Ngày 28.01 : Thánh Tôma Aquinô

 

Ngày 28-01

Thánh Tôma Aquinô
Linh mục, Tiến sĩ Hội thánh (1225-1274)


Ngày 28.01 : Thánh Tôma AquinôTại vương quốc Naples, người vợ quí phái của lãnh chúa Aquinô được vị tu sĩ thánh thiện cho biết, con trẻ bà sắp sinh sẽ sáng chói với sự hiểu biết khôn sánh, Người con ấy là Tôma. Ngài sẽ là một vị thánh tiến sĩ trong hàng ngũ các thánh. Tôma sinh tại lâu đài Roccasecca, gần Naples khoảng năm 1225.

Được sáu tuổi cha nàng dẫn tới tu viện Montê Cassinô. Con trẻ được dâng hiến đã hỏi: – Thiên Chúa là gì ?

Và các tu sĩ ngạc nhiên vì thấy chìm đắm trong các suy ngắm (quá sớm và sáng suốt) ấy.

Lúc mười tuổi, Ngài được gửi tới đại học Naples. Các giáo sự đã khám phá ra dưới dáng vẻ nhút nhát của Ngài, một trí khôn thượng thặng và một đời sống siêu nhiên sáng ngời với các đức tính hiền hòa, trong trắng và đức ái của Ngài. Trong những kỳ nghỉ tại lâu đài cùng cha mẹ, Ngài gắng sức trợ giúp người nghèo. Điều này làm cho chủ lâu đài phiền trách Ngài. Tình yêu của Ngài đối với người mẹ thật bao la và đã tạo nên mối dày vò suốt đời.

Khi chưa tốt nghiệp đại học, Tôma đã quyết định vào dòng Đa-minh. Lúc ấy dòng thành lập chưa được ba năm. Gia đình Ngài rúng động với ý tưởng một con người quý phái như vậy lại trở thành một tu sĩ dòng ăn xin. Họ mong mỏi rằng: một ngày kia, ngài sẽ còn làm điều gì đó, để phục hồi vận mệnh của họ bằng việc trở lại làm tu viện trưởng Montê Cassinô. Nghe được tin, các anh của ngài đang là sĩ quan trong quân đội, đã giận dữ. Họ bắt ngài trên đường đi Roma và giam ngài dưới chân tháp của lâu đài. Gia đình gắng công vô ích khi nài nỉ, đe dọa và quyến rũ Tôma đổi ý.

Các anh Ngài còn dùng tới một cô gái làng chơi để hại người nữa. Nhưng cương quyết, Tôma đã dùng cây củi cháy để xua đuổi nàng, rồi dùng than củi này vẽ lên tường hình thánh giá. Quỳ xuống trước hình thánh giá, Toma với nhiệt tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết, lập lại lời hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Được hai năm, các chị Ngài đã cảm động trước sư cương nghị và những khổ cực của Ngài, đã giúp Ngài trốn qua cửa sổ bằng một cái thúng. Các tu sĩ Đaminh đợi Ngài dưới chân tháp.

Tôma khấn dòng ở Naples, rồi đi bộ từ Roma tới đại học Colonia.

Trong môi trường học thức ưu việt này, ngài cố dấu kín các bước tiến khác thường của mình như ngài đã che kín vinh dự gia đình. Không khi nào ngài đã để cho người ta ngờ rằng mình là cháu của hoàng đế Barberoussa và là bà con của vua Frêdêric II cả. Khiêm tốn là bà hoàng của lòng ngài. Ngày kia một bạn học giảng bài cho ngài. Toma phải là bậc thầy của anh, đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn. Đó là thói câm lặng của Toma. Vì bình dị nên ngài bị coi là đần độn. Người ta gọi chàng trai to con này là con bò câm.

Nhưng thày Albertô đã coi Ngài như một thiên tài và tuyên bố: – Con bò nầy sẽ rống lớn, đến nỗi những tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới.

Người sinh viên tài ba này đã tỏ ra dễ dạy như một trẻ em. Tại phòng ăn, vị chủ chăn lầm lẫn, đã bắt Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Toma sửa lại liền. Sau bữa ăn các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân trả lời : – Điều quan trọng không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn vâng phục hay không.

