Đức Bênêdictô 16 nêu cao gương thánh Đaminh

 

Đức Bênêdictô 16 nêu cao gương thánh Đaminh

Ngọn lửa truyền giáo
phải luôn nung nấu con tim của Giáo Hội

Linh Tiến Khải (Đài Vatican 03.02.2010)


Đức Bênêdictô 16 nêu cao gương thánh ĐaminhNgọn lửa truyền giáo phải nung nấu con tim của Giáo Hội, thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người và sống phù hợp với điều chúng ra rao giảng, mà không để cho mình bị cám dỗ kiếm tìm địa vị và quyền bính.

Đức Bênêdictô XVI khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư 3-2-2010 tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt của một vị thánh lớn sống đồng thời với thánh Phaxicô Assisi: đó là thánh Đaminh, vị sáng lập dòng các Anh Em Giảng Thuyết, hay cũng quen gọi là Dòng Đaminh. Nét nổi bật trong cuộc sống của thánh nhân là “luôn luôn nói với Chúa và nói về Chúa”.

Trong cuộc đời các thánh tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân, việc tìm kiếm vinh danh Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn luôn đi đôi với nhau.

Gợi lại tiểu sử thánh Đaminh Đức Thánh Cha nói:

“Thánh Đaminh sinh tại Caleruega bên Tây Ban Nha khoảng năm 1170 và thuộc gia đình quyền qúy vùng Caleruega. Được một ông cậu linh mục nâng đỡ cho theo học một trường nổi tiếng tại Palencia, cậu Đaminh cho thấy mình thích học môn Kinh Thánh và rất yêu thương người nghèo, đến độ có lần bán cả sách để lấy tiền giúp các nạn nhân của một trận đói kém.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Đaminh được chọn làm kinh sĩ nhà thờ chính tòa giáo phận. Thay vì coi đó như là lý do tăng uy tín cá nhân và dịp tiến thân trong Giáo Hội và giữa lòng xã hội, cha Đaminh coi đó là việc phục vụ phải thi hành với sự tận tụy và lòng khiêm tốn. Tiến thân và quyền bính cũng là một cám dỗ thường xuyên đe dọa những người có nhiệm vụ linh hoạt và cai quản trong Giáo Hội.

Đức Cha Diego, Giám Mục giáo phận Osma, một chủ chăn nhiệt thành, nhận ra ngay các đức tính tinh thần của cha Đaminh và muốn cha cộng tác với mình. Ngài đem cha theo trong các chuyến đi thi hành sứ mệnh ngoại giao do vua Castille giao phó tại các nước miền bắc Âu châu. Nhờ đi đó đây như thế, Cha Đaminh nhận ra hai thách đố rất lớn đối với Giáo Hội thời đó: thứ nhất, là sự kiện nhiều dân tộc chưa được rao truyền Tin Mừng, và thứ hai, là tình trạng rách nát tôn giáo làm suy yếu cuộc sống Kitô tại miền nam nước Pháp, nơi có vài nhóm lạc giáo gây xáo trộn và xa rời chân lý đức tin. Thế là thánh Đaminh nhất quyết chọn sứ mệnh truyền giáo cho những người chưa biết Chúa và tái truyền giảng Tin Mừng cho các cộng đoàn Kitô. Chính Đức Giáo Hoàng xin cha Đaminh đảm trách rao giảng Tin Mừng cho bè phái lạc giáo Albigeois.

Nhóm lạc giáo này theo thuyết Nhị Nguyên, rao giảng hai nguyên lý tạo dựng Thiện Ác cùng quyền năng như nhau. Họ khinh rẻ vật chất phát xuất từ nguyên lý sự dữ, đến khước từ cả hôn nhân, sự nhập thể của Chúa Kitô, các bí tích trong đó Chúa ”đụng tới” chúng ta qua vật chất và khước từ cả sự sống lại của thân xác nữa. Các người theo bè phái Albigeois có cuộc sống nghèo nàn khắc khổ gương mẫu và họ chỉ trích nếp sống giầu sang của hàng giáo sĩ thời đó. Thánh Đaminh hăng hái nhận sứ mệnh này và thực hiện nó với nếp sống nghèo nàn khắc khổ của người qua việc rao giảng Tin Mừng và các cuộc tranh luận giữa công chúng. Và thánh nhân dành suốt cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống trong các thành phố và nhất là, cho giới sinh viên trí thức đại học, nơi các khuynh hướng trí thức mới trở thành một thách đối với đức tin của giới có học.

Thánh nhân nhắc cho chúng ta biết rằng ngọn lửa truyền giáo phải luôn cháy sáng trong con tim của Giáo Hội và không ngừng thúc đẩy công tác rao truyền Tin Mừng và nếu cần tái rao giảng Tin Mừng. Thật thế Chúa Kitô là thiện ích lớn lao nhất mà con người thuộc mọi thời đại và nơi chốn có quyền hiểu biết và yêu mến. Thật là an ủi khi thấy cả ngày nay nữa trong Giáo Hội, cũng có biết bao nhiêu người gồm các chủ chăn và giáo dân, cũng như tu sĩ các dòng tu cũ mới và các phong trào, tươi vui xả thân loan báo và làm chứng cho Tin Mừng.

