Chúa nhật 02 PS B: Hãy tin


Hãy tin

15/04/2012
 Cv 4: 32-35; I Ga 5: 1-6; Ga 20: 19-31
Lm. Jude Siciliano, OP.
Học viện Đaminh chuyển ngữ


 

Chúa nhật 02 PS B: Hãy tinKính thưa quí vị,

Quí vị có thực sự chê trách Tôma không? Làm sao ông có thể chấp nhận những gì mà các môn đệ khác đang nói với ông, “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa”? Ông Tôma có thể kinh nghiệm được gì khác trong cuộc đời mình qua lời các môn đệ đang xác quyết? Những điều mà các môn đệ đang nói với ông chẳng có chút ý nghĩa gì cả. Ở đây không phải là vấn đề họ thân thiết thế nào với ông trong suốt khoảng thời gian cùng đồng hành với nhau.

Khi một người mà chúng ta yêu thương và tin tưởng lại nói một điều gì đó khiến người khác nghi ngờ, thì chúng ta vẫn tin người thân của mình vì mối quan hệ mật thiết với chúng ta. Nhưng có những điều không thể tin được – ngay cả khi những người thân thiết nhất với chúng ta vẫn khăng khăng như thế. “Sự phục sinh từ cõi chết” được liệt vào đầu danh sách những điều “không thể tin được”. Chẳng có ai hy vọng Đức Giêsu sống lại – trước Người không có ai làm được như vậy nên chẳng có cơ sở gì đáng tin là Người thực hiện được điều đó – mặc dù lời tuyên bố rất khẳng khái được phát ra từ miệng các môn đệ rằng, “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa.”

Nhưng nếu Đức Giêsu thực sự trỗi dậy, thì đó chỉ là trận bóng hoàn toàn mới mà thôi. Chẳng có gì giống như trước cả. Các môn đệ của Người có lẽ đã nhìn về cuộc đời của họ và cuộc sống nói chung theo một cách hoàn toàn mới lạ. Có lẽ họ lập lại những gì mà họ nghe được từ Đức Giêsu nói trước đây, những điều đó thoạt đầu các môn đệ cảm thấy khó nghe và vô lý, thì nay họ nghe lại với đôi tai mới và cách hiểu mới. Chẳng hạn như: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất… Kẻ rốt hết sẽ lên hàng đầu, người trước hết sẽ… Nếu hạt lúa không gieo vào lòng đất và chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt… Đi bán tất cả những gì anh có và đem chia cho những người nghèo rồi đến đây theo tôi…”

Với lối nhìn của thế gian những lời dạy như thế quả là ngây ngô và không thể nào thực hiện được. Nhưng nếu các môn đệ của Đức Giêsu nói đúng và họ đã “nhìn thấy Chúa thật,” thì mọi người và mọi vật phải được nhìn thấy qua lăng kính của sự phục sinh. Cuộc đời mà Đức Giêsu đã sống và mời gọi các môn đệ đi theo thì bây giờ có thể thực hiện được – nếu Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, đúng như lời các môn đệ loan báo cho ông Tôma.

Trình thuật về sự hiện ra sau phục sinh của Gioan (và Luca) có chi tiết hơn của Máccô và Mátthêu. Thánh Gioan viết cho những thế hệ muộn hơn, như chúng ta, là những người không chứng kiến. Thánh Gioan viết cho những người muốn nói rằng, “Tôi ao ước được có mặt ở đó thì dễ tin hơn nhiều.” Ông Tôma là một người phát ngôn giỏi cho những lưu truyền của chúng ta, ông đã đưa nói thay cho những ngờ vực của chúng ta. Vì Tôma nói ra những lời lẽ hết sức nghi ngờ, “Nếu tôi không thấy dấu đinh…,” nên lời tuyên bố về niềm tin của ông đã thuyết phục chúng ta hơn. Những anh chị em chính thống của chúng ta đã tạo cho mình một cảm nghiệm rất riêng và thậm chí rất cảm động đối với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Chúng ta không theo truyền thống đó. Nhưng trong những tuần này, các câu chuyện phục sinh của chúng ta vẫn dẫn dắt mọi người đến trải nghiệm rất riêng về Chúa Kitô với cách thức khác nhau. Vài người gặp Chúa Kitô như một người họ nghĩ là xa lạ – Maria Mađalêna trong khu vườn, hai môn đệ trên đường về Emmaus. Số khác được sức dầu bởi Thánh Thần của Người và họ gặp Đức Kitô khi cầu nguyện với nhau. Phêrô và Gioan có kinh nghiệm về quyền năng của Đức Kitô ở với họ khi chữa lành người hành khất tàn tật khi họ vào Đền thờ (Cv 3, 1-10).

Ông Tôma, người đa nghi, cuối cùng đến đối diện với Đức Kitô và thực hiện một hành động lớn lao trong niềm tin, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Ông Tôma đã đi từ hoài nghi đến xác tín. Nhờ thuyết hoài nghi của Tôma mà chúng ta biết được rằng Đức Kitô không chỉ đơn thuần là hồn ma đi thăm lại chốn quen. Nhưng những vết thương của Người là thực, lỗ đinh nơi người có thể đụng chạm được. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi ông Tôma và cả chúng ta hãy vượt lên trên việc tìm kiếm chứng có thể đụng chạm được để “Tin”, dù không nhìn thấy.

