Cn 30 a : Dấu yêu mến Chúa là yêu người thân cận

 

Dấu yêu mến Chúa là yêu người thân cận

Lm. Jude Siciliano, OP.
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Cn 30 a : Dấu yêu mến Chúa là yêu người thân cậnThưa quý vị,

“Tôi nghe chính miệng anh ấy nói ra”. “Cô ấy nói riêng với chúng tôi”. Đây là những kiểu nói khi chúng ta muốn đưa ra bằng chứng chắc chắn với ai về điều mà chúng ta nghe được. “Mẹ nói với anh rằng nếu như em không vào nhà ngay thì….” Ngay khi còn nhỏ, lời nói của chúng ta có thể tự nó không có tí trọng lượng nào nếu như chúng ta không dẫn lời của ai đó thực sự có quyền. Tôi không thể khiến anh hay em tôi làm điều họ không muốn, nhưng nếu tôi nói với chúng rằng “Bố nói…” thì lúc đó lại là chuyện khác.

Khi một ngôn sứ có điều quan trọng cần nói, hoặc một chỉ thị nghiêm trọng cần trình bày, họ biết phải trích dẫn ai, “Đức Chúa phán…” Bài đọc trích sách Xuất hành cũng bắt đầu cùng một cách như thế, “Vì thế, Đức Chúa phán…”. Điều gì mà quan trọng đến nỗi tác giả đã phải “dẫn lời” Thiên Chúa để nói với con người. Đó là một giáo huấn dành cho dân Israel về việc phải quan tâm đến những người khác trong cộng đồng của họ, đặc biệt là những người túng quẫn nhất; ngoại kiều, quả phụ, cô nhi và người nghèo. Những người không có tiếng nói hoặc ảnh hưởng gì nhiều trong cộng đồng chính là những người mà dân phải quan tâm và mở rộng vòng tay thương cảm với họ.

Có một lời cảnh báo mạnh mẽ đi kèm với chỉ dẫn. Một “trưng dẫn” khác từ Thiên Chúa được đưa ra. Nếu kẻ cô thế cô thân bị ức hiếp mà “chúng kêu đến Ta”, thì cơn giận của Thiên Chúa sẽ “bùng lên” thay cho họ.

Dân Israel, những người đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, giờ đang lập thành một quốc gia. Lịch sử của dân tộc bày tỏ sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho họ. Vì thế, như một dấu của tương quan giao ước của họ với Thiên Chúa, họ nhớ lại sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho họ khi họ kêu cứu Người lúc họ còn làm nô lệ bên Aicập. Những gì họ nhận được trước đây, thì giờ họ phải làm cho những người khác đang cần đến. Thử tưởng tượng chứng từ mà cộng đồng dành cho những người quan sát bên ngoài thấy khi mà các thành viên của cộng đồng chia sẻ và đảm bảo công bằng cho những ai không có quyền lực. Tại sao một người phải lấy từ trong kho mình để giúp đỡ người khác? Lý do chính là Thiên Chúa đã làm cho họ như thế. Sự chăm sóc của cộng đồng dành cho những người khốn khổ nhất có thể tuyên xưng một Thiên Chúa mà họ tín thác, Đấng luôn bên cạnh những ai kêu xin Ngài.

Thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica tiếp theo bài đọc của tuần trước. Cộng đoàn đó bao gồm hầu hết là dân ngoại, những người nhờ lời rao giảng và đời sống chứng tá của Phaolô, Silvanô và Timôthy, đã quan về với Đức Kitô. Khi họ làm như thế là họ bắt chước các tông đồ và noi gương Chúa. Bằng đức tin của mình, các tín hữu Thêxalônica đã là một lời tuyên xưng và trở thành bằng chứng hùng hồn mà thánh Phaolô đã khẳng định: “chúng tôi không cần nói gì thêm nữa”. Như những người Israel xưa, đã chăm sóc những ai thiếu thốn, cộng đoàn Thêxalônica là một điển hình đức tin cho những cộng đoàn khác.

Các Pharisêu lại cố tìm cách gài bẫy Đức Giêsu. “Thưa Thầy, trong sách luật, điều nào là quan trọng nhất?” Họ là những chuyên gia tôn giáo và những người lý luận tuyệt vời. Dù Ngài có đưa ra điều luật nào đi nữa, họ cũng sẵn sàng săn tay áo và đấu lại.

Trước hết, Đức Giêsu tỏ ra trung thành với truyền thống đức tin của họ bằng cách trích dẫn sách Đệ Nhị Luật 6,5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em…” Đó là một phần trong kinh nguyện hàng ngày (“Shema Israel”) của những người Dothái đạo đức. Ở đây, Ngài có nền tảng chắc chắn. Nhưng Ngài nối kết giáo huấn này với lề luật đòi người ta phải yêu thương người thân cận (Lêvi 19,18). Vậy, đâu là luật cao trọng nhất? Ngài không nói, ngoài những gì mà hai điều trên kết hợp lại, “tất cả lề luật và các ngôn sứ đều tùy thuộc vào”.