Bị lôi cuốn bởi khát vọng này, đã có nhiều người nhập đoàn với thánh Đaminh. Và thế là nảy sinh ra dòng Anh Em Giảng Thuyết Đaminh, và cộng đoàn đầu tiên được thành lập tại Toulouse bên Pháp. Theo các chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Innocentê III và Honorio III thánh Đaminh lấy Luật của thánh Agustino và thích ứng nó với các nhu cầu của đời sống tông đồ, khiến cho các tu sĩ di chuyển đây đó để rao giảng, rồi lại trở về tu viện là nơi nghiên cứu học hỏi, cầu nguyện và sống đời cộng đoàn. Thánh Đaminh muốn đề cao hai giá trị cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng được thành công: đó là cuộc sống cộng đoàn trong nghèo khó và việc học hỏi.”

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nêu bật đặc tính của dòng Anh Em Giảng Thuyết là khất thực, nghĩa là không có các tài sản và đất đai rộng lớn phải quản trị. Yếu tố này khiến cho các tu sĩ sẵn sàng hơn với việc học hỏi nghiên cứu và rao giảng lưu động, và là chứng tá sống động cụ thể đối với dân chúng.

Việc cai quản trong các tu viện và tỉnh dòng Đaminh được tổ chức theo cơ cấu tu nghị bầu các bề trên, rồi được các Bề trên Thượng cấp phê chuẩn sau đó: nghĩa là một tổ chức khích lệ cuộc sống huynh đệ và tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi thành phần cộng đoàn, và đòi buộc phải có các xác tín cá nhân cao độ… Chân lý được học hỏi và chia sẻ trong tình bác ái với các anh em khác, là nền tảng sâu xa nhất của niềm vui.

Nói về thánh Đaminh, chân phước Giordano de Saxe viết: ”Thánh nhân tiếp đón mọi người với tình bác ái lớn lao và bởi vì người yêu mến tất cả, nên tất cả đều yêu mến người. Người tự đặt cho mình một luật lệ đó là vui với người vui và khóc với người khóc”.

Đặc điểm thứ hai, đó là thánh Đaminh đã có một cử chỉ can đảm khi gửi các tu sĩ của dòng theo học tại các đại học thời đó, vì người muốn các tu sĩ nhận được một sự đào tạo thần học vững chắc, mặc dù nhiều người nghi kỵ các cơ cấu trí thức này. Hiến pháp dòng Đaminh rất coi trọng việc học hỏi như là sự chuẩn bị cho công tác tông đồ. Thánh nhân muốn các tu sĩ dấn thân học hỏi với trí thông minh và lòng đạo đức; một việc học hỏi dựa trên Kinh Thánh là linh hồn của mọi hiểu biết thần học, và có thái độ tôn trọng đối với các vấn nạn do lý trí đặt ra. Sự phát triển của nền văn hóa đòi buộc những người có sứ mệnh rao giảng Lời Chúa phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Và Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

“Vì thế tôi khích lệ tất cả, các chủ chăn và giáo dân vun trồng ”chiều kích văn hóa” của đức tin, để cho vẻ đẹp của chân lý Kitô có thể được hiểu biết một cách tốt đẹp hơn, và đức tin có thể thực sự được dưỡng nuôi, củng cố và bảo vệ. Trong Năm Linh Mục này, tôi mời gọi các chủng sinh và linh mục biết quý trọng giá trị tinh thần của việc học hỏi. Phẩm chất của thừa tác linh mục cũng tùy thuộc nơi lòng quảng đại mà mỗi người áp dụng cho việc học hỏi các chân lý mạc khải.

Thánh Đaminh là người đã muốn thành lập dòng các vị giảng thuyết thần học gia, nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng thần học có chiều kích tu đức và mục vụ, khiến cho linh hồn và cuộc sống được phong phú… Khẩu hiệu của các tu sĩ Đaminh ”thông truyền cho người khác điều đã chiêm niệm” giúp chúng ta khám phá ra khát vọng mục vụ trong việc chiêm ngắm học hỏi chân lý.

Khi thánh Đaminh qua đời vào năm 1221 tại Bologna, là thành phố đã chọn thánh nhân làm Bổn Mạng, với sự yểm trợ của Tòa Thánh, dòng Anh Em Giảng Thuyết đã được phổ biến tại nhiều nước Âu châu và sinh ích lợi cho toàn thể Giáo Hội. Cha Đaminh đã được tôn phong hiển thánh năm 1234.

Chính ngài đã chỉ cho chúng ta thấy hai phương thế không thể thiếu, khiến cho công tác tông đồ sinh nhiều hoa trái. Trước hết, là lòng sùng kính Đức Mẹ, mà ngài đã vun xới với lòng hiền dịu và để lại như gia tài quý báu cho con cái thiêng liêng của ngài. Trong lịch sử Giáo Hội, các tu sĩ Đa minh đã có công lớn trong việc phổ biến Kinh Mân Côi, là lời kinh rất được Kitô hữu ưa thích và giầu giá trị Tin Mừng và là một trường học đích thật của đức tin và lòng đạo hạnh. Thứ hai, thánh Đaminh đã lo lắng cho một số tu viện nữ tại Pháp và Roma, và tin chắc nơi giá trị của lời cầu nguyện cho công tác tông đồ. Chỉ trên thiên đàng, chúng ta mới hiểu được lời cầu nguyện của các nữ tu dòng kín đồng hành với hoạt động tông đồ một cách hữu hiệu tới mức nào ! Tôi xin cám ơn từng nữ tu dòng kín một với tâm tình biết ơn trìu mến.”

Kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói : Cuộc sống của thánh Đaminh Guzman thôi thúc chúng ta sốt sắng trong lời cầu nguyện, can đảm sống đức tin, và say mê Chúa Giêsu Kitô. Nhờ lời bầu cử của người, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho Giáo Hội có nhiều vị rao gảng Tin Mừng đích thực.


Để lại một bình luận