Lúc hai mươi tuổi, Tôma đã được gọi làm giáo sư tại Côlônia, Ngài xuất bản một tác phẩm danh tiếng, rồi đi Paris mở trường dạy triết học ở đường thánh Giacôbê và thụ phong linh mục. Các nhà trí thức tới hỏi ý Ngài. Vua Lu-y IX xin ý kiến Ngài trong những việc hệ trọng và mời Ngài đồng ban dự tiệc.

Nhưng không hoàn cảnh nào đã làm cho Tôma chia trí khỏi những suy tư sâu xa. Chẳng hạn tại bàn ăn của nhà vua, người ta thấy ngài bất chợt ra khỏi sự yên lặng của mình, đập mạnh lên bàn và kêu lên:- Đây rồi, một luận chứng quyết liệt chống lại những người theo phái Manicheô.

Bối rối vì quên rằng mình đang ở trước mặt vua, ngài muốn xin lỗi, nhưng vua thánh đã truyền cho Ngài đọc ngay cho thơ ký chép lại những suy tư có giá trị siêu việt đó.

Kinh nguyện, làm việc và ý chí là những yếu tố tạo nên sức mạnh của Tôma, Ngài nói:

– Ai không cầu nguyện thì cũng giống như người lính chiến đấu mà không có khí giới.
– Ngài định nghĩa sự nhàn rỗi như là:
– Cái búa mà quân thù bửa xuống.

Ngài trả lời cho bà chị hỏi làm sao để được cứu rỗi : – Phải muốn.

Dầu bận việc rao giảng, dạy học và đi tới những nơi Đức Thánh Cha sai tới Thánh Toma vẫn viết nhiều tác phẩm thành công rực rỡ. Trong một lần hiện ra, ngài nghe thấy thầy chí thánh nói với mình: – Hỡi con, con đã viết cách xứng đáng về ta, con muốn được thưởng gì ?

Tôma trả lời: – Ôi lạy Chúa, con không muốn gì ngoài Chúa cả.

Người ta quả quyết rằng: ngài đã nói chuyện với Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh. Và khi cầu nguyện tâm hồn ngài như lìa khỏi xác. Ngài còn được mệnh danh mãi là “Tiến sĩ thiên thần”. Ngài có một tâm hồn vui tươi, nhã nhặn với anh em, đến nỗi có người nói : – Mỗi lần thấy và nói chuyện với ngài, tôi thấy như tràn ngập niềm vui thiêng liêng.

Thánh nhân đã qua mười năm tại Italia. Một phần trong thời gian nầy ở trong giáo triều, Đức Thánh cha Urbanô đã trao phó cho ngài nhiều trọng trách, rõ ràng nhất là lo cải hóa người Do thái. Đức thánh cha còn muốn gọi ngài lên chức giám mục nhưng ngài đã từ chối. Năm 1269 ngài trở lại Paris để dạy thần học. Năm 1272 Ngài được gọi về Naples để lo việc cho nhà mẹ dòng Đaminh. Được năm cuối đời Ngài cống hiến để hoàn tất một tác phẩm vĩ đại, bộ “Tổng luận thần học”.

Nhưng cuối năm 1273 đột nhiên Ngài ngừng viết. Khi dâng thánh lễ, Ngài bỗng có linh nghiệm rằng mình không thể viết thêm được nữa. Réginald, thơ ký của Ngài thúc giục viết thêm, thánh nhân đã trả lời rằng: theo điều đã hiển hiện cho Ngài thì tất cả chẳng ra gì: – “Vì mọi điều tôi đã viết đối với tôi chỉ là rơm rác so với điều đã được mạc khải cho tôi thấy”.

Đức Grêgôriô cho mời thày dòng danh tiếng đến dự công đồng Lyon. Dầu bệnh tật, thánh Toma đã tuân phục và đi bộ với hai anh em để tới dự công đồng. Đi đường lên cơn sốt khiến ngài phải dừng chân tại tu viện Fossa Nova.

Cảm thấy giờ chết gần kề, ngài tuyên xưng đức tin và khi rước lễ, ngài nói: – Tôi tin vững rằng: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong bí tích này, con thờ lạy Chúa, ôi Thiên Chúa, đấng cứu chuộc con”.

Ngài qua đời đơn sơ và dịu hiền của một trẻ em không ngừng chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

Năm 1323 ngài được ghi vào sổ bộ các thánh và được tuyên bố làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1567, Đức Lêo XIII đã đặt Ngài làm Đấng bảo trợ các nhà thần học và các trường công giáo.


 

Để lại một bình luận