CN 26B: Phải chi toàn dân đều là ngôn sứ!


Phải chi toàn dân đều là ngôn sứ!

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48

Lm. Jude Siciliano, OP.

 (HV Đaminh chuyển ngữ)

CN 26B: Phải chi toàn dân đều là ngôn sứ!Kính thưa quí vị,

Trong bài đọc thứ nhất, chàng thanh niên Giôsuê phàn nàn với ông Môsê rằng hai người đang phát ngôn trong trại, hai người này không đến tham dự cùng bảy mươi hai kỳ mục khi Đức Chúa ban một phần Thần Khí của Môsê trên họ. Ông Môsê trả lời: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”

Enđát và Mêđát được chọn vào nhóm các kỳ mục, nhưng vì một lý do gì đó, họ đã không hiện diện khi Thần Khí được ban cho các kỳ mục. Giôsuê, người thân tín của Môsê, ra như bực bội với sự rộng lượng của Thiên Chúa và nhóm của ông mất đi đặc quyền về ân huệ ấy. Thiên Chúa không bị cản trở hay bị giới hạn bởi phê phán mà chúng ta muốn gán cho Thiên Chúa. Đôi khi ngay cả những người nhiệt thành còn nói: “Thiên Chúa làm ở đây – chứ không phải ở kia. Thiên Chúa hiện diện nơi tôn giáo này, không phải nơi tôn giáo kia. Phải cầu khẩn Thiên Chúa theo cách này chứ không theo cách đó”.

Những rào cản mà chúng ta dựng nên không thể cản trở được Thiên Chúa. Thiên Chúa có cách tìm ra được Enđát và Mêđát cho dù họ ở bất cứ nơi đâu và, cho dù họ có vắng mặt trong cộng đoàn các kỳ mục đi nữa, thì Thần Khí của Môsê vẫn ngự xuống trên họ. Vì vậy, như các kỳ mục khác, họ vẫn phát ngôn trong trại Israel.

Người thanh niên đến phàn nàn cho thấy lòng dạ hẹp hòi của anh. Anh cho rằng chỉ có “người phát ngôn đã được chấp thuận” mới có quyền nói tiên tri cho dân chúng. Anh nói, như người ta vẫn thường nói, “Hoặc họ thuộc về chúng ta hoặc họ chống lại chúng ta”. Nếu như họ không thuộc về đội chúng ta – trong câu lạc bộ, trong nhóm cầu nguyện, cùng với chúng ta trong các cuộc phản đối, … thì họ chống lại chúng ta. Cũng những người đó có thể nói, bằng một thứ lập luận hợp lý không rõ ràng, “Nếu họ không ở với chúng ta, Thiên Chúa không thể ở cùng họ”.

Bài đọc trích trong trong Dân số hôm nay là một trong những bản truyên cáo sớm nhất trong Kinh thánh về sự tự do, về bản tính phổ quát và bao la của Thần khí Thiên Chúa. Đám mây xuất hiện ở đầu câu chuyện bày tỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa và là một khẳng định về toàn bộ sự kiện. Thiên Chúa trong toàn bộ Thánh kinh thì rộng lớn hơn những gì chúng ta có thể tiếp nhận được. Thần khí Thiên Chúa không thể bị cột chặt với những chức vụ được trao cách chính thức. Mặc dù Giôsuê có phản ứng, nhưng Môsê nhận ra lòng quảng đại của Thiên Chúa, “Phải chi toàn dân đều là ngôn sứ!” Nếu Thiên Chúa hà khắc hay đố kỵ, thì chúng ta sẽ ra sao?

Đức Giêsu đích thực là con người của thời đại mình. Dân chúng tin bệnh tật và bất hạnh là sản phẩm của ma quỉ và tà thần. Vì thế, những nghi thức trừ quỉ, cả trong thế giới tôn giáo và trần tục, khá phổ biến. Các thầy trừ tà dân ngoại hay Do thái cố gắng chữa cho dân chúng bằng việc tống ma quỉ ra khỏi người bệnh.

Xem ra các môn đệ của Đức Giêsu muốn dành riêng cho họ quyền giải thoát khi Người trao cho họ. Họ cố chấp – trong khi Đức Giêssu khoan dung. Họ chiếm hữu – còn Đức Giêsu trao ban. Họ muốn kiểm soát chặt chẽ – nhưng Đức Giêsu lại muốn cho những người bên ngoài được vào. Giáo hội không phải là một câu lạc bộ riêng tư, hay một cộng đoàn khép kín. Mahatma Gandhi cho rằng Thiên Chúa đã đổ Thần Khí trên tất cả những người được thanh tẩy và, ngay cả trên những người không thuộc cộng đoàn, nếu kinh nghiệm của chúng ta cho biết như thế.

