Cn 03 Chay B : Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán…

 

 

Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán…

 

Cn 03 Chay B : Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán…Hãy thử tượng tượng, nếu như một ngày nào đó, bỗng nhiên có một số người tụ tập trước dãy phố nhà của bạn, họ bày bán đủ mọi thứ, tôm, cá, gà, vịt v.v… Nói chung, họ tạo ra một ngôi chợ tự phát, một ngôi chợ chồm hổm !

Vâng, chắc hẳn cư dân ở dãy phố đó không thể không khó chịu bởi những tiếng rao, tiếng mời chào, tiếng trả giá, tiếng cãi cọ vì cân đo đong đếm, tiếng gà vịt kêu quang quác, cạp cạp… Và chắc hẳn họ sẽ không im lặng vì những mùi xú uế của tôm , cá, gà, vịt bài tiết ra.

Hãy thử tượng tưởng thêm một lần nữa, nếu trước kia, khu chợ chuyên buôn bán súc vật: chim, chó, mèo, gà v.v.. tọa lạc nơi vỉa hè đường Hàm Nghi, được chính quyền thành phố cho phép di dời về vỉa hè chung quanh ngôi nhà thờ Đức Bà ! Vâng, chắc hẳn thẩm quyền Tòa Giám Mục cũng như vị linh mục chánh xứ nhà thờ Đức Bà không thể không buồn bực và rất có thể các vị đó có phản ứng.

Tưởng tượng vậy thôi chứ chẳng có chính quyền thành phố nào lại cho phép những sự việc đó xảy ra nơi tôn nghiêm. Thật ra, tưởng tượng như thế là để thấy rằng, câu chuyện năm xưa Đức Giêsu đã phẫn nộ trước cảnh những người bán chiên, bò, bồ câu nơi Đền Thờ Giêrusalem, là điều dễ hiểu.

Hãy ngược dòng thời gian, trở về quá khứ đến thành Giêrusalem để xem chuyện đó đã xảy ra như thế nào.

Vâng, Giêrusalem hôm đó náo nhiệt khác thường. Khác thường cũng phải, bởi hôm đó “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Tưởng cũng nên cần biết, người Do Thái có ba ngày lễ quan trọng : lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Tạm và lễ Vượt Qua. Theo truyền thống, tất cả mọi người Do Thái hàng năm đều phải lên Giêrusalem dự ba ngày lễ này.

Chính vì thế, cũng như mọi thành phần dân Chúa, “Đức Giêsu lên thành Giêrusalem”. Đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu lên thành Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Năm mười hai tuổi, Đức Giêsu cũng đã cùng với cha mẹ của Ngài “trẩy hội đền Giệrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2, 41-42).

“Trẩy hội” hay bây giờ người ta thường gọi là đi “lễ hội”. Vâng, đó là chuyện dài nhiều tập ở khắp nơi trên thế giới. Không có lễ hội nào mà không để lại nhiều tai tiếng.

Ở Ấn Độ hay ở Campuchia thảm kịch giẫm đạp lên nhau trong những mùa lễ hội khiến cho hàng trăm người chết là điều năm nào cũng có xảy ra. Riêng gần đây nhất, vào ngày 6.2.2012, có 3 người chết và 3 người bị thương trong dịp lễ hội đèn lồng ở Trung Hoa lục địa.

Còn ở Việt nam ư ! Lấy lễ hội “chùa hương” như một dẫn chứng. Vâng, có lẽ chỉ cần trích bốn chữ nơi hàng “tít” do  Báo Thanh Niên số ra ngày 28.01.2012 đăng, rằng “Bát nháo ở chùa Hương” cũng đủ thấy nơi đó đã xảy ra điều gì.

Hôm nay, sự kiện Đức Giêsu cùng với các môn đệ trẩy hội lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, nếu được viết một nhận xét, có lẽ cũng chỉ cần dùng ba chữ ngắn ngủi… “thật đáng tiếc” !!!

Vâng, đáng tiếc thật ! Đáng tiếc là bởi, với người Do Thái, Giêrusalem được cho là nơi Đức Chúa Trời ngự. Chính Thiên Chúa đã hiện ra với vua Salomôn, sau khi nhà vua hoàn tất việc xây “ĐỀN THỜ Đức Chúa”, và Người đã phán với vua : “Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện và van nài trước nhan Ta, Ta đã thánh hóa ngôi nhà này mà ngươi đã xây cho Danh Ta ngự ở đó muôn đời, Ta sẽ nhìn xem và ưa thích ở đấy mọi ngày” (1V 9, 3)…

Thế mà hôm nay, ôi ! tệ thật. Đức Giêsu, Con Một của Đức Chúa, khi “nhìn xem” tận mắt “ĐỀN THỜ Đức Chúa” nơi đã được-thánh-hóa, lại chỉ thấy một cảnh hỗn độn, lộn xộn bởi “những kẻ bán chiên bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.. trong Đền Thờ”.

Vâng, hỏi sao Đức Giêsu có thể “ưa thích ở đấy” cho được ! Hỏi sao Ngài không “xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ” cho được! Hỏi sao Ngài lại yêu cầu những người bán bồ câu “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”! Hỏi sao “tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra , và lật nhào bàn ghế của họ” !Ga 2, 15).     

