Cn II Phục sinh : Đừng hoài nghi – Hãy xác tín

Cn II Phục sinh :

Đừng hoài nghi – Hãy xác tín.

Cn II Phục sinh : Đừng hoài nghi - Hãy xác tínĐã hai ngày trôi qua, kể từ khi Đức Giêsu bị kết án tử trên đồi Golgotha. Các môn đệ của Đức Giêsu vẫn sống trong sự hoang mang và sợ hãi.

Truyền thông thần quyền liên tục ra rả tuyên truyền rằng thì là mà cái đám môn đệ của ông Giêsu, lợi dụng đêm tối và sự ngủ quên của lính canh mộ, đến ăn cắp xác rồi phao tin đồn nhảm ông Thầy của họ đã sống lại.

Về phần thế quyền Roma, đâu đó vẫn có những con mắt cú vọ theo dõi nhất cử nhất động nhóm môn đệ của Đức Giêsu.

Người ta thường nói “ngoại cảnh chi phối nội tâm”. Đúng thế, những lời tuyên truyền “láo to” đó đã tác động rất lớn đến các ông. Tác động đến độ, các ông, ai nấy đều  “sợ (đám quần chúng tự phát) người Do Thái” (Ga 20,19).

Tính từ hôm thứ-sáu-đen, ngày Đức Giêsu thọ nạn, cho đến hôm nay là  “ngày thứ nhất trong tuần”…  trời lại đã xế chiều. Sắp hết ba ngày rồi ! Thế mà lời phán hứa của Thầy rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31)… Ôi ! Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm !!!

Vào chiều ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan thuật lại hiện tượng ngôi mộ trống để vực dậy niềm tin cho các bạn đồng môn thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”. Mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”. Đức Giêsu đã hiện đến và nói rằng : “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Sự hoang mang và ngờ vực, sự sợ hãi và lo lắng của các ông được nhường chỗ cho : “niềm vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Thầy đó ư ! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao !

Vâng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”.  Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Những dấu tích mà tám ngày sau Tôma đã phải quỳ mọp xuống khi Đức Giêsu bảo với ông rằng : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Tôma còn gọi là Didymo, người đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ, tám ngày sau đã phải sững sờ nhìn những dấu tích của vết đinh và mũi đòng trên cơ thể Đức Giêsu.

“Nếu … nếu tôi không …”. Vâng, những từ ngữ hoài nghi đó đã biến mất khỏi não bộ của Tôma. Thay vào đó là những lời tuyên tín đầy cảm xúc : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Một chút tâm tình… 

“Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Phải chăng lời trách cứ trên, Đức Giêsu dành riêng cho tông đồ Tôma ? Thực ra, nếu phải trách cứ, thì cả nhóm mười người còn lại cũng cần phải bị trách cứ.

Trước tiên là Phêrô. Sao anh lại chối Thầy ! Sao anh lại chối rằng, “tôi không biết”, tôi không thuộc nhóm các môn đệ của Đức Giêsu !?

Còn Giacôbê, “con của sấm sét” đâu ! Sao lúc Thầy bị bắt, anh lại “chém vè” !!!

Chín anh còn lại, sao không chạy đến, mỗi người một tay, phụ vác thập giá cho Thầy ! Mà lại để cho một anh “ngoại đạo” Simon xứ Kyrene làm công việc đó !

Không ! Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến không phải để “tính sổ” các ông. Không phải để trách móc những yếu đuối của các môn đệ.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.

Ngài đến là để  biểu lộ lòng xót thương qua việc “Ban Bình An” cho các ông. Một thứ bình an không theo kiểu thế gian ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).

Dẫu sao cũng phải cảm ơn sự “cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Chính sự cứng lòng tin đó, mà hôm nay, toàn thể con cái Chúa được Ngài tặng thêm một lời chúc phúc : “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,…29).

Niên trưởng Phêrô cũng đã xác tín điều này khi nói : “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin” (1Pr1,8).

Một phút suy tư… 

Lời chúc “Bình An cho anh em” của Đức Giêsu, phải chăng chỉ dành riêng cho các môn đệ xưa ! Thưa không. Lời chúc đó cũng dành cho mỗi chúng ta hôm nay.

Lời chúc “Bình An cho anh em” mà Đức Giêsu đã gửi đến các môn đệ gợi cho ta nhớ lại “Bữa Tiệc Ly”. Hôm đó, Đức Giêsu đã phán rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến và cũng đừng sợ hãi”. (Ga 14,27).

Chính lời chúc đó, với niềm tin, các môn đệ đã vượt qua sự sợ hãi trước bạo quyền lẫn bạo lực.

Phải chăng sự sợ hãi của các môn đệ xưa, không khác gì sự sợ hãi của chúng ta hôm nay !?

Hôm nay, vẫn còn quá nhiều bất ổn và bất an trong cuộc sống của chúng ta. Bạo lực học đường. Bạo lực đường phố. Bạo lực trong gia đình… mỗi ngày một gia tăng ! Bạo quyền có vẻ như vẫn phát triển khắp nơi trên thế giới !

“… Suy đi nghĩ lại, con thấy lời chúc “Bình An cho anh em” của Chúa Giêsu chẳng khác mấy lời Ngài kêu gọi “Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ!” (Mt 14,27).(Đây là cảm nhận của một blogger với nickname là “chuotdanang”).

“Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ !”. Đừng hoài nghi và hãy xác tín rằng “Thầy” đang đứng bên cạnh chúng ta.

Chúng ta tin !? Nếu tin ! Nếu chúng ta tin. Hãy mở toang cánh cửa sổ tâm hồn mình. Vào những ngày “thứ nhất trong tuần”, đừng vì bất cứ lý do gì mà vắng mặt nơi bàn Tiệc Thánh Thể.

Nơi đó, chúng ta được chạm vào chính Đức Giêsu Phục Sinh.

Nơi đó, Đức Giêsu Phục Sinh luôn đứng chờ đợi chúng ta với lời khẳng định : “Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ”.

Nơi đó, Đức Giêsu Phục Sinh tặng cho chúng ta lời chúc phúc : ““Peace be with you !” – “Bình an cho anh em” (Ga 20,21).

Petrus.tran

 

Trả lời