Ước Mơ Của Đôi Nạng Gỗ…
Chiều nay đi ngang Trung tâm Chấn thương chỉnh hình chợt thấy thời gian qua nhanh lạ! Mấy năm rồi chưa lần nào tôi trở lại nơi đây. Cô bé hôm nào biết đâu đã vào đại học như ngày nào em hồn nhiên mơ ước.
Năm năm trước, tôi và bố khăn gói lên thành phố dự thi đại học. Hai bố con ở nhờ một căn phòng của người bạn bố, làm việc trong Trung tâm chấn thương chỉnh hình. Không như nhiều bạn khác, lao vào xem lại bài vở, tôi dành thời gian quan sát cuộc sống xung quanh nơi trung tâm bé nhỏ với nhiều cảnh đời mà tôi cho là lạ lẫm.
Một ngày không biết bao nhiêu người vào ra nơi này, phần lớn họ đều khiếm khuyết. Mỗi người là một hoàn cảnh riêng. Có người thiếu đôi bàn tay, có người đi nạng; nguyên nhân: người vì bệnh tật, kẻ do tai nạn xe cộ, đánh nhau… Một góc nhỏ trung tâm thành phố mà thu gọn không biết bao nhiêu phận người.
Cạnh phòng tôi ở luôn có tiếng hát. Ngày đầu khi ngồi nhìn khuôn viên sân trung tâm từ cửa sổ trên phòng, nghe tiếng hát tôi nghĩ đó là cô dọn dẹp vệ sinh. Tiếng hát trong trẻo và khá vui tươi. Đôi khi có thêm tiếng một người khác, cả hai râm ran đủ chuyện. Hôm sau chỉ nghe mình tiếng hát, ngồi mãi trong phòng không ai nói chuyện cũng buồn, tôi ra bắt chuyện.
Cả hành lang không bóng người, ngoài một cô bé trạc 13 tuổi đang ngồi hát một mình với hai ống quần buông thõng. Cạnh em là quyển sách cùng hai cây nạng gỗ. Tôi ngạc nhiên nhìn em như không tin vào mắt mình: tiếng hát trong trẻo tôi vừa nghe là của một cô bé mất đôi chân… Em cười rất tươi bắt chuyện cùng tôi. Tôi hỏi em cô bạn thường ngày đâu rồi, em lắc đầu: “Người đi khám bệnh đó. Em bắt chuyện cho vui chứ em ở đây có một mình. Ba mẹ về dưới quê rồi. Mấy ngày nữa mới lên”!
Rồi tôi và em nhanh chóng trở nên thân mật. Em nói với tôi đủ chuyện vui vẻ như người bạn thân quen đã lâu. Quê em ở Tiền Giang, cả nhà làm nông và em là chị cả, sau em còn năm đứa em. Gia cảnh khá nghèo nhưng chị em em vẫn được đi học. Năm nay em lên lớp 10. Mất đôi chân nhìn em nhỏ bé hơn so với tuổi. Ấy vậy mà tuyệt nhiên đôi mắt em trong veo, không chút ái ngại, xót xa cần ai thương hại.
Em kể tôi nghe về những ngày lũ mẹ em chèo ghe đi nhận mì gói về cho cả nhà, những ngày khó khăn em đi hái bông điên điển phụ ba mẹ kiếm tiền nuôi em.
Tôi đánh liều hỏi vì sao đôi chân em như vậy. Những tưởng sẽ làm em buồn vì chạm nỗi đau, nhưng em vẫn kể tôi nghe bằng một giọng lạc quan vui vẻ. Một lần tham gia trong cuộc thi chạy của trường, về nhà hai chân em bỗng nhiên sưng to và nhức buốt. Không đi được, bố mẹ đưa đến bệnh viện thị trấn, họ chyển lên tỉnh rồi lên Sài Gòn. Và cuối cùng em phải chấp nhận cưa mất đôi chân. Ngồi với tôi, chỉ một thoáng buồn trong đôi mắt khi em nói: “Năm sau em lên cấp III. Tiếc quá! Không biết có được mặc áo dài không!”.
Mấy ngày tôi thi, em đều qua hỏi có làm bài được không. Em vui vẻ chia sẻ: “Em thích làm cô giáo dạy văn. Em học văn khá lắm!”. Tôi cười mà cổ họng nghẹn đắng. Vẫn biết rất khó có hình ảnh một cô giáo mặc áo dài cùng đôi nạng gỗ lên lớp nhưng tôi cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến với em.
Nói chuyện với em tôi thấy lòng rộn lên nhiều điều cảm xúc, vừa vui vừa buồn. Vui vì nụ cười và ánh mắt trong trẻo cùng cách kể chuyện lạc quan rất có duyên của em. Buồn vì ái ngại cho cuộc đời sao quá trớ trêu. Một cô bé khuyết tật lại mang tâm hồn lạc quan hơn bất cứ người nào lành lặn. Giá cuộc đời để lại cho em đôi chân, hẳn em sẽ làm được nhiều điều lắm! Có những người lành lặn nhưng tâm hồn khiếm khuyết vì những bon chen, âu lo, sầu não… Nhưng cũng có những người như em, cô bé lạc quan luôn đem lại tiếng cười và sự vui vẻ cho người khác dẫu rằng cuộc đời bất công và không trọn vẹn.
Ngày thi cuối cùng tôi và bố về. Tôi động viên chúc em thực hiện được ước mơ, em nhìn theo cười rất tươi và vẫy tay chào. Rời khỏi trung tâm, tạm biệt em mà nụ cười còn theo tôi mãi. Có những nụ cười qua đi nhưng có nụ cười ở lại – nụ cười dạy tôi bài học sâu sắc về cuộc sống, nhân sinh.
Chiều thứ bảy hôm nay không dưng có dịp đi ngang nơi cũ, lòng bâng khuâng nhớ về em, bài học đầu tiên về cuộc sống mà tôi học được trước khi bước vào cánh cửa giảng đường. Không biết em giờ ra sao nhưng tôi cầu mong ước mơ hôm nào của em sẽ thành sự thật – ước mơ của cô bé biết vượt lên số phận để sống lạc quan, sống có ước mơ.
Thủy Nguyên