Cn 09 A : Xây nhà đời mình trên Lời Chúa
Mt 7:21-27
Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ
Thưa quý vị,
Sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta đọc hôm nay tiếp theo những lời Môisê nói về việc Thiên Chúa đã chăm sóc và nuôi nấng họ ra sao. Ông nhắc cho dân chúng nhớ rằng Thiên Chúa thì không hay thay đổi, kiểu như rày đây mai đó, nhưng Ngài đã đi vào giao ước với họ. Sau khi điểm qua những phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện cho họ, Môisê giờ đây khuyến khích họ giữ những điều Luật dạy, nếu như họ muốn tiếp tục sống trong mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Trong ánh sáng mà nhờ đó họ biết Thiên Chúa, làm thế nào họ có thể làm khác đi được?
Chủ đề ân sủng, trải dài suốt trong Sách thánh, được Môisê tóm kết như sau: Thiên Chúa đã chọn một dân nô lệ và mỏng dòn, và đã giải thoát họ. Tất cả là vì Chúa đã đi bước trước, chứ chẳng phải vì dân Israel tốt lành gì hơn các dân tộc xung quanh. Nếu giờ đây họ nhận những gì Chúa đã làm cho họ, thì làm sao lại không giữ luật Chúa và phục tùng Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng họ? Thiên Chúa không bắt ép họ trong một kiểu nô lệ mới bằng cách đòi họ phải tuân phục. Nhưng, giờ đây họ là dân tự do, họ được quyền chọn lựa, “Những lời tôi nói đây, anh em hãy ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”.
Thời tôi còn trẻ, tôi thấy những người Dothái giáo hàng xóm giữ những giáo huấn này khá là chặt chẽ từng chữ. Họ viết những hộp kinh, “ống đựng bản luật của người Dothái”, cột vào cổ tay hay đeo trên trán. Những chiếc hộp nhỏ này đựng các câu trích dẫn Kinh thánh, có thể từ Luật được ghi trong Đệ nhị luật. Những ghi nhớ cụ thể như thế có thể mời gọi họ diễn tả đức tin của mình trong cuộc sống thường nhật. Những dấu chỉ bên ngoài như thế sẽ đi vào nội tâm, không chỉ đối với người Dothái, nhưng cả đối với chúng ta nữa. Tôi tự hỏi chẳng lẽ những quyển Kinh thánh mà rất nhiều người trong chúng ta có ở nhà lại không có được vai trò như những hộp kinh mà những người Dothái nhiệt thành đem theo bên mình hay sao? Kinh thánh đặt trên bàn có nhắc nhớ chúng ta cầm lên đọc và cầu nguyện hay không? Hay đó cũng chỉ là một quyển sách lớn trên bàn trong phòng khách của chúng ta thôi?
Đâu là những lời gay gắt mà Đức Giêsu phê phán những người chỉ gọi Ngài bằng những lời tán tụng (“Lạy Chúa, Lạy Chúa…”), nhưng cuộc sống của họ lại chẳng phản ảnh những gì môi miệng họ thưa thốt. Họ đã không ghi nhớ lời của Ngài và không để cuộc sống của học được những lời ấy hướng dẫn – rốt cuộc thì Ngài đâu có phải là Chúa của họ.
Thế chẳng phải lạ lắm sao? Chẳng phải Đức Giêsu nói rằng những người gọi Ngài “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” cũng nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ nhân danh Ngài đấy sao? Họ chẳng tuyên xưng và hành động nhân danh Ngài đấy sao? Thế tại sao Ngài lại muốn từ chối và đuổi họ ra ngoài?
Đức Giêsu vừa kết thúc Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta đã nghe từng phần Bài Giảng này từ Chúa Nhật thứ IV (30.01.2011). Giờ đây, khi Ngài kết thúc những giáo huấn của mình, thì Ngài đang mời gọi các môn đệ của Ngài và cả chúng ta nữa, chứng tỏ rằng chúng ta đã nghe và hiểu những gì Ngài dạy, bằng cách thực hành những lời ấy. Điều đó hơn cả việc nói tiên tri, trừ quỷ hay làm “những phép lạ” nhân danh Ngài. Điều mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh là “những việc lạ” mà chúng ta sẽ thực hiện phải là mô phỏng theo Bài Giảng trên Núi mà xây dựng đời sống chúng ta: yêu kẻ thù, giúp kẻ túng thiếu, tha cho những ai xúc phạm đến ta, … Chúng ta không thể nói mình tin vào Chúa Giêsu, chỉ bằng cách gọi “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”, mà lại không thực hành những gì Ngài dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi.