Trong những cách thức khác, mỗi người chúng ta đến để có kinh nghiệm về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Trong khi hầu hết chúng ta được rửa tội khi còn bé và niềm tin của chúng ta ngay từ đầu được xây dựng trên những lời tuyên xưng của người khác, chúng ta có thể tự chất vấn với chính mình rằng “Chúng ta đã nhìn thấy và đụng chạm Chúa phục sinh theo cách riêng của mình như thế nào?”

Đối với một số người, chúng ta gặp Đức Kitô qua Bí tích Hòa giải, ở đó chúng ta nghe những lời tha thứ và bảo đảm nhận được cùng một sự chữa lành mà các môn đệ đã trải nghiệm khi Chúa Giêsu xuất hiện ở giữa họ và nói, “Bình an cho anh em”. Chúng ta cũng cảm nghiệm sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua việc bẻ bánh, như hai môn đệ trên đường Emmaus đã trải qua. Những ai được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh đều nói rằng họ đã cảm nhận, nhìn thấy và đụng chạm đến Chúa Kitô phục sinh nơi những người dạy giáo lý và đỡ đầu cho họ, những người đồng hành với họ trong hành trình đức tin.

Có lẽ chúng ta đã gặp Chúa Kitô nơi một người đang hấp hối dù họ đón nhận niềm khi sự chết gần kề. Hoặc là chúng ta đã đi qua một giai đoạn mất mát và thất bại nào đó, và rồi nhận ra thấp thoáng hình ảnh của một sự sống mới đang mở ra trước mắt chúng ta. Tình yêu của người khác dành cho chúng ta nhiều khi là những cảm nhận cụ thể khiến chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết dường nào – nói cách khác, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã nhìn thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.

Ngày nay tôi mong muốn sống trong Giáo hội lý tưởng như là bức tranh mà thánh Luca đã vẽ về Giáo hội thời sơ khai trong bài đọc Công vụ Tông đồ hôm nay. Ngài mô tả các Kitô hữu đều “một lòng một ý.” Ngài nói rằng họ là một Giáo hội nơi đó không có ai túng thiếu và mọi người đều chia sẻ của cải mình có, giống như một gia đình hoàn hảo. Nghe như là gia đình Ozzie và Harriet kỳ cựu trước đây được trình chiếu trên truyền hình. Không còn hận thù cá nhân, chẳng khác biệt tôn giáo hoặc tranh chấp, cũng không có phân biệt giáo dân hay giáo sĩ, không còn bất lương, cũng không tranh cãi về phụng vụ hay chủ nghĩa cá nhân,… Thánh Luca như đang mô tả về các thụ tạo từ một hành tinh khác vậy! Chứ không phải tả về Giáo hội mà chúng ta đang sống.

Quí vị đã hiểu là thánh Luca muốn đang lý tưởng hóa cộng đồng Kitô giáo tiên khởi vì trong chương kế tiếp (5,l-11) có hai thành viên của Giáo hội, Ananiô và Sapphira, họ nói dối và lừa gạt, đang sắp đặt những chương trình giả trá từ việc bán của cải trước mặt các Tông đồ. Họ đã chết vì việc làm sai trái này. Vì thế, qua cách kể chuyện của mình, thánh Luca muốn giới thiệu đôi nét về thực trạng trong Giáo hội sơ khai. Và chúng ta trả lời rằng, “Bây giờ thực trạng đó còn hơn thế nữa!”

Cũng vậy, thánh Luca dường như đang trình bày với chúng ta một lý tưởng. Không cộng đoàn giáo xứ hay tôn giáo nào, mà cũng chẳng chẳng phải vấn đề những thành viên cảm thấy mình tốt ra sao, về các việc làm phụng vụ và những việc đạo đức của họ, lại là nội dung mà thánh Luca nói về Giáo hội. Ngài ra như mô tả về những gì mà chúng ta sẽ thấy, chẳng hạn cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu sống động nhờ Thần Khí của Người. Khi lắng nghe mô tả của ngài về cộng đoàn Kitô hữu ấy, chúng ta chỉ có thể nói với chính mình rằng “Chúng ta có nhiều chỗ cần cải thiện”.

Có những giai đoạn chúng ta rất tự hào về giáo xứ của mính. Chúng ta dường như đã phản chiếu rất tốt hình ảnh về Đức Giêsu. Nhưng lại có những thời gian, chúng ta biết rằng mình còn một con đường dài để đi. Ý thức về những thiếu xót của mình, chúng ta chuẩn bị cho ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa chúng ta lại cầu nguyện cho Giáo hội, “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, giúp chúng con dễ dàng nhận ra một cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Giúp chúng con tha thứ cho nhau, quan tâm đến những nhu cầu của nhau và đồng tâm nhất trí vui mừng cử hành các phụng vụ ngợi ca và chúc tụng”.

 


 

 

Để lại một bình luận