“Đòi dấu lạ” để chứng tỏ quyền của Đức Giêsu ư ! Và có cần giải thích lời tuyên bố đầy thách thức của Đức Giêsu rằng : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”!?

Không thấy nhân chứng Gioan ghi lại điều gì. Chỉ thấy Đức Giêsu không nao núng và Ngài dõng dạc cảnh cáo họ rằng : “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, …16).

Một chút tâm tình…

Đối với người Do Thái, đi Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, đúng là một dịp trẩy hội vui mừng. Làm sao không vui mừng cho được vì đây là lễ kỷ niệm ngày thoát ách nộ lệ Ai Cập sau hơn 400 năm.

Nhưng với Đức Giêsu, đi Giêrusalem không phải là đi trẩy hội. Ngay lần đầu tiên lên Thành Thánh, Đức Giêsu đã nói rõ cho cha mẹ Ngài biết rằng : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con đó sao ?” (Lc 2, …49).

“Nhà của Cha con” là nhà nào ? Thưa là Đền Thờ Giêrusalem chứ còn nhà nào nữa. “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” nghĩa là gì ? Thưa là lên Giêrusalem để trở thành “Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian”.

Không. Đức Giêsu lên Giêrusalem không phải là để trổ tài “phép thuật” phá hủy Đền Thờ, nội ba ngày sẽ xây dựng lại.

Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, mỗi khi nói “đi Giêrusalem”, Đức Giêsu đều nói cho các môn đệ biết rằng, là để Người “phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Đi lên Giêrusalem là để Người “bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân Ngoại nhạo bang, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20, 18-19).

Người nói điều này tới ba lần, nhưng chỉ tới khi “Người từ cõi chết trỗi dậy”, các môn đệ mới “nhớ lại Người đã nói điều đó”. Chẳng những họ đã nhớ mà họ còn tin. Họ “tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói”.

Vâng, các môn đệ đã tin rằng “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói chính là thân thể Người”. Là “Đấng Kitô bị đóng đinh”.

Một phút suy tư…  

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ ba mùa chay. Không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ tái chiêm ngắm hình ảnh “Đấng Kitô bị đóng đinh”.

Thế nhưng sẽ chẳng ích lợi gì nếu chúng ta không “cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2, …19).

Dĩ nhiên cùng-chịu-đóng-đinh-với-Đức-Kitô-vào-thập-giá không có nghĩa là phải thực hiện như các bạn trẻ Công Giáo Philippin ở ngôi làng mang tên Cutud.

Ở nơi đấy, vào thứ sáu tuần thánh, họ chọn một người tự nguyện đóng vai Chúa Giêsu vác một cây thánh giá nặng khoảng nửa tạ. Sau mười bốn chặng đàng thánh giá, người tự nguyện nằm lên cây thánh giá, tay chân họ được buộc chặt. Và cuối cùng là người đó bị đóng đinh như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh khi xưa.

Đức Giêsu khi còn tại thế đã phán rằng “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

Ôi ! Lạy Thầy Giêsu. Phải chăng “cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” chính là “phải từ bỏ chính mình”? Thưa , đúng vậy. Phải từ-bỏ-chính-mình hay nói một cách khác, phải “vứt bỏ” những gì có nguy cơ kéo thân thể ta, linh hồn ta xuống địa ngục !

Chúng ta sẽ “vứt bỏ” những gì ? Phải chăng là những thói hư tật xấu ? Phải chăng là quyền lực, danh vọng, tiền bạc ?  Là “con lợn lòng” !!!

Vâng, đã là một Kitô hữu có nghĩa là chúng ta trở nên “Đền Thờ của Thiên Chúa”, mà đã trở nên Đền-Thờ-của-Thiên-Chúa chúng ta phải “xua đuổi”, không phải con chiên hay con bò, nhưng chính là “con lợn lòng” ra khỏi tâm hồn chúng ta, một hiểm họa làm cho đền-thờ-của-Thiên-Chúa sụp đổ.   

Chính con-lợn-lòng đã quyết định số phận của nhiều người. Tấm gương Samson còn đó. “Con lợn lòng” của Samson đã làm cho chàng trai trẻ ngã gục trước Dalila và cuối cùng là cái chết đầy bi ai. Rồi tấm gương vua David cũng chưa phai mờ !

Xưa kia, Thiên Chúa đã cảnh cáo vua Salomôn rằng “Nếu ngươi và các con cháu của ngươi tráo trở bỏ đường lối của Ta, không giữ các mệnh lệnh các giới răn Ta đã đặt cho ngươi… thì Ta sẽ tiêu diệt… Đền Thờ này sẽ là đống hoang tàn” (1V 9, 6…8).

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta để cho tâm hồn mình tràn ngập thói hư tật xấu, chìm đắm đam mê dục vọng… không “từ bỏ con lợn lòng”… có phần chắc rằng, chúng ta- ngôi đền thờ của Thiên Chúa- sẽ không còn “tảng đá nào trên tảng đá nào”.  

Chỉ một cách để thoát khỏi thảm họa trên. Vâng, chúng ta hãy tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói : “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.   

Petrus.tran.


Để lại một bình luận