Chú ý đến dụ ngôn ngắn mà Đức Giêsu dùng để nhấn mạnh đến quan điểm của Ngài. Lũ lụt xảy đến với cả những ai nghe và thực hành lời Ngài, cũng như những người chỉ nghe suông. Niềm tin không đảm bảo cho chúng ta rằng sẽ không gặp phải bão tố cách này hay cách khác trong cuộc đời này. Điều khác biệt là nếu chúng ta ghi nhớ những gì Đức Giêsu dạy bảo và sống cuộc đời mình theo giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ có được một nền móng vững chắc để đứng trên đó khi chúng ta phải đối diện với những sóng gió của bạo bệnh, bắt bớ, thất vọng, thất bại, chỉ trích, …
Ngôi nhà là nơi chúng ta tìm nơi trú ngụ, bảo vệ, sự ấm áp và an toàn. Vì thế, Đức Giêsu dùng hình ảnh ngôi nhà trong dụ ngôn này như thể muốn nói: “Hãy dùng lời của Ta làm ngôi nhà của anh em: sống trong đó; được những lời ấy nuôi dưỡng; tìm kiếm sự hướng dẫn trong những lúc khó khăn; khám phá trong Lời của Ta sự ấm áp của việc được Thiên Chúa đón nhận khi anh em thất bại; và tìm nơi đó sức mạnh của Thiên Chúa khi anh em cần đến. Hãy dùng lời của Ta làm ngôi nhà của anh em, anh em sẽ không thất vọng. Ở lại trong lời của Ta sẽ giúp anh em đứng vững trong những lúc khó khăn”.
Còn đây là hình ảnh ít thấy trong Kinh thánh mà tôi có được. Một trong những dấu hiệu của xã hội tạm bợ của chúng ta chính là sự phổ biến của những căn nhà di động, tôi thấy chúng khi đi trên những con đường cao tốc ở Mỹ. Vì thế, hôm nay có thể Đức Giêsu nói với chúng ta rằng lời của Ngài giống như một ngôi nhà di động. Nó cùng đi với chúng ta suốt cuộc đời khi chúng ta di chuyển. Trong đó chúng ta tìm được nơi trú ngụ, dinh dưỡng, chỉ dẫn và sự đón nhận khi cuộc sống của chúng ta có những biến động.
Đức Giêsu có lẽ cũng muốn nói đến một loại “nhà” khác nữa – đó là cộng đoàn tín hữu, là Giáo hội. Trong một thời gian khá dài Kinh thánh chỉ là một quyển sách đóng trong một lịch sử Công giáo gần đây. Làm sao mà chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của chúng ta khi mà chỉ nghe những lời này cách gián tiếp qua những câu giáo lý hỏi thưa? Khi còn trẻ (cả những năm đại học) hiếm khi tôi được nghe một bài giảng dựa trên Sách Thánh. Ngày nay, Sách Thánh không chỉ được tôn vinh trên những nơi đáng kính trong thánh đường của chúng ta, nhưng luôn luôn, chúng là nguồn mạch cho những bài giảng mà chúng ta nghe. Hay, ít ra là nên như thế.
Có lẽ chúng ta cũng chẳng phải là những Kitô hữu tốt hơn cha ông chúng ta. Nhưng nếu Giáo hội, gia đình của chúng ta, được xây trên đá tảng là Lời của Đức Giêsu nói với chúng ta, thì chúng ta có cơ may được nghe Lời Chúa, ghi tạc vào lòng và hình thành đời sống chúng ta theo đó. Hy vọng là thế.
Hãy hy vọng rằng, ngày càng có nhiều nhà giảng thuyết lấy những bài đọc được chỉ định để nghiêm túc biến nó thành ngôi nhà mà trong đó họ soạn bài giảng và giảng, từ nơi trung tâm đó, những hoa trái của Lời trổ sinh. Mong rằng, những ai nghe các bài giảng dựa trên Kinh thánh đó sẽ khao khát hơn nữa để tìm kiếm cách thức làm cho Kinh thánh trở nên ngôi nhà của họ bằng cách biến chúng thành những lời cầu nguyện và chiêm niệm hằng ngày.
Trong những chuyến đi của tôi, tôi phát hiện ra một số giáo xứ có tổ chức những nhóm nhỏ chia sẻ Kinh thánh – thật tuyệt vời khi cùng lắng nghe Lời Chúa với những người khác và chia sẻ với nhau những gì chúng ta có thể áp dụng điều chúng ta nghe được. Hoặc, sử dụng hình ảnh của Đức Giêsu dùng hôm nay, chúng ta lắng nghe Lời Chúa nhờ đó chúng ta xây nhà trên đá. Bão tố chắc chắn sẽ đến bất ngờ trong cuộc đời ta. Nhưng Đức Giêsu hứa chúng ta sẽ đứng vững trong những thời khắc đó nếu chúng ta xây cuộc đời mình trên lời của Ngài.
Tôi tự hỏi đối với những người ngoại giáo, đức tin của chúng ta hiển hiện ra sao? Nếu họ ở cùng chúng ta một tuần liệu họ có thể thấy nơi hành động của chúng ta biểu lộ những gì chúng ta tin tưởng hay không? Đấng mà chúng ta tin? Khi chúng ta nói: “Lời nói rẻ bèo”. Phải chăng chúng ta đang sống đức tin của mình, bằng mọi giá, hay tất cả chỉ là lời nói và rồi chúng ta lẩm bẩm : “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” trong khi chẳng thèm bày tỏ những lời ấy bằng hành động đức tin.