. Sau cùng, bà nhỏ nhẹ nới với Tèo :

– Con hãy nghe theo lời ba, suy nghĩ và cầu nguyện thật nhiều rồi hãy quyết định. Má sẽ thêm lời cầu nguyện cho con.

* * *

Năm Tèo lên mười hai tuổi, môt tai nạn bất ngờ ập xuống nhà Tèo. Tèo bị thương nặng. Ba mẹ Tèo đôn đáo tìm thầy, chặy thuốc lo cho Tèo. Nhưng thương tật của Tèo ngày một nặng thêm, sức khỏe Tèo ngày môt xấu đi. Dường như các bác sĩ đã hết cách cứu chữa. Trong cơn tuyệt vọng đó, má Tèo đã âm thầm chạy đến Đền thánh Martinô ở Hố Nai. Bà nhìn lên thánh Martinô mà khóc, cầu xin thánh nhân phù giúp cho Tèo tai qua nạn khỏi. Bà hứa sẽ cho Tèo đi tu nếu Tèo sống và khỏe trở lại. Ravề, bà thấy bình an lạ thường, lo lắng giảm bớt. Thế rồi phép lạ đã xảy ra trước sự ngỡ ngàng của người cha nhưng lại không lạ lùng đối vớingười mẹ. Tèo cựa cuôi, đòi ăn và khỏe dần trước những thắc mắc của các y bác sĩ.

* * *

Vào một buổi sáng đẹp trời cha con Tèo vào gõ cửa Tu Viện. Cha Bề Trên đi vắng, cha Phó Bề trên ra tiếp. Sau khi nghe ba Tèo trình bày, Cha Phó Bề trên tỏ ý ái ngại. Tèo « mỏng mảnh quá », lại còn ít tuổi. Ngài khuyên Tèo sau vài năm quay lại.

Nhưng Chúa chẳng chịu thua ai về lòng quảng đại, Người đóng của này thì lại mở cửa kia. Cha Bề trên về. Sau khi nghe cha Phó trình bày trường hợp của Tèo, nhận thấy lòng khao khát dấn thân của Tèo, cha Bề trên đồng ý cho Tèo ở lại.

Chia tay ba ở cửa Tu Viện, những tưởng Tèo sẽ rất buồn vì đây là lần xa gia đình đầu tiên ; nhưng không, ao ước được sống trong nhà Chúa bấy lâu nay được thực hiện đã lấn lướt nỗi cô đơn, nhớ nhà của Tèo, Tèo vui sướng, hân hoan vì đang dần thực hiện được những giấc mơ. Trong môi trường mới, Tèo có những người bạn mới, những người bạn cùng chung chí hướng ; Tèo có một cuôc sống mới, một cuộc sống có nhiều điều kiện để gặp Chúa hơn.

Qua lần gặp cha Bề trên, Tèo đã hiểu thêm nhiều về đời sống tu trì. Tèo biết trong Dòng có hai « bậc » sống, hai lối diễn tả khuôn mặt Chúa Giêsu, hai cách thế sống và rao giảng Tin Mừng : Tu sĩ hướng tới tác vụ linh mục và tu sĩ không lãnh tác vụ này. Qua tìm hiểu, Tèo nhận thấy bản thân mình thích hợp với ơn gọi Tu huynh, tức đi tu nhưng không làm linh mục. Có một số người chia sẻ với Tèo về những khó khăn của đời sống Tu huynh. Ban đầu, Tèo cũng hoang mang nhưng mỗi lần như vậy, Tèo cầu nguyện và thấy được bình an. Tèo cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, thấy dấu chân Chúa trên hành trình ơn gọi của mình, thấy bàn tay Chúa dẫn dắt nâng niu cuộc đời. Tèo cũng nhận thấy sự ưu ái Chúa dành cho mình trong ơn gọi mà Tèo đang đi. Tèo nghĩ rằng ơn gọi này sẽ là tốt nhất cho Tèo. Vì thế, Tèo bình an, hạnh phúc bước đi. Tèo nhận thấy giá trị đời tu không nằm ở chức vụ này nọ, nhưng nằm ở tấm lòng yêu mến và sự đáp trả tình thương của Chúa trong vai trò của mình. Mỗi người được mời gọi giữ một vai trò nào đó để xây dựng cộng đoàn. Mỗi vị trí đều có giá trị của nó. Thậm chí, « bô phận nào xem ra yếu đuối nhất thì lại cần thiết nhất » (1Cr 12,22) và được nâng đỡ nhiều nhất.

Một lần, Tèo thưa với cha Bề Trên :

– Thưa cha, con lo lắng, không biết sau này con có làm được gì cho Dòng không ?