Đức Giêsu trích lại những đoạn sách mà những người đang lắng nghe Ngài đều đã biết. Chắc chắn điều đầu tiên thì thiêng liêng và là cốt lõi lời dạy của các bậc thày Dothái. Nhưng Đức Giêsu không phải là người đầu tiên gom hai điều đó chung lại với nhau – yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Điểm mang tính cách mạng ở đây là Ngài đã đặt hai điều này song song với nhau. Người ta không thể chịu được nhưng hiểu được ý Ngài muốn nói: cả hai đều quan trọng như nhau.  Chẳng phải bản tính tự nhiên của chúng ta là đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên hết sao? Trên hết tất cả, đó là Thiên Chúa! Tất cả những quy tắc tôn giáo khác đều quan trọng nhưng ở mức độ thấp hơn. Nhưng Đức Giêsu dạy chúng ta phải xem hai điều đó quan trọng ngang nhau. Evagrius Ponticus, một thần học gia thế kỷ thứ IV, tóm kết giáo huấn này bằng cách khẳng định rằng yêu người thân cận chính là yêu Chúa vì đó là yêu hình ảnh của Thiên Chúa. Martin Luther nói rằng người thân cận của chúng ta thì thiếu thốn nhưng Thiên Chúa thì không, nên việc phụng sự đích thực dành cho Thiên Chúa phải là vì người thân cận của chúng ta.

Tất cả những gì Kitô hữu chúng ta thực hiện trong đời sống thường ngày và trong phụng vụ phải phản chiếu luật yêu thương dành cho cả Thiên Chúa và người thân cận. Điều này như thể một ngôn xứ xưa đã đưa ra lời dạy này với tuyên bố long trọng: “Vì thế Đức Chúa phán…” Thực ra chúng ta có thể cảm thấy lời đó được nói ra từ miệng Thiên Chúa, vì Đức Giêsu đã tuyên bố điều ấy. Và vì thế, mệnh lệnh của Ngài  phải là ưu tiên đối với chúng ta.

Lời dạy của Đức Giêsu đưa chúng ta tránh khỏi một thứ tình yêu hời hợt đối với Thiên Chúa, như thể Chúa là một vị thần-trên-trời nào đó. Chúng ta không thể có được một tôn giáo với thực hành phụng vụ tuyệt vời và những lễ nghi đặc biệt, và rồi cảm thấy ấm cúng dễ chịu chỉ với Thiên Chúa. Thứ tôn giáo này tạo ra một ngẫu tượng, sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta cũng không thể chỉ cố gắng yêu thương người thân cận mà không mảy may đoái hoài gì đến Thiên Chúa, vì căn tính nhân loại của chúng ta là con cái Thiên Chúa, được tạo nên giống như hình ảnh Thiên Chúa. Tin vào phẩm vị cố hữu này của tất cả nhân loại sẽ hướng dẫn chúng ta biết cách đối xử với người khác và giữ chúng ta khỏi khuất phục trước những bất công vì có cái nhìn sai trệch về con người.

Bài Tin mừng nhấn mạnh đến mối liên kết giữa tình yêu người lân cận và tình yêu Thiên Chúa. Trong Tin mừng Matthêu cho thấy rõ ràng Thiên Chúa ở nơi những người khác. Đức Giêsu là Thiên Chúa hiện hữu giữa chúng ta, như trong dụ ngôn tiếp theo (25, 31-46) hành động yêu mến dành cho Ngài được thực hiện qua việc yêu mến người thân cận (“mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, …”).

Lời dạy của Đức Giêsu về tình yêu Thiên Chúa và người thân cận khiến chúng ta cảm thấy quá con người và không thích hợp. Tình yêu mà Đức Giêsu mô tả đòi tất cả mọi thứ của chúng ta. Phần đầu của lời dạy đòi hỏi: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi.” Đây là cách mà Kinh thánh tóm kết trọn vẹn một con người. Nó không chừa một khe hở nào, và không cho phép suy giảm chút nào. Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận là một cách dâng lên của lễ trọn vẹn là chính chúng ta trong việc phụng sự Thiên Chúa.

Giáo huấn của Đức Giêsu không phải nói đến việc chúng ta cảm nhận Thiên Chúa và người thân cận ra sao, nhưng là chúng ta sẽ làm gì. Vì thứ tình yêu mà Ngài nói đến không phải là một thứ cảm xúc, không phải là “tiếng sét ái tình”, nhưng là một tình yêu có thể làm chủ được. Giáo huấn này đan xen trong suốt Tin mừng của thánh Matthêu; đó chính là điều Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ phải thực hiện nếu như muốn đi theo Ngài. “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (10,38-39). Ra như chỉ có một dấu chỉ thực tế cho thấy chúng ta yêu mến Thiên Chúa là chúng ta yêu mến người thân cận của mình.

Để làm nên của lễ là chính chúng ta dâng lên Thiên Chúa hôm nay và canh tân sự dấn thân cho tình yêu như Đức Giêsu đã dạy chúng ta qua lời nói và gương mẫu của Ngài, chúng ta hãy hướng về giây phút tiếp theo đây trong việc cử hành của chúng ta. Chúng ta sẽ đặt bánh và rượu lên bàn thờ, của lễ là chính chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Dĩ nhiên, những thứ ấy không xứng đáng và chúng ta cũng thế. Nhưng chúng ta sẽ cầu xin Thánh Thần ngự đến và biến đổi chúng trở nên Mình và Máu của Đức Kitô. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta và biến đổi chúng ta thành Đức Kitô tình yêu mà chúng ta sẽ lãnh nhận trong ngày hôm nay.


Để lại một bình luận