Ân sủng của quyền năng Thiên Chúa không dựa trên việc chúng ta nói “lời chính xác” trong nơi thánh “thích hợp”. Tình yêu chữa lành của Thiên Chúa không giới hạn với thời gian của chúng ta, hay việc chúng ta không cần đến tình yêu ấy. Bao nhiêu người trong chúng ta nỗ lực xua đuổi ma quỉ của nghèo đói, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, vv. Bao nhiêu người trong chúng ta nhận ra chính mình đang đồng hành với những người không “thuộc nhóm chúng ta”

Chứng nhân Kitô hữu đã gánh chịu biết bao tổn hại qua nhiều thế kỷ vì sự hẹp hòi của sự bất đồng trong Giáo hội; cùng với những hành động tố cáo và kết án công khai? Đấy là chưa kể đến những trở ngại bị ép buộc, tra trấn, áp chế tinh thần – và cọc thiêu! Lẽ ra chúng ta cần bớt lo lắng và ít lý luận về tín điều và quan tâm hơn cách chúng ta sống Bài giảng trên núi. Chẳng lẽ tình thương chúng ta dành cho nhau không trở thành hình thức mặc định áp dụng cho mọi Kitô hữu sao? Chẳng lẽ tình thương sẽ không ngăn chúng ta tố cáo lẫn nhau? Chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn thống nhất với nhau, nhưng chúng ta ít nhất có thể đáp lại lời khẩn khiết của Rodney King, sau khi ông bị cảnh sát Los Angeles tấn công vào năm 1991, “Chúng ta tất cả không thể hoà thuận với nhau sao?”

Trong nền văn hoá Địa trung hải thời Đức Giêsu, việc thuộc về một gia đình hay một nhóm hệ tại ở chính sự nhất trí của một người. Người phát biểu như một thành viên của nhóm khi nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Nếu bạn thuộc về một nhóm, bạn cần phải trung thành với nhóm – dù thế nào đi chăng nữa. Đức Giêsu mở ra “não trạng nhóm” cho các môn đệ và muốn các ông xem những người dù không thuộc nhóm, như những thành viên trung thành, khi họ nói và hành động nhân danh Người.

Sự hẹp hòi của Giôsuê cũng giống như các môn đệ của Đức Giêsu, họ cho thấy sự bày tỏ sự hẹp hòi đối với những người chữa bệnh và trừ quỉ “không chính thức”, họ dùng danh Đức Giêsu để chữa bệnh. Reginald H Fuller (“Giảng sách bài đọc: Lời Chúa cho Giáo hội hôm nay”, tr.353) cảnh báo việc các Kitô hữu đương thời chống lại “sự kiêu ngạo của hàng giáo sỹ”, phớt lờ hay phá đi những đặc sủng của người giáo dân, hoặc những người không thuộc Giáo hội, thay vào đó là việc đón nhận và ủng hộ những công việc mà Thần Khí đang tác động qua họ. Chúng ta được phong chức không phải để có mọi câu trả lời. Như Môsê, chúng ta cần khám phá và cổ võ ân sủng của Thánh Thần, được Thiên Chúa ban, cho tất cả những ai mà Thiên Chúa chọn.

Đức Giêsu cho thấy những thành viên nào là mối bận tâm chính đối với Người và, vì vậy, cũng phải là mối bận tâm của các môn đệ của Người. Chúng ta phải quan tâm đến những người mà Đức Giêsu mô tả như “những kẻ bé nhỏ tin vào tôi…”. Đây không phải là những trẻ nhỏ, nhưng là những môn đệ trưởng thành mà Đức Giêsu gọi là “trẻ nhỏ”. Đức Giêsu không muốn niềm tin của “những trẻ nhỏ”, những kẻ tin vào Người và là thành viên của cộng đoàn, bị lung lay bởi thái độ của các môn đệ, những người được chọn gọi để dẫn dắt họ.

Tôi biết một số người Công giáo dày dạn kinh nghiệm, họ được liệt vào hàng ngũ “những trẻ nhỏ” của Đức Giêsu, họ bức xúc bởi những tội ác và những dối trá của một số vị lãnh đạo trong Giáo hội những năm gần đây. Họ đã phủi tay trong tuyệt vọng và giận dữ và bước ra khỏi cánh cửa Giáo hội, quyết không trở lại. Đức Giêsu dùng lối cường điệu để mô tả sự trừng phạt mà những kẻ làm gương mù phải chịu. Chúng ta sẽ không cột cối đá quanh cổ của kẻ làm gương mù và dìm chúng xuống biển. Nhưng dù có cường điệu hay không, chúng ta cũng biết Đức Giêsu giận dữ thế nào khi chúng ta lơ là trách nhiệm mình đối với “những trẻ nhỏ”.




Trả lời