– Cha Bề trên cười hiền từ và nói : Gần đây, cộng đoàn ta đón một thầy Phó tế từ cộng đoàn khác chuyển tới. Thầy cũng hỏi cha câu mà con vừa hỏi. Cha nói nửa đùa nửa thật : Em đừng có lo về điều ấy, điều quan trọng là anh em có « chơi » , có « sống » được với nhau không đã, còn chuyện làm được gì hay không thì sẽ tính sau. Con ạ, đối với Dòng ta, trước tiên, mỗi người hãy « trở nên người anh em » đã. Điều đó cần thiết hơn cả. Sau lần gặp đó, Tèo thấy bình an hơn, thanh thản hơn. Nếu sau này Tèo có trở thành tu sĩ của Dòng, tu sĩ không « chức » linh mục chăng nữa, điều quan trọng và trước tiên là trở nên người anh em của những anh em khác, chứ không phải là sẽ làm chức gì, làm được những gì hay thậm chí cứu được bao nhiêu linh hồn… Chính những lời đó của cha Bề trên đã nâng đỡ Tèo trong hành trình theo Chúa. Tèo thầm hứa với lòng mình sẽ cố gắng sống chân thành, yêu thương, phục vụ anh em. Tèo thấy thật hạnh phúc vì đã chọn theo con đường tu trì.

Tèo về thăm nhà. Ba mẹ và mấy đứa em quây quần nghe Tèo kể về đời tu. Nhà Tèo rộn vang tiếng cười. Biết tin, mấy chú hàng xóm cũng tới chơi, « xem thằng Tèo đi tu về có lớn tí nào không, có chững chạc hơn không ? ». Nghe Tèo kể về những ngày đầu đời tu trì, các chú rất thích ; nhưng khi nghe Tèo nói là lựa chọn ơn gọi Tu huynh, các chú đều ngạc nhiên : « Đi tu mà không làm linh mục thì đi làm gì, tu mà không làm linh mục thì cũng như không… có chú còn nói : ngày xưa có ít « cụ », người đi tu còn được kính trọng, chứ ngày nay đi tu nhiều, người ta thấy cũng thường… nói gì đến chuyện tu sĩ không chức linh mục.

Nghe các chú nói, Tèo biết là các chú hiểu sai về đời sống tu trì, cuộc đời dâng hiến. Tèo có giải thích chút ít nhưng xem ra các chú chưa hiểu. Tuy nhiên, may mắn cho Tèo, Ba mẹ Tèo hiểu và rất ủng hộ quyết định của Tèo. Thấy con vững vàng trong quyết định của bản thân, ba Tèo mừng vì Tèo đã lớn, suy nghĩ đã trưởng thành ; ông nói : « Nếu con thấy yêu mến đời tu, yêu mến con đường hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân thì con cứ vững bước, còn nếu con đi tu để được « vênh vang » hay để giúp đỡ ba mẹ… thì con nên thôi ngay. Nói vậy, chứ ba tin là con đã đủ lớn để hiểu điều này. Cố lên con ạ! Ba Mẹ hy vọng ở con .»

Con cứ xem thánh Martinô – mẹ Tèo nói – Ngài vào nhà Dòng với tâm tình phục vụ vô vụ lợi. Thậm chí, Ngài chẳng nghĩ tới việc trở thành tu sĩ. Ngài vào đó để phục vụ trong khiêm hạ, không danh phận. Mẹ thấy đời tu của Ngài cũng có lúc sóng gió, có lúc bị anh em hiều lầm. Nhưng Ngài vẫn gắn bó với Chúa, yêu Chúa và người nghèo hết lòng. Vì thế, Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công nơi cuộc đời Ngài. Con nên nhìn vào tấm gương ngời sáng đó mà noi theo. Con cũng sẽ thấy những điều kỳ diệu Chúa làm trên cuộc đời con.

Nghe ba mẹ nói, Tèo như « mở từng khúc ruột ». Tèo thầm cảm ơn Chúa đã nâng đỡ Tèo, ban cho Tèo có người cha, người mẹ thật tốt. Từ biệt ba mẹ, các em và những người thân thuộc, Tèo trở về Tu viện với tinh thần mới, sức sống mới và lửa nhiệt thành mới.

Nhìn Tèo khuất dần sau rặng tre làng, mẹ Tèo hướng lòng lên thánh Martinô, dâng những lời nguyện xin, phó thác Tèo cho thánh nhân. Bà vẫn coi những việc như vậy là « bùa hộ mệnh » cho đứa con yêu quý của bà./.

Mai Tuyến, OP

 

Trả lời